Neuroplasticity (khả biến thần kinh) và nhân sinh quan

Các vùng vỏ não đã từng được gán cố định cho một chức năng thần kinh nhất định (localization), ví dụ như fusiform face area, một vùng nhỏ bên não phía sau tai, là để nhận diện khuôn mặt, vùng thị giác visual area V4, V5 để xử lí tín hiệu đưa từ mắt. Tuy nhiên, cho đến những năm 1960, thiết bị để nhìn cho người mù bẩm sinh của Paul Bach-y-Rita đã thay đổi cách nhìn nhận của giới khoa học về bộ não, đồng thời khái niệm neuroplasticity dần dần được chấp nhận và đưa vào nghiên cứu rộng rãi.

Bắt nguồn từ một thí nghiệm cho thấy vùng não xử lí hình ảnh của con mèo còn xử lí cả âm thanh và xúc giác, Bach-y-Rita đã chú ý đến neuroplasticity và thực hiện nhiều nghiên cứu liên quan. Bên cạnh thiết bị giúp cho người mù bẩm sinh có thể nhìn, Bach-y-Rita còn thiết kế nhiều thiết bị trợ giúp trong y tế khác như thiết bị đóng vai trò như một tuyến yên nhân tạo để giúp cho những người chức năng giữ cân bằng của tuyến yên không hoạt động, hay găng tay có thể cảm nhận được dành cho các phi hành gia…


Nói nôm na, neuroplasticity là khả năng có thể thay đổi của các neuron thần kinh hoặc những liên kết của chúng để thích ứng, học điều mới hoặc chữa lành một khiếm khuyết nào đó. Có thể nói khái niệm “open minded” (suy nghĩ phóng khoáng, sẵn sàng tiếp thu cái mới) là một khái niệm đã cũ nhưng một phần dựa trên nền tảng neuroplasticity này.

Khi chúng ta học một điều mới, các neurons sẽ hình thành liên kết để tiếp nhận và xử lí nó dựa trên các kiến thức sẵn có. Nếu liên kết này được nhắc lại, con đường mòn sẽ dần hình thành. Càng lặp lại nhiều lần, con đường càng rõ rệt, giống như khi ta học thuộc lòng. Tuy nhiên, nếu không chỉ đơn giản là học thuộc nó, mà ta tìm thấy mối liên quan giữa kiến thức này với những kiến thức sẵn có, các liên kết sẽ càng chặt chẽ. Đơn giản như khi học ngoại ngữ, khi ta nghe và nói nhiều lần, các câu từ sẽ tự động được ghi nhớ và phát ra đúng hoàn cảnh, còn khi không sử dụng đến, ta có thể quên, kể cả tiếng mẹ đẻ.

Tiến sĩ Phương Mai, tác giả cuốn sách Con đường hồi giáo có một bài rất hay về neuroplasticity rằng không hề tồn tại bản ngã mà chúng ta hằng đi tìm. Chúng ta mài dũa nên bản thân nhờ những cuốn sách ta đã đọc, nhờ những người chúng ta đã gặp, đã nói chuyện, những câu nói, cách hành xử của cha mẹ, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp. Vì vậy nên không ai giống ai trong suy nghĩ, vì không ai sống một cuộc sống giống như người kia, không phải lúc nào cũng đi chung một đường, gặp chung một người.

Đọc các cuốn sách của những người thành công đôi khi ta thấy mình trong đó, nhưng tự hỏi tại sao mình chưa thành công được như vậy. Thực ra ta không phải là họ, nhưng việc đọc những sách đó có thể giúp ta thay đổi một vài thói quen xấu, hoàn thiện bản thân hơn ngày hôm qua. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể rèn luyện bản thân bằng cách hạn chế các kích thích không tốt, và tăng cường các kích thích có lợi. Ai đã từng đọc cuốn sách Em phải đến Havard học kinh tế sẽ biết bà mẹ Lưu Vệ Hoa rèn cô bé Đình Đình như thế nào, và trải qua nhiều năm, cô bé Đình Đình ấy đã gặt hái nhiều thành công nhờ các thói quen tốt được rèn luyện từ nhỏ của mình.

Đầu năm 2017, một bài báo khoa học được đăng trên tạp chí Frontiers in Human Neuroscience về việc sử dụng các hình ảnh tích cực để huấn luyện bản thân tránh khỏi các rối loạn lo lắng, trầm cảm bệnh lý cũng như căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày. Các tình nguyện viên được tham gia khoá huấn luyện 2 ngày để học cách tự huấn luyện bản thân tránh các cảm xúc tiêu cực bằng các hình ảnh tích cực. Sau đó họ sẽ tự huấn luyện bản thân  tại nhà theo cách đã được hướng dẫn trong vòng 12 ngày, mỗi ngày 15-20 phút. Kết quả điện não đồ so sánh trạng thái trước và sau quá trình tự huấn luyện cho thấy các triệu chứng chán nản đã giảm, họ hài lòng với cuộc sống hơn.

Nghiên cứu trên cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh bản thân để có cuộc sống thoải mái hơn, viên mãn hơn. Hiểu hơn về bản thân mình, về khả năng của bản thân, ví dụ như về neuroplasticity, cũng như biết chấp nhận bản thân, biết giới hạn của bản thân để có giải pháp điều chỉnh phù hợp sẽ giúp ta sống cuộc sống hạnh phúc hơn. Nói tóm lại, suy nghĩ và hành động của chúng ta hôm nay sẽ định hình con người chúng ta trong tương lai.

Charlotte

Nguồn tham khảo:
The Brain That Changes Itself: Stories of Personal Triumph from the Frontiers of Brain Science, Norman Doidge.
https://www.sciencedaily.com/releases/2017/02/170224111813.htm
http://cuoituan.tuoitre.vn/tin/cuoc-song-muon-mau/cua-so-khoa-hoc/20170128/hanh-trinh-cua-ban-nga/1254631.html
Em phải đến Havard học kinh tế, Lưu Vệ Hoa, Trương Hán Vũ.

Chia sẻ ý kiến của bạn:

One Response

  1. Quân Trần 13/11/2020

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+