Có nên coi con cái là số một?

John Rosemond, một chuyên gia tâm lý trẻ em và gia đình, đã viết trong tờ Naples Daily News gần đây, rằng con cái không nên là tâm điểm trong gia đình. Không nói đến những em bé được cưng chiều muốn gì được nấy như Rosemond đề cập đến, thì việc coi con cái là số một trong gia đình cũng gây ra nhiều vấn đề.

1. Vai trò của con cái

Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của con cái trong hôn nhân. Sau một thời gian sống chung, cùng với vấn đề cơm áo gạo tiền và một vài lần bất đồng quan điểm, tình cảm lứa đôi đã bớt nồng nhiệt, sự xuất hiện của thiên thần nhỏ như ánh sáng ban mai soi rọi vào căn nhà. Vợ chồng từ đó có chung mục tiêu mới. Đứa con trở thành sợi dây gắn kết khi ba mẹ nào cũng muốn nuôi dạy con cái mình thành những người thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.

Đúng là khi cùng nhau nuôi dạy con cái, vì mong muốn con cái tốt hơn ba mẹ cũng cố gắng thay đổi bản thân mình thành người tốt hơn, có trách nhiệm hơn. Quá trình nuôi dạy con là quá trình cha mẹ không ngừng học hỏi và hoàn thiện bản thân. Vì vậy con cái quả thật rất quan trọng trong gia đình.

2. Khi coi con là số một, suy nghĩ đó sẽ điều khiển hành động của cha mẹ, một cách vô thức.

Một người bạn của tôi, mẹ của bạn luôn coi chị em bạn ấy là kim chỉ nam trong cuộc sống. Và mẹ bạn đã làm rất tốt việc nuôi dạy con và cho con một cuộc sống đầy đủ vật chất. Hai chị em bạn ấy không thiếu thứ gì và cả hai đều xinh đẹp, học giỏi, ăn mặc phong cách. Tuy nhiên mẹ người bạn này lại không coi trọng cuộc sống cá nhân của mình. Cô luôn nghĩ chồng cô cũng nên làm như cô, tập trung vào con cái chứ không phải hưởng thụ cuộc sống của mình. Rồi chồng cô có quan hệ khác ngoài hôn nhân, tôi nghĩ là vì hai người không bồi đắp tình cảm quan hệ vợ chồng. Rồi cô suốt ngày chửi bới chồng vì cô nghĩ cô lúc nào cũng hy sinh vì con cái còn chồng cô chỉ lo hưởng thụ riêng mình. Rồi chồng cô không chịu nổi cuộc sống ngột ngạt nên bỏ đi, hai chị em bạn tôi vì vậy mà buồn khổ, tự ti.

Facebook đã một thời dậy sóng vì bức hình người mẹ dắt chiếc xe máy to đùng lội trên con đường ngập nước, trên xe là đứa con cao to hơn người mẹ ấy nhiều ngồi chễm chệ. Người mẹ mang tâm lý của một thời khó khăn kiếm miếng cơm manh áo nên chăm chút từng li từng tí cho con, con chỉ cần tập trung học vì tương lai. Chỉ có điều người mẹ không nghĩ đến việc chỉ học thôi liệu có đủ hành trang cho con? Con cần được chuẩn bị nhiều kỹ năng khác ngoài đến trường, học bài. Con cần tự tìm thấy động lực, mục tiêu cuộc sống của mình, con cần làm quen dần với  các mối quan hệ xã hội, con cần tập tự lập hơn. Nói chung, con cần một cuộc sống cân bằng hơn và cha mẹ cũng vậy.

3. Làm sao để con cái phát triển lành mạnh?

Cũng trải qua thất bại trong hôn nhân nhưng vẫn giữ được một nhịp sống gia đình tốt, con cái có cuộc sống tinh thần khỏe mạnh, tác giả Thu Hà đã viết trong cuốn sách “Con nghĩ đi mẹ không biết của mình”, rằng khi cha mẹ đau khổ thì con cái sẽ dành phần lỗi về cho mình, và còn đau khổ nhiều hơn cha mẹ ấy.

Đúng vậy, không ai chọn cha mẹ cho mình được cả. Vì vậy những bậc cha mẹ hoặc những người sẽ làm cha mẹ hãy cố gắng nuôi dưỡng cuộc sống tinh thần và tất cả các mối quan hệ của mình. Cha mẹ, đặc biệt là người mẹ hãy dừng hy sinh hoặc dừng nghĩ là sẽ/phải hy sinh, dành thời gian và sức lực để làm đẹp bản thân, để thường xuyên cùng nhau đi ăn tối lãng mạn, dành những lời có cánh cho nhau như lúc mới hẹn hò, để gặp gỡ bạn bè nhiều hơn, để đầu tư cho tương lai của chính mình nhiều hơn thay vì chỉ chăm chăm đầu tư cho con. Hãy cho con mình một môi trường sống cân bằng và lành mạnh. Sức khỏe tinh thần còn quan trọng hơn nhà to, xe đẹp nhiều.

Tham khảo: http://www.rosemond.com/December-2016.html – “Con nghĩ đi mẹ không biết”, Thu Hà – mẹ Xu Sim.

– Charlotte – 

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+