Yêu bản thân có nghĩa là gì?

Để có được cảm giác yên bình, chúng ta cần sự cân bằng: cân bằng giữa làm và chơi, giữa nhanh chóng và kiên nhẫn, giữa tiêu pha và tiết kiệm, giữa pha trò và nghiêm cẩn, giữa ra đi và ở lại. Thất bại trong việc đạt đến sự cân bằng trên mọi phương diện của cuộc sống có thể khiến bạn cảm thấy kiệt quệ, bị bủa vây giữa muôn vàn cảm xúc tiêu cực khác, chẳng hạn như cảm giác tội lỗi.

Sau đây là một ví dụ cho việc cân bằng giữa nhanh chóng và kiên nhẫn. Nếu bạn là trưởng nhóm đề tài của một bài tập năm cuối đại học, và bạn bắt gặp một thành viên mà bạn quý mến trong nhóm dành thời gian cho mạng xã hội thay vì hỗ trợ công việc chung của nhóm, bạn có thể cho phép bản thân nhắm mắt làm ngơ việc này. Nếu họ lặp đi lặp lại hành động đó và bạn phát hiện năng suất làm việc của họ sụt giảm, bạn có thể cảnh cáo họ rằng nếu điều đó vẫn tiếp diễn, bạn sẽ phải báo cáo trường hợp của họ lên khóa trưởng. Nếu sau đó, họ phớt lờ bạn và tiếp tục cách cư xử như cũ, liệu bạn có cảm thấy tội lỗi về việc sẽ có những hành động mạnh tay hơn?

 

 

Nếu bạn là một người lương thiện và giàu lòng trắc ẩn, bạn có thể sợ hãi việc làm tổn thương cảm xúc của họ và đẩy họ vào những tình cảnh trái ngang. Nếu trường hợp của họ bị báo cáo lên khóa trưởng, họ có thể đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến điểm tốt nghiệp của họ cũng như có tác động đến tương lai của họ về sau. Tuy vậy, họ đang thiếu tôn trọng và phớt lờ những cảnh báo của bạn. Bạn cảm thấy dường như với họ, lòng tốt của bạn là một lẽ dĩ nhiên, không cần hồi đáp. Và nhiều khả năng bạn sẽ cảm thấy lo lắng rằng những thành viên khác trong nhóm sẽ nảy sinh cảm giác bất mãn nếu họ coi sự khoan hồng mà bạn dành cho thành viên kia là hành vi thiên vị.

Trong trường hợp này, nếu bạn là một người lương thiện, trung thực và thích sự công bằng, bạn không cần phải cảm thấy tội lỗi khi đưa ra những hành động mạnh tay hơn. Quan trọng là phải nhận ra rằng, chẳng có gì là bất công khi để những người không hề quan tâm bạn ra đi.

Với tư cách là một trưởng nhóm, bạn có thể tự nhủ rằng bạn đã cố gắng hết sức rồi, và thật không may là thành viên kia lại không biết cách cư xử. Nếu bạn không hành động, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro như đánh mất sự bình yên trong tâm hồn, sự tôn trọng của cả nhóm và ảnh hưởng xấu đến điểm tốt nghiệp của chính bạn.

 


Bằng việc nhìn nhận sự việc theo hướng công bằng, bạn thể cảm thấy thanh thản hơn và tránh được những cảm giác tồi tệ, ví dụ như tội lỗi. Bạn vừa chứng minh được hành động, vừa chứng minh được sự kiên nhẫn. Bạn thể hiện rằng mình là người thấu hiểu và biết thứ tha, cũng như là người kiên định và có khả năng nắm quyền. Khả năng cao là ngay cả khi thành viên kia thấy buồn vì quyết định của bạn, họ vẫn sẽ tôn trọng bạn bởi bạn đã cho họ một cơ hội rồi đấy thôi.

Vậy thì điều này có liên quan gì đến tình yêu bản thân? Ồ, cụm từ “tình yêu bản thân” thường bị hiểu sai. Tình yêu bản thân khuyến khích sự chấp nhận, nhưng nhiều người sử dụng sự chấp nhận này như một cái cớ để từ chối sự thay đổi. Trên thực tế, với những ai đang ước ao một cuộc sống hài hòa, tình yêu bản thân đòi hỏi sự cân bằng giữa hai yếu tố thiết yếu.

Yếu tố đầu tiên là khuyến khích tình yêu vô điều kiện với chính bản thân bạn. Trọng tâm nằm ở tư duy của bạn. Sự thật là bạn sẽ không yêu bản thân nhiều hơn nếu, ví dụ, bạn giảm hoặc tăng cân, hoặc trải qua phẫu thuật thẩm mỹ. Những điều này có thể làm bạn cảm thấy tự tin hơn. Nhưng tình yêu bản thân thực sự là khi bạn biết trân trọng vị thế và con người thật của mình, bất kể bạn có thay đổi hay không.

Yếu tố thứ hai là khuyến khích sự trưởng thành, và trọng tâm lần này nằm ở việc đưa ra hành động. Cải thiện bản thân và cuộc đời mình theo chiều hướng tốt đẹp hơn cũng là một kiểu tình yêu bản thân, bởi nó có nghĩa rằng bạn nhận ra mình xứng đáng nhận được nhiều hơn, thay vì chỉ ngồi đó an phận thủ thường.

Nói đến tình yêu bản thân, hãy nghĩ xem nó có ý nghĩa như thế nào trong việc yêu thương ai đó bằng tình yêu vô điều kiện. Ví dụ, bạn đời của bạn có thể có những thói quen phiền phức, nhưng điều đó không có nghĩa tình yêu của bạn dành cho họ vơi bớt đi. Bạn chấp nhận con người vốn có của họ và thậm chí đôi khi còn có thể rút ra bài học từ những thiếu sót của họ. Bên cạnh đó, bạn cũng mong muốn những điều tốt nhất đến với họ. Bởi vậy, nếu một thói quen nào đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe của họ, bạn sẽ ủng hộ họ thực hiện những thay đổi tích cực. Đây là minh chứng cho tình yêu vô điều kiện mà bạn dành cho họ. Thay vì phán xét họ một cách cay nghiệt, bạn một lòng muốn họ trở thành phiên bản tốt nhất của chính họ – vì chính lợi ích của họ. Điều này cũng có thể áp dụng đối với tình yêu bản thân trong mỗi con người: mọi thứ bạn làm nên vì và nên hướng tới phiên bản tốt nhất của chính bạn.

Tình yêu bản thân đích thực có thể hiển hiện trong bất cứ điều gì khiến cuộc sống của bạn trở nên có giá trị hơn, từ chế độ ăn đến những nghi thức tâm linh của bạn, hoặc cách bạn tương tác trong các mối quan hệ cá nhân. Và, tất nhiên, một khía cạnh quan trọng của tình yêu bản thân là sự chấp nhận: biết hài lòng với con người vốn có của bản thân. Như một kết quả tất yếu, tình yêu bản thân chính là sự trao quyền và tự do.


Việc thấu hiểu tình yêu bản thân cho phép chúng ta tìm thấy sự cân bằng giữa tư duy và hành động. Thiếu hụt sự cân bằng khiến chúng ta dễ vấp ngã, thất bại và cảm thấy mất mát. Khi bạn biết trao tình yêu cho chính mình, cuộc đời sẽ bắt đầu trao lại yêu thương cho bạn.

@ Sưu tầm và biên soạn bởi đội ngũ TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+