Weightless – Bản nhạc 8 phút giúp giảm 65% sự bất an

[ga_bqttc]

Bất an là cảm giác sợ hãi và lo lắng khiến bạn cảm thấy như thể đời mình sẽ chấm dứt tại đây. Ai cũng từng trải qua cảm giác này. Một số chuyên gia trị liệu đã nói về sự bất an, chẳng hạn như Hippocrates đã viết về nó vào Thế kỷ thứ 4 TCN, còn Kierkegaard nói về nó vào năm 1860 và Freud bàn đến nó vào năm 1926.

Nhưng nó vẫn đáng sợ như thế, nhất là đối với giới trẻ.

Thuốc thang vẫn là phương pháp kinh điển để điều trị chứng bất an (cũng là công cụ kiếm tiền hiệu quả nhất). Liệu pháp nhận thức cũng là một phương pháp được dùng phổ biến. Những người thiên về tinh thần thì sẽ tìm đến biện pháp thiền định, yoga, xoa bóp hoặc những kỹ thuật thư giãn khác. Liệu pháp âm nhạc cũng gặt hái được một vài thành công. Nhưng giờ đây, các nhà sinh học thần kinh tại Vương quốc Anh tập trung vào một bài hát duy nhất giúp giảm đến 65% nỗi bất an nói chung…

1. NỖI BẤT AN VÀ THẾ HỆ Y

Một cuộc khảo sát vào năm 2013 đã cho thấy 57% nữ sinh viên Mỹ đã nói rằng họ có những giai đoạn “bất an đến mức không thể chịu nổi.” Và tại Vương quốc Anh, tổ chức thiện nguyện YouthNet đã phát hiện rằng 1/3 nữ thanh niên – và 1/10 nam thanh niên – gặp phải những cơn hoảng loạn.

Marjorie Wallace, CEO của tổ chức thiện nguyện Sane, tin rằng thế hệ Y (những người sinh ra trong khoảng những năm 1980-1990) thuộc về giai đoạn tuyệt vọng. Bà nói, “Trưởng thành luôn là một quá trình khó khăn, nhưng còn cảm giác tuyệt vọng mà thế hệ này mang lại thì sao? Đó thật sự là một điều mới mẻ.”

Rachael Dove viết trong Anxiety: the epidemic sweeping through Generation Y (Nỗi bất an: bệnh dịch càn quét qua Thế hệ Y)  như sau:

“Rốt cuộc thì chuyện gì đang diễn ra? Sự bùng nổ của công nghệ, sự bảo vệ quá mức từ phụ huynh và các ngôi trường ‘luyện thi’ chính là một trong những lý do mà các nhà tâm lý cho rằng đã gây nên cảm giác lo lắng cho thế hệ chúng ta. Một nguyên nhân khác, mà đã nhiều lần được những người bạn đồng trang lứa cũng như những nhà tâm lý mà tôi trò chuyện cùng đề cập đến, là thứ đặc quyền (hoàn toàn không được coi trọng) của việc có quá nhiều lựa chọn.”

Pieter Kruger, một nhà tâm lý học tại Luân Đôn, đã nói rằng các nghiên cứu cho thấy những người cảm thấy không có lựa chọn thì lại kiên cường hơn – chủ yếu là vì họ có thể đổ lỗi cho cuộc đời hoặc cho người khác nếu lỡ đưa ra quyết định sai lầm. Tuy nhiên, nếu bạn có nhiều lựa chọn, thì bạn chẳng thể oán trách ai ngoài bản thân mình. Anh nói, “Chúng ta trở nên ám ảnh hơn rất nhiều vì muốn luôn đưa ra lựa chọn đúng đắn.”

Tác giả Claire Eastham, 26 tuổi, cũng thể hiện cùng ý kiến trên bài blog We Are All Mad Here (Chúng Ta Đều Điên Hết Rồi): “Tôi tốn rất nhiều thời gian để lo lắng về chuyện mình sẽ làm gì với cuộc đời mình. Các thế hệ trước không có nhiều sự lựa chọn. Áp lực đó sẽ mất đi nếu bạn được bảo rằng mình phải làm gì.”

Trong thời kỷ hiện đại của chúng ta, việc ra quyết định có thể kích thích một kiểu tê liệt. Thường thì, ta sẽ ám ảnh với việc tìm hiểu nhiều phương án lựa chọn khác nhau cho một đôi giày chẳng hạn. Rồi thì tình trạng quá tải thông tin sẽ xuất hiện và đè bẹp cảm hứng mua sắm, khiến ta kiệt sức và cảm thấy tội lỗi vì bị tê liệt chỉ bởi một việc có vẻ đơn giản như thế.

Công nghệ cũng góp phần làm gia tăng nỗi bất an. Có nhiều người thuộc thế hệ Thiên Niên Kỷ cảm thấy không an toàn khi không có chiếc điện thoại thông minh của mình – và họ hiếm khi rời xa nó. Các công cụ di động thường là cánh cửa nối liền họ với thế giới và tạo ra cảm giác kết nối. Nhưng nhu cầu được cập nhật mọi việc mà người ta đang làm trên mạng xã hội cũng có mặt trái của nó – chính là thứ được gọi là Fomo, tức là Fear of Missing Out – Chứng Sợ Bỏ Lỡ. Kruger nói, “Fomo là có thực và có thể là một cơn nghiện không dứt làm ảnh hưởng đến mức độ bất an và sự hạnh phúc, khỏe mạnh về thể chất và tinh thần nói chung.”

Mạng xã hội cho phép ta so sánh mọi thứ – các mối quan hệ, chế độ ăn uống, hình thể, vẻ đẹp, sự giàu có, tiêu chuẩn sống – không chỉ với bạn bè của mình mà còn với những người nổi tiếng. Và như nghiên cứu đã chỉ ra, khoảng thời gian lướt mạng xã hội “có thể gây ra chứng u uất cho những người so sánh bản thân với người khác.”

Bên cạnh việc điều chỉnh lại lối sống và giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội – cũng như học cách thích ứng với việc thỉnh thoảng bị quá tải bởi quá nhiều lựa chọn – thì các nhà sinh học thần kinh đã phát hiện ra rằng việc lắng nghe một bài hát được đặc biệt biên soạn có thể tạo ra ảnh hưởng to lớn đế mức độ lo lắng của chúng ta.

2. SỰ HÌNH THÀNH BẢN NHẠC VÔ ĐỊCH TRONG VIỆC XÓA BỎ CĂNG THẲNG

Các nhà nghiên cứu tại Mindlab International ở Vương quốc Anh đã muốn biết loại nhạc nào tạo ra trạng thái thư giãn nhất. Công trình nghiên cứu của họ bao gồm việc để những người tham gia cố gắng giải những câu đố khó – vốn sẽ kích thích một mức độ căng thẳng nhất định – trong khi vẫn kết nối với những thiết bị cảm biến. Đồng thời, những người tham gia cũng lắng nghe nhiều bài hát khác nhau trong lúc các nhà nghiên cứu đo hoạt động não, nhịp tim, huyết áp và nhịp thở của họ.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng có một bài hát – mang tên “Weightless” (Nhẹ Nhàng) làm giảm đến 65% mức độ căng thẳng chung của những người tham gia, và giảm 35% thời gian nghỉ ngơi thông thường về mặt sinh lý của họ.

Thú vị là, bài hát được tạo ra với mục đích mang lại trạng thái cực kỳ thư giãn này. Được tạo ra bởi Marconi Union, các nhạc sĩ đã hợp tác với những nhà trị liệu bằng âm thanh để tỉ mỉ thiết kế nên giai điệu và âm vực của bài hát này, để nó giúp giảm nhịp tim và huyết áp của người nghe, đồng thời cũng làm giảm lượng các hóc-mon gây căng thẳng như cortisol chẳng hạn.

Thực tế, bài nhạc có hiệu quả đến mức nhiều thành viên nữ đã trở nên buồn ngủ – đến nỗi Tiến sĩ David Lewis-Hodgson, chủ nhiệm của nghiên cứu này, phải khuyên rằng đừng nghe bài nhạc này trong lúc lái xe.

Nhưng đừng chỉ nghe người khác nói, bạn hãy tự trải nghiệm tại đây:

Nguồn: Peace Quarters https://www.peacequarters.com/neuroscientists-discover-song-reduces-anxiety-65-percent-hear/

*Bài dịch độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng

Dịch bởi Ad Gigi

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+