Vì sao trẻ sơ sinh nên tiếp xúc da chạm da với mẹ?

Nhiều bệnh viện đã bắt đầu nhấn mạnh việc tiếp xúc về mặt cơ thể giữa người mẹ và trẻ sơ sinh. Sau khi con trai tôi ra đời, bé ngay lập tức được đặt lên ngực tôi, chạm vào làn da tôi trong một khoảng thời gian dài. Điều này có vẻ là một xu hướng mới và có lý do chính đáng: Các nghiên cứu cho thấy sự tiếp xúc cơ thể có những tác động tích cực ngay lập tức đối với trẻ sơ sinh, làm giảm đáng kể những lần bé khóc và căng thẳng, cải thiện giấc ngủ và thậm chí giúp hình thành chu kỳ cho con bú.

Thực tế, các nghiên cứu chỉ ra rằng hiệu quả của việc tiếp xúc cơ thể có thể duy trì trong thời gian dài, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh, vốn thường cần được đặt vào lồng sau khi sinh ra và thường không được tiếp xúc cơ thể với mẹ ngay lập tức. Ví dụ, trẻ sơ sinh được áp dụng liệu pháp xoa bóp trong bệnh viện khi còn được đặt trong lồng thường tăng cân nhiều hơn và có thời gian nằm viện trung bình ngắn hơn so với những đứa trẻ không được áp dụng liệu pháp này. Ngoài ra, trong một nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu ngẫu nhiên cho một số trẻ sơ sinh được tiếp xúc cơ thể với mẹ trong 2 tuần, còn các trẻ sơ sinh khác thì được nuôi trong lồng kính. Những trẻ thuộc nhóm đầu có khả năng phản hồi với áp lực và có thói quen ngủ tốt hơn, và các bé còn có khả năng nhận thức tốt hơn so với những trẻ thuộc nhóm 2. Quan trọng nhất là các bé vẫn thể hiện những sự ảnh hưởng này trong 10 năm sau đó.

Vì sao việc tiếp xúc cơ thể lại quan trọng đến thế? Việc này có lợi ích thực sự nào đối với cơ thể? Các nhà nghiên cứu đã cho thấy việc chạm vào cơ thể có thể làm giảm các hoóc-môn căng thẳng như cortisol và làm chậm nhịp tim, giúp trẻ bình tĩnh khi chúng buồn bực.

Tiếp xúc cơ thể cũng được chứng minh là có khả năng giúp giảm các phản ứng căng thẳng trong não bộ của người trưởng thành. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đưa những cặp vợ chồng vào phòng thí nghiệm và đưa một trong hai người vào một máy chụp fMRI. Trong một loạt các thử nghiệm, người tham gia này được nhìn thấy một vòng tròn màu xanh hoặc một chữ “x” màu đỏ. Vòng tròn màu xanh nghĩa là thử nghiệm sẽ kết thúc mà không có gì xảy ra. Tuy nhiên, chữ “x” màu đỏ nghĩa là có 25% người tham gia sẽ bị sốc điện nhẹ vào cổ chân trong vài giây. Trong điều kiện ban đầu, người tham gia sẽ trải qua việc này một mình. Trong điều kiện tiếp theo, một người lạ bước vào căn phòng và nắm lấy tay người tham gia. Trong điều kiện cuối, vợ hoặc chồng của người tham gia được yêu cầu nắm lấy tay của người tham gia.

Các nhà nghiên cứu quan tâm đến cách mà não người tham gia sẽ phản ứng trong khoảng thời gian vài giây giữa việc nhìn thấy chữ “x” và việc bị sốc điện – cách mà não bộ chờ đợi điều gì đó tồi tệ xảy ra. Thông thường, khi ta trông đợi điều gì đó không hay hoặc mang tính đe dọa, những vùng cụ thể của não sẽ được kích hoạt. Kết quả của cuộc nghiên cứu cho thấy mức độ kích thích não bộ khi phản ứng với thời gian chờ đợi cú sốc điện thì thấp hơn khi người tham gia được người thân nắm tay. Não bộ của người tham gia không có phản ứng tương tự khi người lạ nắm tay họ. Ngoài ra, mối quan hệ giữa các cặp vợ chồng càng tốt đẹp, hiệu quả của cái nắm tay trong việc giảm phản ứng của não bộ đối với cú sốc càng cao.

Bài học từ câu chuyện này là gì? Một số tương tác cơ thể có thể mang lại hiệu quả to lớn trong việc giảm căng thẳng. Bạn có thể từng nghe rằng ôm ấp hoặc bế bồng trẻ em quá nhiều sẽ làm chúng “hư hỏng”. Lý lẽ đằng sau những quan điểm lỗi thời này là khi bạn luôn đụng chạm hay bồng bế đứa trẻ, trẻ sẽ quen với điều đó và sẽ luôn khóc mỗi khi bạn đặt chúng xuống. Sự thật là không có bằng chứng nào cho thấy quan điểm này là đúng, và hầu hết các tài liệu về việc bồng bế đều thể hiện rằng việc này giúp đứa bé bình tĩnh và vui vẻ. Một nghiên cứu rất gần đây phát hiện ra rằng người trưởng thành nào từng được ẵm bồng và ôm ấp khi còn nhỏ thì thường khỏe mạnh và có khả năng thích nghi mạnh sau này. Càng được ôm ấp, họ càng có khả năng hoạt động tốt hơn.

Một thông điệp quan trọng nữa cần ghi nhớ chính là dù việc tiếp xúc cơ thể một chút có thể giúp trẻ bình tĩnh, việc này cũng có thể giúp ích cho bạn. Nhìn chung, tiếp xúc cơ thể với người thân yêu khi lo lắng và căng thẳng thường giúp giảm phản ứng căng thẳng của cơ thể và của não bộ cho cả trẻ em lẫn người trưởng thành. Vậy nên hãy ôm ấp trẻ bao lâu tùy thích, và khi bạn cảm thấy lo lắng, một vài hành động gần gũi hoặc chỉ đơn giản là cái nắm tay từ người thân yêu cũng có thể giúp bạn bình tĩnh hơn.

*Bài dịch của ad Gigi

*Nguồn: Psychologytoday

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Đăng ký tham gia khóa học QUANTUM LEAP - BƯỚC ĐẠI NHẢY VỌT với ưu đãi 90%ĐĂNG KÝ NGAY
+