Chưa bao giờ thế hệ trẻ trong hiện tại phải đối mặt với vấn nạn mang tên “TRẦM CẢM” đáng báo động như hiện nay. Có thể bạn hoặc những người xung quanh vẫn đang tự nhủ rằng “Tôi ổn mà” – thế nhưng sự thật thì càng ngày tỉ lệ căng thẳng, stress, áp lực, mệt mỏi tinh thần,… mà gọi chung là sức khỏe tâm lý yếu kém ngày càng gia tăng. Thời đại của mạng xã hội và các thiết bị thông minh làm cho tất cả chúng ta đều bị kéo theo còn sự kết nối trực tiếp ngày càng giảm lại. Dưới đây là một bài viết chỉ ra nhiều kết quả nghiên cứu tương đối khoa học và có cơ sở để nói về một thực trạng, được dịch độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng.
Không nhiều kết quả nghiên cứu khiến bạn phải giật mình, nhưng nghiên cứu dưới đây thì có thể đấy.
Tôi đã theo dõi các xu hướng về thái độ và hành vi của nhóm tuổi teen và giới trẻ trong nhiều năm, chủ yếu dựa trên khảo sát đại diện cấp quốc gia trên các teen người Mỹ được thực hiện hàng năm mang tên Monitoring the Future (MtF). Tính từ những năm 1970, MtF đã khảo sát 1,4 triệu trẻ vị thành niên. Trong giai đoạn năm 2012-2013, có sự gia tăng đột ngột số lượng teen nói rằng mình đang trải qua những triệu chứng trầm cảm – cảm giác tuyệt vọng, chán sống, tin rằng mình không thể làm gì ra hồn. Các triệu chứng trầm cảm tiếp tục tăng lên trong những năm tiếp theo, khiến các teen thời nay – đối tượng tôi mô tả trong quyển sách mới mang tên iGen của mình – trở nên phiền muộn hơn rất nhiều so với lứa tuổi teen của chỉ vài năm trước.
Từ khi đoạn trích của sách được đăng trên tạp chí Atlantic, một số người thắc mắc tôi đã làm thế nào để đi đến kết luận rằng các vấn đề sức khỏe tinh thần đang gia tăng ở lứa tuổi teen (và lý do điều đó xảy ra). Bây giờ khi quyển sách đã được xuất bản với đầy đủ các biểu đồ và phân tích, cuối cùng thì tôi cũng có thể đưa ra lời giải thích ở đây với hy vọng trả lời các chỉ trích dường như chỉ dựa trên sự thấu hiểu chưa đầy đủ về nghiên cứu này và cách nó được thực hiện.
Tìm hiểu sâu hơn, tôi phát hiện ra rằng sự gia tăng các triệu chứng trầm cảm chỉ mới là một phần câu chuyện. Hạnh phúc – yếu tố đã gia tăng ở lứa tuổi teen trong 20 năm – bắt đầu sụt giảm. Sự cô đơn tăng lên nhanh chóng, và ngày càng nhiều sinh viên năm nhất (trong khảo sát quốc gia American Freshman trên 9 triệu sinh viên Mỹ) cho biết họ cảm thấy phiền muộn và quá tải. Đáng lo ngại hơn nữa là so với năm 2011, số lượng teen trong năm 2015 có biểu hiện trầm cảm lâm sàng có thể chẩn đoán trong nghiên cứu sàng lọc cấp quốc gia NS-DUH tăng thêm 50%. (Một điểm quan trọng cần lưu ý là tất cả những nguồn này là các khảo sát thực hiện trên những teen không được chọn lọc và không tìm kiếm sự điều trị – do đó, không thể nói rằng sự gia tăng đó là do có nhiều teen tìm kiếm sự điều trị hơn). Tỉ lệ tự sát tăng gấp 3 ở các bé gái từ 12-14 tuổi và tăng 50% ở các em gái trong lứa tuổi từ 15-19. Số lượng trẻ em và trẻ vị thành niên nhập viện vì suy nghĩ tự tử hoặc tự hoại tăng gấp đôi trong giai đoạn năm 2008 đến 2015. Thế hệ iGen đang trải qua cơn khủng hoảng sức khỏe tinh thần. Không chỉ vậy, lý do điều này xảy ra dường như là một ẩn số.
Có vẻ nguyên nhân không bắt nguồn từ kinh tế; nền kinh tế Mỹ đã phục hồi sau năm 2011. Lý do cũng không đến từ áp lực học tập; trong khảo sát MtF; các teen của những năm 2010 nói rằng mình dành ít thời gian làm bài tập về nhà hơn so với teen của thập niên 90, và thời gian các học sinh cấp 3 có ý định vào đại học dành cho hoạt động ngoại khóa – trái với niềm tin thông thường – cũng tương đương với khảo sát của American Freshman. Không có biến cố hay thay đổi chính trị nào xảy ra trong thời gian đó (dữ liệu này được thu thập trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống). Những vấn đề như bất cân bằng thu nhập và thay đổi cấu trúc gia đình đã tồn tại từ hàng chục năm nay, và không hề có sự chuyển biến đột ngột trong những năm 2010. Vậy rốt cuộc nguyên nhân là gì?
Sau đó tôi chợt nhận ra một điều. Trong một dự án khác, tôi nhận thấy các em tuổi teen dành ít thời gian tương tác trực tiếp với bạn bè và dành nhiều thời gian hơn để nói chuyện với nhau qua các thiết bị điện tử, và xu hướng này tăng mạnh sau năm 2011. Tôi cũng phát hiện ra rằng đó là khoảng thời gian mà điện thoại thông minh trở nên vô cùng phổ biến – khi nhiều teen (và cả người lớn) chăm chăm vào màn hình điện thoại trên tay. Tổ chức Pew Center cho biết tỉ lệ người Mỹ sở hữu điện thoại thông minh đã vượt mức 50% vào cuối năm 2012. Đó cũng là thời điểm mà mạng xã hội trở thành thứ gần như là bắt buộc đối với các teen. Điện thoại thông minh và mạng xã hội là hai yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến các em – làm thay đổi đáng kể cách các em sử dụng thời gian, chứ không chỉ là một sự kiện trên tin tức hoặc một xu hướng các em nghe được từ cha mẹ mình.
Vậy là các mốc thời gian đã trùng khớp: Ngay khi điện thoại thông minh trở nên phổ biến và các teen dành ít thời gian hơn cho những tương tác trực tiếp, thì sức khỏe tâm lý của các em bị suy giảm. Câu hỏi tiếp theo là liệu điện thoại thông minh có liên quan đến sức khỏe bị suy giảm của các cá nhân hay không. Trong phân tích của tôi về dữ liệu của MtF và Hệ thống Giám sát Rủi ro Giới trẻ của CDC, tôi phát hiện thấy có mối liên hệ này – những teen dành nhiều thời gian cho điện thoại thì kém hạnh phúc, nhiều phiền muộn và có nhiều yếu tố rủi ro dẫn đến tự tử hơn. Những mối liên hệ đó vẫn tồn tại khi xem xét các yếu tố phức tạp khả thi khác, chẳng hạn như giới tính, chủng tộc và địa vị kinh tế xã hội.
Một số người tự hỏi tại sao tôi không đề cập đến các nghiên cứu chỉ ra ảnh hưởng tích cực của mạng xã hội. Thứ nhất, đây chỉ là một đoạn trích trong sách, vậy nên chẳng có gì ngạc nhiên khi tôi tập trung vào phân tích mà tôi thực hiện cho quyển sách (phân tích dữ liệu khảo sát đại diện cấp quốc gia MtF và dữ liệu CDC trên hàng ngàn teen, cho thấy mối tương quan giữa việc dành nhiều thời gian cho mạng xã hội và mức độ kém hạnh phúc). Thứ hai, phân tích tổng hợp (từ 67 nghiên cứu) gần nhất cũng phát hiện mối tương quan như trên. Nói chung, giữa các mẫu thử quy mô lớn tôi phân tích và phân tích tổng hợp nói trên, dường như rõ ràng là bằng chứng nghiêng về phía cho rằng ta kém hạnh phúc vì sử dụng mạng xã hội nhiều; do đó, quan điểm nói rằng tôi cố tình lựa chọn bằng chứng có lợi cho mình là vô căn cứ. Mạng xã hội có thể mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích, nhưng sức khỏe tâm lý – vốn là mối quan tâm của tôi – không phải là một trong những lợi ích đó.
Dĩ nhiên, như tôi đã lưu ý cụ thể trong đoạn trích trên tạp chí Atlantic, sự tương quan không chứng minh mối quan hệ nhân quả. Ví dụ như có quan điểm cho rằng người kém hạnh phúc sử dụng thiết bị điện tử nhiều hơn. Tuy nhiên, 3 nghiên cứu khác đã loại trừ lời giải thích đó, ít nhất là đối với mạng xã hội. Hai nghiên cứu theo thời gian phát hiện ra rằng việc sử dụng mạng xã hội nhiều khiến ta không hạnh phúc, nhưng sự kém hạnh phúc không làm con người ta sử dụng mạng xã hội nhiều hơn. Nghiên cứu thứ ba là một thí nghiệm thật sự (có thể xác định mối quan hệ nhân quả); nó giao ngẫu nhiên cho một số người lớn nhiệm vụ bỏ chơi Facebook trong một tuần. Kết quả là những người không sử dụng Facebook trong tuần đó thì hạnh phúc hơn, bớt cô đơn và ít phiền muộn hơn.
Việc trầm cảm dẫn đến sử dụng mạng xã hội cũng không thể giải thích tại sao trầm cảm lại đột nhiên tăng lên sau năm 2011-2012. Nếu sự gia tăng căn bệnh trầm cảm xảy ra trước, một yếu tố chưa xác định nào đó có thể khiến trầm cảm tăng mạnh đến thế, từ đó dẫn đến việc sử dụng nhiều điện thoại thông minh và mạng xã hội. Có vẻ như nhiều khả năng là việc sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội tăng lên và kéo theo sự gia tăng của chứng trầm cảm. Cho đến nay, những thay đổi lớn nhất trong cuộc sống hàng ngày của teen trong giai đoạn 2011-2015 là sự lan rộng của điện thoại thông minh và sự phát triển của mạng xã hội. Không có yếu tố nào sát thực hơn thế.
Ngoài ra, không ai phản đối quan điểm cho rằng tương tác xã hội trực tiếp gắn liền với sức khỏe tinh thần tốt hơn. Vậy nên dù ta bỏ đi mối tương quan giữa mạng xã hội và chứng trầm cảm – cứ cho là nó trung lập – thì sự suy giảm tương tác xã hội trực tiếp chắc chắn chịu trách nhiệm cho sự gia tăng chứng trầm cảm và không hạnh phúc. Vậy tại sao các tương tác xã hội trực tiếp bị suy giảm? Có thể là do ta ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho điện thoại thông minh.
Nói vậy không có nghĩa là bạn nên tịch thu điện thoại của các trẻ vị thành niên. Như các nghiên cứu khác đã chứng minh, việc sử dụng điện thoại thông minh vừa phải – khoảng một tiếng mỗi ngày – thì không có hại. Trong phân tích của tôi về dữ liệu từ khảo sát Hệ thống Giám sát Rủi ro Giới trẻ do CDC thực hiện, sức khỏe tinh thần chỉ bị ảnh hưởng tiêu cực khi ta sử dụng điện thoại từ 2 tiếng trở lên mỗi ngày. Tất nhiên là hầu hết các teen (và nhiều người lớn) dùng điện thoại nhiều hơn 2 tiếng mỗi ngày (trung bình là 6-8 tiếng trong thời gian rảnh), vì vậy việc đặt ra giới hạn là hợp lý.
Sau khi đoạn trích của quyển sách của tôi được đăng trên tạp chí Altantic, một số người, chẳng hạn như Sarah Rose Cavanagh, tranh luận rằng chúng ta không nên vội vàng đưa ra kết luận khi chưa thực hiện được một thí nghiệm kiểm soát, trong đó giao ngẫu nhiên cho các nhóm tuổi teen sử dụng nhiều hoặc ít điện thoại thông minh. Cô kết luận rằng, “Tôi cho rằng bọn trẻ sẽ ổn.”
Nhưng chẳng ổn chút nào khi số lượng teen bị trầm cảm nặng vào năm 2015 tăng thêm 50% so với chỉ 4 năm trước đó. Không hề ổn khi tỉ lệ tự sát của các em gái tuổi teen ở vào mức cao nhất kể từ năm 1975. Thế nào là ổn khi số lượng trẻ em và trẻ vị thành niên nhập viện vì tự hoại hoặc suy nghĩ tự sát tăng lên gấp đôi. Ổn là nhiều em tuổi teen cho biết mình cảm thấy cô đơn và tuyệt vọng ư?
Thế hệ iGen cũng có nhiều đặc điểm và xu hướng tích cực, điều mà tôi có nêu chi tiết trong sách, bao gồm tỉ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên thấp hơn, ít uống rượu hơn và có đạo đức nghề nghiệp cao hơn. Vậy nên chẳng có hiểu lầm nào ở đây cả: Xu hướng đáng lo về sức khỏe tinh thần ở thế hệ trẻ không có nghĩa là thế hệ này hoàn toàn không có xu hướng tích cực, hoặc tôi bỏ qua các xu hướng tích cực. Thật ra, trong chương 1 của quyển sách – ngay đầu trang và căn giữa – tôi đã nêu rõ những xu hướng tích cực này, và trong suốt phần còn lại của sách cũng vậy. Không nên hiểu rằng việc chứng minh các xu hướng sức khỏe tinh thần là để “chỉ trích” thế hệ này – là một nhà tâm lý học, tôi nhận thấy ý kiến đó đi ngược lại với nền tảng của lĩnh vực của tôi, vốn cho rằng các vấn đề sức khỏe tinh thần xứng đáng được thấu hiểu và thông cảm giúp đỡ, chứ không phải chỉ trích.
Dựa trên những xu hướng tiêu cực không thể phủ nhận trong sức khỏe tinh thần của teen và các bằng chứng cho thấy việc sử dụng điện thoại thông minh phần nào có liên quan đến điều này, việc hạn chế thời gian sử dụng điện thoại của trẻ em và trẻ vị thành niên là hợp lý. Với bất cứ sự can thiệp nào, rủi ro của việc hành động so với không hành động phải được cân nhắc kỹ. Dường như việc giới hạn thời gian sử dụng điện thoại xuống còn dưới 90 phút/ngày có rủi ro không đáng kể. Tuy nhiên, nếu ta cứ khoanh tay đứng nhìn và để teen tiếp tục dành hơn 6 tiếng mỗi ngày cho mạng xã hội thì những xu hướng sức khỏe tinh thần tiêu cực này cứ mãi tiếp diễn.
Tôi ủng hộ một cuộc thử nghiệm kiểm soát ngẫu nhiên quy mô lớn mà trực tiếp xác định mối quan hệ nhân quả giữa điện thoại thông minh và chứng trầm cảm. Tôi hy vọng những nghiên cứu như thế sẽ được tài trợ kinh phí và tiến hành, nhưng dù vậy thì cũng phải vài năm sau chúng ta mới biết kết quả. Và nếu xuất hiện bằng chứng về một xu hướng công nghệ và văn hóa khác mà có thể giải thích sự gia tăng của trầm cảm, cô đơn và tự tử bắt đầu từ khoảng năm 2012 thì tôi sẽ góp sức để làm rõ nó. Bây giờ, việc sử dụng điện thoại thông minh là tác nhân có thể thay đổi nhất, vậy nên đó là vấn đề tôi xử lý với con mình, và cũng là vấn đề tôi nghĩ các bậc phụ huynh khác nên cân nhắc. Các em tuổi teen và giới trẻ đang kêu cứu với các cố vấn đại học, những người thực hiện khảo sát và các nhà tâm lý trị liệu rằng các em đang đau khổ, và người lớn chúng ta không thể không lắng nghe.
*Nguồn: “Why So Many Teens Today Have Become Depressed” – Jean M. Twenge (psychologytoday)
Dịch Và Biên Tập Bởi Tâm Lý Học Ứng Dụng
– Ad Gigi và Edward –