Vì sao sống thật thật khó?

Ở đời có những cái duyên đặc biệt đến vào những ngày đặc biệt. Đôi khi duyên lành ấy lại là một điều rất đơn giản như vô tình xem được một bộ phim ý nghĩa vào một ngày ý nghĩa. Hôm qua là một ngày như thế và bộ phim tôi có duyên xem được có tên là Nosedive (tạm dịch “Cắm đầu xuống”).

Bộ phim ấy bắt đầu bằng những hình ảnh về một thế giới hoàn hảo, ở đó con người nói với nhau những lời tử tế, hỏi thăm nhau ân cần, quan tâm nhau đến từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống,… cho dù là quen hay lạ. Vậy bí mật của thế giới hoàn hảo ấy là gì. Đó là một thiết bị được đeo vào mắt (như kiểu kính áp tròng) để biết ngay họ tên của bất kỳ ai mình gặp, cùng một thông tin cực kỳ quan trọng của người đó: Điểm Xã Hội (từ đây tôi sẽ gọi tắt là điểm).

Trong xã hội tưởng tượng trong phim ấy, cứ mỗi tương tác với nhau, con người dù là người thân, bạn bè hay người lạ đều có thể biết điểm trung bình của người mình đang tương tác là bao nhiêu (chỉ với một cái nhìn), đều có thể chấm điểm lẫn nhau từ 1 đến 5 sao sau khi tương tác. Người có điểm càng cao không những nhận được nhiều ưu tiên trong xã hội mà còn được mọi người xúm xít xung quanh, vì nếu được người điểm cao cho điểm cao thì sẽ giúp “kéo điểm” lên. Ngược lại, nếu bị người điểm cao cho điểm thấp thì sẽ bị “dìm điểm” xuống.

Ban đầu tưởng chừng nhưng một xã hội như thế là một xã hội hoàn hảo, vì ai cũng muốn được điểm cao trong mắt người khác (đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Cho nên, ai cũng luôn tươi cười, thân thiện, nói những điều lịch sự, nhã nhặn, làm điều tử tế, luôn tỏ ra yêu thương, trân trọng, biết ơn mọi người,… Nói chung, một xã hội trong mơ.

NHƯNG…

Đến một ngày nhân vật chính nhận ra bên trong vỏ bọc “sống giá trị”, “nói đạo đức”, “yêu thương”, “biết ơn”,… của hầu hết mọi người trong xã hội đó chỉ hoàn toàn là giả dối. Người ta tỏ ra mình “sống giá trị” vì muốn người khác cho mình 5 sao. Người ta “nói đạo đức” vì muốn người khác cho mình 5 sao. Người ta “yêu thương” vì muốn người khác cho mình 5 sao. Người ta “biết ơn” vì muốn người khác cho mình 5 sao. Thậm chí, người ta sẵn sàng chà đạp lên sự thật cũng chỉ để được 5 sao… Rốt cuộc xã hội dần dần phân hóa, những người điểm cao trong xã hội toàn là một bọn đạo đức giả. Còn những người dám sống thật thì toàn bị điểm thấp. Gần như toàn xã hội gắn lên mình chiếc mặt nạ “đạo đức” để che giấu bên trong sự tham lam, ngu ngốc, ích kỷ, đố kị, căm ghét,…

Thế là nhân vật chính quyết định chọn sống thật, chọn chửi thẳng mặt bọn đạo đức giả điểm cao. Tất nhiên, hậu quả là điểm của cô ta từ 4.2 (khá cao) rơi xuống gần 0 khi bị bọn đạo đức giả hùa nhau “dìm điểm”. Cô ta mất hết tất cả nhưng tìm lại được chính mình.

Khi xem bộ phim ấy, tôi thấy hình ảnh của bản thân mình trong đó. Trong 10 năm qua, tôi đã dành khoảng một nửa thời gian ban đầu để được “điểm cao” trong mắt mọi người. Cố gắng làm hài lòng bọn đạo đức giả “điểm cao” vì sợ chúng nó dìm mình. Kết cục của tôi cũng giống như nhân vật trong phim, khi tôi dám sống thẳng và sống thật, những con người “đạo đức ngời ngời” ấy lập tức làm mọi cách “dìm điểm” của tôi xuống vì tôi dám sống ngược lại cái đạo đức giả tởm lợm của bọn chúng hoặc không thèm nhìn những bộ mặt đạo đức giả đó.

May mắn cho tôi là xã hội thực tôi đang sống cũng còn nhiều người tỉnh táo (chứ không bị “đạo đức giả hóa” như xã hội trong phim). Thành ra thay vì bị “về gần 0” như nhân vật trong phim, thì càng sống thật bao nhiêu, cuộc đời tôi càng thay đổi rất nhiều theo chiều hướng tích cực. Tôi ngày một hạnh phúc hơn, thành công hơn, giàu có hơn và nổi tiếng hơn, đồng thời tiếp tục góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều người một cách tích cực và sâu sắc hơn. Nhưng hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời chính là “được làm phiên bản tốt nhất của chính mình”, không cần phải “tỏ vẻ đạo đức” hoặc “giả vờ khiêm tốn”.

Tôi từ chối làm bạn với những kẻ “đạo mạo” tự cho mình cao cả hơn người và suốt ngày đi phán xét xã hội.

Tôi từ chối dìm giá trị người khác xuống để nâng “giá trị” của mình lên kiểu sợ người ta không ngửi được cái “giá trị” của họ “bốc mùi” đến đâu.

Tôi từ chối nhịn những kẻ thích lên mặt dạy đời người khác, trong khi bản thân mình loay hoay mãi chẳng đi được đến đâu ngoài chuyện ăn bám danh tiếng hết người này đến người khác.

Tôi từ chối sống cuộc đời theo “khuôn vàng thước ngọc” của những kẻ đạo đức giả.

Tôi từ chối nhìn mặt một số kẻ mà khi gặp tôi chỉ muốn nôn ngay tại chỗ vì tởm lợm bởi cái mùi đạo đức giả.

Tôi từ chối giả vờ làm bạn với những người mà tôi chẳng tin được họ là bạn mình.

Tôi từ chối sống giả dối, từ chối viết hay nói những điều giả dối, từ chối yêu thương giả dối, từ chối biết ơn giả dối, từ chối trân trọng giả dối, từ chối khiêm tốn giả dối, từ chối tử tế giả dối,…

Tóm lại, ai là bạn, là đồng nghiệp, là đối tác với tôi, là học viên của tôi, là khách hàng của tôi,… thỉnh thoảng sẽ hơi khó chịu vì sự thẳng thắn của tôi, nhưng sẽ không bao giờ phải đề phòng sự giả dối. Nếu bạn tương tác với tôi và tôi vẫn tương tác lại với bạn thì điều đó tôi vẫn coi bạn là bạn (ngày cả khi chúng ta đã từng có những sự khác biệt hay có những hiểu lầm). Bạn không cần phải đoán.

Tôi cảm ơn những yêu thương, trân trọng, biết ơn,… chân thành mà bạn dành cho tôi (nếu có). Tôi sẽ đối xử với bạn theo cách bạn đối xử với tôi. Mặt tích cực là khi có quá nhiều giả dối thì sự chân thành trở nên quý giá hơn bao giờ hết.

Cuộc đời quá ngắn ngủi để lãng phí thời gian vì những điều giả dối. Thôi đành dành chút thời gian rà soát lại friendlist cả trên mạng lẫn ngoài đời để block bớt bọn đạo đức giả để không còn phải lãng phí thời gian quý báu trong tương lai.

Tôi hy vọng bọn đạo đức giả nếu đọc được bài này thì làm một việc: “F**k off!!!” (đỡ mất thời gian block).

*Sưu tầm bởi Tâm lý học ứng dụng

Nguồn: FB Trần Đăng Khoa

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+