Vì sao quan tâm “ai cũng như nhau” là điều phi thực tế?

Sự thật là: Bạn không quan tâm đến mọi người một cách đồng đều. Điều này là quá đỗi thường tình với một số người, nhưng lại khiến những người khác giật mình và khó chịu khi nhận ra.

Ta thường tin rằng mình đang thể hiện tình yêu thương hoặc lòng cảm thông đến tất cả mọi người, không phân biệt, phán xét hay thiên vị ai. Đối với ta, mỗi cuộc đời đều quý giá như nhau, và chẳng có ta lý do gì để thiên vị người này hơn người kia.

Mặc dù đây có vẻ là một quan điểm nhân văn rất tốt và lý tưởng, nhưng điều này lại không phản ánh cách ta tư duy trên thực tế. Một trong những ví dụ hiển nhiên nhất là ta thường xem trọng cuộc sống của gia đình và bè bạn hơn cuộc sống của một người hoàn toàn xa lạ.

Và nếu rơi vào tình thế khó khăn – phải chọn cứu mạng một thành viên trong gia đình hoặc cứu một người lạ – hẳn bạn sẽ thể hiện rõ sự thiên vị người nhà. Điều này là tự nhiên mà, đúng không?

Trong bài viết này, tôi muốn trình bày khái niệm “những vòng tròn đồng cảm,” với ý tưởng cốt lõi là chúng ta thực sự quan tâm đến một số người nhiều hơn những người khác. Chẳng có gì sai ở đây cả, bởi lẽ điều này là hoàn toàn tự nhiên.

1. Những Vòng Tròn Đồng Cảm

Đây là hình minh họa đơn giản về khái niệm “vòng tròn đồng cảm.” Bắt đầu từ tình cảm bạn dành cho bản thân, gia đình, bạn bè, và sau đó mở rộng ra đến tập thể người như hàng xóm, đồng nghiệp, cộng đồng và quê hương của bạn:

Bạn sở hữu một khả năng đồng cảm tự nhiên với bất kỳ ai, miễn là điều kiện cho phép. Trên lý thuyết, bất kỳ ai cũng có thể trở thành bạn của bạn.

Tất nhiên, việc kết bạn sẽ dễ dàng hơn nếu cả hai đã từng gặp nhau, hoặc ít ra bạn cũng có thể gán cho họ một đặc điểm nhận diện như tên gọi hay gương mặt. Các nhà tâm lý đôi khi gọi đây là “hiệu ứng nhận ra người quen gặp nạn.”

Nói một cách cơ bản, bạn sẽ dễ đồng cảm hơn rất nhiều nếu có thể nhận ra ai đó, so với khi đối tượng chỉ là những khái niệm trừu tượng (như con số hoặc kết quả thống kê).

Sau đây là ví dụ: Khi bạn nghe tin về 1.000 người lạ bị thương vong tại một vùng nào đó trên thế giới, phản xạ đồng cảm của bạn thường sẽ không cao hơn 10 lần so với khi nghe 100 người lạ gặp nạn, mặc dù số người chết cao gấp 10 lần.

Đây là một giới hạn của khả năng đồng cảm. Khi xét đến những nhóm đông người hơn, bạn đang nghĩ về một điều trừu tượng và chỉ được thể hiện qua số liệu, chứ không phải qua hình ảnh con người bằng xương bằng thịt.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là bạn bàng quan với nỗi đau của người lạ hoặc không chủ động giúp đỡ họ. Tuy nhiên, nó cho thấy giới hạn thực sự của chúng ta trong việc quan tâm và đồng cảm với mọi người ở một mức độ ngang nhau.

2. Quan Tâm Đến Thế Giới Nhỏ Của Bạn

Những người mà ta chưa từng gặp ở những nơi mà ta chưa từng đến, thường sẽ không giúp định hình cuộc sống của ta. Những người mà ta vẫn tiếp xúc hàng ngày mới có thể làm điều đó.

Ta thường dành sự đồng cảm mạnh mẽ nhất cho gia đình, bạn bè và cộng đồng xung quanh mình, đồng thời cũng quan tâm đến họ nhiều nhất.

Đồng cảm là một nguồn lực, mặc dù ta ít khi nghĩ về nó theo cách này. Quan tâm đến người khác cũng là một nguồn lực. Và giống như mọi nguồn lực khác, ta cần quyết định mình nên đầu tư nó vào đâu. Điều này đòi hỏi ta phải thận trọng.

Việc quan tâm đến ai đó sẽ làm tiêu hao năng lượng thể chất và tinh thần của ta, như thời gian, công sức, kế hoạch, cảm xúc, tiền bạc, v.v. Và có lẽ nguồn lực có hạn của mỗi người là không đủ để cống hiến cho cả thế giới.

Đôi khi người ta rơi vào cái bẫy muốn “cứu cả thế giới,” trong khi vẫn hiểu rằng sức mình có hạn. Điều này khiến họ trở nên thất vọng và chán nản mọi thứ.

Nhưng bạn không nhất thiết phải “cứu cả thế giới” mới trở thành người tốt và có ích cho đời. Một khi đã hiểu rõ “những vòng tròn đồng cảm”, bạn sẽ có thể thoải mái tập trung vào thế giới nhỏ của mình, không còn đặt nặng trên vai trách nhiệm phải giúp đỡ mọi người nữa.

Thực ra, bạn có nhiều khả năng tác động đến thế giới trong vòng ảnh hưởng nhỏ của mình, thay vì cứ cố gắng thay đổi những thứ mà khả năng kiểm soát hoặc hiểu biết của bạn về nó còn hạn chế.

3. Tốt Với “Người Dưng”

Trước hết, “những vòng tròn đồng cảm” dạy ta rằng con người thường tập trung quan tâm đến một vài cá nhân (theo lẽ tự nhiên, đó là những người có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày của họ). Vì thế, bạn không nên cảm thấy áy náy vì sự thiên vị tự nhiên này. Ở một mức độ nào đó, mọi người đều như vậy.

Thứ hai, vì bạn dễ đồng cảm với người quen hơn người lạ, đây là cách bạn sử dụng hiệu quả những nguồn lực “đồng cảm” và “quan tâm” của mình.

Hãy nhớ rằng nhiều người không có cơ hội đối xử tốt với người lạ. Họ quá bận rộn với việc chăm sóc bản thân và những người xung quanh. Điều này là hoàn toàn hợp lý, và chẳng có lý do gì để bạn cảm thấy tội lỗi về nó cả.

Tuy nhiên, nếu may mắn có thể dùng nguồn lực của mình để giúp đỡ những người xa lạ, bạn nên cân nhắc thể hiện lòng tốt của mình một cách có hiệu quả.

“Lợi tha hiệu quả” là phong trào xã hội với sự tham gia của nhà đạo đức học Peter Singer. Phong trào này cố gắng đưa ra những bằng chứng và lý lẽ ủng hộ cho nỗ lực sống lợi tha (hành động vì lợi ích của người khác), thay vì chỉ đơn thuần dựa trên cảm xúc và sự đồng cảm.

Sự áp dụng thường thấy của “lợi tha hiệu quả” là tìm hiểu kỹ lưỡng các tổ chức mà bạn đang đóng góp thời gian và tiền bạc của mình. Hãy đảm bảo rằng những giá trị ấy thực sự đến được tay của người đang gặp khó khăn và cung cấp cho họ các giải pháp.

Ngày nay, có một thực trạng rất phổ biến là các quỹ từ thiện và tổ chức xã hội đang sử dụng kém hiệu quả những nguồn lực, hoặc thậm chí là mưu lợi cá nhân.

Vốn tốt bụng, bạn sẽ rất muốn đóng góp một chút tiền vào những tổ chức xã hội mà mình biết đến. Sự đóng góp này có thể làm bạn cảm thấy “tự hào” về bản thân, và tin rằng mình đang góp phần tạo nên sự khác biệt.

Nhưng nếu cống hiến thời gian và tiền bạc một cách thiếu thận trọng, có thể bạn đang lãng phí rất nhiều nguồn lực của mình, thứ đáng lẽ phải được sử dụng hiệu quả hơn.

Tác giả: Steven Handel

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Đăng ký tham gia khóa học QUANTUM LEAP - BƯỚC ĐẠI NHẢY VỌT với ưu đãi 90%ĐĂNG KÝ NGAY
+