Vì sao nhiều người không thể đứng lên sau khủng hoảng?

Đại dịch COVID không chỉ đơn thuần là một dịch bệnh, nó còn để lại những hệ quả về mặt tâm lý, tinh thần với rất nhiều người. Có lẽ sẽ không ít người phải đối mặt với khủng hoảng, hoặc ít nhiều bị ảnh hưởng và cuộc sống thay đổi sau COVID. Khi khủng hoảng xảy ra, chúng ta thường dễ dàng nhìn ra Mặt Trái của vấn đề, nhưng ít người có đủ sức mạnh và tỉnh táo để nhận ra rằng, giống như hai mặt của đồng xu, phía bên kia Mặt Trái chính là Mặt Phải, luôn có những ý nghĩa tích cực, luôn có những món quà đằng sau nghịch cảnh. Series Mặt Phải dựa trên cuốn sách cùng tên của tác giả Adam Jackson, là một triết lý giúp chúng ta tìm ra những cơ hội tiềm ẩn trong cuộc sống đằng sau những chuyện tồi tệ xảy ra với chính mình. Tâm lý học ứng dụng hy vọng series này sẽ là một liều thuốc tinh thần giá trị với bạn, nhất là trong thời điểm này.

Series Mặt Phải – Phần 1: Vì sao nhiều người không thể đứng lên sau khủng hoảng?

Dịch bệnh COVID-19 là một dịch bệnh toàn cầu, nó xuất hiện và để lại nhiều những hệ quả. Là một page về tâm lý, chúng tôi sẽ không nhắc đến các yếu tố khác mà tập trung phân tích ở khía cạnh nó ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý, sức khỏe tinh thần. 

Hãy nghe nhận định của ông Antonio Guterres – tổng thư ký Liên Hiệp Quốc trong một cuộc họp trực tuyến. Sau nhiều thập niên các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần đã bị lãng quên và thiếu đầu tư, đại dịch Covid-19 đang khiến nhiều gia đình và cộng đồng bị stress. Ngay cả khi thế giới kiểm soát được đại dịch, những chứng bệnh như rối loạn lo âu và trầm cảm sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mọi người và cộng đồng. Nhiều người bị căng thẳng tinh thần do lo sợ họ hoặc người thân bị nhiễm hoặc chết vì Covid-19. Đại dịch cũng có tác động tâm lý đối với nhiều người đã thất nghiệp hoặc có nguy cơ mất sinh kế và phải ở nhà vì lệnh phong tỏa nghiêm ngặt phòng Covid-19.

Người đứng đầu bộ phận sức khỏe tâm thần của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng lưu ý các đội ngũ nhân viên y tế đang phải chịu đựng “căng thẳng dữ dội”, dễ bị tổn thương và gần đây truyền thông cũng đã đưa tin về những vụ bác sĩ, y tá tự sát. Trẻ em nghỉ học thời gian dài, phụ nữ bị bạo hành trong gia đình, người cao tuổi mắc bệnh nền lo sợ có nguy cơ cao nhiễm Covid-19 cũng căng thẳng vì đại dịch. Tình trạng suy sụp tinh thần đang gia tăng nhanh chóng. Chẳng hạn, một nghiên cứu được thực hiện tại vùng Amhara ở Ethiopia cho thấy 33% dân số có các triệu chứng liên quan đến trầm cảm, “tăng gấp ba lần” so với trước khi đại dịch bùng phát hồi cuối năm ngoái, còn ở Iran con số này là 60%, Mỹ là 45%. 

Giống như những con tàu ở trên biển, cơn bão xuất hiện thì tàu lớn hay tàu nhỏ đều bị ảnh hưởng, Việt Nam chắc chắn không phải là một ngoại lệ khi chịu những sự tác động từ đại dịch. 

CÚ SỐC TÂM LÝ, VÌ SAO NGƯỜI TA KHÔNG ĐỨNG LÊN ĐƯỢC SAU KHỦNG HOẢNG?

Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng, những cú sốc tâm lý là nguyên nhân có thể khiến con người ta thay đổi hoàn toàn tính cách của mình. Một người đang vui vẻ, hướng ngoại sau biến cố mất người thân có thể trở thành một người hướng nội, khép mình, tách biệt khỏi thế giới. Một người hòa đồng, sau khi mất đi công việc ổn định bao năm qua, giờ đây gánh nặng trách nhiệm vẫn còn đó có thể khiến cho họ bị mất ý chí, mất nghị lực, mất niềm tin. Người ta thường nói “kiếm củi ba năm thiêu một giờ”, có những người vì cú sốc tâm lý trong đời, họ có thể đánh mất tất cả những gì đã gây dựng từ trước đó. Mất tinh thần, cuộc sống trở nên bê tha, không còn động lực sống.

Vậy tại sao những cú sốc tâm lý có thể khiến con người ta thay đổi tiêu cực?

Lý do rất đơn giản là bởi vì con người thường không chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng cho những điều tồi tệ nhất xảy ra với chúng ta.

Tất nhiên, trong cuộc sống không ai muốn những điều tồi tệ đến với mình, nhưng việc không mong muốn và việc có sự sẵn sàng chuẩn bị tâm lý cho nó hay không là hai chuyện khác nhau. Điều đáng tiếc là người ta thường sống theo quán tính cuộc sống, nó là một vòng lặp lặp đi lặp lại. Mỗi ngày sáng thức dậy đi làm, tối về nhà, cuối tháng lĩnh lương, cuối năm với những kỳ nghỉ. Rất nhiều người họ quen thuộc với vòng lặp đó, và họ không sẵn sàng cho những điều bất thường. Đó là lý do vì sao khi những biến cố xuất hiện, người ta thường có khuynh hướng bị sốc tâm lý. Chẳng hạn như đùng một ngày bị mất việc, đùng một ngày bị tai nạn, đùng một ngày mất đi một người mình đang rất yêu thương,… Chỉ có một số ít những người mạnh mẽ, họ có thể vượt qua được. Phần lớn những người bình thường, họ sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều vì những biến cố đó. 

Khi một biến cố xuất hiện, con người ta có xu hướng tập trung vào MẶT TRÁI

Khi một cuộc khủng hoảng, một biến cố xuất hiện bất ngờ, người ta có khuynh hướng tập trung vào mặt trái của vấn đề, những điều tiêu cực. Về tâm lý, con người ta có khuynh hướng tiếp nhận thông tin tiêu cực nhanh gấp 15 lần so với những thông tin tích cực. Đó là lý do vì sao báo chí đăng những thông tin giật gân như tai nạn, giết người, cướp của,… lại kích thích trí tò mò của nhiều độc giả hơn là những thông tin về các chủ đề tích cực.

Tương tự khi một cú sốc tâm lý xuất hiện, một nỗi đau xuất hiện, một điều không như ý muốn xảy ra một cách quá bất ngờ, con người ta có khuynh hướng nhìn vào MẶT TRÁI nhiều hơn. Họ nhìn vào những gì họ mất, họ nhìn vào những hậu quả họ phải đánh đổi, họ nhìn vào những gì họ không thể thay đổi được. Trong khi thực tế, có những chuyện đã xảy ra, có thể sẽ không bao giờ có thể thay đổi khác đi được.

CON NGƯỜI TA KHÔNG ĐỦ TỈNH TÁO ĐỂ RA QUYẾT ĐỊNH SÁNG SUỐT KHI PHẢI CHỊU MỘT TỔN THƯƠNG SÂU SẮC

Dưới đây là câu chuyện thật được kể lại bởi Adam Jackson, tác giả và cũng là người đưa ra lý thuyết về Mặt Phải.

LẦN ĐẦU TIÊN tôi gặp người đã tìm ra mặt phải của cuộc sống là vào tháng Hai năm 1981, một buổi tối mùa đông lạnh lẽo. Thật ra, tối hôm đó tôi được gặp những hai chứ không phải chỉ một con người đặc biệt, cả hai đều kể về những sự kiện quan trọng đã làm thay đổi cuộc đời họ. Dù không nhớ tên hai con người đó nhưng những gì xảy ra tối hôm ấy vẫn đọng lại trong tôi, chẳng thể nào quên được.

Lúc đó tôi vừa xem xong một vở kịch ấn tượng do đội kịch sinh viên của trường Đại học Southampton trình diễn có tựa đề “Vậy Đây Là Cuộc Sống Của Ai?”. Nội dung vở kịch kể về một người đàn ông tỉnh dậy trong bệnh viện, sau một tai nạn xe hơi thảm khốc, và bàng hoàng nhận ra mình bị liệt cả tay chân. Từ cổ trở xuống ông hoàn toàn không có cảm giác và không thể nhúc nhích được gì.

Nội dung vở kịch cực kỳ cuốn hút. Trước khi tai nạn xảy ra, người đàn ông ấy là một nghệ sĩ suốt ngày chỉ biết có công việc. Khi biết mình bị liệt và không cam lòng với viễn cảnh không còn điều khiển được bất cứ thứ gì, người đàn ông đã thỉnh cầu những người có chức trách trong bệnh viện về một cái chết nhân đạo. Khi bệnh viện từ chối lời đề nghị của ông, ông đã khởi kiện để đòi quyền được chết.

Là một sinh viên theo học ngành Luật, tôi đặc biệt thích vở kịch này bởi ngay tại thời điểm đó chúng tôi đang tìm hiểu những tranh cãi về mặt pháp lý và đạo đức xoay quanh cái chết nhân đạo trong khóa học của mình. Một trong những vấn đề chính mà vở kịch nêu lên là: 

Liệu người ta có đủ tỉnh táo và tinh thần ổn định để đưa ra một quyết định sáng suốt ngay sau khi phải chịu một tổn thương sâu sắc cả về thể xác lẫn tinh thần hay không? 

Nếu không, thì cần một khoảng thời gian bao lâu, hoặc cần kiểm tra những gì nhằm xác định người đó có đủ khả năng đưa ra một quyết định dựa trên lý trí?

Buổi diễn kịch năm 1981 này đặc biệt đáng nhớ bởi sau khi vở kịch kết thúc đã diễn ra một cuộc thảo luận cởi mở về những vấn đề mà cốt truyện nêu ra. Đạo diễn của vở kịch được mời lên sân khấu cùng với một giáo sư Luật, một giáo sư Tâm lý học và hai người đàn ông khác, cả hai đều ngồi xe lăn.

MỘT CÚ SỐC TÂM LÝ LIỆU CÓ PHẢI LÀ ĐIỀU TỒI TỆ NHẤT?

Nhà tâm lý học tiếp tục cuộc thảo luận và giải thích rằng bất cứ tổn thương nào cũng đều gây ra ảnh hưởng đến nhận thức và lối cư xử của con người. Điều này được biết đến như là triệu chứng rối loạn căng thẳng sau tổn thương và thường xảy ra trong vòng ba tháng đầu tiên sau một chấn thương tâm lý. Tuy nhiên, có khi cả năm sau các triệu chứng rõ rệt của căn bệnh mới xuất hiện như trầm cảm, có xu hướng tự vẫn, gặp ác mộng, hay nổi giận và hồi tưởng về những việc đã qua.

Đối với cá nhân phải chịu đựng một trong những dạng tổn thương tồi tệ nhất về thể xác lẫn tinh thần là việc mất khả năng điều khiển gần như toàn bộ cơ thể cùng với tất cả các di chứng mà tổn thương để lại thì không có cách nào để biết người đó có khả năng đưa ra quyết định mang tính lý trí hay không. Với tất cả những lý do đó, nhà tâm lý học đã lập luận rằng người bệnh không có khả năng đưa ra một quyết định dứt khoát như vậy trong vòng ba tháng đầu tiên sau chấn thương.

Đến lúc này, hai người đàn ông ngồi xe lăn bắt đầu nói chuyện với khán giả. Những gì họ nói ra đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc và khó phai đến nỗi hai mươi lăm năm sau tôi vẫn nhớ như in. Họ giải thích rằng trong những tuần lễ đầu sau vụ tai nạn, họ chỉ muốn chết. Nhưng trong những tháng tiếp theo, cuộc sống và nhân sinh quan của họ bắt đầu thay đổi. Họ phải đối mặt với các thử thách mới mỗi ngày; những thử thách mà trước khi xảy ra tai nạn chẳng gây ra cho họ chút khó khăn nào, như việc tắm rửa và thay đồ mỗi buổi sáng, giờ đây lại quả là thách thức. Vụ tai nạn buộc họ phải đánh giá lại cuộc sống của mình, cả những hy vọng, ước mơ và khát khao. Cả hai đều nói rằng chính điều này đã đem đến một thứ mà họ chưa từng mong đợi. Cả hai người đàn ông, theo cách của riêng mình, đã tìm được nghị lực sống.

Điều mà tôi kinh ngạc nhất là cả hai người đàn ông này đều nói rằng so với thời gian trước khi gặp tai nạn, cuộc sống của họ giờ đây lại trở nên phong phú và họ mãn nguyện hơn nhiều. Họ tuyên bố rằng bây giờ họ cảm thấy hạnh phúc hơn và thậm chí cả hai còn khẳng định vụ tai nạn là “điều tốt nhất từng xảy đến với họ”. Tôi cảm thấy choáng váng vì những lời nói đó. Làm sao một người có thể nói về tai nạn đã biến họ thành phế nhân suốt đời gắn liền với chiếc xe lăn là điều tốt nhất đã xảy đến với họ?

*Nguồn tham khảo sách Mặt Phải: https://bit.ly/2WYq7L9 

*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng

Edward

Mời các bạn đón xem tiếp Phần 2 trong Series Mặt Phải trên fanpage Tâm lý học ứng dụng

“Tại sao những chuyện tồi tệ luôn xảy ra với một số người, trong khi người khác thì không?”

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+