Vì sao “KONG – Đảo đầu lâu” khiến người xem đổ xô đến rạp? Review phim dưới góc nhìn tâm lý

Ngay sau khi công chiếu được một vài ngày, “KONG – Đảo đầu lâu” – siêu phẩm Hollywood đầu tiên được quay tại Việt Nam bỗng trở thành cơn sốt khủng khiếp đối với khán giả Việt Nam. Ngay lập tức, bộ phim phá kỷ lục là phim có doanh thu ba ngày cuối tuần đầu tiên cao nhất tại Việt Nam lên tới 62,5 tỷ VNĐ với hơn 700,000 lượt xem. Vậy điều gì làm nên cơn sốt này, điều gì khiến khán giả đổ xô đến rạp? Dưới đây là một vài phân tích tâm lý cũng như review phim về một bộ phim – nghe thoáng qua thôi đã thấy đầy sức hút và thú vị.

(Cách mà đoàn làm phim khen ngợi cảnh đẹp Việt Nam là một yếu tố quan trọng khiến người ta càng muốn xem)

1. Cảm xúc tự hào

Bộ phim lựa chọn quay những cảnh quay thiên nhiên rất đẹp tại Việt Nam, như Quảng Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh. Khi xem phim, cảm giác chung của khán giả là cảm xúc tự hào khi hình ảnh thiên nhiên núi rừng, đất nước, qua các cảnh quay bỗng trở nên kì vĩ, đẹp tuyệt vời. Có lẽ, do đây là bộ phim Hollywood đầu tiên quay tại Việt Nam, vì thế mà lần đầu tiên, người ta thấy có một bộ phim đẳng cấp thế giới – mà cảnh vật trong đó, không phải là những nơi xa xôi, xa xỉ, mà lại chính là những gì gần gũi, thân thuộc ở chính đất nước mình. Cảm xúc tự hào, có phần hãnh diện là yếu tố tâm lý lan truyền và lây lan chóng mặt khiến người ta cũng muốn phải xem, phải trải nghiệm để hiểu cảm giác ấy.

2. Du lịch phát triển

Theo thống kê, các tour du lịch, mỗi khi có phim bom tấn đặt các cảnh quay ở đó, là ngay lập tức doanh thu du lịch có thể tăng lên vài nghìn phần trăm, cũng như hàng chục, hàng trăm nghìn khách du lịch đến các tour đó. Chính vì lẽ đó, ngay phi phim vừa phát hành được vài ngày, các tour du lịch đã chớp lấy thời cơ nhanh chóng, để tạo ra các tour đại loại theo kiểu “Hành trình du lịch KONG – Đảo đầu lâu” (Tên này là Edward tự nghĩ ra), đi khám phá các địa điểm thiên nhiên, các cảnh quay đã được làm quá tuyệt vời qua ống kính. Dĩ nhiên, đây là điều tốt. Về du lịch, Thái Lan đã làm tốt điều này hơn Việt Nam rất nhiều kể từ khi cách đây cả chục năm, khi mà Hollywood xuất hiện ở đó. Điều đó phần nào lý giải vì sao ngày nay Thái Lan làm du lịch chuyên nghiệp như vậy. Quay trở lại câu chuyện, việc phục vụ mục đích du lịch cũng là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh Việt Nam. Từ đó mà truyền thông, báo chí, cũng sẽ quảng cáo, Pr liên tục cho chiến dịch này cũng như bộ phim này. Đồng thời, người Việt cũng háo hức hơn, tò mò hơn về những điều đó và dĩ nhiên, trước tiên là phải: ĐI XEM PHIM.

3. KONG – Đảo đầu lâu có phải là một bộ phim hay?

Về mặt IMDB, KONG được đánh giá 7.2/10, không quá tệ, nhưng không phải quá cao. Về tâm lý, người Việt xem phim đều thích và ấn tượng đơn giản bởi vì nó có các cảnh quay tại Việt Nam. Trên thực tế, bộ phim cũng có những nhận xét khách quan như: cốt truyện hơi lủng củng, các nhân vật chưa có những tính cách thực sự đặc sắc, chưa có những kịch bản kịch tính,.. Tuy nhiên, điều đó không quan trọng và không làm ảnh hưởng đến việc KONG vẫn sẽ là một bộ phim bom tấn khiến khán giả đổ xô đến rạp để xem phim. Và chắc chắn, sau bộ phim này, sự lan tỏa về giá trị, con người, đất nước Việt cũng như có những sự phát triển tiếp theo cả về tinh thần, kinh tế là điều chắc chắn.

(Trailer phim KONG – Đảo đầu lâu)

4. Review KONG – Đảo đầu lâu – Những điểm nhấn và thông điệp ý nghĩa

Dĩ nhiên, về mặt thông điệp và ý nghĩa, bộ phim cũng có rất nhiều điều thú vị. Câu chuyện kể về một hành trình của một nhóm người, từ phóng viên, đến quân đội tháp tùng về một hòn đảo ẩn chứa đầy rẫy những nguy hiểm, có tên Đảo đầu lâu.  “Kong” – con khỉ khổng lồ – là người bảo vệ hòn đảo và được người dân bản địa tôn thờ như là một vị thần để bảo vệ họ khỏi bọn cướp biển, tiêu diệt những con quái vật dưới đất, những quái thú đã giết hại tổ tiên của Kong. Một bộ phim nhẹ nhàng, nhiều cảm xúc, và cũng có những thông điệp đầy giá trị.

Tinh thần kỷ luật của quân đội:

Trên con tàu sân bay lớn cập bến hòn đảo, nhóm người đó phải chia ra thành đội hình cáo – cách gọi tên của hạm đội trực thăng quân đội bay về phía Đảo đầu lâu. Xuyên suốt bộ phim, là việc hạm đội vượt qua bão, chiến đấu, ngay cả lúc bị tiêu diệt, và có cả những người đã chết. Ở đó, Preston Packard – người lãnh đạo đội quân, luôn bình tĩnh, bình thản, giữ vững tinh thần cho dù bất kì chuyện gì xảy ra. Ở đó không có nỗi sợ, một khi đã quyết là sẽ hành động. Ở đó là chiến đấu vì nhau. Ở đó là một người vì mọi người. Ngay cả khi, lúc một máy bay trực thăng bị bốc cháy chuẩn bị rơi, người lĩnh vẫn bình thản nói: “Báo cáo, tôi chuẩn bị hạ cánh”. Nhiều cảnh quay trong phim sẽ giúp người xem cảm nhận và ấn tượng về tinh thần và sức mạnh, can đảm người lính.

Đôi khi kẻ thù không xuất hiện, kẻ thù xuất hiện khi ta tìm kiếm

Bộ phim cũng gửi gắm một thông điệp hay về chiến tranh. Lấy bối cảnh từ chiến tranh ở thế kỷ 20, và xoay quanh đó là cuộc chiến giữa nhóm người với KONG, và rồi cuộc chiến giữa KONG với các con quái vật ở hòn đảo, những cuộc chiến là nơi mà ta – và đối diện chính là kẻ thù. Trong một khoảnh khắc, lúc đoàn người di chuyển, có những người muốn quay về, có những người nhất quyết đi tiêu diệt KONG – “con quái vật” đã giết chết những người đồng đội của họ. Là khoảnh khắc mà một người lính cất tiếng nói: “Khẩu súng này, tôi thu nhặt được khi đối đầu với một người nông dân – ông ta thậm chí còn không biết cách sử dụng nó. Đôi khi kẻ thù không hề tồn tại, kẻ thù xuất hiện khi ta đi kiếm tìm”. Tương tự như vậy, KONG – vốn dĩ ở hòn đảo này, là để bảo vệ muôn loài, chính việc con người nổ mìn, để tiêu diệt nó, mới khiến nó trở thành “kẻ thù” – để rồi cuối cùng, họ nhận ra, đây không phải kẻ thù của mình. Những cuộc chiến vô nghĩa, làm người ta phải trả nhiều cái giá. Chẳng hạn như một chàng trai luôn nhớ về Bill, con trai yêu dấu của mình – để rồi cuối cùng mình bỏ mạng tại đây. Có lẽ, đạo diễn cũng một phần đặt bối cảnh bộ phim vào chiến tranh, để nói lên rằng, có những cuộc chiến là vô nghĩa.

Tinh thần đồng đội

Có rất nhiều cảnh phim, cho người xem thấy được sức mạnh và tinh thần của đồng đội, sẵn sàng vì nhau, chiến đấu và thậm chí là hy sinh vì nhau. Không chỉ là những người lính bảo vệ bên nhau, không chỉ là đoàn người sẵn sàng chiến đấu vì nhau, không chỉ là KONG bảo vệ hòn đảo của nó, và sau này là bảo vệ cả con người. Mà còn có một cảnh phim ý nghĩa – người lính trong chiến trận, lạc vào hòn đảo ấy, 28 năm sau trở về nhà, sau khi được mọi người tìm đến và rồi dẫn trở về nhà. Mà để có được chuyến đi ấy, thì một người đàn ông khác, đã phải thử mọi cách và dùng đủ mọi thứ để chuyến đi ấy diễn ra. Để rồi khép lại phim, là cảnh người lính trong rừng trở về nhà gặp lại vợ và gặp con trai lần đầu tiên sau 28 năm trong hòn đảo ấy.

Tổng kết lại, KONG – Đảo đầu lâu cũng đáng là một bộ phim để khán giả, mỗi chúng ta xem, và học, và ngẫm, và làm một cái gì đó khác biệt đi cho cuộc sống của mình, chứ không chỉ đơn thuần là giải trí.

*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng

– Edward –

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Đăng ký tham gia khóa học QUANTUM LEAP - BƯỚC ĐẠI NHẢY VỌT với ưu đãi 90%ĐĂNG KÝ NGAY
+