Vì Sao Không Nên Than Phiền, Văng Bậy, Chửi Tục?

Giao tiếp là điều mà ai cũng làm hàng ngày. Thế nhưng đôi khi chúng ta lại không ý thức được những gì mình nói ảnh hưởng đến cuộc đời mình như nào. Cho nên chúng ta phản ứng một cách vô thức với những điều mình có thể ý thức được. Điển hình nhất là sự than phiền, hay văng tục, chửi bậy khi có những điều không như ý muốn xảy ra. Cá biệt, có những người điều này trở thành thói quen và là một phần trong giao tiếp, lối sống của họ.

Có một số diễn giả – họ rất hay “văng tục” trong quá trình diễn thuyết. Hành động này có nhiều người lên án. Ngược lại có rất nhiều người ủng hộ. Nhóm ủng hộ cho rằng đây là những con người không lý thuyết, sách vở. Chẳng hạn ở đời mà không có quyết tâm thì xứng đáng bị chửi để cho tỉnh ra. Cho nên, nhóm ủng hộ này rất thích được “nghe chửi”. Khoan phán xét việc chúng ta nên lên án hay nên ủng hộ hành vi “chửi bậy”.

Ở góc nhìn tâm lý, khi một điều gì đó được đẩy lên cực đoan, hoặc ngược đời sẽ luôn có người ủng hộ đi theo. Quan điểm “cực đoan” trường hợp này là giáo dục – diễn thuyết thì phải “văng bậy” nó mới gần gũi, chứ không phải lúc nào cũng nhàm chán như giáo dục truyền thống. Hay đã có rất nhiều ví dụ về sự ngược đời, cực đoan được ủng hộ như không cần đi học vẫn thành công; hội những người ủng hộ đồng tính (những quan điểm này thường không có đúng hay sai mà sẽ luôn chia ra làm 2 phe – phe ủng hộ và phe phản đối),…

Khi không thoải mái với một chuyện hoặc xích mích với một người, chúng ta có xu hướng muốn than phiền, thậm chí muốn chửi bậy. Lý do là để cho bõ tức, đỡ khó chịu. Về tâm lý, hành động này rất nên làm. Việc than phiền, chửi bậy giải quyết được nhu cầu “xả cảm xúc” khi bạn có cảm xúc tiêu cực. Nếu không xả cảm xúc, chẳng khác gì bạn đang tích bom vào người. Một ngày nào đó, quả bom ấy sẽ nổ chậm. Có rất nhiều người bị trầm cảm là bởi vì cảm xúc u sầu tích tụ lâu ngày. Tuy nhiên, hành động “xả cảm xúc” đó đúng về động cơ nhưng sai về phương pháp.

ĐỪNG COI THƯỜNG NHỮNG GÌ BẠN NÓI HÀNG NGÀY

Hãy cùng phân tích một chút dưới góc nhìn của NLP – điều được mệnh danh là “khoa học của sự thay đổi”. NLP (lập trình ngôn ngữ tư duy) chứa đựng ba thành tố có ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành những kinh nghiệm cá nhân của mỗi chúng ta: thần kinh học, ngôn ngữ học, và các mô thức được lập trình sẵn (Bạn có thể đọc bài Làm thế nào để thay đổi mình và người khác? nói về các mô thức được lập trình sẵn – Meta Programs). Bài này chủ yếu tập trung vào yếu tố thứ hai của NLP là ngôn ngữ học (Linguistic).

Ngôn ngữ là công cụ để não bộ có thể thực hiện chức năng suy nghĩ, và suy nghĩ sẽ ảnh hưởng đến hành động. Cho nên, ngôn ngữ có sức ảnh hưởng trực tiếp lên suy nghĩ và từ đó ảnh hưởng lên hành vi. Những gì bạn tư duy cùng những gì bạn nói  (bên trong – tiếng nói nội tâm; bên ngoài – giao tiếp) đều là ngôn ngữ. Ngôn ngữ bạn dùng như nào sẽ ảnh hưởng đến hành vi của bạn và người khác như vậy. Việc bạn nói và tư duy giống như bạn đang cho não bộ “ăn” (Input). Input sao thì Output vậy.

Nếu bạn đánh máy sai chính tả (Input) thì văn bản đó khi in ra sẽ không có chuyện chỉn chu câu từ trọn vẹn (Output). Bạn mang rác vào nhà (Input) thì ngôi nhà của bạn sẽ không có chuyện sạch sẽ được (Output). Tương tự vậy, khi bạn than phiền, chửi bậy, văng tục – bạn đang mang một thứ “rác” (Input) vào tâm hồn mình và tâm hồn người khác. Điều này là đương nhiên vì khi bạn nói nghĩa là bạn cũng nghe những gì mình nói. Bạn nói bằng cảm xúc tức giận thì bạn cũng cảm nhận luôn cảm xúc tức giận. Vấn đề nằm ở chỗ, nếu một năm 365 ngày, một đời bạn sống 80 năm, mà ngày nào bạn cũng mang “rác” về “nhà” (não bộ là “trung khu thần kinh”) thì liệu bạn có thể hạnh phúc? Liệu bạn có thể thành công? Liệu bạn có thể bình an? Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG BAO GIỜ. Ấy vậy mà ở ngoài kia, có cơ số người hàng ngày vẫn làm vậy, và họ nghĩ rằng như vậy hay lắm, không sao đâu.

Ngay bây giờ, bạn hãy làm thử một trải nghiệm NLP. Hãy nghĩ về lúc bạn quyết tâm hừng hực cho mục tiêu nào đó, bạn nói những gì với chính mình và người khác? Có thể là mình phải làm được, mình tuyệt vời quá, cố lên nào, cuộc đời này thật tuyệt, … Và ngược lại sau khi bạn mắc phải một sai lầm hoặc một thất bại, bạn nói những gì với mình và người xung quanh? Có thể là what the ***, tại cái nọ, tại cái kia, đời như ***… Bạn có thấy nó đối lập nhau không? Cho nên bây giờ bạn đã hiểu vì sao không nên than phiền, văng tục, chửi bậy rồi chứ? Dĩ nhiên, nếu đã từng có thì cũng chẳng sao. Là bởi vì như đã nói ở trên, nhà ở nếu lỡ có rác thì bạn dọn dẹp đi nó sẽ sạch. Nhưng chỉ cần từ bây giờ, bạn đừng “mang rác” về nhà mình là được.

LÀM SAO ĐỂ KHÔNG MANG RÁC VỀ NHÀ?

Không quan trọng là trước đây bạn đã làm gì với bản thân bởi vì điều gì đã xảy ra rồi thì không thay đổi được. Nhưng những gì bạn làm sau này thì bạn nên chịu trách nhiệm với chính mình. Việc sử dụng ngôn ngữ cũng như vậy. Không chửi bậy, không than phiền, bớt cãi nhau (cãi nhau khác tranh luận trong Critical Thinking – Bạn có thể đọc thêm bài: Thấu hiểu tâm lý con người khi cãi nhau), không văng tục, không dùng ngôn từ tiêu cực… Với một số người, danh sách này có vẻ khó quá khi mà bây giờ chửi bậy nhiều riết thành thói quen. Không sao cả, nếu bạn xây dựng được thói quen thì bạn cũng sẽ phá bỏ được. Đây không phải con người bạn là bởi vì làm gì có đứa trẻ nào vừa sinh ra đã biết chửi bậy. Cho nên, mọi thứ đều do rèn luyện mà thành. Bạn có thể rèn luyện hai cách sau để “không mang rác về nhà”.

  • Phương Pháp 1: Input tích cực đầu ngày mới

Mở mắt ra, điều đầu tiên bạn nghĩ, câu đầu tiên bạn thường nói là gì? Nó tích cực hay tiêu cực? Nếu nó thuộc thể loại tiêu cực như “chết rồi”, “chán quá”, “lại phải đi học (đi làm)”, “đời như sh**”,… thì bây giờ bạn hãy thay đổi.

Cho dù bất kì chuyện gì xảy ra, vào bất kì thời điểm nào trong đời, bạn hãy luôn luôn khởi đầu ngày mới tích cực.

Chẳng hạn như mở mắt ra là hét ầm lên “Awesome” hoặc mở mắt ra là nói thầm trong tâm trí: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy – Đã cho tôi một ngày nữa để yêu thương”. Hoặc ngày hôm nay tôi sẽ nỗ lực để mình tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Nếu cài nhạc chuông báo thức, hãy cài những bài nhạc mang tính chất khích lệ, cổ vũ, động viên tinh thần, đừng cài những bài nhạc buồn, thất tình, đau khổ.

Có một quãng thời gian Edward tiêu cực lắm, vì gặp phải chuyện căng thẳng kéo dài. Lúc đó, tình cờ được nghe câu chuyện về một người đàn ông. Anh làm kinh doanh và cuộc đời đúng nghĩa “lên voi xuống chó”. Khi công việc kinh doanh thất bại, anh nợ nần chồng chất, tiền mất tật mang, mọi thứ trở về con số 0. Thế nhưng, ngay cả thời điểm đen tối nhất như thế, anh vẫn giữ thói quen Input tích cực mà anh thường làm trong những ngày cuộc đời anh tươi sáng. Không vì thất bại mà anh cho phép mình tiêu cực. Cho nên ngày nào đi làm anh cũng mua một bông hoa nhỏ xinh cài trước ngực trong áo vest. Khi chúng ta thất bại, hay căng thẳng hoặc tiêu cực kéo dài, chúng ta có khuynh hướng mất tự tin. Người mất tự tin thường đi chậm, trong đầu có những tiếng nói tiêu cực không tốt về bản thân. Có lẽ nhờ câu chuyện cảm hứng của người đàn ông ấy mà thời gian đó, mỗi khi ra ngoài, Edward lúc nào cũng tự dặn mình phải đứng thẳng, ngẩng cao đầu, mắt phải luôn nhìn về phía trước. 

  • Phương Pháp 2: Phản ứng tích cực khi có những chuyện làm bạn tiêu cực

Cuộc đời luôn có những chuyện “trời ơi đất hỡi”, “từ trên trời rơi xuống” với bản thân chúng ta. Cuộc đời này nhiều nghịch lý, không công bằng nhưng nó vẫn đẹp. Cho nên:

Không quan trọng là hoàn cảnh tiêu cực nào xảy ra với bạn, mà điều quan trọng là bạn sẽ trở thành người như thế nào sau khi hoàn cảnh tiêu cực ấy xảy ra. 

Khi có những chuyện làm bạn tiêu cực, hãy phản ứng tích cực nhất có thể.

Edward nhớ có một bộ phim mình xem đi xem lại rất nhiều lần, đó là 3 chàng ngốc. Và điều mà Edward nhớ nhất là một câu thần chú, 3 chàng lính ngự lâm này luôn luôn phản ứng mỗi khi làm những điều dại dột, đó là All izz well (mọi chuyện đều ổn). Cho nên, trong mọi hoàn cảnh tiêu cực xảy ra, câu đầu tiên bạn nói với bản thân chính là mọi chuyện đều ổn. Hoặc cứ bình tĩnh, mọi thứ sẽ đâu vào đó. Lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi làm được điều này, thực ra bạn đang là một chuyên gia NLP khi huấn luyện cho não bộ phải phản ứng tích cực chứ không được phản ứng theo vô thức. Một cách phản ứng tích cực khác nữa đó là hãy nghĩ về hội FA. FA ở đây không phải là hội “ế bền vững” – mà ở đây FA là Forever Awesome. Cho dù bất kì chuyện gì xảy ra thì bạn vẫn sẽ luôn luôn FA chứ?

KHÔNG CHỈ LÀ NHỮNG GÌ BẠN NÓI

Chắc hẳn đọc đến đây thì bạn cũng đã hiểu phần nào sức ảnh hưởng khủng khiếp của NLP xuất phát từ những lời nói tưởng chừng như vô hại đến cuộc đời bạn. Cho nên, nếu bạn đã nhận ra được thì chắc hẳn cuộc sống của bạn sẽ sang một trang mới. Đây chính là sự văn minh trong ngôn ngữ và cách sống, là lý do vì sao những người hạnh phúc và thành công nhất luôn ăn nói nhẹ nhàng, có đầu có cuối. Cuộc sống của họ vẫn có những bất đồng quan điểm, nhưng cách thức thể hiện thì văn minh lịch sự.

  • Nếu bạn hay than phiền, văng tục, nói bậy với người thân: Có thể họ sẽ vẫn chấp nhận bạn, vì họ yêu thương bạn. Nhưng như vậy là bạn đang mang rác không chỉ vào nhà mình, bạn còn mang rác cả vào nhà những người mình thương yêu. Điều này liệu có đáng?
  • Nếu bạn hay than phiền, văng tục, nói bậy với người không thân: Dĩ nhiên họ sẽ không chấp nhận bạn, có thể họ cũng chẳng can thiệp đến bạn đâu (ví dụ khuyên bạn đừng nên làm vậy nữa), nhưng thật ra hình ảnh cá nhân của bạn trong mắt họ thì bị đánh mất từ lâu lắm rồi.

Điều cuối cùng, Edward muốn nói với bạn, không chỉ là những gì bạn nói, mà còn cả những gì bạn nghe, bạn đọc, những người bạn lựa chọn cho cuộc sống của mình đều quan trọng. Chọn bạn mà chơi, chọn thầy để học, chọn người mà yêu, hoặc chọn những gì mình đọc: đọc báo lá cải hay đọc những bài có chiều sâu, chẳng hạn bài của Edward 😉 … cũng đều là sự lựa chọn của bạn.

Tái bút:

Vì bài đã dài (mà hình như bạn nào quen đọc văn phong Edward thì cũng thích đọc những bài dài thì phải, các bạn thích lập luận rõ ràng, dẫn chứng sắc bén, giải pháp cụ thể) nên Edward không phân tích thêm vào chủ đề: Vậy khi người mình thương yêu, người thân, đồng nghiệp của mình có nhu cầu “xả cảm xúc” thông qua việc than phiền, hoặc chửi bậy, chúng ta nên làm gì? Các bạn suy ngẫm nhé!

*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng

Edward

Chia sẻ ý kiến của bạn:

One Response

  1. Hung 19/10/2017

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+