VĂN HÓA ĐỂ BỤNG (Bệnh Thù Dai)

Ở đời, một trong những thứ phức tạp nhất đó chính là mối quan hệ giữa người với người, hay nói cách khác thứ khó nhất là làm sao để giao tiếp, làm việc với nhau. Một lẽ tất yếu, khi sinh ra chúng ta đã khác nhau rất nhiều (từ văn hóa, tính cách, giọng nói, kiến thức, trải nghiệm,…) cho nên khi làm việc với nhau, sự mâu thuẫn, xung đột xảy ra là điều đương nhiên không thể tránh khỏi. Thế nhưng, khổ nỗi có một thói quen không tốt mà nhiều người vô tình hay mắc phải, đó chính là thói quen để bụng, hay nói một cách dân dã là “bệnh thù dai”.

VÌ SAO NGƯỜI TA DỄ ĐỂ BỤNG?

Trong loạt bài về chủ đề rèn mình luyện người với NLP (Ứng dụng ngôn ngữ lập trình tư duy/ Neuro Linguistic Programming), chúng ta đã đề cập đến một nguyên tắc rất quan trọng đó là không đánh đồng giữa ĐỘNG CƠ và HÀNH ĐỘNG. Có những người, hành động thực hiện có thể rất xấu, nhưng lại xuất phát từ một động cơ tốt đẹp. Một tên tội phạm trong lúc cướp của, cầm cả con dao đâm chết một người là do có chủ ý từ trước. Nhưng một bác sĩ có thể vô tình do sơ ý trong phòng mổ để rơi dụng cụ y tế làm người bệnh bị chết. Cùng là hành động giết người nhưng chắc chắn động cơ của tên trộm và bác sĩ là khác nhau.

Tương tự như vậy, hàng ngày có nhiều chuyện làm cho chúng ta mâu thuẫn, khó chịu, gây tổn hại đến nhau. Thế nhưng, nhiều khi vô tình chúng ta hay đánh đồng hành động với con người. Ví dụ một người đi đường quẹt xe vào bạn, có thể là cố ý cũng có thể vô tình, nhưng ta lại thường mặc định rằng người ta có chủ ý. Hoặc khi phản ứng lại, nhiều người cũng dễ “đánh” vào con người của họ, dùng cả những lời khiếm nhã chẳng hạn như “Bị mù à”, “Cái loại vô ý thức”, văng tục, chửi bậy,… Thế rồi, khi bị phản ứng như vậy, phía người bên kia cũng bức xúc, khó chịu. Thế là hai bên cùng đánh đồng vào con người của nhau, ghim cảm xúc đó lại, và giữ cảm xúc đó ở trong lòng.

Sau khi ghim cảm xúc khó chịu về hình ảnh một ai đó trong lòng, ta chờ đợi một dịp nào đó mình phải trả đũa lại cho hả dạ, thế rồi cả hai bên, ai cũng “để bụng”. Và rồi một ngày nào đó, có một chuyện cỏn con xảy ra, chúng ta cũng thấy người ta lăng mạ, chửi rủa, đánh nhau, lôi hết tất tần tật chuyện trong quá khứ ra,… Giây phút ấy, về mặt tâm lý chúng ta gọi là “giọt nước tràn ly”. Cho nên, đó cũng chính là lý do vì sao ở ngoài đời chúng ta hay thấy những chuyện như kiểu vì làm đổ bát nước mắm mà hai vợ chồng li dị, vì “nhìn đểu” mà hai thanh niên đâm nhau, vì một câu nói mà mối quan hệ đổ vỡ,…

CHÚNG TA CÓ NÊN “ĐỂ BỤNG”?

Hàng ngày, ai cũng đều phải ăn uống để tồn tại. Cho nên, về mặt nghĩa đen, chúng ta chỉ để bụng những thực phẩm, thức ăn, đồ uống sạch. Chứ chẳng có ai lại đi mang những thứ không vệ sinh, không sạch sẽ mà để vào bụng. Thế nhưng, một cách vô tình, chúng ta lại “để bụng” rất nhiều “món ăn tinh thần” không được sạch sẽ, không được vệ sinh. Chúng ta dễ để bụng cảm xúc khó chịu về một ai đó, chúng ta dễ để bụng cơn giận về một cuộc cãi vã, chúng ta dễ để bụng một hình ảnh, một khoảnh khắc một ai đó đối xử tệ bạc với mình. Có những người, một cách cực đoan còn thề thốt rằng cả đời không bao giờ quên “món nợ” hay “mối thù” đó. Chẳng phải thế mà người xưa còn nói “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn”, cho nên nói một cách hài hước thì “bệnh thù dai” là một yếu tố có sự di truyền.

Tức giận, căm thù, bực bội một ai đó giống như việc bạn uống vào người một ly nước độc nhưng lại muốn người đó bị trúng độc. Khi “để bụng”, người đầu tiên thiệt thòi là chính bản thân chúng ta. Nếu một phút trôi qua, bạn đau khổ thì bạn vừa đánh mất 60 giây được sống hạnh phúc. Tương tự như vậy, mỗi giây phút trôi qua bạn dành thời gian cho những cảm xúc tiêu cực thì bạn không có thời gian cho những cảm xúc tích cực. Chưa kể, có những chuyện quá nhỏ, vì “để bụng” mà lâu dần tích tụ lại, chúng ta sẽ dễ cảm tính khi nhìn nhận về một người, có nhiều chuyện sẽ từ bé xé ra to, và chúng ta có thể đánh mất đi nhiều mối quan hệ tốt đẹp. Cho nên, “để bụng” vừa không tốt cho mình, vừa không tốt cho người khác.

“BỤNG CHỈ NÊN ĐỂ THỨC ĂN”

Nếu vậy thì cách chúng ta hành xử hàng ngày nên như thế nào cho phù hợp?

Một cách rất đơn giản, đó là hãy phản hồi chân thật.

Khi bạn không hài lòng với một người vì một chuyện gì đó, hãy phản hồi lại với họ. Tuy nhiên, một lưu ý đó là khi phản hồi, hãy miêu tả hành động, đừng ghim vào con người.

Chẳng hạn: bạn không hài lòng về việc một người đi trễ khi hẹn lịch, họ đi trễ 30 phút so với lịch hẹn. Nếu phản hồi, hãy miêu tả rõ hành động, ví dụ như tôi không hài lòng về việc bạn đi trễ 30 phút trong buổi hẹn A ngày B hôm trước. Đồng thời, hãy nói cho họ biết lý do vì sao bạn không hài lòng. Lý do tôi không hài lòng là bởi vì việc bạn đi trễ như này ảnh hưởng đến tôi như sau… Như thế người nghe cũng cảm thấy nhẹ nhàng, thay vì bạn phán xét, tôi không hài lòng về việc bạn thiếu ý thức và không có uy tín khi hẹn lịch người khác. Đồng thời, nếu bạn nào tế nhị hơn, hãy cho người ta cơ hội để nói lý do trước. Chẳng hạn, hôm trước tôi thấy bạn đi muộn 30 phút như này, có thể cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra với bạn không?

Khi đó, nhiều khả năng là bạn sẽ biết được người đó vô tình hay cố ý. Có những chuyện, người khác vô tình làm nhưng họ không biết được hoặc không ý thức được là nó không tốt/ không phù hợp, cho nên bạn phải phản hồi người ta mới biết. Lấy một ví dụ, trong ăn cơm, có những vùng miền người ta tối kị việc một người ăn cơm có hành động ợ thức ăn, vì như thế bị coi là mất lịch sự. Nhưng ngược lại, có những vùng miền, việc một người có hành động ợ thức ăn thể hiện rằng họ đã ăn no và chứng tỏ là người nấu bữa chu đáo. Giả sử một người sống ở vùng miền có văn hóa “ở thức ăn” một ngày nào đó đến sống ở vùng miền có văn hóa “tối kị việc ợ thức ăn”, nếu không được phản hồi họ sẽ không biết.

Sau khi bạn phản hồi, có thể bạn sẽ gặp tình huống người nghe là người không chịu nhận phản hồi. Một cách rất dễ để nhận ra điều này, đó là nhóm người này có khuynh hướng đổ lỗi, họ không bao giờ chịu nhận họ sai. Họ hay đi tìm lý do ở bên ngoài, chẳng hạn tại cái nọ, tại cái kia, vô tình, không cố ý,… hoặc thái độ của họ khi nhận phản hồi là khuynh hướng không lắng nghe, hay cãi lại,… Những người này bạn chỉ cần phản hồi một vài lần, nếu thấy vẫn có dấu hiệu đó thì thực ra bạn cũng chẳng cần để bụng, và cũng chẳng cần phải tiếp tục mối quan hệ đó nữa. Chúng ta không cần và không thể chung sống với một mối quan hệ mà không chịu hợp tác với chúng ta.

Thêm vào đó, chính chúng ta cũng cần là người có thói quen nhận phản hồi. Việc nhận phản hồi không đồng nghĩa với việc chúng ta đồng ý với tất cả mọi ý kiến phản hồi. Nếu ý kiến phản hồi từ người khác không hợp lí, hãy bình tĩnh và giải thích lại cho họ. Thói quen hỏi phản hồi cũng là một thói quen tốt (nhất là với các mối quan hệ thân thiết), khi bạn hỏi phản hồi, việc này sẽ làm cho người đối diện dễ dàng mở lòng hơn. Từ đó, họ cũng khó có cơ hội “để bụng” hơn. Có một doanh nhân rất thành đạt, người đàn ông này có một thói quen là mỗi tháng đều dành ra một khoảng thời gian để hỏi vợ của mình, rằng “Em có điều gì không hài lòng về anh trong thời gian qua không, hãy nói cho anh biết!”. Lý do mà ông ta đưa ra cho thói quen này đó là, “Nếu tôi không đi hỏi cô ấy, cô ấy sẽ không nói cho tôi. Thay vào đó, cô ấy sẽ đi nói cho bạn thân của cô ấy”.

Ngày nay, một trong những tiêu chí quan trọng quyết định một người có thành công hay không đó chính là cách mà người đó phản ứng lại với những phản hồi, những lời nhận xét, những lời góp ý. Một người có lòng tự trọng cao thường là người không sợ những góp ý đúng. Họ cũng là người không sợ khi làm sai, và không sợ người khác biết mình sai. Với họ, quan trọng là sai ở đâu thì sửa ở đó.

Vậy nên, sau tất cả, bụng chỉ nên để thức ăn thôi.

*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng

– Edward –

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+