Tình Yêu Của Bạn Liệu Có Nhạt?

[ ]

Trong cuộc sống, có rất nhiều người có tình yêu theo kiểu kẹo cao su, thơm ngon lúc đầu nhưng chẳng mấy chốc thì nhạt, từ đó dẫn đến chuyện họ phải nhai cái mới. Ở góc độ tâm lý, con người chúng ta rất rất khác nhau. Cho nên, vòng lặp quen – biết – rồi thương – yêu nhau – rồi lại xa – là một chuyện hết sức bình thường. Trên thực tế, sự hình thành các mối quan hệ chính là việc ta liên tục chọn “nửa kia” của mình hết lần này tới lần khác cho đến khi lựa chọn được sự tử tế hiện diện trong người ấy sao cho phù hợp với mình. Người ta chia tay nhau phần lớn bởi vì không tìm được người phù hợp với mình lâu dài, chứ không nằm ở cảm xúc trước mắt. Để giảm thiểu những rủi ro và sai lầm trong lựa chọn, việc thấu hiểu mình thuộc nhóm người nào trong tình yêu là một lựa chọn quan trọng.

Tình yêu đôi lứa là tập hợp của những xúc cảm đặc biệt, phức tạp và mãnh liệt mà cho tới nay chúng ta vẫn chưa thể lý giải một cách đầy đủ. Mặc dù hầu hết mọi người tin rằng Tình yêu đến từ Trái tim của con người, nhưng sự thực những xúc cảm đó bắt nguồn từ một nơi nghe không có vẻ “lãng mạn” cho lắm, đó là Não bộ. Các nhà thơ, nhà văn và họa sĩ thường ví von trái tim như một biểu tượng của Tình yêu, trong khi Não Bộ mới chính là nơi sản sinh ra những tín hiệu hóa học giúp con người cảm nhận và thấu hiểu được thứ tình cảm đặc biệt này.

Khái niệm về “người tri kỷ” (soulmate) thường được chúng ta tìm thấy trong tất cả các nền văn hóa nổi tiếng. Một ví dụ điển hình cho tình yêu kiểu này là ý tưởng về việc bạn có thể tình cờ gặp một ai đó trên tàu lửa và phải lòng ngay từ cái nhìn đầu tiên, hay như ta thường gọi là “tiếng sét ái tình”. Thế nhưng nếu ta thử tháo bỏ lăng kính màu hồng đã lãng mạn hóa tình yêu, và xem xét “người tri kỉ” dưới góc độ khoa học não bộ thì mọi chuyện sẽ ra sao?

Giáo sư, Tiến sĩ ngành Nhân chủng học Helen Fisher đã dành nhiều năm nghiên cứu về tình yêu của con người, bà đã có những phát hiện đột phá về kiểu mẫu người yêu mà chúng ta sẽ trở thành cũng như loại tình yêu mà ta tìm kiếm. Kết quả nghiên cứu của bà chỉ ra bốn kiểu người yêu dựa trên sự khác biệt về nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh trong não, bao gồm: Người Khám Phá (The Explorer), Người Xây Dựng (The Builder), Người Đạo Diễn (The Director), và Người Đàm Phán (The Negotiator). Trong đó, Người Khám Phá sở hữu lượng lớn dopamine trong não bộ, Người Xây Dựng có nhiều serotonin, Người Đạo Diễn vượt trội ở lượng testosterone, và Người Đàm Phán có nồng độ estrogen cao. Sự khác biệt về cấu trúc hóa học cũng được thể hiện trong các đặc điểm tính cách, thói quen và lối sống yêu thích của bốn kiểu người yêu này.

1. NGƯỜI KHÁM PHÁ

Người Khám Phá thường gắn liền với những từ ngữ như: phiêu lưu, tự do và vui vẻ. Vì cấu trúc hóa học trong não bộ của họ chứa nhiều dopamine, những người này tìm kiếm nửa kia của mình với các yếu tố của một người “bạn đồng hành” (Playmate). Họ xem cuộc đời là một chuyến phiêu lưu khổng lồ và muốn có ai đó cùng mình tham gia cuộc hành trình ấy. Họ là những người cực kỳ bốc đồng và tò mò. Lượng lớn dopamine cũng thúc đẩy những Người Khám phá có động lực lớn và định hướng mục tiêu cao. Vì gắn liền với sự hào hứng, năng lượng, sự tập trung và quyết đoán, Người Khám Phá thường bị thu hút bởi những Người Khám Phá khác. Mặc dù nghe có vẻ dễ dàng, nhưng khi hai người Khám Phá đến với nhau và thổi bùng ngọn lửa tình yêu mãnh liệt bằng hai trái tim nồng cháy, họ sẽ gặp khó khăn nếu không rèn luyện được tính kiên nhẫn. Việc hai người này cãi nhau dữ dội sẽ là điều thường xuyên xảy ra và có thể dẫn tới các cuộc chia tay không mấy êm đẹp.

2. NGƯỜI XÂY DỰNG

Người Xây Dựng thường gắn liền với những từ ngữ như: gia đình, trung thực và trung thành. Vì cấu trúc hóa học não bộ của họ chứa nhiều serotonin, những người này tìm kiếm một người yêu “hữu ích” (Helpful Lover) và sẽ hỗ trợ cho cuộc sống tương lai của họ. Serotonin hình thành tính cách thận trọng vì nó ức chế nồng độ dopamine, do đó Người Xây Dựng thường thư giãn, dễ gần, ổn định, hướng về gia đình và cộng đồng. Họ là những người có khả năng thiết lập mối quan hệ bẩm sinh, tôn trọng các quy tắc và quyền lực trong xã hội. Họ cũng là những nhà hoạch định bẩm sinh và thích lên kế hoạch trước cho mọi thứ. Họ chú ý tới các chi tiết, thứ tự và làm việc theo phong cách từng bước một. Người Xây dựng thường bị thu hút bởi những Người Xây dựng khác. Đây là những cặp đôi “thanh mai trúc mã” mà bạn hay nghe nói tới, những người sau 60 năm vẫn gắn bó với nhau và còn tình cảm mặn nồng. Điều này nghe có vẻ lý tưởng nhưng như vậy không có nghĩa là họ không có rào cản nào cần phải vượt qua trong mối quan hệ. Ví dụ, bởi họ coi trọng các quy tắc, lịch trình và truyền thống của mình, hai người Xây dựng có thể gặp bất đồng về phương pháp mà họ cho là đúng đắn để thực hiện một công việc nào đó. Điều quan trọng mà Người Xây Dựng cần nhớ đó là rèn luyện tinh thần cởi mở và hiểu giá trị của tính linh hoạt nếu muốn mối quan hệ phát triển và lớn mạnh.

3. NGƯỜI ĐẠO DIỄN

Người Đạo Diễn thường gắn với những từ ngữ như: mọt sách, tham vọng và thử thách. Vì cấu trúc hóa học não bộ của họ chứa nhiều testosterone, những người này tìm kiếm người yêu có sự tương đồng với mình về trình độ tri thức (Mindmate). Người Đạo diễn rất thẳng thắn, kiên định và quyết đoán. Họ đánh giá cao tính logic, do đó khi ra quyết định họ không dễ bị cảm xúc chi phối. Đạo Diễn ưa thích sự cạnh tranh, họ thực dụng, tập trung và táo bạo. Họ cũng là người tham vọng và đôi khi quá độc lập tới mức có thể so sánh họ với những con sói đơn độc. Họ có trí thông minh Không gian cũng như khả năng về Âm nhạc và Thể thao. Người Đạo Diễn hiếm khi chọn 1 Đạo Diễn khác, thay vào đó họ thường chọn người đối lập với mình: Người Đàm Phán. Lí do là bởi Người Đạo Diễn thiếu những kỹ năng giao tiếp và đọc vị con người mà Người Đàm Phán bẩm sinh có được, vốn giúp họ thu hút lẫn nhau. Mặc dù Đạo Diễn và Đàm Phán thường tạo thành “cặp đôi hoàn hảo”, vấn đề vẫn có thể xuất hiện. Chẳng hạn như Người Đạo Diễn thường có xu hướng cuồng công việc và có thể đánh mất thời gian chất lượng bên người yêu là Người Đàm phán và gia đình.

4. NGƯỜI ĐÀM PHÁN

Người Đàm Phán thường gắn với những từ ngữ như: lòng tốt, sự cảm thông và nhạy cảm. Vì cấu trúc hóa học của họ chứa nhiều estrogen, họ tìm kiếm người yêu mình như một người bạn tri kỷ (Soulmate). Người Đàm Phán được biết đến là nhà triết gia trong bốn kiểu người yêu vì nồng độ estrogen cao dẫn tới khả năng tư duy theo mạng lưới, giúp họ kết nối một loạt ý tưởng, khái niệm và lý thuyết lại với nhau. Những người này cũng thường tư duy theo hướng trừu tượng và sở hữu trí tưởng tượng phong phú. Kết quả là điều này thường khiến họ trở thành người hay mơ mộng. Đàm Phán cũng là những người rất trực quan, tư duy dựa trên trực giác, thường là vì họ bẩm sinh sống tình cảm. Tuy nhiên, Người Đàm Phán vẫn có thể mắc phải các vấn đề trong mối quan hệ khi quá chú tâm vào các bình luận và chỉ trích thông thường. Họ hay có suy nghĩ rằng những bình luận đó nhắm vào mình và “để bụng” trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Người Đàm Phán cũng có xu hướng dễ bị trầm cảm và có thể quá tải khi liên tục thấy mất phương hướng. Vì luôn luôn tìm kiếm chính mình, họ có thể quá chú tâm tới bản thân, ý thức và chỉ trích bản thân quá mức.

Mặc dù có những kiểu người yêu dễ thu hút nhau hơn, thực tế là bất cứ cặp đôi nào cũng có thể có câu chuyện tình yêu đẹp của riêng mình, miễn rằng cả hai người đều có đủ sự trưởng thành và sẵn lòng phối hợp để cùng bù khuyết cho những khác biệt của nhau. Nghiên cứu của Giáo sư Helen Fisher tuy đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta hiểu hơn một chút về tình yêu, nhưng còn có quá nhiều điều chúng ta chưa biết. Cho đến nay tình yêu vẫn là một khái niệm bí ẩn mà ta không thể giải thích đầy đủ ngay cả khi sử dụng phương pháp khoa học tiên tiến nhất. Vì suy cho cùng, người ta thường phải lòng người mà họ ít ngờ tới nhất.

Cuối cùng thì sự hình thành các mối quan hệ chính là việc ta liên tục chọn “nửa kia” của mình hết lần này tới lần khác cho đến khi lựa chọn được sự tử tế hiện diện trong người ấy sao cho phù hợp với mình. Nếu bạn đang gặp bất đồng với nửa còn lại của mình, hãy nhấc điện thoại lên hoặc chạy ngay tới chỗ họ, đặt cái tôi của bạn sang một bên và xin lỗi người đó. Hãy tự hỏi bản thân: “Sự bất hòa này có đáng để mình đánh mất ai đó quan trọng với mình không?” Thực tế đáng buồn là mọi chuyện trong cuộc đời đều sẽ trôi qua, hay như ai đó từng nói “Cuộc đời chỉ là phù du”, nhưng nếu bạn cố gắng kiểm soát bản thân thì chính bạn sẽ làm cho các khoảnh khắc đó trở nên có ý nghĩa.

*Biên tập độc quyền bởi Tâm Lý Học Ứng Dụng

– Ad Milcah –

Source: https://www.ubrand.global/courses/4-phong-cach-yeu-thuong

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+