Thế nào là một tình yêu chân thật?

[ ]

Làm cách nào biết được tình yêu nào là tình yêu chân thật?

Tình yêu chân thật nào cũng căn cứ nơi yếu tố thứ nhất và căn bản này: lòng hy sinh. Không có sự hy sinh, không bao giờ có tình yêu chân thật cả. Hy sinh là quên mình, quên hạnh phúc của bản thân để mưu hạnh phúc cho người khác, lấy cái hạnh phúc của người làm hạnh phúc của mình. Cho nên muốn nhận thấy rõ ràng mình đã có yêu hay không. Khi nào mình tự thấy đã đồng hóa với người yêu, đã lấy cái quyền lợi của người yêu làm quyền lợi của mình, lấy cái sướng khổ của người làm cái sướng khổ của mình. Những kẻ nói “yêu” mà bắt người yêu phải chiều theo ý muốn của mình, chiều theo thị dục của mình…, người ấy chưa yêu hoặc chưa biết yêu là cái gì cả. Họ yêu một cách ích kỷ, vì họ chỉ yêu họ trước nhất.

Muốn biết rõ thế nào là tình yêu chân thật, hãy lấy tình mẫu tử và tình phụ tử mà suy cứu. Cha mẹ yêu con không đòi hỏi gì ở con cả. Tình yêu của mẹ cha là ở chỗ hoàn toàn hy sinh, hy sinh cả hạnh phúc riêng của mình để mưu hạnh phúc cho con, và đời sống của mẹ cha hoàn toàn “chỉ vì con” mà thôi. Tình yêu của mẹ cha là một thứ tình yêu bền bỉ nhất, thiêng liêng nhất. Ít khi nào thấy mẹ cha từ bỏ con dù con có bạc bẽo thế nào. Tình yêu của vợ chồng, trái lại, không bao giờ biết tha thứ sự bội phản. Tình yêu của vợ chồng thường là một thứ tình yêu so đo cân nhắc cho qua lấy lại. Nếu có “cho” mà không có “lấy” lại, tức khắc sẽ bị tan rã. Bởi vậy, chuyện ly dị là chuyện hàng ngày, “vợ chồng như áo mặc ngoài cởi ra” hết sức dễ dàng. Vì thiếu yếu tố căn bản của tình yêu là hy sinh nên nhục ái thường dễ tan vỡ. Nó là một thứ tình nồng nhiệt lắm, sôi nổi lắm vì tiếng gọi của nhục dục, nhưng là thứ tình mau tan rã nhất, vì “vội bồi vội lở”.

Trong hai người yêu nhau, kẻ nào cho nhiều mà “lấy ít” là người yêu nhiều nhất, cũng như kẻ nào chỉ lấy mà không cho là người không yêu gì cả.

Yếu tố thứ nhì là sự âu yếm. Âu yếm là tỏ tình bằng những cử chỉ chiều chuộng, nâng niu yêu quý và làm vui lòng. Người đàn ông cũng như người đàn bà đều khát khao sự âu yếm và cho đó là bằng chứng cụ thể của tình thương. Nhất là người đàn bà, họ không thể quan niệm một tình yêu suông mà không có sự âu yếm. Đối với họ, âu yếm có nghĩa là yêu thương. Nhưng ở đây họ đã lầm lẫn cứu cánh với phương tiện, và đây cũng là nhược điểm rất tai hại cho người đàn bà con gái. Đành rằng có thực yêu mới có những cử chỉ âu yếm, nhưng lắm khi cũng có những cử chỉ âu yếm mà không có tình thương. Họ âu yếm vì thói quen, hoặc vì muốn xã giao và làm vui lòng, với một ẩn ý lợi dụng nhất thời theo tiếng gọi của nhục tình. Trong khi muốn thỏa mãn một thị dục nhất thời, người ta tỏ ra âu yếm để cám dỗ, để rồi sau khi thỏa mãn nhu cầu nhất thời ấy, họ ruồng bỏ lạnh lùng. Người đàn bà con gái nào cũng vậy, đều đòi hỏi sự âu yếm và dường như tất cả lẽ sống của đời họ là muốn được âu yếm suốt đời. Trước một cử chỉ lạnh lùng vô ý, họ nghi là người yêu ghẻ lạnh. Bởi vậy, với một món quà dù nhỏ mọn đến đâu cũng làm cho họ sung sướng hạnh phúc, họ tin tưởng rằng người yêu của họ vẫn luôn luôn nhớ đến họ. Tôi sẽ trở lại vấn đề này khi bàn đến thuật yêu đương.

Người con gái thường rất cảm động dễ dàng trước mọi cử chỉ âu yếm thương yêu. Một tiếng khen, một món quà, một sự săn đón, chiều chuộng, nhã nhặn, một sự thăm nom hay đưa rước… làm cho họ đã được yêu rồi. Không được ai để ý đến, họ cảm thấy một cái gì lạnh lẽo, cô đơn, ghê sợ. Họ rất hãnh diện được có nhiều kẻ để ý đến và tỏ lời âu yếm thương yêu. Bởi vậy, gặp ai gắn bó, theo đuổi và tỏ tình âu yếm thương yêu là họ sẵn sàng yêu ngay. Đấy là mối nguy nhất của đời người con gái. Phần đông dường như chỉ tìm có bấy nhiêu và bằng lòng với bấy nhiêu điều kiện đó thôi, không cần để ý đến tính tình, đức độ, tài năng và lòng hy sinh thật sự của người con trai như thế nào cả.

Sở dĩ tôi nhấn mạnh điểm này là vì phần đông những người con gái thiếu kinh nghiệm về sự đời cũng như về tâm lý, thường hay lầm lẫn cứu cánh và phương tiện, nghĩa là nhận lầm sự âu yếm và cho đó là tình yêu chân thật. Sự âu yếm là kết quả, chứ không phải là nguyên nhân chính của tình yêu. Chỉ có yêu thực thì rồi sự âu yếm do tình yêu gây ra mới thực là biểu lộ của chân tình. Đó là điều cần thiết mà người đàn bà con gái phải để ý suy nghĩ nghiền ngẫm cho kỹ trước khi bắt đầu yêu. Biết bao nhiêu người đàn bà con gái sa ngã và ê chề đau khổ thất vọng chỉ vì tưởng lầm rằng yêu chỉ là tán tụng nhau, như họ đã thường thấy diễn trên màn bạc… Có khi những cử chỉ âu yếm ấy chỉ là những cách khôn khéo tán gái của bọn sở khanh sành tâm lý biết rõ những nhược điểm ấy của người đàn bà… Những kẻ yêu “giả dối” có thể rất âu yếm, nhưng khi mình đòi hỏi họ một hy sinh nào cụ thể, tức khắc sẽ thấy họ thay đổi thái độ liền. Còn nhiều kẻ yêu tha thiết nhưng quá ngây thơ, quá thật thà, không biết âu yếm, nên họ thường bị “bỏ rơi” rất đáng thương.

Yêu có nghĩa là hy sinh và âu yếm. Hy sinh là yếu tố căn bản, nhưng nếu thiếu âu yếm thì tình yêu không được đậm đà. Yêu mà thiếu âu yếm là một tình yêu còn thiếu sót lớn đối với người đàn bà. Còn âu yếm mà không có lòng hy sinh là một tình yêu giả dối.

Lại còn một yếu tố thứ ba này nữa là sự hòa hợp của nhục thể. Một nhà tâm lý học danh tiếng P. Dufoyer bảo: “Không có tình yêu nào chân thật mà thiếu tâm hồn và tâm cảm; nhưng không có tình yêu nào đầy đủ, nếu không có xác thịt pha vào”. Tình yêu chân thật có ba phần: Tinh thần, nghĩa là hy sinh, lấy hạnh phúc của người làm hạnh phúc của mình; tình cảm, nghĩa là âu yếm và săn đón; vật chất, nghĩa là hòa hợp thể xác. Tóm lại “yêu” là sự hòa hợp cả linh hồn cả thể xác đối với người yêu.

Người đàn ông, phần đông tình yêu chỉ dừng nơi yếu tố thứ ba là thể xác, thường lại thiếu tinh thần và tình cảm. Trái lại, người đàn bà thì tình yêu thuộc về tình cảm, mà thiếu sót về tâm hồn và thể xác. Người đàn bà khi yêu, phần nhiều do nơi tình cảm, thích được âu yếm hơn là thiên về nhục dục. Trái lại, người đàn ông thiên về nhục dục hơn âu yếm. Nhưng cả đôi bên phần đông đều không để ý đến những yếu tố căn bản là hy sinh, tức là quên mình. Tình yêu của họ vì thế mà dễ bị tan vỡ. Tình yêu của họ phần nhiều là do lòng yêu ích kỷ gây ra nên không bao giờ bền vững. Người đàn bà đòi hỏi âu yếm, thiếu âu yếm họ đi tìm âu yếm khác mà thay vào hoặc chịu bất mãn và đau khổ âm thầm. Người đàn ông thì đòi hỏi nhục tình, nhục tình thì không bao giờ thỏa mãn hoặc nếu thỏa mãn được, thì cũng dễ sinh chán, lạnh nhạt bơ phờ. Nhục tình là thứ tình yêu dễ chán nhất dù là bồng bột nhất nơi người đàn ông.

Muốn đo lường trình độ của tình yêu, phải quan sát cho kỹ người yêu mình coi họ có dám hy sinh gì cho mình không và họ đã hy sinh cho mình những gì? Hy sinh là “cho ra” vô điều kiện, là “quên mình” một cách hoàn toàn vô vụ lợi. Muốn biết rõ thế nào là hy sinh hãy nghiền ngẫm tình thương và hy sinh của cha mẹ đối với con. Và cũng vì tình yêu của cha mẹ căn cứ vào sự hy sinh, nên nó là thứ tình thương thanh cao bền bỉ nhất… Ái tình nào mà căn cứ được trên sự hy sinh hoàn toàn là mối tình cao đẹp hạnh phúc nhất trần ai vậy.

Một người con gái nọ mà tôi quen biết đã lâu rồi…, một hôm hỏi tôi:

“Trước giờ tôi sống thản nhiên, vô tư, vô lự… Tôi cảm thấy cuộc đời bình thản lạ… Ai sao mặc ai, việc nước, việc nhà… tôi chả bao giờ tha thiết đến. Một hôm tôi gặp một người bạn trai của anh tôi bị thương vào nhà xin trú đụt… Cha và anh tôi săn sóc chàng và giao cho tôi trông chừng thang thuốc… Ngày kia chàng mạnh, ra đi… Từ ấy đến nay, tôi thấy mất ăn mất ngủ, chỉ lo lo, sợ sợ… vì nghe nói hai bên đánh nhau kịch liệt ở C… (lúc nàng nói đây là lúc đang kháng chiến chống Pháp). Tôi cứ phập phồng trông tin anh tôi về để hỏi thăm tin tức chàng, mà một ngày một bặt… Tại sao tôi cứ để ý lo sợ mãi như vậy, mà trước đây, như ông đã biết, tôi là người vô tư lự và thản nhiên đến đỗi có nhiều chị em bảo tôi quá lạnh lùng với thế sự… Tâm trạng tôi như thế nghĩa là gì? Mong ông chỉ cho phương pháp để trấn tĩnh tâm hồn… vì tôi cảm thấy nao nao đau khổ lạ…”.

Tôi trả lời: “Nghĩa là cô đã yêu chàng trai ấy nhiều rồi!”

Cô trả lời: “Không! Tôi chỉ tội nghiệp chàng một thân trơ trọi, chớ tôi đã có chỗ có nơi rồi, do cha tôi định đoạt”.

Tôi bảo: “Cô lầm! Cô đã yêu người ấy mà cô không dè. Yêu là lấy cái lợi hại của người làm lợi hại của mình. Cô không sợ gì cả cho cô, nhưng cô đã lấy cái họa phúc của người kia làm vận mạng của cô, đó là cô đã yêu người ấy rồi”.

Nhà thi sĩ Lamartine nói: “Quand on aime, un rien vous fait peur”. Khi mình yêu, một việc không đâu cũng làm cho mình lo sợ. Người mình yêu là “lẽ sống của mình” rồi! Về sau, tôi lại hay tin cô ấy đã tình nguyện đi ra mặt trận và đã chết ở sa trường. Người ta đều khen cô là cô gái nước Nam anh dũng không kém đàn ông con trai và tuyên dương công trận, nhưng chỉ có riêng tôi là hiểu rõ tâm sự bi đát của nàng thôi.

Tóm lại, tình yêu chân thật nào cũng đều phải có đủ ba yếu tố này: lòng hy sinh hoàn toàn, tình âu yếm săn đón tế nhị và nhục tình. Giữa trai và gái không bao giờ có những tình thương lý tưởng trên mặt tinh thần và tình cảm suông mà thiếu tình thương nhục thể pha vào.

Người ta có thể vì hoàn cảnh ngang trái không thực hiện được sự hòa hợp thể chất, mà cứ đứng trên phương diện tinh thần và tình cảm để yêu nhau như một đôi tri kỷ, nhưng đó là mối tình ngang trái đau khổ nhất đời: Luôn luôn người ta cảm thấy trong đời có một cái gì thiếu thốn, trống rỗng, vô vị và lắm khi đi đến sự chán nản bi quan rồi chôn mình vào tu viện… Lịch sử xưa nay đã từng ghi những trang tình sử não nùng ấy. Bởi vậy, nếu biết trước không bao giờ có thể đi đến tình yêu đầy đủ, tốt hơn trốn tránh trước đi, kẻo về sau khó mong thoát nổi cảnh bi đát của một tình thương tuyệt vọng. Nên để ý rằng trong những tình thương khởi điểm bằng tinh thần và tình cảm là những tình thương sâu nặng và bền bỉ nhất, một khi đã kết chặt rồi thì không phương thế gì thay đổi… Những tình thương hạ cấp căn cứ vào nhục dục hay tình cảm âu yếm rẻ tiền là những mối tình thiển cận, hễ gặp trở ngại thì dễ tan rã và đem tình thương khác mà thay vào, không có gì là khó khăn cả. Trái lại, những mối tình do ân nghĩa gây nên, trong đó lấy hy sinh làm căn bản là những mối tình gốc rễ rất sâu xa và bền bỉ nhất, và nếu không thực hiện được đầy đủ, thường chỉ giải quyết túng cùng bằng “cái chết” hay “vào tu viện”… “Khối tình ôm xuống tuyền đài không tan”! Những mối tình tuyệt vọng này không có gì có thể an ủi được.

*Trích sách: Thuật Yêu Đương – Thu Giang (Nguyễn Duy Cần)

*Biên tập bởi Tâm Lý Học Ứng Dụng

Rosie

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+