Thang Đo Novaco – Chỉ Số Giận Dữ Của Bạn Là Bao Nhiêu?

IQ của bạn là bao nhiêu? Tôi không quan tâm dến việc bạn thông minh đến mức nào, bởi vì trí thông minh của bạn đâu liên quan đến khả năng sống hạnh phúc của bạn. Điều mà tôi muốn biết là Chỉ số Cáu giận (IQ – Irritability Quotient) của bạn là bao nhiêu. Nó cho thấy mức độ giận dữ và phiền toái mà bạn có khuynh hướng tiếp nhận và nuôi dưỡng trong cuộc sống hàng ngày. Nếu chỉ số này của bạn đặc biệt cao, thì bạn sẽ gặp bất lợi rất lớn bởi bạn phản ứng thái quá với nỗi thất vọng và chán nản bằng cách tạo ra những cảm xúc oán giận khiến tâm tính trở nên u ám và cuộc đời thành một gánh muộn phiền. 

Sau đây là cách đo IQ của bạn. Hãy đọc 25 tình huống đầy phiền não được miêu tả bên dưới. Hãy ước lượng mức độ tức giận của bạn trong mỗi tình huống theo thang đo sau:

0 – Bạn không cảm thấy phiền phức, hoặc chỉ ở mức độ rất nhỏ.

1- Bạn cảm thấy có chút phiền toái.

2 – Bạn cảm thấy khá khó chịu.

3 – Bạn cảm thấy khá giận dữ.

4 – Bạn cảm thấy vô cùng giận dữ.

Hãy ghi ra đáp án sau mỗi câu hỏi như trong ví dụ bên dưới:

Bạn đang lái xe đến sân bay để đón một người bạn, và bạn buộc phải dừng lại chờ một đoàn tàu chở hàng rất dài đi ngang qua.  __2__

Người trả lời câu hỏi này đã ước đoán phản ứng của mình ở mức độ số 2, bởi vì anh ấy cảm thấy khá khó chịu, nhưng cảm giác khó chịu này sẽ nhanh chóng đi khi đoàn tàu đi xa. Khi bạn miêu tả cách bạn sẽ phản ứng với các tình huống sau, hãy đưa ra phỏng đoán chính xác nhất có thể, mặc dù nhiều chi tiết quan trọng đã bị bỏ qua (chẳng hạn như hôm đó là một ngày như thế nào, có ai liên quan đến tình huống đó hay không, v.v.)

THANG ĐO MỨC ĐỘ GIẬN DỮ NOVACO

  1. Bạn “khui thùng” một thiết bị mới mua, cắm điện vào và phát hiện nó không hoạt động. _____
  2. Bị một gã thợ sửa chữa đồ đạc chèn ép và phải trả một giá quá cao cho hắn ta. _____
  3. Bị phê bình đích danh trong khi những người khác thì được bỏ qua. _____
  4. Xe của bạn bị sa lầy trong vũng bùn. _____
  5. Bạn đang nói chuyện với ai đó và người ta không thèm trả lời bạn. _____
  6. Ai đó tỏ ra là kiểu người mà họ vốn không phải. _____
  7. Khi bạn đang loay hoay bưng bốn tách cà phê đến bàn của mình trong quán ăn thì có người va vào bạn và làm đổ cà phê. _____
  8. Bạn đã treo quần áo lên, nhưng có người làm rơi quần áo xuống sàn và không hề treo lên lại. _____
  9.  Bạn bị gã bán hàng đeo bám kể từ giây phút bạn bước vào cửa hàng. _____
  10. Bạn đã sắp xếp thời gian để đi đâu đó với một người mà người đó lại rút lui và bỏ mặc bạn vào phút cuối. _____
  11. Bị trêu ghẹo hoặc cười nhạo. _____
  12. Xe của bạn chết máy ở ngã tư đường, và cái gã đằng sau cứ liên tục nhấn còi. _____
  13. Bạn vô tình rẽ sai ở bãi đỗ xe. Khi bạn bước ra khỏi xe, có kẻ đã hét rằng: “Mày học lái xe ở đâu thế hả?” _____
  14. Ai đó phạm sai lầm và đổ lỗi cho bạn. _____
  15. Bạn đang cố gắng tập trung, nhưng một người ngồi gần bạn cứ nhịp nhịp chân. ______
  16. Bạn cho ai dó mượn một quyển sách hoặc một món đồ quan trọng, và họ không trả lại cho bạn. _____
  17. Bạn vừa trải qua một ngày bận rộn, và người sống chung với bạn bắt đầu than phiền về việc bạn đã quên thực hiện điều mà bạn đã đồng ý sẽ làm. _____
  18. Bạn đang cố gắng trao đổi về một việc quan trọng với người bạn đời hoặc đối tác, nhưng họ lại không cho bạn cơ hội bày tỏ cảm giác. _____
  19. Bạn đang bàn việc với một người cứ tranh cãi về một chủ để mà người đó không am hiểu. _____
  20. Ai đó “nhúng mũi” vào cuộc tranh luận giữa bạn và một người khác. _____
  21. Bạn cần nhanh chóng đi đến một nơi nào đó, nhưng chiếc xe trước mặt bạn cứ chạy với tốc độ 25km/h trong khu vực cho phép chạy 40km/h, và bạn không thể vượt qua được. _____
  22. Giẫm phải bã kẹo cao su. _____
  23. Bị một nhóm người chế giễu khi bạn đi ngang qua họ. _____
  24. Trong lúc vội vã, chiếc quần của bạn bị một vật sắc nhọn rạch một đường. _____
  25. Bạn dùng đồng xu cuối cùng để gọi một cuộc điện thoại, nhưng bạn bị ngắt kết nối trước khi nhấn xong số, và mất trắng đồng xu đó. _____

Bây giờ khi đã hoàn thành thang đo trên, bạn hãy tính chỉ số cáu giận của mình. Hãy đảm bảo rằng bạn không bỏ quả bất kỳ hạng mục nào. Tính tổng điểm cho 25 tình huống. Điểm số thấp nhất cho bài kiểm tra này là 0. Điều này nghĩa là bạn chấm 0 điểm cho mỗi tình huống. Nó cho thấy hoặc bạn là một kẻ nói dối hoặc là một bậc thầy! Điểm số tối đa là 100. Điều này nghĩa là bạn chấm 4 điểm cho mỗi tình huống, và bạn liên tục ở trong trạng thái bùng nổ cơn giận.

Giờ thì bạn có thể lý giải tổng điểm của mình như bên dưới:

0 – 45: Mức độ tức giận và phiền lòng của ạn thấp đến ngạc nhiên. Chỉ có vài người trong số chúng ta ghi được số điểm thấp như thế trong bài kiểm tra này. Bạn chính là một trong số đó!

46 – 55: Về cơ bản thì bạn điềm tĩnh hơn đáng kể so với hơn một người bình thường.

56 – 75: Bạn phản ứng với những phiền toái trong cuộc sống với mức độ tức giận trung bình.

76 – 85: Bạn thường phản ứng một cách giận dữ trước những phiền toái của cuộc sống. Về cơ bản thì bạn khó chịu nhiều hơn đáng kể so với một người bình thường.

86 – 100: Bạn là nhà vô địch đích thực của bộ môn giận dữ, và bạn thường xuyên có những phản ứng điên tiết kéo dài. Hẳn là bạn nuôi dưỡng những cảm xúc tiêu cực rất lâu sau khi sự xúc phạm ban đầu qua đi. Có thể trong số bạn bè thì bạn có tiếng là người nóng nảy. Bạn thường xuyên bị đau đầu dữ dội và lên huyết áp. Cơn giận của bạn thường vượt tầm kiểm soát và dẫn đến những đợt bùng nổ thù hằn, mà đôi khi nó lại khiến bạn gặp rắc rối. Chỉ có vài phần trăm số người trưởng thành có kiểu phản ứng nghiêm trọng như bạn.

Giờ thì bạn đã biết mức độ giận dữ của mình rồi, hãy xem xem bạn có thể làm gì với nó. Theo cách thức thông thường thì các nhà tâm lý trị liệu (và cộng đồng) đề ra hai cách cơ bản để ứng phó với cơn giận: (a) “nuốt giận” vào trong; hoặc (b) “xả giận” ra ngoài. Phương pháp đầu tiên có vẻ là một phương án “độc hại” –  bạn đưa sự tức giận của mình vào bên trong và hấp thụ nó như một miếng bọt biển thấm nước vậy. Sau cùng thì nó bào mòn bạn và khiến bạn có cảm giác tội lỗi cũng như rơi vào trầm cảm. Các nhà phân tích tâm lý học ở giai đoạn đầu, như Freud chẳng hạn, cho rằng việc nuốt giận vào trong chính là nguyên nhân gây ra trầm cảm. Đáng tiếc, không hề có bằng chứng thuyết phục nào ủng hộ quan điểm này.

Phương pháp thứ hai được cho là “lành mạnh” – bạn bộc lộ cơn giận của mình, và có lẽ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn sau khi giải tỏa cảm xúc. Vấn đề của phương pháp đơn giản một cách thái quá này chính là nó không hiệu quả cho lắm. Nếu bạn xả mọi cơn giận ra ngoài, thì những người xung quanh sẽ nhanh chóng xem bạn như một kẻ điên. Đồng thời bạn cũng không học được cách ứng phó với mọi người trong xã hội mà không phải nổi giận.

Bạn có lựa chọn thứ ba: Ngừng tạo ra cơn giận của mình. Phương pháp này vượt trội hơn cả hai phương pháp trên. Bạn không cần phải chọn giữa việc kiềm chế hay trút cơn giận bởi vì nó sẽ không tồn tại.

*Trích sách: “Đừng Để Trầm Cảm Tấn Công Bạn” – David D. Burns

*Link mua sách online: https://tiki.vn/dung-de-tram-cam-tan-cong-ban-p593789.html

*Review sách: https://tamly.blog/sach-tam-ly-hay-nen-doc-dung-de-tram-cam-tan-cong-ban/

Ad Milcah

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+