[Hỏi]
Chào ad ạ, em năm nay 17 tuổi. Mặc dù đã từng xảy ra một vài biến cố gia đình nhưng từ trước đến giờ em luôn cảm thấy hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống của mình trừ 1 việc khiến em hay suy nghĩ. Em không biết nó có phải là bệnh hay ko nhưng em rất sợ yêu.
Em chưa yêu bao giờ và em biết em mới chỉ 17 không phải là lúc để tập trung vào chuyện tình cảm. Em đã từng được nhiều người thích theo đuổi tán tỉnh. Lúc mới nói chuyện với những người đó em rất bình thường vui vẻ nhưng chỉ cần em thấy có dấu hiệu tán tỉnh hay thả thính em sẽ tự động cảm thấy khó chịu và đáp lại rất lạnh nhạt và rõ ràng là em sẽ không thích người ta đâu.
Chuyện này xảy ra với em nhiều lần lắm rồi ạ. Mỗi lần từ chối hoặc nói những lời hơi cay nghiệt với người ta xong em lại cảm thấy rất có lỗi vì em biết người ta thích em, nhưng cứ đối mặt với những cảm giác được để ý được thích em lại rất sợ và tránh né. Vì em nghĩ nếu mình không thích người ta rồi thì không nên để người ta hy vọng nên hay từ chối thẳng thừng.
Bạn em hay khuyên em là chỉ là 2 người tìm hiểu nhau chứ đâu phải chuẩn bị yêu nhau đâu mà em phải lo lắng. Em nghĩ chỉ có những người có những lý do như đã từng thất bại trong chuyện tình yêu hay gia đình không hạnh phúc mới có cảm giác và ý muốn né tránh việc yêu đương. Còn em thì hoàn toàn chưa yêu ai và gia đình cuộc sống bạn bè của em bây giờ rất tuyệt vời ạ. Ad nghĩ sao về trường hợp của em ạ, em có cần phải lo lắng về nó và em có cần phải thay đổi bản thân mình không?
Em cảm ơn ad và chúc ad có nhiều sức khỏe. (Vee)
[Đáp]
Chào em,
Cảm ơn em đã gửi chia sẻ của mình đến Tâm Lý Học Ứng Dụng!
Tình yêu là một mảnh ghép quan trọng tạo nên cuộc sống của con người, khiến cho cuộc sống tràn ngập những sắc màu và hương vị khác nhau. Nhờ có tình yêu, chúng ta được trải nghiệm đủ mọi cung bậc cảm xúc từ những cảm xúc tích cực như vui vẻ, hạnh phúc, mãn nguyện… cho đến những cảm xúc tiêu cực như bi lụy, chán nản, thất vọng… Tình yêu rất đáng trân trọng, song nó cũng khiến cho không ít người đau đầu với những vấn đề muôn thuở. Và ở đây như trong trường hợp của em là “Chứng Sợ Yêu”.
Thực chất có nhiều người gặp phải “Chứng Sợ Yêu”, và nguyên nhân có thể đến từ rất nhiều các yếu tố khác nhau. Milcah sẽ liệt kê ở đây một số nguyên nhân điển hình để em hiểu rõ hơn nhé:
1.Trải nghiệm tuổi thơ đau buồn:
- Đúng như em chia sẻ, những người có gia đình không hạnh phúc thường dễ mắc chứng này hơn bởi họ nhìn thấy hình ảnh phản chiếu từ cuộc hôn nhân tan vỡ trong gia đình (của bố mẹ, người thân…) mỗi khi bước chân vào một mối quan hệ. Điều này ngăn cản họ tiến xa hơn bởi họ có xu hướng tổng quát hóa rằng “Mọi mối quan hệ đều sẽ có kết thúc không tốt đẹp”.
- Bên cạnh đó, nguyên nhân của Chứng Sợ Yêu không chỉ đến từ việc có người thân trong gia đình ly dị, ly thân, cãi nhau… mà còn đến từ tình cảm của người thân trong gia đình dành cho người mắc chứng này. Có thể trong quá khứ tuổi thơ người đó không được gia đình yêu thương, chấp nhận, hoặc có những trải nghiệm như bị mắng mỏ, đánh đập,…, người đó sẽ mang trong mình cảm giác tự ti, khó chấp nhận chính mình, không yêu thương bản thân và nghĩ rằng mình không đáng được mọi người yêu thương. Đôi khi cảm giác này không thể hiện ở phần ý thức mà nằm trong phần tiềm thức của con người nên người đó rất khó nhận biết và lý giải hành vi của mình.
2. Các mối quan hệ cũ trong quá khứ:
- Như em có đề cập, đây là một nguyên nhân thường gặp và khá dễ đoán khi chúng ta cố gắng tìm hiểu cách giải thích cho Chứng Sợ Yêu. Những người đã từng trải nghiệm sự chia tay trong tình yêu hiểu rất rõ những cảm giác đau buồn, bi lụy, thất vọng, lo sợ…. sau biến cố đó, và họ có xu hướng khó mở lòng hơn để bắt đầu một mối quan hệ mới vì bị ám ảnh bởi những trải nghiệm, kỷ niệm từ mối quan hệ cũ. Họ lo sợ mình sẽ bị tổn thương, bị bỏ rơi, mình sẽ không tìm được một người nào khác phù hợp hơn, mình vẫn còn vấn vương người cũ, niềm tin của mình đặt không đúng người… Có vô vàn những lí do khác nhau để lý giải cho Chứng Sợ Yêu trong trường hợp này vì lý do kết thúc mối quan hệ của mỗi người là khác nhau.
- Nhiều người sẽ vượt qua được Chứng Sợ Yêu sau một khoảng thời gian nhất định, khi tinh thần (cảm xúc và tâm trí) đã bình ổn trở lại. Tuy nhiên một vài người không vượt qua được, thậm chí mất hoàn toàn niềm tin vào tình yêu thì sẽ cần tới sự trợ giúp của các nhà tâm lý trị liệu để có thể vượt qua và bắt đầu một mối quan hệ mới.
3. Những nỗi sợ thông thường của con người:
- Khi chúng ta nói ta sợ yêu, không phải chúng ta sợ bản thân Tình yêu, mà là sợ những kết quả không mong muốn đến từ việc chúng ta yêu. Ví dụ, ta có thể nói ta sợ yêu trong khi sự thực là ta sợ sự cam kết, ràng buộc hay sợ mất tự do. Ngoài ra có một vài nỗi sợ khác thường gặp như: sợ bị tổn thương, sợ làm tổn thương người khác, sợ thất bại và sợ đánh mất chính mình.
Em có chia sẻ rằng “em hoàn toàn chưa yêu ai và gia đình cuộc sống bạn bè của em bây giờ rất tuyệt vời”, do vậy nguyên nhân của em không đến từ số 1 và 2. Vì thế em hãy tự hỏi bản thân xem liệu mình đã bao giờ trải qua những nỗi sợ ở nguyên nhân số 3 chưa, và cố gắng hiểu rõ liệu nó có ảnh hưởng tới cách mà em nhìn nhận về tình yêu hay không.
Bên cạnh đó, Milcah cũng muốn em tự đánh giá lại xem mình có thực sự “sợ yêu” hay chỉ đơn giản là chưa sẵn sàng để bắt đầu một mối quan hệ, vì em cũng chia sẻ “em hoàn toàn chưa yêu ai”, có nghĩa là những tình cảm từ trước đến giờ đều chỉ tới từ một phía những người theo đuổi em, không phải từ em. “Chứng sợ yêu” là một loại bệnh lý tâm lý (phobia) còn việc “Chưa sẵn sàng yêu” là một biểu hiện của suy nghĩ chín chắn khi quyết định một mối quan hệ.
- Chứng sợ yêu bắt nguồn từ nhu cầu và cảm xúc sâu xa bên trong của con người. Nếu như mỗi khi nghĩ đến Tình yêu, em cảm thấy lo lắng, sợ hãi, muốn chạy trốn thì có thể điều này cho thấy em có góc nhìn không mấy tích cực đối với Tình yêu, và có thể là một biểu hiện của Chứng sợ yêu.
- Mặt khác, việc từ chối người khác vì “chưa sẵn sàng yêu” là một cách sắp xếp thứ tự ưu tiên trong cuộc sống logic và hợp lý. Nếu em cho rằng Tình yêu rất thú vị, nhưng em không biết làm thế nào để cân bằng giữa cuộc sống thường ngày với tình yêu, không có đủ thời gian để đầu tư cho tình yêu, hay em từ chối người khác vì em có những dự định xa hơn trong tương lai như đi du học, thi đại học, hoặc đơn giản chỉ là ở thời điểm hiện tại em đang không có nhu cầu tìm kiếm người yêu và thoải mái với những gì mình có, thì đây là biểu hiện của suy nghĩ trưởng thành và biết cách sắp xếp ưu tiên của mình trong cuộc sống. Như vậy việc em từ chối người khác thẳng thừng chỉ đơn giản vì em có những mục tiêu khác quan trọng hơn là hoàn toàn chính đáng.
Hi vọng rằng câu trả lời của Milcah sẽ giúp ích được cho em trong việc nhận định nguyên nhân “sợ yêu” của mình em nhé.
Chúc em luôn tìm được niềm vui trong các mối quan hệ và trong cuộc sống!
Thân mến,
**********
*Tham vấn tâm lý độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng
– Ad Milcah –
*Nếu bạn có bất kì vấn đề tâm lý nào cần hỗ trợ, hãy chia sẻ với chúng tôi tại đây: https://airtable.com/shr6Rm3y4do6mfjGb