[Hỏi]
Xin chào. Mình là một người cực kỳ hướng nội. Từ bé, bố mẹ đã luôn dặn mình phải chơi với thật nhiều bạn, càng nhiều càng tốt, và dường như áp đặt suy nghĩ này lên mình – càng ít người chơi với thì càng thất bại.
Đến tận gần đây – mình cũng gần 18 tuổi rồi – mình mới biết mình không phải người hướng ngoại và cũng cảm thấy mệt mỏi với việc cố gắng hòa nhập với tất cả mọi người và khiến mọi người yêu quý mình. Mình cảm thấy hạnh phúc khi được là chính mình, mình sẽ lấy lại được năng lượng khi ở một mình – và vì thế mình ngại giao tiếp với những người bạn xã giao và rất kém làm việc nhóm.
Tuy nhiên dường như suy nghĩ của bố mẹ đã ăn sâu vào tâm trí mình rồi, không thể dễ dàng mà gạt bỏ được, mình cũng rất sợ bị cô lập nữa. Mình muốn xin một lời khuyên của các admin, làm sao để một người hướng nội không còn cố gắng trở thành hướng ngoại? Cảm ơn các ad đã trả lời. (Ngô)
[Đáp]
Chào Ngô,
Cảm ơn bạn đã gửi chia sẻ của mình đến Tâm Lý Học Ứng Dụng.
Những người Hướng Nội thường bị hấp dẫn bởi thế giới nội tâm bên trong, lấy năng lượng qua việc tương tác với chính mình và do vậy hay cảm thấy mệt mỏi khi phải ở nơi nhộn nhịp đông đúc, khi phải giao tiếp với người lạ hoặc phải giao tiếp với nhiều người trong một khoảng thời gian dài. Hơn nữa, người Hướng Nội có năng lực tự nhận thức tốt những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân, do vậy họ cũng là những người sâu sắc và kín đáo. Sau khi đọc chia sẻ của bạn, Milcah nhận thấy bạn mang đầy đủ những đặc điểm tính cách trên, và như vậy có thể nói bạn là một người Hướng Nội điển hình.
Trong tâm lý học tồn tại một quá trình tự nhận thức gọi là Thành kiến về sự sẵn có (The Availability Bias), dẫn dắt ta đưa ra quyết định dựa trên thông tin đầu tiên hiện ra trong đầu hơn là các tiêu chí khách quan. Thành kiến này có ảnh hưởng tương đối lớn trong việc đánh giá tính cách Hướng Nội và Hướng Ngoại:
- Người Hướng Ngoại dễ dàng tạo ấn tượng ban đầu tốt với người khác khi họ là những người tự tin, cởi mở, năng nổ, hoạt ngôn và dường như có rất nhiều bạn bè xung quanh. Chính vì vậy mà theo Thành kiến về sự sẵn có, con người bị thu hút nhiều hơn bởi những người Hướng Ngoại. Từ đó, con người có xu hướng áp đặt những đặc điểm trong tính cách của người Hướng Ngoại như một chuẩn mực cho sự thành công và được nhiều người yêu mến. Ví dụ như thành kiến của bố mẹ bạn là: yếu tố quảng giao và có nhiều bạn bè quyết định bạn có thành công hay không.
- Sự chi phối của Thành kiến trên ảnh hưởng rất lớn tới những người Hướng Nội khi họ bị đánh giá thấp hơn khả năng thực sự của mình. Trên thực tế, cho dù người Hướng Nội dường như trầm tính, ít nói và không mấy nổi bật, họ lại mang trong mình những lợi thế quan trọng trong công việc và cuộc sống như: khả năng lắng nghe, suy nghĩ thận trọng, năng lực tự nhận thức, kiểm soát cảm xúc và sự điềm tĩnh trước mọi vấn đề. Trong khi đó những người Hướng Ngoại lại thường khá nóng vội, hấp tấp và có suy nghĩ không mấy sâu sắc.
Bạn thấy đấy, dù là Hướng Nội hay Hướng Ngoại thì xu hướng tính cách nào cũng có những ưu điểm, nhược điểm riêng, không có tính cách nào là ưu việt cả.
Nếu là người Hướng Nội, bạn không thể trở thành người Hướng Ngoại bởi đơn giản đó là xu hướng tính cách của bạn. Khi bạn là người Hướng Nội, bạn sẽ tỏa sáng theo cách rất riêng, và như vậy bạn hoàn toàn có thể tự hào với những đặc điểm tính cách của mình cũng như học cách sống thật với bản thân thay vì cố gắng trở thành người Hướng Ngoại. Hãy tận hưởng những khoảng thời gian một mình, theo đuổi sở thích cá nhân, làm những điều mà bạn muốn và đừng sợ mình bị cô lập bởi khi bạn làm đầy chính mình, những người phù hợp sẽ tự tìm đến với bạn.
Hướng Nội là xu hướng tính cách, nhưng Giao tiếp và Làm việc nhóm là Kỹ năng cần thiết cho cuộc sống, và Kỹ năng thì bất kỳ ai cũng có thể học được nếu muốn. Như vậy việc mang trong mình tính cách Hướng Nội không có nghĩa là bạn giao tiếp kém hay không thể làm việc nhóm, chỉ là bạn cần thêm thời gian để rèn luyện những kỹ năng này. Kỹ năng ở đây bao gồm Kiến thức (sách vở, khóa học) và Thực hành (lặp đi lặp lại nhiều lần) mới tạo nên sự thuần thục và hình thành thói quen. “Practice makes perfect”, câu này luôn đúng. Do đó bạn hãy bước ra khỏi vòng tròn thoải mái của mình, dành thời gian đọc sách, tham gia các khóa học, câu lạc bộ… và luyện tập mỗi ngày để thành thạo các kỹ năng này nhé!
Milcah tặng bạn bài viết này để bạn có thêm góc nhìn và tự tin về tính cách Hướng Nội của mình nha:
https://tamly.blog/ve-dep-cua-nguoi-huong-noi/
Ngoài ra Milcah giới thiệu với bạn cuốn sách tâm lý “Hướng Nội” của tác giả Susan Cain, mong rằng bạn sẽ tìm thấy nhiều điều hữu ích với mình:
https://tamly.blog/sach-tam-ly-hay-nen-doc-huong-noi-tien-si-susan-cain/
Chúc bạn luôn sống đúng với bản thân và tìm được cho mình nhiều niềm vui trong cuộc sống!
Thân mến,
**********
*Tham vấn tâm lý độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng
– Ad Milcah –
*Nếu bạn có bất kì vấn đề tâm lý nào cần hỗ trợ, hãy chia sẻ với chúng tôi tại đây: https://airtable.com/shr6Rm3y4do6mfjGb