Thả bầy sói vào đàn hươu, vì sao càng được bao bọc con người ta lại càng yếu đuối?

Vào những năm 1800s, sự mở rộng về phía tây nước Mỹ đã đưa những người định cư và gia súc của họ tiếp xúc với những loài săn mồi bản địa, một trong số đó chính là loài chó sói. Hiển nhiên, để đảm bảo gia súc không bị ăn thịt, cũng như để phát triển nông nghiệp, những con sói bị tiêu diệt. Sói xám có mặt ở công viên Quốc gia Yellowstone năm 1872 ban đầu cũng bị đưa vào danh sách tiêu diệt. Thế nhưng sau đó, người ta mới nhận ra rằng sự xuất hiện của đàn sói không làm ảnh hưởng đáng kể đến quần thể của các loài hươu la, hươu cao cổ, hay hươu đuôi trắng,..
Cuối cùng, năm 1995 – những con sói xám bắt đầu được đưa trở lại Yellowstone. Những dữ liệu cho thấy sự phục hồi của đàn sói dẫn đến sự đa dạng sinh học lớn hơn trong toàn bộ quần thể. Chẳng hạn, sau khi săn mồi ở nai sừng gấm xong, những xác thịt này đã cung cấp thức ăn cho nhiều loại động vật khác, đặc biệt là các loài ăn xác thối. Sói săn mồi, nên cũng cung cấp một nguồn tài nguyên quan trọng cho gấu trong những năm lương thực thấp. Đàn sói xám xuất hiện cũng gây hấn với sói đồng cỏ, ban đầu làm giảm số lượng sói đồng cỏ bên trong lãnh thổ của sói, từ đó mang lại lợi ích cho những kẻ săn mồi nhỏ hơn, chẳng hạn loài gặm nhấm và chim săn mồi.
Trong tâm lý, có một khái niệm gọi là “thả đàn sói vào bầy hươu” có lẽ dựa trên sự kiện có thật đó tại công viên quốc gia Yellowstone. Không có bầy sói, đàn hươu sẽ sống trong yên bình, nhưng vì thế nó sẽ trở nên yếu đuối. Đàn sói xuất hiện sẽ khiến cho đàn hươu có sự phân hóa và chọn lọc tự nhiên. Những cá thể hươu yếu nhất sẽ bị tiêu diệt, sức đề kháng của đàn hươu sẽ được tăng lên (do luôn phải đối mặt với bầy sói hàng ngày). Thế hệ hươu con sinh ra sau này chất lượng gen cũng tốt hơn (vì hươu cha mẹ đều là những cá thể tốt nhất sống trụ lại được sau khi bị đàn sói săn đuổi).
Sau dịch Covid, khi chúng ta bình thường mới trở lại, có lẽ đường phố vắng vẻ nhiều hơn. Nhiều cửa hàng đã đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động. Nhiều người mất việc, bị giảm lương. Nhiều làn sóng trở về quê xuất hiện vì không thể trụ lại thành phố. Nhiều người không thể quay trở lại những gì thuộc về bình thường cũ ngày xưa. Dịch Covid có lẽ đã làm tổn thương và tàn phá rất nhiều người, rất nhiều doanh nghiệp.
Bên cạnh những tác động tiêu cực mà không ai muốn nó xảy ra ấy, ở một góc nhìn khác, dịch Covid giống như “đàn sói”. Những “cá thể hươu” nào có thể tồn tại và vượt qua dịch bệnh sẽ là những cá thể mạnh mẽ nhất.
THẢ BẦY SÓI VÀO ĐÀN HƯƠU

Là con người, về mặt tâm lý ai cũng thích sự ổn định, an toàn, thoải mái. Thế nhưng, nghịch lý nằm ở chỗ chính sự an toàn, thoải mái lại là khởi đầu cho những thất bại. Trong giao tiếp với nhau, về mặt tâm lý nhiều người sợ mất lòng, nên thường không dám thẳng thắn với nhau, tạo ra những sự cạnh tranh trong công việc và cuộc sống. Một lần nữa, nghịch lý nằm ở chỗ, chính sự cả nể, thiếu cạnh tranh lại là nguyên nhân của không ít thất bại to lớn về lâu dài. Bài viết này nói đến triết lý về yêu thương đúng cách, dựa trên một hiệu ứng tâm lý mang tên “thả bầy sói vào đàn hươu”.

THẢ BẦY SÓI VÀO ĐÀN HƯƠU

Ở một khu rừng hoang dã nọ, người dân quanh vùng nhận thấy rằng trong khu rừng ấy là nơi mà đàn hươu sinh sống. Tiếc thay sự sống của đàn hươu bị đe dọa bởi một kẻ thù nguy hiểm, có thể tấn công tính mạng của chúng bất kỳ lúc nào, đó chính là sự xuất hiện của bầy sói. Những con sói hung hãn kia luôn luôn rình rập và đe dọa đến sự tồn tại của đàn hươu, vì thế mà những người dân làng nghĩ rằng để cứu sống đàn hươu ấy, chỉ có một cách là phải cách ly bầy sói ra khỏi khu rừng. Thế rồi, họ bắt tay vào hành động. Họ dựng lên những lớp hàng rào chắc chắn để đảm bảo tạo thành đường biên giới ngăn chia các khu vực. Kết quả là đàn hươu được chính thức sinh sống trong hòa bình.

Tuy nhiên, cuộc đời thường không giống như những gì người ta vẫn nghĩ. Khi đàn hươu đã được sống trong hòa bình, ngạc nhiên thay chúng không còn phát triển sinh sôi nảy nở tốt như ngày trước. Những con hươu ấy cũng không còn được nhanh nhẹn và khỏe mạnh hơn xưa. Chúng nhởn nhơ mỗi ngày trong khu rừng, và rồi nhiều con chết vì bệnh tật, sức khỏe yếu. Người dân trong làng thấy vậy họ rất ngạc nhiên và không hiểu nổi nguyên nhân vì sao lại thế. Cuối cùng họ cũng đã tìm ra được câu trả lời. Lý do là bởi vì giờ đây đàn hươu được sống trong yên bình, cho nên chúng không còn chịu sự đe dọa rình rập từ đàn sói. Kết quả là chúng không còn sự cảnh giác như xưa, con nào con nấy đều lười nhác, ít vận động.

Hóa ra, chính những sự đe dọa khi xưa của bầy sói làm cho đàn hươu có sức mạnh, chúng chạy nhanh hơn, phản xạ tốt hơn, khỏe mạnh hơn nhiều, và luôn sẵn sàng trong tình trạng cơ động để bảo vệ sự tồn tại của mình. Hơn nữa, bởi vì ngày xưa do có sự xuất hiện của bầy sói mà những con hươu yếu nhất đàn đã bị bỏ mạng, những con hươu nào còn có thể tồn tại chính là những con khỏe nhất, chạy nhanh nhất, mạnh mẽ nhất đàn. Vô tình, chính điều ấy dẫn đến một điều rằng đàn hươu chỉ còn lại những con tốt nhất. Cũng vì thế mà khi sinh sản, thế hệ hươu con tiếp theo sinh ra cũng được thừa hưởng gen tốt hơn từ cha mẹ chúng. Và kết quả là đàn hươu phải sống chung với bầy sói lại mạnh mẽ, sức chiến đấu tốt hơn đàn hươu được sống trong hòa bình rất nhiều. Khi hiểu được điều này, dân làng lại quyết định rằng họ sẽ làm một việc đó là dỡ bỏ những hàng rào khi xưa, để cho đàn hươu quay trở lại cuộc sống của sự rình rập, của sự đe dọa.

Hóa ra, một hiện tượng tự nhiên lại rất đúng với cuộc sống và tâm lý của con người trong hiện đại. Người dân làng yêu thương đàn hươu bằng cách bao bọc, bảo vệ chúng, giúp chúng tránh khỏi sự hiểm nguy, đe dọa từ bầy sói nhưng vô tình cách đó không những không giúp chúng mạnh mẽ hơn, ngược lại còn làm khả năng chiến đấu và sức sống của chúng giảm sút. Việc để cho đàn hươu phải sống chung với áp lực, thử thách, sự nguy hiểm đến từ đàn sói vô tình lại là cách giúp cho đàn hươu mạnh mẽ và có thể tồn tại lâu dài, đó mới thực sự là yêu thương đúng cách.

YÊU THƯƠNG ĐÚNG CÁCH TRONG CUỘC SỐNG

Trong gia đình, đôi khi người Việt chúng ta vẫn còn mang nặng văn hóa bao bọc cho nhau. Người ta thường nói “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” – có lẽ vì thế mà đôi khi cứ có yếu tố người thân, họ hàng, gia đình ruột thịt là người ta mang tâm lý phải đỡ đần, phải bao bọc, phải che chở. Nhưng sự thật thì chính việc “yêu thương sai cách” như vậy dẫn đến hệ quả là một loạt sự giáo dục sai cách. Chẳng hạn, nếu ông bà cha mẹ thấy con mình cãi nhau, hoặc đánh nhau với bạn, chưa cần biết ai đúng ai sai, cứ con mình là mình phải bênh. Vô tình điều đó làm cho con cái được giáo dục rằng đã có điểm tựa là gia đình, thích làm gì thì làm. Những người có tư duy “nghèo” nghĩ rằng, mình vất vả cả đời là để cho con cho cháu, cho nên bằng mọi giá cũng phải chạy chọt, xin cho con một chỗ trong cơ quan. Kết quả là có những bạn trẻ, là “con ông cháu cha”, lớn lên được giáo dục rằng đã có gia đình lo cho, không lo học hành, lười nhác, ỷ lại, khi ra đời không đủ khả năng làm được việc gì.

Ở đây gia đình đã vô tình yêu thương sai cách, giáo dục con cháu sai cách, không những không giúp được con mà còn vô tình hại cả cuộc đời con. Lẽ ra, làm cha mẹ phải dạy cho con phải trái đúng sai, rằng nếu con cãi nhau, đánh nhau với bạn, mà con là người làm sai thì con phải nhận lỗi. Lớn lên, phải cho con hiểu rằng cho dù cha mẹ có giàu có, có tài sản thì đó là tài sản của cha mẹ, cha mẹ chỉ để lại cho con một chút xíu, phần còn lại thì con phải tự lập. Nếu cuộc đời này con kém cỏi, thì con cũng không xứng đáng được nhận thừa kế, không xứng đáng được nhận sự trợ giúp từ cha mẹ. Cách làm này, cha mẹ đã “thả bầy sói” vào các con đó là không có sự an toàn, không có sự chắc chắn nào trong cuộc sống nếu con không nỗ lực và con không chịu khó. Đó cũng là cách mà Bill Gates đã cống hiến tới 99% tài sản của mình cho việc làm từ thiện, chứ không phải là để lại cho con mình. Khi con cái lớn lên hiểu được triết lý rằng mình không thể dựa dẫm được vào cha mẹ, mình không thể ỷ lại cha mẹ nếu mình làm sai, thì tự khắc nó sẽ phải biết thân biết phận chịu khó và sống sao cho đàng hoàng, tử tế.

YÊU THƯƠNG ĐÚNG CÁCH TRONG SỰ NGHIỆP

Jack Welch là một trong những CEO nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 – người đã dìu dắt con tàu GE lên tới đỉnh cao của thịnh vượng, làm cho giá trị của GE tăng 4000% từ một tập đoàn 20 tỷ đô lên tới 800 tỷ đô, vượt cả Apple và Microsolf khi đó. Triết lý của ông ta là gì? Liệu có phải là tất cả những ai đặt chân vào GE đều sẽ có một công việc ổn định, an toàn, một vị trí chắc chắn? Câu trả lời là không! Một trong những triết lý kinh điển của GE đó là Jack Welch sẽ loại bỏ hết các lĩnh vực mà GE không đứng số 1 hoặc số 2 trong thị trường. Điều đó có nghĩa là, nếu không muốn bị mất việc ở GE thì công ty con của GE trong các lĩnh vực bằng mọi giá phải vươn lên được vị trí số 1 hoặc vị trí số 2 trong thị trường. Ngay cả khi là số 3, cũng bị dẹp. Một sức ép khủng khiếp như vậy chính là một “bầy sói” lớn thả vào “đàn hươu GE”. Kết quả là gì, hàng trăm nghìn nhân viên bị sa thải. Nhưng những người trụ lại được ở GE, họ là những thành phần mạnh mẽ nhất, cứng cáp nhất, ưu tú nhất. Và đó là bí quyết làm nên một đế chế thành công của thế kỷ 20.

Aaron Wallis là tổ chức tuyển dụng nhân sự nổi tiếng tại Anh tiến hành nghiên cứu với số liệu dựa trên 100 người giàu có nhất thế giới theo danh sách thống kê của tạp chí Forbes. Nghiên cứu đó đưa ra một con số thống kê thú vị về việc vậy những tỉ phú ấy, công việc đầu tiên trong đời họ làm là nghề gì? Kết quả như sau: 19% trong số họ xuất thân với công việc đầu tiên là nghề bán hàng (salesperson). 19% có nghĩa là cứ 100 người thì có 19 người, hay nói cách khác cứ 10 người thì có 2 người, hay nói cách khác cứ 5 tỉ phú giàu nhất bạn gặp thì có 2 người, họ làm công việc đầu tiên là sales. Vậy tại sao nghề này lại có tỉ lệ tỉ phú cao vậy?

Lý do rất đơn giản chính là vì bản chất công việc. Người làm sales, cho dù trong bất kỳ lĩnh vực gì họ cũng sẽ không có thu nhập trần, mà họ luôn luôn phải chạy theo KPI, đồng thời tỉ lệ đào thải của nghề này cũng rất cao. Nói cách khác, những người giỏi nhất sẽ kiếm được nhiều tiền nhất, và phần lớn những người còn lại sẽ bị đào thải. Công việc này cũng là công việc không mang lại cho họ sự chắc chắn bởi tỉ lệ đào thải quá cao. Hãy lấy ví dụ về sales bất động sản, chẳng hạn có 100 căn nhà, nhưng có tới 1000 người đi bán nhà. Điều đó nghĩa là có ít nhất 900 người sẽ không bán được và bị đào thải, nhưng ngược lại một số ít người còn lại sẽ rất xuất sắc và trở nên giàu có. Công việc này, vô tình tính chất công việc là “thả bầy sói vào đàn hươu” đã giúp sàng lọc tự nhiên những người giỏi nhất, kiên trì nhất, xông xáo nhất, kỹ năng tốt nhất trụ vững lại. Và đó là lý do mà vì sao 19% tỉ phú giàu nhất thế giới có công việc đầu tiên là sales – một công việc nghe cái tên thôi đã không thấy sự ổn định.

Cho nên, trong công việc nếu muốn phát triển tốt nhất là hãy để cho bản thân bạn phải luôn luôn tiến về phía trước. Là sếp hay là nhân viên cũng đều phải tạo ra môi trường để không có sự dễ dãi, an toàn, ổn định. Như thế thì doanh nghiệp mới có thể phát triển.

YÊU THƯƠNG ĐÚNG CÁCH TRONG QUẢN LÝ, LÃNH ĐẠO

Làm sếp, một trong những sai lầm của lãnh đạo, quản lý đó là không dám thẳng thắn kỷ luật nhân viên. Về tâm lý, chẳng có sếp nào lại muốn suốt ngày đi la mắng nhân viên cả. Thế nên, có nhiều người mang tâm lý muốn được nhân viên yêu quý, muốn được lòng cấp dưới. Nhiều nhân viên cũng như vậy, họ không dám thẳng thắn với đồng nghiệp, với sếp thì họ thích nịnh hót, a dua, tâng bốc. Hậu quả là gì, một tập thể không có những người chỉ ra điểm yếu, chỉ ra những điều mình làm chưa tốt thì không thể tiến lên phía trước được. Trong một tập thể, khi sự cạnh tranh thực sự được tạo ra, khi một môi trường có áp lực mạnh mẽ được tạo ra thì cho dù là sếp hay nhân viên cũng đều phải cố gắng tiến về phía trước. Nơi nào không có sự an toàn và chắc chắn, nơi đó sẽ có sự phát triển.

Trên con đường khởi nghiệp, tại sao có nhiều người thất bại? Một trong những lý do kinh điển đó chính là do chọn sai người. Có nhiều người khi khởi nghiệp, họ chọn hợp tác với người thân, ruột thịt, họ hàng. Kết quả là khi người đó không làm được việc, vì sự cả nể, vì sự ràng buộc trong các mối quan hệ mà họ không dám kỷ luật, sa thải. Kết quả là cuối cùng doanh nghiệp của họ tiêu tan. Trong những tình huống trên, rõ ràng đã không có một “bầy sói” nào xuất hiện, thay vào đó “đàn cừu” đã được bao bọc quá an toàn bởi những sự cả nể, sự ràng buộc chằng chéo từ các mối quan hệ họ hàng, nội ngoại, từ sự cảm tính. Kết quả là những người luôn luôn mong muốn người khác yêu quý mình, và không bao giờ dám thẳng thắn, dám kỷ luật, sa thải nếu nhân viên làm sai sẽ không thể nào làm được một lãnh đạo xuất sắc.

KẾT LUẬN

Trong cuộc sống của mỗi người cũng như vậy. Mỗi chúng ta ai cũng thích sự ổn định và sự an toàn, chắc chắn. Thế nhưng, chắc chắn rằng sự dễ dàng không bao giờ giúp tôi luyện nên một con người mạnh mẽ. Nếu bạn dùng một chiếc bật lửa hay hộp quẹt để đốt một thanh kim loại, nó sẽ không bao giờ nóng chảy ra. Bạn chỉ có thể nung lỏng một thanh kim loại khi đưa nó vào trong một nhiệt độ và áp suất cực kỳ dữ dội. Con người ta cũng như vậy. Một người chỉ có thể mạnh mẽ khi họ được tôi luyện trong thử thách, trong áp lực, trong khó khăn, sóng gió. Cuộc sống là một hành trình tiến về phía trước, nó cũng giống như câu nói của một nhà văn rằng việc này giống như chèo thuyền ngược nước, nếu không tiến sẽ phải lùi. Nơi của sự phát triển sẽ không có chỗ cho những người quá yếu đuối, hoặc luôn thích sự ổn định, dễ dàng.

Giống như cố thủ tướng khai quốc Singapore Lý Quang Diệu đã từng nói những người thành công trong đời thường là người có năng lực, mãnh liệt và mạnh mẽ một cách khác thường. Họ là những người sẽ làm tốt, dù là trong kinh doanh, trong chuyên môn hay trong chính phủ. Một cách nào đó, họ luôn luôn giữ được một phẩm chất chung: mức năng lượng cao, óc phán đoán nhạy bén, nỗ lực dữ dội và cực kỳ tự tin!

*Bài viết độc quyền tại Tâm Lý Học Ứng Dụng

Edward

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+