Tết này đọc gì, những cuốn sách đáng đọc trong 2019

Dành cho những bạn nào mần sách và coi rằng đọc sách là một phần thưởng, một niềm vui quý giá mỗi dịp nghỉ lễ, Tết hay luôn luôn phải có một cuốn sách ở bên người. Dưới đây là một vài gợi ý dành cho các bạn trong dịp Tết 2019 này nếu bạn chưa thể nghĩ ra tên của một đầu sách nào đó.

Thông thường mỗi dịp năm hết Tết đến, người ta thường nghĩ nhiều đến việc đặt mục tiêu mới hay cho qua những chuyện cũ để hướng đến tương lai. Chính vì lẽ đó, các bạn có thể tham khảo một số đầu sách sau để chuẩn bị cho năm mới 2019.

1. Vì một cuộc đời không hối tiếc

Nếu bạn có một năm 2018 không được như ý muốn, phạm phải một số sai lầm và đâu đó vẫn còn day dứt thì đã đến lúc bạn học cách sống một cuộc đời không hối tiếc và học cách tha thứ cho chính bản thân mình khi năm cũ qua đi.

Các bậc cao niên có nguồn kiến thức mà ít người trong chúng ta có được: họ đã sống trọn cuộc đời mình. Họ có những trải nghiệm mà nhiều người trong chúng ta thời nay khó hình dung nổi như trải qua bệnh tật, nếm mùi thất bại, sống trong sự đàn áp, chịu đựng nỗi mất mát và vượt qua hiểm nguy. Cựu chiến binh cuối cùng của Thế Chiến I đã qua đời; những người thuộc Thế Chiến II giờ đây cũng hơn 80 tuổi. Những đứa trẻ nhỏ nhất ra đời trong cuộc Đại suy thoái giờ cũng đã gần 80 tuổi. Khi thế hệ này mất đi, chúng ta biết tìm đâu những bài học về cuộc đời mà họ đã đúc kết và sự khôn ngoan mà họ có thể gửi gắm cho ta để ta sống sót và vươn lên trong cuộc đời đầy sóng gió?

Mỗi người già là một kho kinh nghiệm và những lời khuyên về cách sống một cuộc đời đáng sống. Nhưng khi mỗi người ra đi, ánh sáng mà họ lan tỏa cũng sẽ tắt đi. Cuốn sách này tập hợp những lời khuyên sáng giá để bạn có thể sống một cuộc đời không hối tiếc.

2. Sức mạnh của thói quen

Nhà triết học Aristotle từng nói: “95% những gì chúng ta làm mỗi ngày đều là do thói quen mà ra”. Điều đó nói lên rằng thói quen ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của mỗi người như thế nào. Ai cũng biết rằng nếu muốn hạnh phúc và thành công hơn, chúng ta phải có thật nhiều những thói quen hữu ích cũng như loại bỏ các thói quen không hữu ích. Nhưng không phải ai cũng làm được.

Vậy thói quen được hình thành như thế nào? Làm thế nào để mỗi cá nhân, tổ chức hay thậm chí cả cộng đồng có thể tạo nên những thói quen mới một cách khoa học và dễ dàng nhất? Tất cả câu trả lời sẽ được hé lộ trong cuốn sách: “Sức mạnh của thói quen” của tác giả Charles Duhigg. Một cách nào đó thì những người thành công luôn sở hữu những thói quen để thành công, do vậy đặt mục tiêu xây dựng một số thói quen tích cực trong năm mới là điều đáng để làm.

3. Tôi tự học

Quả không ngoa khi nói rằng “Sự học là suốt đời!”. “Tôi tự học” không phải là một cuốn sách về tâm lý nhưng nó là một cuốn sách đáng để chúng ta đọc, cho dù bạn đang ở trong lứa tuổi nào. Được viết bởi cụ Thu Giang – Nguyễn Duy Cần, một học giả, nhà biên tập và trước tác kỳ cựu bậc nhất Việt Nam vào thế kỷ 20, những tư tưởng của cụ xứng đáng để chúng ta suy ngẫm và học hỏi ngay cả khi cụ không còn nữa.

Trong xã hội ngày nay, không ít người quên đi ý nghĩa đích thực của học vấn, biến việc học của mình thành công cụ để kiếm tiền nhưng thực ra nó chỉ là phương tiện để đưa con người đến thành công mà thôi. Bởi vì học không phải để lấy bằng mà học còn để “biết mình” và để “đối nhân xử thế”. Cuốn sách này tuy đã được xuất bản từ rất lâu nhưng giá trị của sách vẫn còn nguyên vẹn. Xây dựng một tinh thần cầu thị và thói quen tự học là một điều rất quan trọng cần phải làm nếu bạn muốn thành công cho dù làm việc trong bất kỳ lĩnh vực gì.

4. Thông minh cảm xúc thế kỷ 21

Ngày nay, các nhà khoa học chỉ ra rằng trí thông minh IQ chỉ chiếm 15% trong thành công của con người. 85% còn lại đến từ trí thông minh cảm xúc (EQ) và chỉ số vượt khó (AQ). Hàng ngày, bạn phải tương tác với chính mình và tương tác với xã hội xung quanh. Cho nên, bằng mọi giá bạn phải học cách nâng cao năng lực cảm xúc của mình thông qua việc nâng cao năng lực nhận thức bản thân, làm chủ bản thân cũng như học cách nhận thức xã hội, nâng cao khả năng làm chủ các mối quan hệ.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà luôn luôn gặp phải những sự khác biệt đến từ người khác. Cho nên, việc thích nghi với những sự khác biệt đó là một điều bắt buộc cần phải làm nếu mỗi người muốn đạt được hạnh phúc và thành công cho chính mình.

5. Món quà của sự không hoàn hảo

Sao phải cố là người khác trong khi bạn có thể là chính mình?

Chúng ta đang sống trong thời đại của sự kết nối, của mạng xã hội, của internet,… khi mà mỗi người bỗng trở nên nhạy cảm hơn rất nhiều với những định kiến và áp lực thành công của xã hội. Với những hình mẫu đó, chúng ta cố gắng trở thành một ai khác và không dám là chính mình. Nhưng có những lúc chúng ta vô tình không nhận ra rằng sự không hoàn hảo ấy cũng chính là một món quà.

Trải qua sai lầm trong cuộc sống hẳn khó, nhưng không thể khó bằng việc cố trốn tránh nó. Chấp nhận những khiếm khuyết của bản thân là điều mạo hiểm, nhưng nó không nguy hiểm bằng việc bạn chối bỏ tình yêu thương, cảm giác được chấp nhận cũng như niềm vui sướng – chính những trải nghiệm đó tạo nên chúng ta, những cá thể rất người và rất dễ tổn thương. Chỉ khi chúng ta đủ dũng khí dấn thân khám phá góc tối tâm hồn mình, chúng ta mới khơi dậy được sức mạnh của nguồn sáng diệu vợi trong mỗi cá nhân.

Hy vọng các bạn có thêm chia sẻ hữu ích để đón cái Tết thật ấm áp bên những trang sách.

*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng
Rosie

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+