Vì Sao Đến Cuối Tháng Chúng Ta Vẫn Hay Hết Tiền?

[ ]

Đầu tháng, cho dù thu nhập nhiều tiền hay ít tiền thì cuối tháng, rất nhiều người có chung một kết quả là đều bị “viêm màng túi”. Nhiều khi, cũng quyết tâm sẽ tiết kiệm tiền, nhưng rồi cuối tháng lại đâu vào đấy. Tiền thì vẫn hết, tài chính vẫn gặp khó khăn. Bài này nói về tâm lý con người xoay quanh việc chi tiêu tiền bạc và giải pháp cho những người bị “viêm màng túi” một cách thường xuyên. Viêm màng túi có lẽ là một loại bệnh. Bệnh nặng hay bệnh nhẹ thì đều có chung một loại thuốc.

Cupped hands asking for money, poor male beggar needs charity and help

VÌ SAO CHÚNG TA THÍCH TIÊU TIỀN?

Lý do giải thích cho điều này rất đơn giản, đó là cơ chế PHẦN THƯỞNG của bộ não. Bộ não không quan tâm một việc là hữu ích hay vô bổ. Bộ não thích làm những gì khiến cho nó cảm thấy SƯỚNG.

Ăn ngon là một nhu cầu của con người. Ai cũng cảm thấy SƯỚNG khi được ăn ngon. Bên cạnh đó, bữa ăn cũng là thời điểm mà con người ta không phải làm việc, không phải học tập, được thoải mái, được tâm sự, chia sẻ, được thư giãn bên người thân, bạn bè. Bữa ăn (nhất là buổi tối, cuối tuần) cũng là dịp thư giãn sau cả ngày, hoặc tuần làm việc mệ mỏi. Cho nên, mỗi lần đi ăn là mỗi lần mà bộ não chúng ta ghi nhận cảm giác sung sướng. Và tiêu tiền là công cụ để chúng ta thực hiện việc đi ăn. Cho nên, bộ não sẽ không quan tâm đến chuyện tiêu tiền nhiều hay tiêu tiền ít bằng lý trí. Mà đơn giản, đây là thói quen.

Mặc đẹp là một nhu cầu của con người. Ai cũng cảm thấy SƯỚNG khi được mặc đẹp. Khi mặc đẹp, ăn mặc thời trang, chúng ta cảm thấy thoải mái, cảm thấy tự tin hơn. Khi mặc bộ đồ đẹp, chúng ta được lời khen từ những người xung quanh. Khi mặc đồ xấu xí, chúng ta không thích bị chê cười từ người khác. Cho nên, mỗi lần mặc đẹp là mỗi lần mà bộ não chúng ta ghi nhận cảm giác sung sướng. Và tiêu tiền là công cụ để chúng ta thực hiện việc mặc đẹp. Một lần nữa, bộ não cũng không lý trí được chuyện tiêu nhiều hay tiêu ít. Mà đơn giản, đây cũng là thói quen.

Mua sắm, vui chơi tương tự cũng là nhu cầu của con người. Ai cũng cảm thấy SƯỚNG khi mua sắm, vui chơi hoặc muốn tìm cách giải tỏa cảm xúc khi bị stress, căng thẳng. Đi mua sắm, đi chơi, chơi game… khiến chúng ta thoải mái hơn. Nhất là khi chúng ta có những cảm xúc tiêu cực, mất động lực, buồn chán thì nhu cầu đó càng cao. Và tiêu tiền là công cụ để chúng ta thực hiện những điều đó.

Như vậy, chúng ta tiêu tiền không bởi lý trí mà bởi cảm xúc nhiều hơn.

Chúng ta tiêu tiền do ảnh hưởng bởi cơ chế PHẦN THƯỞNG của não bộ. Chúng ta thích những việc làm cho chúng ta cảm thấy SƯỚNG và không thích những chuyện khiến chúng ta căng thẳng, mệt mỏi. Cơ chế này dẫn đến việc, khi có nhiều tiền hơn, chúng ta sẽ tiêu nhiều hơn. Và đó là lý do ngay cả khi bạn có nhiều tiền, thu nhập rất lớn nhưng nếu không hiểu về cơ chế tâm lý này, cuối tháng bạn vẫn có thể nguy cơ cao bị hết tiền.

Tệ hơn nữa, khi tiêu xài trở thành một thói quen, không có không chịu được, tình hình tài chính của bạn còn nguy hiểm hơn. Đó là lý do vì sao nhiều người vay mượn, nợ nần chồng chất, hoặc không thể thoát nghèo được bởi vì thói quen chi tiêu khủng khiếp.

VỀ KHẢ NĂNG THÍCH NGHI (ADAPTABLE)

Loài khủng long vốn dĩ là bạo chúa, là kẻ mà tất cả các loài khác phải sợ hãi với sức mạnh, thân hình to lớn. Chế độ sống của khủng long quá đặc biệt, yêu cầu quá cao. Khả năng chịu đựng cũng quá kém. Khủng long bị tuyệt chủng bởi vì nó không thể thích nghi với nghịch cảnh thời tiết, khí hậu, động đất, núi lửa…

Con gián thì ngược lại, nó là loài mà dường như chẳng kẻ nào sợ hãi vì thân hình khúm núm. Xuất hiện trước khủng long cả trăm triệu năm, nhưng khi khủng long tuyệt chủng rồi thì loài gián vẫn tồn tại. Chúng có ở khắp mọi nơi, từ tủ quần áo, trong nhà vệ sinh, sàn nhà, gầm chạn,.. Loài gián tồn tại vì chúng có khả năng thích nghi.

Chúng là loài duy nhất có khả năng sống sót sau một thảm họa hạt nhân. Chúng cũng nằm trong số ít những loài côn trùng có khả năng chịu đựng được áp lực cao – lên tới hơn 900 lần trọng lượng cơ thể. Chúng có thể sống mà không cần bổ sung nước trong vòng một tuần, không cần ăn trong vòng một tháng. Chúng có thể sống sót trong một tuần mà không cần đầu của mình, có thể nín thở trong vòng 40 phút, biết giả chết và có thể chạy với tốc độ 5 km/h (tương đương 700 km/h nếu chúng to lớn bằng con người). Chúng có khả năng đổi hướng chạy 25 lần trong một giây, đúng nghĩa là “xoay như chong chóng” khi bị kẻ thù theo đuổi.

Sự thích nghi – là thứ khiến loài gián tồn tại.

Định nghĩa về khả năng thích nghi (Adaptable) là có thể hoặc sẵn sàng thay đổi để phù hợp với những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau trong cuộc sống. Khả năng thích nghi là một kỹ năng quan trọng trong thế kỷ 21 nếu một người muốn thành công. Cho nên, con người tồn tại được cũng bởi vì khả năng thích nghi. Chúng ta có thể thích nghi qua nhiều giai đoạn khó khăn trong quá khứ, qua chiến tranh, qua thiên tai, bão lũ. Thế nhưng, trong sự thay đổi chóng mặt của cuộc sống, ai có khả năng thích nghi cao hơn thì người đó sẽ thành công.

MẶT TRÁI CỦA SỰ THÍCH NGHI

Lý do khiến chúng ta tiêu xài hoang phí hay không tiết kiệm được nằm ở việc chúng ta cũng có khả năng thích nghi.

Khi chúng ta nghèo đói, chúng ta có thể thích nghi với cái khổ. Kiểu gì chúng ta cũng xoay sở được với cuộc sống. Nhà đông con, điều kiện khó khăn, thức ăn không được ngon, quần áo không được đẹp, chúng ta cũng thích nghi được. Đó là điều không có gì xa lạ. Nhưng cũng chính bởi vì khả năng thích nghi đó mà nhiều người họ không có động lực thoát nghèo. Họ vẫn chấp nhận sống cuộc sống nghèo khó. Thử tưởng tượng, nếu bây giờ bạn cho tay vào lửa. Ngọn lửa nóng sẽ khiến bạn ngay lập tức rụt tay lại. Lý do là bởi vì bạn không thể thích nghi được với ngọn lửa nóng, điều đó dẫn đến việc bạn phải hành động ngay lập tức. Nhưng cuộc sống nghèo đói thì khác, nhiều người vẫn thích nghi được. Và dĩ nhiên, những người “không thích nghi” được chính là những người không chấp nhận cái nghèo, và họ quyết tâm vươn lên làm giàu.

Mặt trái của sự thích nghi nằm ở chỗ, nếu chúng ta thích nghi được với cuộc sống nghèo đói, thì chúng ta cũng thích nghi được với cuộc sống giàu sang. Cho nên, khi chúng ta có tiền, chúng ta tiêu xài nhiều hơn, mua sắm nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn. Dần dần, sự thích nghi hình thành, chúng ta quen dần với việc tiêu nhiều. Chúng ta thích nghi với việc mặc đồ đẹp hơn, thích nghi với những chuyến đi chơi xa xỉ hơn, thích nghi với việc ăn ngon hơn,… Và đó chính là mấu chốt của vấn đề: vì sao đến cuối tháng chúng ta vẫn hết tiền ngay cả khi thu nhập hàng tháng có thể rất cao. Điều này cũng lý giải vì sao một số người trúng số được rất nhiều tiền, rồi sau đó họ còn nghèo hơn cả trước khi họ trúng số. Lý do đơn giản là bởi vì khi có một khoản tiền kếch sù trong tay, họ bắt đầu hưởng thụ. Sự thích nghi hình thành trong khi khả năng kiếm tiền của họ không có, dần dần họ không thể nào bỏ đi được lối sống xa hoa, dẫn đến việc họ vỡ nợ.

Như vậy, khi hiểu được bản chất tâm lý ở đây, thì bạn nhận ra rằng con người chúng ta có thể thích nghi được với cả sự khó khăn lẫn giàu sang phú quý. Hiểu được điều này, chắc chắn bạn sẽ biết cách dùng logic và lý trí trong chuyện tiền bạc, chứ không phải cư xử dựa trên cảm xúc.

LÀM GIÀU BỀN VỮNG BẰNG CHI TIÊU THÔNG MINH

Bí quyết để cuối tháng, bạn không bị hết tiền rất đơn giản như sau: đó là hãy chi tiêu thông minh. Chi tiêu thông minh nghĩa là sao? Nghĩa là bạn không nhất thiết phải tiêu xài quá lãng phí với số tiền mình kiếm được, cũng không chi tiêu quá bủn xỉn, khắt khe với bản thân. Hàng tháng, khi có thu nhập, hãy trả cho mình trước.

Bạn ước lượng một khoảng tiền còn lại để bản thân mình sống được trong một tháng. Dĩ nhiên khoảng ước lượng đó là bạn tự tính toán, ước lượng. Miễn sao để bản thân không bị thiếu thốn quá, cũng không dư dả quá. Sau đó ngay từ khi nhận tiền, bạn trả cho mình trước luôn. Số tiền đó, bạn có thể tiết kiệm, tự động gửi vào một tài khoản khác, miễn sao bạn không thể lấy nó ra được. Như vậy, khi đến gần cuối tháng, chuyện nọ chuyện kia xảy ra, rồi những lần bạn chi tiêu dựa trên cảm xúc (điều này không thể tránh khỏi). Lúc này, bạn không còn quá nhiều tiền. Và … hãy yên tâm! Bởi vì con người có thể thích nghi được, cho nên khi đó bạn sẽ “sống sót” được mà không phải động đến số tiền tiết kiệm của mình. Cứ như vậy, hàng tháng đều đặn bạn đều sẽ tránh được bệnh “viêm màng túi”.

Lấy ví dụ: giả sử bạn là sinh viên mới ra trường và bắt đầu đi làm. Mức lương khởi điểm của bạn chỉ là 5 triệu. (Chúng ta lấy mức trung bình dạng khá thấp để những bạn nào thu nhập cao hơn dễ hình dung). Sau khi tính toán, có thể mọi chi phí tiền nhà, tiền sinh hoạt, ăn uống,.. của bạn vào khoảng 3.5 – 4 triệu. Như vậy, từ lúc nhận lương bạn chuyển ngay 1 triệu vào tài khoản tiết kiệm (phải đảm bảo bạn rất khó rút số tiền này ra nên tốt nhất hãy chuyển nó sang một tài khoản khác của bạn). Như vậy, khi gần cuối tháng bạn sắp hết tiền, vì khả năng thích nghi mà lúc này có thể bạn sẽ dám từ chối một số lời mời đi ăn chơi của bạn bè. Bớt tiêu xài lãng phí hơn. Sau đó, nếu thu nhập của bạn tăng lên, giả sử khoảng 8 triệu. Lúc này, bạn lại tiếp tục tính toán, giả sử như mỗi tháng bạn chi tiêu hết khoảng 4 – 4.5 triệu, như vậy ngay từ đầu tháng bạn trích ra luôn 3.5 triệu vào tài khoản tiết kiệm. Và cứ thế, cứ thế áp dụng tiếp.

Dĩ nhiên, số tiền bạn tiết kiệm sẽ dùng để đầu tư cho rất nhiều cách khác nhau (phạm vi bài này không nói đến mà chỉ xoay quanh chuyện làm sao không bị “viêm màng túi”). Cũng như việc tiết kiệm bao nhiêu là tùy từng người. Bạn sẽ là người hiểu rõ bạn nhất. Và ngoài ra, lý tưởng nhất là bạn nên tính toán số tiền mình cần cho một tháng, cộng thêm một khoản nữa gọi là dự phòng phát sinh xảy ra. Sau đó, hãy trả cho bản thân.

TỔNG KẾT

Như bạn thấy, chỉ cần hiểu một chút về tâm lý, bạn có thể giải quyết được vấn đề này khá dễ dàng. Cho nên, nhiều người cứ nghĩ rằng làm giàu là một điều gì đó rất khó và xa xỉ, nhưng sự thật không phải như vậy. Khi bạn hiểu về sự thích nghi, bạn biết cách chi tiêu thông minh ngay từ đầu tháng, thì chắc chắn bạn sẽ biết cách làm giàu bền vững cho chính bản thân mình.

P.S Sau bài này, nếu bạn nào áp dụng và sau này thoát bệnh “viêm màng túi”, nhớ trả ơn Edward một ly cà phê nhen ^^.

*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng

Edward

[ga_htlamgiau]

Chia sẻ ý kiến của bạn:

2 Comments

  1. Hung 01/12/2017

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+