Tại sao những chuyện tồi tệ luôn xảy ra với một số người, trong khi người khác thì không?

Đại dịch COVID không chỉ đơn thuần là một dịch bệnh, nó còn để lại những hệ quả về mặt tâm lý, tinh thần với rất nhiều người. Có lẽ sẽ không ít người phải đối mặt với khủng hoảng, hoặc ít nhiều bị ảnh hưởng và cuộc sống thay đổi sau COVID. Khi khủng hoảng xảy ra, chúng ta thường dễ dàng nhìn ra Mặt Trái của vấn đề, nhưng ít người có đủ sức mạnh và tỉnh táo để nhận ra rằng, giống như hai mặt của đồng xu, phía bên kia Mặt Trái chính là Mặt Phải, luôn có những ý nghĩa tích cực, luôn có những món quà đằng sau nghịch cảnh. Series Mặt Phải dựa trên cuốn sách cùng tên của tác giả Adam Jackson, là một triết lý giúp chúng ta tìm ra những cơ hội tiềm ẩn trong cuộc sống đằng sau những chuyện tồi tệ xảy ra với chính mình. Tâm lý học ứng dụng hy vọng series này sẽ là một liều thuốc tinh thần giá trị với bạn, nhất là trong thời điểm này.

Series Mặt Phải – Phần 2: Tại sao những chuyện tồi tệ luôn xảy ra với một số người, trong khi người khác thì không?

“Cuối cùng, câu hỏi tại sao những điều tồi tệ lại xảy đến với người tốt chuyển thành  câu hỏi khác hẳn. Chúng ta không còn thắc mắc tại sao chuyện đó lại xảy ra nữa, mà phải tự hỏi mình sẽ phản ứng như thế nào và dự định làm gì sau chuyện này.”

Pierre Teilhard de Chardin

Như đã đề cập ở trong phần 1, cuộc sống của chúng ta không thể tránh khỏi việc đối mặt với những biến cố bất ngờ, hoặc cả những khủng hoảng vô tình ập đến. Hậu quả của nó để lại là nó có thể khiến cho một người hoàn toàn sụp đổ, khi họ không vượt qua được một cú sốc tâm lý. Lẽ tất nhiên, khi một chuyện tồi tệ xảy ra, con người thường có tâm lý nhìn vào mặt trái của vấn đề thay vì đi tìm mặt phải. Và một trong những biểu hiện rõ nhất có lẽ là câu hỏi “Tại sao những điều tồi tệ này lại đến với tôi?”. “Tại sao không phải là người khác mà lại là chính bản thân tôi?”. 

Sự thật thì việc đặt câu hỏi đó sẽ càng làm cho nỗi đau của bạn bị xoáy thêm. Nó cũng giống như việc bạn bị một vết thương ở trên người, và bạn liên tục lấy dao xoáy sâu thêm vào vết thương ấy. Trên thực tế thì tất cả mọi người, cả kể những người thành công nhất đều không thể tránh khỏi những điều tồi tệ, những cú sốc đến với họ. Cho nên, chính xác hơn mà nói thì không phải “mọi chuyện tồi tệ chỉ xảy ra với một số người, một số khác thì không”, mà sự thật đó là cách chúng ta nhìn nhận về một sự việc. Khi bạn có niềm tin rằng những điều tồi tệ luôn đến với mình, bạn sẽ luôn chỉ tập trung vào và nhìn thấy những điều tồi tệ. Hệ quả là cuộc đời bạn là vòng lặp của sự nối tiếp những điều tồi tệ. Ngược lại, nếu bạn biết cách phản ứng tích cực để vượt qua những điều đó, bạn không còn nhìn thấy đó là những điều tồi tệ. Thay vào đó, nó chỉ đơn thuần là một trải nghiệm với bạn. Bạn phản ứng tích cực, và cuối cùng những điều tích cực lại tiếp tục đến với bạn.

NHỮNG CÂU HỎI THEN CHỐT GIÚP BẠN ĐI TÌM MẶT PHẢI

Rất hiếm có chuyện mặc nhiên tốt hay xấu trong cuộc sống. Trúng số có thể dẫn đến những điều tồi tệ và thậm chí là cái chết, trong khi việc bị mất đi công việc kinh doanh hay kế sinh nhai lại có thể trở thành nhân tố dẫn tới sự thành công của một người. Điểm cốt yếu khiến cho một việc xảy đến với chúng ta là một điều lành hay điều dữ thường không nằm ở hoàn cảnh mà ở cách chúng ta phản ứng với sự việc đó. Có một điều chắc chắn rằng: chúng ta sẽ rất khó chuyển thất bại thành cơ hội chỉ bằng những câu hỏi không hữu ích mà chỉ mang đến đau khổ, đại loại như “Tại sao lại là tôi?”

Bộ não con người sẽ tìm được câu trả lời cho bất kỳ câu hỏi nào chúng ta đặt ra về bất cứ sự việc nào trong cuộc sống. Ví dụ, nếu ta hỏi “Tại sao điều này xảy đến với tôi?” thì bộ não chúng ta sẽ đưa ra một loạt câu trả lời có thể có: Tại vì bạn vụng về! Tại vì bạn ngu dốt! Tại vì bạn bị nguyền rủa! Tại vì bạn không làm được việc gì ra hồn! Bộ não chúng ta sẽ đưa ra mọi câu trả lời để giải thích cho các tình huống khó khăn mà ta gặp phải. Nhưng, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta học cách chuyển hóa ý nghĩa của thất bại bằng cách đặt ra những câu hỏi khác? Cuộc sống chúng ta sẽ thay đổi như thế nào nếu ta có thói quen đặt ra những câu hỏi như:

  • “Mặt tốt của sự việc này là gì?” hoặc
  • “Chuyện này có thể mang đến điều tốt đẹp gì?” hoặc
  • “Tôi có thể rút ra được bài học gì để mang lại lợi ích cho bản thân tôi?” hoặc
  • “Tôi có thể rút ra được bài học gì để mang lại lợi ích cho người khác?” hoặc
  • “Tôi có thể làm gì ngay lúc này để biến nó thành lợi thế cho mình?”

BẠN THƯỜNG TẬP TRUNG VÀO ĐIỀU TÍCH CỰC HAY TIÊU CỰC?

“Để giải quyết những vấn đề của ngày hôm nay, chúng ta phải tập trung vào ngày mai.”

Erik Nupponen

Câu chuyện dưới đây được Adam Jackson kể lại trong tác phẩm Mặt Phải, là một minh họa sống động cho thấy điều chúng ta tập trung vào ảnh hưởng đến cảm xúc và có thể là cuộc đời chúng ta nhiều như thế nào.

Một phụ nữ ngồi ở bàn làm việc. Đôi mắt cô sưng mọng và cô không thể cầm được nước mắt. Một người đàn ông quàng tay qua vai cô vỗ về. Từng người một đến bên người phụ nữ này để bày tỏ sự cảm thông, an ủi. Vào thời điểm đó, cô mang một nỗi sầu khôn nguôi. Cô vừa mới bị mất 223.000 bảng!

Nói chính xác hơn là cô vừa trúng 27.000 bảng nhưng trong tâm trí cô lúc này, cô chỉ nghĩ đến việc mình vừa bị mất 223.000 bảng. Cô tham gia vào trò chơi truyền hình Thỏa Thuận hay Không (Deal or No Deal) và hàng triệu người xem tivi đã chứng kiến sự tiếc nuối của cô. Chuyện là cô đã mở chiếc hộp cuối cùng của trò chơi này và phát hiện rằng lẽ ra mình sẽ trúng 250.000 bảng nhưng cô đã lựa chọn “thỏa thuận” trước đó và chấp nhận số tiền mà ngân hàng đưa ra: 27.000 bảng!

Nếu ai đó nhận được tấm ngân phiếu trị giá 27.000 bảng, chắc hẳn người đó sẽ phát điên vì sung sướng. Tuy nhiên, sự thật là cảm xúc của chúng ta không phụ thuộc vào những gì xảy ra mà hoàn toàn là kết quả của những gì chúng ta quan tâm. Một trong những đặc điểm chung của những người tìm ra mặt phải là họ đã học được cách phát triển cái gọi là “tiêu điểm xanh”.

Bất kể bạn đang ngồi ở đâu, hãy thử làm bài tập sau:

  1. Nhìn kỹ mọi thứ xung quanh bạn và chú ý đến những vật màu nâu. Hãy cố ghi nhớ những thứ màu nâu mà bạn nhìn thấy, dù là nâu nhạt hay nâu đậm.
  2. Sau đó, nhắm kín mắt lại, không nhìn lén và hãy cố gắng nhớ lại những vật… màu xanh mà bạn nhìn thấy.

Hầu hết mọi người đều bối rối. Họ quá tập trung vào những vật màu nâu đến nỗi họ không để ý đến những vật màu xanh. Điều này minh họa cho những gì mà nhiều người trong chúng ta trải qua trong cuộc sống, vào lúc này hay lúc khác. Một người chỉ cho ta xem một loại xe hơi hay máy tính nào đấy, và rồi ta bắt đầu để ý thấy nó khắp mọi nơi. Thật ra là nó luôn ở đó, nhưng chúng ta chỉ nhận ra nó khi tâm trí ta tập trung vào nó. Tương tự, đôi khi chúng ta cho phép mình quá tập trung vào những việc tiêu cực trong cuộc sống (màu nâu) đến nỗi chúng ta không chú ý đến bất kỳ sự việc tích cực (màu xanh) nào.

Người phụ nữ trúng 27.000 bảng trong trò chơi Thỏa Thuận hay Không là một ví dụ điển hình. Cô quá tập trung vào việc mất đi cơ hội trúng 250.000 bảng thay vì tập trung vào sự thật là cô đã trúng 27.000 bảng. Những người có thể chuyển bại thành thắng đều luyện tập “tiêu điểm xanh”. Khi phải đối mặt với khó khăn và trong những giai đoạn biến đổi, họ luôn nỗ lực tìm kiếm những vật màu xanh trong cuộc sống. Tiêu điểm xanh có nghĩa là không bao giờ nhìn lại phía sau, trừ khi ta có thể rút ra bài học từ quá khứ. Điều này có nghĩa là phải luôn tập trung nhìn về phía trước. Những người với “tiêu điểm xanh” không bao giờ bận tâm về những gì đã mất mà chỉ chú tâm vào những gì có thể gặt hái được. Họ không bao giờ nghĩ về những hạn chế, mà chỉ nghĩ đến những khả năng. Trong mỗi sự việc, họ luôn tìm cách chuyển hóa ý nghĩa của hoàn cảnh và tích cực tìm kiếm những lợi ích đi kèm với sự việc đó.

Vậy thì, khi một chuyện tồi tệ xảy ra trong đời, bạn sẽ lựa chọn TẬP TRUNG vào điều gì?

*Nguồn tham khảo sách Mặt Phải: https://bit.ly/2WYq7L9 

*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng

Edward

Mời các bạn đón xem tiếp Phần 3 trong Series Mặt Phải trên fanpage Tâm lý học ứng dụng

Phần 3 – Cuộc sống sau khủng hoảng, làm gì khi điều tồi tệ xảy ra?

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+