Tác hại của việc thiếu lòng tự trọng?

Một đứa trẻ thiếu đi lòng tự trọng khó có thể thành công trong việc học tập hiện tại cũng như trong công việc, cuộc sống sau này. Trẻ thiếu đi lòng tự trọng thường có những biểu hiện sau:

  • Luôn có cảm giác tồi tệ về bản thân (“Tôi ghét con người mình quá”, “Mình là đứa xấu xa, tồi tệ”, “Mình sinh ra đã ngu dốt”, “Mình không đáng nhận được cái gì hết”).
  • Thiếu vắng tình yêu thương và sự chấp nhận của những người xung quanh (“Dù sao thì cũng chẳng ai thương mình cả”, “Đâu có ai thèm biết đến mình”, “Mọi người ghét bỏ mình”.
  • Không dám tin vào khả năng của mình, chúng tin rằng những sai lầm và thất bại trong quá khứ đã ấn định cho chúng số phận thất bại mãi mãi (“Mình không làm được trò trống gì”, “Mình không đủ giỏi giang, không đủ tài năng”).

Và như vậy, chúng thường có khuynh hướng bộc lộ những hành vi như sau:

  • Không dám đặt ra bất kỳ mục tiêu nào cho bản thân vì không tin rằng mình xứng đáng hay có cơ hội thành công.
  • Rút vào vỏ ốc của mình, không dám tham gia vào bất cứ việc gì vì sợ thất bại, sợ phạm sai lầm và sợ bị người khác từ chối.
  • Dễ chịu tác động từ bên ngoài, vì chúng có nhu cầu cần được người khác nhìn nhận và ủng hộ.
  • Dễ tự ái, dễ bị tổn thương và luôn có thái độ phòng thủ, vì từ trong lòng chúng đã không cảm thấy thoải mái hoặc hài lòng về bản thân mình.
  • Tỏ thái độ bất cần đời, “Tôi không quan tâm”, bởi vì hơn ai hết, chúng cảm thấy mình vô dụng và bất lực không thể thay đổi được điều gì. Chính cái cảm nhận không thể quản lý cuộc đời mình đã khiến chúng có thái độ chối bỏ tất cả.
  • Có khuynh hướng lăng mạ và coi thường người khác.

Nếu con bạn biểu hiện một số đặc tính này thì đó là dấu hiệu cho biết chúng thiếu đi lòng tự trọng.

Những Vấn Đề Trong Việc Nuôi Dạy Những Đứa Trẻ Thiếu Lòng Tự Trọng

Trẻ thiếu đi lòng tự trọng thường nuôi dưỡng những hình ảnh tiêu cực về bản thân thông qua việc khái quát hóa những hành vi và hậu quả trong quá khứ của mình. Ví dụ, nếu chúng liên tục “ăn ngỗng” trong các bài thi Toán, chúng sẽ dần dần đi đến chỗ đinh ninh rằng “Mình dốt Toán đứt đuôi con nòng nọc”. Trẻ chưa đủ trưởng thành về nhận thức để biết rằng chúng bị nhiều điểm hai môn Toán là vì chúng chưa nắm được các phương pháp học tập đúng đắn hay đơn giản là chưa cố gắng đủ để đạt điểm cao hơn.

Mặt khác, những người bạn trẻ của chúng ta thường đem mình so sánh với các bạn khác, hoặc thậm chí với cả những ngôi sao tuổi teen, ví dụ như trong phim “High School Musical” để thấy mình không đẹp, không tài, không học giỏi, không mạnh mẽ và không có gì đặc sắc. Đó là những cơ sở sai lầm để chúng tự đánh giá mình thấp kém hơn so với người khác. Nhưng người lớn chúng ta biết rõ rằng mỗi đứa trẻ trên đời đều có nét đáng yêu, có điểm đặc sắc riêng và đều có khả năng trở thành nhân tài nếu biết rõ mình đang sở hữu cái gì và có quyết tâm vươn lên. Tuy nhiên, khi trẻ chỉ thấy những điểm yếu kém so với bạn bè thì cũng là lúc chúng bắt đầu hạ thấp bản thân mình và đánh mất đi lòng tự trọng.

Với tư cách là cha mẹ, chúng ta có “đóng góp” gì trong việc con mình đánh mất lòng tự trọng không? Thật đáng tiếc, câu trả lời là có. Trong nhiều trường hợp, cha mẹ có “công lớn” trong việc khiến cho con cái hạ thấp bản thân mình. Thông thường thì khi cha mẹ có cách hành xử như sau sẽ khiến trẻ củng cố niềm tin tiêu cực rằng, “Mình thật sự chẳng bằng ai”, “Mình chỉ là đồ bỏ”.

1. Liên Tục Chĩa Mũi Dùi Vào Những Lỗi Lầm, Những Điểm Thiếu Hụt Hơn Là Những Ưu Điểm Và Thành Tích Của Con Cái

Đứa trẻ nào cũng có những mặt được và mặt chưa được, cũng như tất cả người lớn chúng ta thôi. Những em thiếu đi lòng tự trọng không phải chỉ vì những mặt yếu kém của chúng, mà còn bởi cha mẹ chúng chỉ thấy toàn những điểm chưa tốt ở con mình, và thường xuyên nhắc nhở rằng chúng không ổn, chúng kém cỏi ở mặt này mặt kia. Khi con cái có biểu hiện tốt hay những thành công nho nhỏ thì họ lại không nhìn thấy, mà có thấy thì cũng coi là chuyện vặt nên không bõ công khen ngợi hay động viên lấy một câu. Nhưng họ sẵn sàng làm lớn chuyện những khi trẻ không ngoan, học chưa chăm, có thái độ chưa tốt. Nguyên nhân chính trong việc này là cha mẹ thường kỳ vọng quá cao vào con cái, cho nên nếu trẻ chỉ đạt điểm tám (trong khi mức kỳ vọng của họ là điểm chín mười) thì đối với họ điều đó chẳng có gì đáng nói cả. Hoặc cũng có một số cha mẹ lo rằng việc khen ngợi con sẽ khiến chúng trở nên kiêu căng tự phụ.

Nhiều học trò của chúng tôi hoàn toàn không có ý thức gì về giá trị của mình, sẵn sàng coi mình là con số không tròn trĩnh. Khi được dịp trò chuyện với cha mẹ của những đứa trẻ này, chúng tôi liền hiểu ra nguồn cơn tại sao. Trả lời câu hỏi của chúng tôi “Con trai bác thế nào?”, thường thì những ông bố bà mẹ ấy cứ như chờ được dịp để “xổ” ra nỗi bức xúc trong lòng: “Ối giời ơi, nó lười học nhất hạng,” “Cẩu thả”, “Nói dối”, “Suốt ngày luyện game”, “Thầy giáo cứ mời tôi lên trường suốt”, “Hàng xóm tối ngày mắng vốn tôi về những trò quậy phá của nó”, “Không biết đến bao giờ tôi mới yên thân được đây”… v.v và v.v…

Không một ưu điểm nào được nhắc tới. Chắc chắn là trong lúc các bậc phu huynh tuôn ra một tràng về những thiếu sót của con mình thì đứa trẻ tội nghiệp đứng gần đó với vẻ mặt chán ngán (vì đã nghe điều đó quá nhiều lần), hay tủi hổ (vì bị kể tội vanh vách trước mặt người lạ), và chỉ muốn “độn thổ” mà trốn đi đâu. Hãy hình dung sếp của bạn oang oang nói ra những lỗi lầm và điểm bất cập của bạn với khách hàng hoặc đồng nghiệp, bạn sẽ cảm giác như thế nào?

Tất nhiên, chúng ta không nên nhắm mắt làm ngơ hoặc bỏ qua mọi lỗi lầm của con cái. Thật sự, chúng ta cần phải góp ý trên tinh thần xây dựng để chúng sửa đổi. Nhưng điều không kém quan trọng là chúng ta cũng cần nhìn nhận và đánh giá cao những mặt tốt và những thành tích mà con trẻ đạt được. Đứa trẻ nào cũng có mặt tốt và mặt chưa tốt; cái được và cả cái chưa được (bản thân người lớn chúng ta cũng thế thôi). Nếu bạn biết cách tập trung và làm đậm lên những mặt tốt, điểm mạnh của trẻ, thì bạn sẽ từng bước giúp chúng phát huy tất cả những mặt tốt của mình, và một khi cái tốt có khuynh hướng khuyếch trương lấn át, thì cái chưa tốt sẽ dần dần ít đi. Và ngược lại.

Viết đến đây tôi nhớ đến trường hợp về một cậu học sinh 13 tuổi tên Mark. Cậu tham gia vào chương trình khóa học kỹ năng sống và là một trong những học sinh nhiệt tình và năng động nhất mà chúng tôi từng có.

Trong suốt khóa học, Mark thường xung phong trả lời câu hỏi và thậm chí cậu còn chăm chú ghi chép bài vào sổ. Vào ngày cuối khóa, cậu chạy đến bên mẹ, hăm hở khoe với mẹ những gì cậu ghi chép được và bảo, “Mẹ, xem con học được những gì này!”. Nhưng người mẹ chỉ nói “Sao con viết chữ cẩu thả thế?”. Trước khi tham gia khóa học, Mark rất rụt rè, khép kín và cậu chỉ trở nên cởi mở khi hòa mình vào môi trường tích cực và mang tính khích lệ của chúng tôi. Vậy mà mẹ cậu không nhận ra những thay đổi to lớn của con, chỉ chăm chú vào tiểu tiết (“Sao con viết chữ cẩu thả thế?”).

2. Chỉ Trích, Quy Tội Và “Dán Nhãn”

Tình hình sẽ còn tệ hơn nữa khi các bậc cha mẹ ưa chỉ trích, quy kết và thậm chí “dán nhãn” nặng nề  khi con trẻ phạm lỗi.

“Lại thế nữa. Sao mà con hay quên đến thế!”

“Lúc nào con cũng vô trách nhiệm như thế đấy à? Biết làm gì với con đây?”

Cách nói như thế hoàn toàn không có tác dụng răn đe hay giúp trẻ sửa chữa lỗi lầm mà chỉ khiến trẻ cảm thấy mình bị cha mẹ hắt hủi, bản thân mình thật tồi tệ, làm nảy sinh và củng cố  niềm tin sai lầm về chúng. Đối với một đứa trẻ, bạn càng nhắc nhở rằng nó lười biếng, cẩu thả bao nhiêu thì nó càng tin chắc rằng nó là kẻ lười biếng cẩu thả bấy nhiêu, và trong tương lai sẽ hành xử đúng với những điều nó nghĩ về bản thân mình. Có thể nói cách nói như vậy không những phản tác dụng mà còn có hại. Tôi mong rằng sau khi nhận thức rõ rằng đó là việc không nên làm, các bậc cha mẹ sẽ điều chỉnh lại cách nói với con trẻ.

3. Hạ Thấp Thành Tích Của Con Cái

Nhiều người trong chúng ta hiểu lầm về đức tính khiêm tốn, cho rằng việc ta nghĩ mình tài giỏi và tự hào về bản thân là biểu hiện thiếu khiêm tốn, vì thế mà ta thường nhún nhường cho rằng, “Tôi cũng còn nhiều điểm yếu kém lắm”. Cách nghĩ này có thể ảnh hưởng không tốt đến việc nuôi dạy con. Nếu ai đó khen ngợi đứa con gái giỏi giang của bạn thì bạn thường có phản ứng như thế nào? Ví dụ, nếu có người nói với bạn (trước mặt con bạn) rằng, “Tôi nghe nói con chị làm bài thi rất tốt, cháu chắc hẳn phải thông minh, chăm chỉ lắm nhỉ?”, bạn sẽ trả lời ra sao?

………………………………………………………………………………………………………………

Để tôi nói cho bạn một phát hiện nhé: các bậc phụ huynh người phương Tây có khuynh hướng trả lời như sau: “Vâng … con tôi chăm học lắm” hay “Cám ơn có lời khen, quả thật cháu có nhiều thành tích tốt”. Một trong những điều có thể nâng cao lòng tự trọng của trẻ em là khi chúng được người khác khen ngợi hay công nhận, nhất là trước mặt cha mẹ mình. Khi đón nhận lời khen của người khác, cha mẹ càng góp phần củng cố điều đó.

Trong khi ấy, nhiều bậc cha mẹ Châu Á vì tính khiêm nhường kiểu Á Đông mà thường có thói quen bác bỏ lời khen hay chỉ ra những điểm thiếu hụt của con mình, “Có gì đâu! Nó cũng học thường thôi mà”, “Chắc là do may mắn thôi!”, “Chó ngáp phải ruồi ấy mà, chứ nó học hành cũng chểnh mảng lắm”.

Tại sao lại có những cách phản ứng khác nhau giữa hai dạng cha mẹ kể trên thì chắc bạn cũng đã rõ. Văn hóa Á Đông chú trọng vào sự khiêm nhu, khiến mỗi cá nhân lẫn đi trong đám đông. Nhiều bậc cha mẹ đề cao đức khiêm tốn và tin rằng lời khen ngợi con cái sẽ khiến chúng đâm ra kiêu căng. Cách nghĩ này lợi đâu chưa thấy nhưng dẫn đến hiện tượng nhiều người trẻ tuổi ngày nay mang mặc cảm thấp kém, không có được tư thế thoải mái tự nhiên khi nói về những điểm mạnh cũng như khả năng của mình trước mặt người khác. Trong môi trường học tập và làm việc toàn cầu hóa với tính cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, những bạn trẻ thiếu tự tin và không biết cách tiếp thị bản thân trước khách hàng, các ông chủ hay trong các cuộc phỏng vấn vào các trường đại học danh tiếng sẽ chịu nhiều thua thiệt.

4. Lập Trình Tiêu Cực Qua Ngôn Ngữ Tiêu Cực

Và đây là một tình huống khác, bạn hãy tưởng tượng đứa con trai lên hai lên ba của mình lon ton chạy đến chân cầu thang toan leo lên, phản ứng thông thường của bạn là gì?

………………………………………………………………………………………………………………

Nhiều bậc phụ huynh Châu Á (những người có khuynh hướng bảo bọc con thái quá) sẽ cuống quýt la lên “Đi xuống ngay! Con muốn té à?”, “Lộn cổ xuống đất bây giờ”. Mặc dù cha mẹ cần phải bảo đảm an toàn cho con cái và dạy chúng biết cách tự bảo vệ mình, những phản ứng như vậy chỉ làm xói mòn lòng tự tin nơi trẻ và truyền cho chúng nỗi sợ hãi trong tiềm thức mỗi khi chúng làm việc gì mới mẻ hay phải đối diện với thử thách. Bằng việc thường xuyên nhắc nhở rằng chúng sẽ té ngã nếu leo lên các bậc thang, chúng ta thật sự đang lập trình suy nghĩ cho trẻ rằng chúng sẽ “té nhào” nếu chúng muốn leo lên các bậc thang trong cuộc sống.

Trong khi ấy, một số cha mẹ (nhất là theo cách nghĩ phương Tây) sẽ có cách phản ứng hoàn toàn khác. Họ sẽ bảo “Được rồi con trai, con có thể làm được. Cứ tiếp tục đi!”. Đồng thời, để bảo đảm an toàn họ sẽ đi theo sau canh chừng con.

Tác giả Adam Khoo và Gary Lee

Trích đoạn sách Con Cái Chúng Ta Đều Giỏi

*Mua sách online tại: https://bit.ly/2NMZyn1

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+