Sức Mạnh Thầm Lặng – Bí Quyết Giúp Người Hướng Nội Tỏa Sáng

Từng là một người siêu hướng nội trong quá khứ, và cho đến bây giờ cũng vẫn vậy, Edward thấy rằng người hướng nội – một thế giới vốn dĩ trước đây đã từng bị đánh giá là những người kém năng động, ít linh hoạt, sôi nổi và khó có thể thành công bởi sự nhỏ nhẹ, thầm lặng, trầm ngâm của mình thì giờ đây thay vì sự lo lắng rằng mình quá hướng nội, điều xã hội đang lo lắng là chúng ta không có đủ người hướng nội. Những đặc điểm như có thể im lặng hàng giờ liền ở đám đông mà không cần và không có nhu cầu phải nói, thích lắng nghe nhiều hơn, thích chìm đắm (và đôi khi là chui rúc, trốn tránh) trong thế giới của riêng mình, thì giờ đây chính sức mạnh thầm lặng ấy lại là bí quyết giúp người hướng nội tỏa sáng.
 
Trong bài chia sẻ này, Susan Cain – một chuyên gia tâm lý tốt nghiệp ngành Luật Havard – một người siêu hướng nội đã chỉ ra những sức mạnh thầm lặng của người hướng nội – một điều cực kì cần thiết trong xã hội ngày nay, để có thể tỏa sáng. Nếu bạn là người hướng nội, như Susan Cain, hay như Edward, thì bài viết này là món quà dành cho bạn. Còn nếu bạn là người hướng ngoại, hãy cho mình một chút thời gian để hiểu về thế giới – bí ẩn nhưng rất thú vị của một phần không nhỏ thế giới xung quanh bạn. 
——————-***——————-
Sức mạnh thầm lặng
Tôi vô cùng vội vã và sắp muộn một cuộc họp kinh doanh ở Philadelphia. Tôi đã chi hơn 100 đô-la cho chiếc vé tàu hỏa ở máy bán vé tự động tại nhà ga Pennsylvania, New York – nhưng trong lúc vội tôi chỉ chụp lấy tờ hóa đơn, mà giờ đây tôi đang đưa cho người phụ trách đoàn tàu.

– “Cô cần phải có vé tàu,” ông ấy nói.

Tôi xin lỗi và giải thích rằng tấm biên lai là tất cả những gì tôi có.

– “Nguyên tắc là nguyên tắc,” người phụ trách nói. “Hoặc là cô trả tiền vé, hoặc là cô xuống tàu.”

Do không thích xung đột, tôi cố che giấu sự bực mình. Thay vào đó, tôi đặt câu hỏi bằng giọng bình thường nhất (như bao người hướng nội khác, tôi lúc nào cũng đặt câu hỏi): “Ông có cách nào du di cho tôi chỉ lần này thôi không?”

– “Tại sao tôi phải làm vậy?” người phụ trách gắt. “Làm sao tôi biết cô không lừa tôi? Cô có thể nhặt tờ biên lai đó từ dưới đất!”

Đó là lúc tôi nhận ra nguyên tắc không phải là điều ông ấy lo lắng; ông sợ tôi biến ông thành trò cười. Đột nhiên tôi không còn thấy ông hung hăng và hách dịch nữa, mà rất “người” và dễ tổn thương, và trọng tâm của tôi chuyển sang Làm sao đảm bảo với ông ấy rằng mình không hề cố lợi dụng ông?

Tôi chỉ vào số thẻ tín dụng của mình trên tờ biên lai và cho ông xem thẻ để ông có thể thấy rằng những con số hoàn toàn trùng khớp. Ngay lập tức điệu bộ của ông dịu lại. Ông lầm bầm xin lỗi và tiếp tục đi xuống dọc theo lối đi. Và tôi có thể đến buổi họp đúng giờ.

Purchase this image at https://www.stocksy.com/918501

Tôi gặp rất nhiều vụ việc tương tự. Khi tốt nghiệp Đại học Luật Harvard gần 20 năm trước, tôi tin rằng thành công thuộc về những người thị uy trên thế giới, và rằng việc tôi nói năng nhỏ nhẹ là một khó khăn. Nhưng trên con đường sự nghiệp – đầu tiên là luật sư ở Wall Street, sau đó là tư vấn viên đàm phán – tôi biết được rằng người hướng nội, nhờ khuynh hướng nói năng nhỏ nhẹ và hợp lý, nhằm đặt câu hỏi và lắng nghe câu trả lời, có thể trở thành những người đàm phán cực kỳ tốt. Những năng khiếu hướng nội của tôi rất có ích trong nhiều tình huống oái oăm, từ việc điều hướng sát nhập cho các khách hàng doanh nghiệp cho đến thuyết phục bọn trẻ nhà tôi ăn bông cải.

Và thương lượng để đạt được thỏa thuận không phải là điều duy nhất người hướng nội làm tốt. Một số nhà lãnh đạo tạo ra nhiều thay đổi nhất đều từng nhút nhát hoặc hướng nội: Abraham Lincoln, Eleanor Roosevelt, Rosa Parks. Tất cả họ đều tập trung vào lý tưởng hơn là cái tôi của mình. Trên thực tế, phần nhiều trong số những người sáng tạo ấn tượng nhất trong nhiều lĩnh vực khác nhau đều là kiểu người yên lặng, thích sự tĩnh mịch, từ Frédéric Chopin cho đến Charles Darwin.

Thay vì sợ rằng mình quá hướng nội, giờ đây tôi lo nền văn hóa của chúng ta không đủ hướng nội. Trong xã hội làm việc quá bận rộn và năng động ngày nay, chúng ta đánh giá quá thấp những khía cạnh tĩnh lặng hơn trong bản chất của mình – khía cạnh mà ngay cả những người quảng giao nhất cũng sở hữu. Nếu bạn đã sẵn sàng truyền sức mạnh cho con người hướng nội bên trong mình, hãy đọc tiếp. Dựa trên nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học nhân cách và nhiều bài phỏng vấn, tôi đã xác định 6 chiến lược giúp bạn nuôi dưỡng ưu điểm đặc biệt của tính cách hướng nội.

Trò chuyện sâu sắc

Nhiều người hướng nội cảm thấy choáng ngợp khi nói chuyện phiếm, hoạt động đòi hỏi người tham gia phải liên tục chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác. Họ tìm kiếm những cuộc đối thoại sâu sắc, nghiêm túc mà trong đó họ có thể tập trung vào duy nhất một đề tài về mối quan tâm chung giữa hai người. Hãy làm giống như họ. Nghiên cứu do nhà tâm lý học, tiến sĩ Matthias Mehl thuộc Đại học Arizona phát hiện ra rằng những người hạnh phúc nhất có những cuộc đối thoại ý nghĩa nhiều gấp 2 lần so với những người không hạnh phúc, đồng thời họ cũng ít nói chuyện phiếm hơn.

Làm việc độc lập

Steve Wozniak, một kỹ sư thiết kế hướng nội, đã đồng sáng lập Apple Computer với Steve Jobs và phát minh ra chiếc máy tính cá nhân xoay chuyển cả ngành công nghiệp. Sự kết hợp với Jobs là điều cốt lõi đối với thành công của ông, nhưng ông đã làm việc rất vất vả – và khuyên người khác làm điều tương tự. “Tôi không tin rằng bất cứ điều gì thật sự mang tính cách mạng đều được một nhóm người sáng tạo ra,” ông viết trên iWoz. “Không phải trong một nhóm hay một đội.”

Lời khuyên nghe có vẻ khác thường, nhưng các nhà khoa học đang bắt đầu nhận ra rằng trạng thái một mình là chất xúc tác cho hiệu quả chuyên môn. Tiến sĩ, nhà nghiên cứu tâm lý học chuyên về sự ưu tú, K. Anders Ericsson giải thích rằng khi ở một mình, bạn có thể tiến bộ trong những công việc thách thức nhất với bản thân. Ericsson nói với tôi, “Nếu cô muốn cải thiện việc mình đang làm, cô phải là người tạo ra bước đi đó. Nhưng khi ở trong nhóm, cô chỉ là người tạo ra một phần bước đi mà thôi.” Tiến sĩ, nhà tâm lý học Adrian Furnham giải thích thẳng thắn hơn. Ông viết, “Bằng chứng khoa học chỉ ra rằng những người làm kinh doanh hẳn phải ‘điên’ lắm mới dùng đến các nhóm brainstorm. Nếu có những người tài năng và nhiệt tình, bạn nên khuyến khích họ làm việc độc lập vì khi đó sức sáng tạo và hiệu quả của họ ở mức cao nhất.”

Đọc nhiều hơn nữa

Khoa học cho biết các liên kết xã hội giúp ta hạnh phúc và khỏe mạnh hơn, và khoa học đã đúng. Nhưng có nhiều loại liên kết xã hội khác nhau. Ví dụ, đọc có thể là một hoạt động xã hội sâu sắc, giúp bạn hiểu được suy nghĩ của người khác. Tác giả hướng nội Marcel Proust gọi đọc là “điều kì diệu hữu ích của hoạt động giao tiếp khi ở một mình.” Và các nghiên cứu nói rằng đọc làm cho con người trở nên đồng cảm hơn và nâng cao kĩ năng xã hội bằng cách giúp ta hiểu rõ hơn về người khác.

Lắng nghe

Phó giáo sư, tiến sĩ ngành quản trị trường Wharton, Adam Grant nói rằng một trong những lãnh đạo hiệu quả nhất mà ông từng gặp là một đại tướng 2 sao khá hướng nội của Không quân Hoa Kỳ. Cấp dưới của vị đại tướng kính trọng ông vì ông đã lắng nghe họ. Hóa ra biết lắng nghe là chìa khóa để lãnh đạo tốt: Nghiên cứu mới do Grant và các đồng nghiệp thực hiện đã tiết lộ rằng những lãnh đạo hướng nội thường mang lại kết quả tốt hơn lãnh đạo hướng ngoại, bởi vì nhiều khả năng họ sẽ cân nhắc đề xuất của người khác hơn. Grant cho biết, giới báo chí đưa ra rất nhiều lời khuyên cho những lãnh đạo hướng nội – mỉm cười nhiều hơn và nâng cao kỹ năng diễn thuyết. Nhưng ít nhất trong một khía cạnh quan trọng nào đó, các lãnh đạo hướng nội nên tiếp tục làm điều mà họ thực hiện một cách tự nhiên: động viên cấp dưới trở nên chủ động. Những lãnh đạo hướng ngoại, các bạn có đang lắng nghe không?

Lánh đi đúng lúc, cố gắng đúng sức

Giáo sư, tiến sĩ tâm lý học hướng nội Brian Little là một diễn giả tài ba, người kết thúc những bài giảng tại Harvard trong tiếng hoan hô của người nghe. Trên sân khấu, ông hành động như một người hướng ngoại để truyền đi thông điệp của mình một cách sinh động. Nhưng đến khi lớp học kết thúc, Little sẽ cảm thấy kiệt sức, đến mức đôi lúc ông phải chạy thật nhanh vào nhà vệ sinh gần nhất để phục hồi. Ông biết giới hạn của bản thân, và ông tôn trọng nó. Người hướng ngoại có thể không có mong muốn trốn tránh mạnh mẽ như người hướng nội, nhưng trong một thế giới kích thích quá mức, bạn nên tìm kiếm điều mà Little gọi là “ngách hồi phục” để thanh lọc tâm trí. Những giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi này giúp bạn thư giãn để từ đó có thể tiếp cận những cảm xúc và hiểu biết sâu sắc hơn của bản thân.

Dùng sự tận tụy thầm lặng để đạt được mục tiêu

Như cách tôi cư xử với người phụ trách đoàn tàu – người muốn tôi trả tiền 2 lần cho tấm vé – nhiều người hướng nội sử dụng một loại sức mạnh tinh tế đến mức sức mạnh gần như là một từ không đúng. Thay vì tranh luận quyết liệt bằng cách to tiếng, họ nhẹ nhàng đưa ra những gợi ý sáng suốt. Thay vì nói dông dài trong cuộc họp, họ tìm đồng minh “phía sau hậu trường”. Thay vì kêu gọi người khác chú ý đến một vấn đề, họ cố gắng khắc phục nó, một cách cẩn thận và bền bỉ.

Giáo sư về các nghiên cứu giao tiếp của trường Foothill College, Preston Ni gọi phong cách này là sức mạnh mềm dẻo, và cho rằng ngay cả một người có vẻ ngoài không lôi cuốn cũng có thể lãnh đạo nếu quyết tâm thực hiện lý tưởng của mình. Mẹ Teresa là người hướng nội và bà sử dụng sức mạnh dịu dàng; Gandhi, vốn là một người đàn ông nhút nhát, cũng thế. Ni cho biết, “Về lâu dài, nếu có ý tưởng hay và lãnh đạo bằng trái tim, thì đây gần như là một quy luật phổ quát: Bạn sẽ thu hút những người có cùng lý tưởng. Sức mạnh mềm dẻo là sự kiên trì thầm lặng.”

Tác giả: Susan Cain

Tổng hợp bởi Edward – Tâm lý học ứng dụng

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+