Khi đọc hay nghe một câu chuyện, não bộ của chúng ta sẽ phần nào phản ứng như thể chính ta đang trải qua câu chuyện đó.
Một câu chuyện chứa một lượng lớn thông tin dưới hình thức những mẩu dự kiện có thể xử lý được. Các câu chuyện chia những sự kiện thành những phần nhỏ hơn để chúng ta dễ dàng nắm bắt thông tin đang được truyền tải hơn.
Khi nghe từ “người kể chuyện”, có thể bạn sẽ nghĩ tới một người giả giọng này giọng kia để nhập vai kể chuyện cho bọn trẻ con nghe. Nhưng thật ra, ai cũng là một người kể chuyện cả.
Hãy nhớ về hoạt động giao tiếp giữa bạn với người khác trong một ngày bình thường. Bạn thức dậy vào buổi sáng và kể với gia đình về giấc mơ đêm qua của mình (câu chuyện). Tới công ty, bạn kể với đồng nghiệp những chuyện xảy ra trong buổi họp bàn về thiết kế sản phẩm mới ngày hôm qua (câu chuyện). Vào bữa trưa, bạn kể với bạn về buổi họp mặt gia đình sắp tới và kế hoạch xin nghỉ phép (câu chuyện). Sau giờ làm, bạn nói chuyện với người hàng xóm về chú chó mà bạn bắt gặp khi đang đi dạo vào buổi tối (câu chuyện).
Hầu hết hoạt động giao tiếp trong đời sống hàng ngày của chúng ta đều có dạng một câu chuyện. Song chúng ta hiếm khi dừng lại để nghĩ về các câu chuyện và việc kể chuyện. Hành động kể chuyện phổ biến đến nỗi ta thậm chí không nhận ra mình đang thực hiện nó. Nếu ai đó tại công ty đề nghị bạn tham gia một buổi hội thảo thực hành về cách giao tiếp hiệu quả trong công việc, có thể bạn sẽ tỏ ra hứng thú. Nhưng bạn có thể sẽ tỏ thái độ xem thường nếu ai đó đề nghị bạn tham gia hội thảo thực hành về kể chuyện. Thật thú vị khi phần lớn mọi người lại không ý thức được và không đánh giá cao phương thức giao tiếp chủ yếu này của mình.
Khi chúng ta đọc hoặc nghe một câu chuyện, nhiều vùng não sau đây sẽ hoạt động:
- Vùng thính giác của não mới có chức năng giải mã âm thanh (nếu ta đang nghe kể chuyện)
- Vùng thị giác và xử lý văn bản (nếu ta đang đọc truyện)
- Tất cả vùng thị giác trong não (khi ta hình dung các nhân vật trong câu chuyện)
- Và thường là vùng cảm xúc của não giữa
Một câu chuyện không chỉ truyền tải thông tin mà còn giúp ta cảm nhận cảm xúc của nhân vật. Nghiên cứu của Tania Singer vào năm 2004 về sự đồng cảm đã tìm hiểu những vùng não nào có phản ứng trước nỗi đau.
Trước hết, cô dùng máy quét fMRI để xem vùng não nào sẽ hoạt động khi người tham gia thử nghiệm cảm nhận nỗi đau. Cô phát hiện ra rằng có một số vùng não sẽ xử lý thông tin để biết được nguồn gốc nỗi đau và mức độ đau. Những vùng khác thì xử lý riêng thông tin liên quan đến cảm giác khó chịu khi đau và mức độ ảnh hưởng của nỗi đau đến đối tượng.
Sau đó cô yêu cầu họ đọc các câu chuyện về những người đau khổ. Lúc này, các vùng não xử lý thông tin về nguồn gốc và mức độ đau không hoạt động, nhưng những vùng xử lý thông tin về cảm giác khó chịu của nỗi đau thì có.
Chúng ta thật sự cảm nhận được ít nhất một phần nỗi đau của người khác khi nghe câu chuyện về nỗi đau đó. Tương tự, chúng ta cảm nhận được ít nhất một phần niềm vui, nỗi buồn, cảm giác bối rối và hiểu biết của người khác.
Câu chuyện chính là cách chúng ta thấu hiểu trải nghiệm của mỗi người.
Theo Tiến sĩ ngành Tâm lý học hành vi Susan Weinschenk – sách Thuyết Sao Cho Phục
Bạn có thể mua sách tại: https://bit.ly/2wedPRM