Sử dụng Ngôn Ngữ Cơ Thể để truyền đạt thay vì phân tích

[ ]

Để phân tích đúng ngôn ngữ cơ thể, ngoài những gì mắt chúng ta thấy được còn cần rất nhiều thông tin khác nữa. Nếu chúng ta thiếu đi chúng mà chỉ chăm chăm vào những gì ta thấy thì rất dễ phân tích sai thông điệp được gửi tới. Vậy các thông tin đó là gì? Lỗi chúng ta hay mắc phải khi phân tích ngôn ngữ cơ thể là gì?

1. Các khía cạnh cần được cân nhắc khi nói tới ngôn ngữ cơ thể

Trong ngôn ngữ nói, 1 từ khó có thể thể hiện được hết 1 nội dung. Tương tự, trong ngôn ngữ cơ thể, 1 cử chỉ của 1 bộ phận cơ thể không nên được dùng để đánh giá cả 1 thông điệp. Hai tay đang khoanh lại chưa chắc đã thể hiện sự không đồng ý, một cái nhíu mày chưa chắc có nghĩa là một sự khó chịu nếu phân tích riêng biệt. Tất cả các bậc thầy trong ngôn ngữ cơ thể đều thống nhất quan điểm, rằng ngôn ngữ cơ thể nên được phân tích theo một nhóm các hành động của các bộ phận, chứ không phải từng bộ phận riêng biệt.

Điều này khi áp dụng vào thực tế sẽ gặp ít nhiều khó khăn, khi trong quá trình giao tiếp, hầu hết chúng ta chỉ có thể quan sát được (và sự tập trung của chúng ta do đó mà dồn vào) nửa phần thân trên của đối phương, và nhiều nhất là từ phần cổ trở lên (khi chúng ta giữ giao tiếp bằng mắt). Sẽ rất kì lạ nếu chúng ta đang nói chuyện mà cứ nhìn chằm chằm xuống chân người kia, hay suốt buổi nói chuyện cứ nhìn từ đầu tới chân rồi từ chân lên đầu người đối diện để phân tích cơ thể người ta đúng không? Trong khi đó, nhiều khi đôi chân lại là nơi thể hiện sự mâu thuẫn trong lời nói, hoặc hứng thú thực sự của đối phương, bởi chúng ta thường tập trung kiểm soát bản thân qua thân trên bởi đó là nơi người đối diện hay nhìn vào nhất: cười nói, khua tay, xoay đầu về phía người kia, … mà quên kiểm soát phần thân dưới. Do đó, nhiều người có thể làm giả ngôn ngữ cơ thể ở thân trên, nhưng những gì phần dưới nói lại hoàn toàn ngược lại.

Ví dụ: Một cô gái có thể xoay nửa người trên qua và nói chuyện với người bên cạnh, nhưng nửa thân dưới lại quay qua lối ra hoặc người khác thay vì qua người cô ấy đang nói chuyện. Điều này gợi ý rằng cô ta đang muốn thoát khỏi cuộc trò chuyện đó. Nếu chúng ta là chàng trai cô ấy đang nói chuyện, liệu ta có thể nhận ra điều đó hay không? Tôi thực sự nghi ngờ điều đó, bởi có lẽ ánh mắt của tôi lúc đó đang hướng về mắt cô ấy khi trò chuyện rồi.

Một khó khăn khác ta thường gặp phải là chúng ta không có đủ thông tin về đối phương. Ngôn ngữ cơ thể cần được suy xét dựa theo hoàn cảnh, văn hóa và cả thói quen của người đối diện. Một số người bị bệnh co giật cơ mặt thi thoảng lại bị giật ở phần khóe môi. Nếu ta không biết họ có thói quen đó, trong lúc nói chuyện ta thấy họ nhếch mép thường xuyên, ta dễ coi họ đang khinh thường lời nói của ta. Ở một số nước, lắc đầu có nghĩa là đồng ý. Lại một lần nữa, ta có thể hiểu sai người tới từ nước đó nếu ta không biết về nền văn hóa của họ. Hoặc một người đang khoanh tay có thể đơn giản họ đang lạnh chứ không phải họ đang bất đồng với ai đó. Nếu chúng ta gặp ai đó lần đầu, ta khó có thể có đầy đủ các thông tin như vậy, chưa kể mắt nhìn của ta cũng không được hết các bộ phận của họ, nên sẽ dễ gặp “nhiễu” nếu cố tình phân tích.

Sau khi đọc rất nhiều cuốn sách cũng như các video về ngôn ngữ cơ thể, tôi rút ra được vài điều. Bản thân bộ não con người vốn đã có khả năng phân tích ngôn ngữ cơ thể. Chẳng phải vô cớ mà bạn có thể nói: “Trông thằng kia cứ lén la lén lút, đáng nghi quá”, hay “Hắn ta có ánh mắt dê xồm” hay “Em có sao không? Trông em có vẻ không được khỏe?” mặc dù không ai nói thẳng với bạn điều đó. Hay khi xem phim, có những cảnh diễn viên không nói lời nào, nhưng bạn vẫn có thể biết được họ đang tức giận, hay đang suy tư. Bạn đã tự nhìn và phân tích những gì bạn nhìn thấy được và tự rút ra kết luận. Đó là bản năng của mỗi người, và đó là đủ. Nếu bạn không nhận ra tín hiệu của 1 ai đó thông qua ngôn ngữ cơ thể, đơn giản là vì bạn chưa thực tâm chú ý tới người ta mà thôi. Tôi tin là như vậy. Những người có khả năng phân tích một cách chính xác ngôn ngữ cơ thể của một người lạ thường là những chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia nghiên cứu tội phạm, khi mà họ lắp đặt camera trong phòng để có thể quan sát đầy đủ nhất mọi cử chỉ, có đầy đủ hồ sơ về đối tượng mới có thể rút ra kết luận đúng đắn nhất.

Vì vậy, quan điểm của tôi về ngôn ngữ cơ thể là, về mặt tiếp nhận và dịch các tín hiệu cơ thể, bộ não của chúng ta bẩm sinh đã có khả năng này. Khi chúng ta sử dụng bản năng này, tự nó đã phân tích mọi yếu tố có liên quan như văn hóa, thói quen hay hoàn cảnh của đối phương (một cách vô thức) rồi. Những gì học được ở các tài liệu về ngôn ngữ cơ thể, hãy sử dụng chúng để truyền đạt thông điệp chúng ta muốn gửi đi. Những thông điệp này sẽ dễ dàng được đón nhận bởi những người có cùng nền văn hóa, cùng hoàn cảnh và không có những thói quen lạ trên cơ thể. Khi giao tiếp với người tới từ nền văn hóa khác, chúng ta nên/phải điều chỉnh cách ta gửi thông điệp đi.

2. Những gì chúng ta có thể gửi đi qua ngôn ngữ cơ thể

Nếu các bạn đã từng đọc bài Tầm Quan Trọng Của Ấn Tượng Đầu Tiên của mình thì chắc đã biết làm thế nào để dùng cách đi đứng cũng như sử dụng ngoại hình để truyền tải thông điệp: Tôi là một người tự tin, đáng tin cậy.

Như đã nói ở trên, đa phần tín hiệu chúng ta đón nhận được là từ phần nửa trên của cơ thể, nên một số tip về ngôn ngữ cơ thể dưới đây sẽ tập trung chủ yếu vào nửa trên, trong đó quan trọng nhất là những cử chỉ trên khuôn mặt, bởi biểu thị trên khuôn mặt là một ngôn ngữ có cùng ý nghĩa trên toàn thế giới. Lí do là khi chúng ta còn là những sinh linh bé nhỏ chưa biết giao tiếp, chưa hiểu ngôn ngữ, thì mẹ tự nhiên cung cấp cho bộ não của chúng ta khả năng nhìn nét mặt để nhận diện người thân/người lạ cũng như phán đoán sự tức giận/vui vẻ từ bố mẹ, nhằm lọc ra lúc nào là nguy hiểm để khóc lên, và lúc nào là an toàn để vui cười. Và khi là trẻ sơ sinh thì tất cả mọi người đều như nhau, không bị nhiễu thông tin, nên khi lớn lên, mọi người đều có chung một bộ lọc in sẵn vào trong não như vậy. Khi được cho xem những tấm ảnh có khuôn mặt biểu thị các sắc thái khác nhau, những người tham gia thí nghiệm đến từ nhiều nền văn hóa, độ tuổi, giới tính đều có khả năng dịch được tín hiệu chính xác như nhau.

Sau đây là các tips cho cơ thể. Như đã nói, ngôn ngữ cơ thể là một tổ hợp các cử chỉ của nhiều bộ phận, nên khi trình bày, tôi sẽ thêm thắt cả hành động của các bộ phận khác có liên quan nữa:

  • Cười: Khi cười, rõ ràng hai khóe môi phải bạnh sang hai bên, và có thể để lộ răng nếu cười tươi. Ngoài ra để nụ cười thêm thật rạng rỡ, mắt hãy hơi khép lại để đuôi mắt lộ ra vết chân chim. Người chúng ta khi đó cũng nên hướng về phía đối tượng, và tay thả lỏng hoặc đưa ra bắt nếu muốn bắt tay.
  • Ngồi: Khi ngồi trong những tình huống đòi hỏi sự nghiêm túc, trang trọng, hãy ngồi ngay thẳng như khi bạn đứng (đứng thế nào cho đúng tư thế thì mời bạn đọc bài viết về ấn tượng đầu tiên tôi đã post link ở trên). Ngồi như vậy sẽ vô thức tăng sự tự tin của bạn. Nếu là ngồi uống nước trò chuyện với bạn bè, thì cứ thả lỏng, lưng tựa vào ghế nếu muốn. Khi đối phương đề cập tới vấn đề gì đó nghiêm túc, hoặc muốn trải lòng, hãy thay đổi tư thế ngồi bằng cách hướng cơ thể lên phía trước về phía đối phương; chân khi đó nếu đang vắt chân thì nên tách chúng ra và để song song với vai. Đầu hơi nghiêng, mắt nhìn thẳng đối phương, thi thoảng gật đầu để thể hiện sự đồng ý hay ra hiệu là mình hiểu lời người kia nói.
  • Sắc thái khuôn mặt: Sắc thái khuôn mặt được kết hợp với các bộ phận khác để thể hiện tâm trạng của mình. Rất nhiều người có thói quen “mặt đơ”, dù phản ứng nào cũng giữ nguyên một nét mặt, có thể do không biết cách diễn đạt, hoặc có thể do sức nặng của phản ứng không đủ để họ thay đổi nét mặt. Ví dụ, có người chỉ giật mình nhẹ (mặt không đổi) khi bị bạn hù, nhưng có thể hét toáng lên khi có tiếng nổ gần đó chẳng hạn. Để đối phương cảm nhận rõ được mình đang đồng cảm với họ, ít nhiều chúng ta cũng nên điều chỉnh nét mặt, nói nôm na là “làm quá lên” cảm xúc trên mặt, để họ cảm thấy rõ hơn thông điệp của mình. Điều chỉnh thế nào thì thực ra bản thân chúng ta đều biết rõ. Ví dụ, khi nghe thấy điều gì đó gây ngạc nhiên, phản ứng tự nhiên là mắt mở to, lông mày nhướn lên trên, và mồm hơi há ra, cổ hơi ngả ra sau, người cũng lùi về sau. Với điều gây khó chịu, hoặc tức giận, mắt ta hơi nheo lại để tạo nếp dọc ở vùng giữa 2 con mắt, môi hơi mím lại. Với điều đáng tiếc, hay buồn, mi mắt hơi cụp xuống, mắt nhìn xuống dưới. Những cử chỉ này là hoàn toàn tự nhiên khi bạn thực sự cảm thấy những sắc thái như trên. Vì vậy, quan trọng nhất ở đây vẫn là sự chân thành. Những tips mình đưa ra chỉ là để bạn thể hiện sự chân thành ấy một cách rõ ràng hơn mà thôi.
  • Bắt chước: Không phải bắt chước 100%, nhưng hãy có tư thế giống với tư thế của người đang nói chuyện với bạn để thể hiện có sự liên kết giữa hai bạn. Trong phim Hàn Quốc hay có cảnh một cặp đôi ngồi đối diện nhau bên bàn cà phê, cả hai cùng dựa tay lên cằm và nghiêng đầu nhìn nhau. Rõ ràng sự giống nhau trong tư thế đó làm khán giả cảm nhận rõ ràng hơn về tình cảm của hai nhân vật hơn là cảnh nhân vật nữ thì ngồi hướng về phía trước, còn nhân vật nam lại ngồi tựa lưng vào ghế. Vì vậy, khi nói chuyện với ai đó, hãy từ từ (không phải ngay lập tức nhé) điều chỉnh tư thế của mình giống với người đối diện. Điều ngược lại cũng xảy ra, khi bạn thay đổi tư thế, mà người kia dần cũng thay đổi theo, thì có nghĩa hai bạn đang có một sự kết nối chặt chẽ. Và bắt chước ở đây không dừng lại ở cơ thể mà cả ở giọng nói. Hãy điều chỉnh sao để hai bạn có cùng tông giọng và tốc độ nói như nhau. Nếu bị “lệch sóng” ở khâu giọng nói này, hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn so với việc “lệch sóng” cơ thể. Tại sao thì sau này tôi sẽ có một bài viết riêng về Giọng nói.

Rất mong các bạn sẽ giao tiếp tốt hơn trong đời sống hằng ngày qua những bài viết của mình.

– Aiken –

Chia sẻ ý kiến của bạn:

One Response

  1. Nguyen Quang That 20/04/2017

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+