Sao phải lo lắng?

Lo lắng và sợ hãi dưỡng như là một phần tất yếu của đời sống con người. Bất cứ ai trong cuộc sống hàng ngày cũng không thể thoát khỏi những trạng thái tinh thần không dễ chịu này.

CON NGƯỜI LO LẮNG VÌ ĐIỀU GÌ?

Những nỗi lo lắng của họ là do những trách nhiệm và cam kết khác nhau diễn ra dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn như, họ có cảm giác tự ti nặng nề. Họ cảm thấy không thỏa đáng khi so sánh bản thân với những người khác. “Có lẽ tôi không đủ năng lực để làm nghề đó.” hoặc “Tôi không nghĩ mình đủ thông minh để gây ấn tượng.”

Họ có thể e ngại nên cư xử không được tự nhiên khi có mặt người khác, vì vậy họ tự nhủ: “Mình không nên để mọi người biết mình thực sự là ai. Nếu mình làm thế, họ sẽ không tin tưởng hoặc xem thường mình.” Do đó, họ đối xử theo cách mà người khác muốn thay vì theo cách tự nhiên của họ. Điều này tạo ra một sự mâu thuẫn giữa bản chất bên trong với sự thể hiện bên ngoài của chính họ và dẫn đến đau khổ.

Gần như tất cả mọi thứ đều là đối tượng cho sự lo lắng của con người. Họ lo lắng về dáng vẻ bên ngoài của mình. Đàn ông lo lắng khi bị hói, còn phụ nữ lo lắng khi các nếp nhăn bắt đầu xuất hiện trên khuôn mặt của họ, hoặc khi họ quá béo hay quá gầy, quá xấu hay quá đẹp, quá cao hay quá thấp,…

Họ sợ người khác phê bình, công kích hoặc bị cấp trên khiển trách. Họ e ngại phải trình bày ý tưởng hoặc quan điểm của mình trước đám đông vì sợ bị nhạo báng, nhưng lại cảm thấy giận dữ với bản thân mỗi khi có người trình bày ý tưởng giống như vậy và nhờ đó, nhận được sự tin cậy của đám đông. Họ cảm thấy mình bị cản trở bởi sự phê bình, ngay cả khi họ biết rằng sự phê bình đó lý và không công bằng.

Họ lo lắng về gia đình mình: “Có lẽ xét cho cùng thì mình không phải là người cha/ người mẹ/ người con tốt”. Một số người chồng lo lắng rằng người vợ trở xinh đẹp của họ có thể đi với người đàn ông khác. Trong khi đó, những người vợ lại lo lắng rằng những người chồng có thể rời bỏ họ và dành thời gian với các cô gái khác. 

Những người chưa kết hôn lo lắng về việc kết hôn như thế nào trong khi một số cặp đôi đã kết hôn lo lắng về sự cô đơn của mình khi họ không sinh được con. Cùng lúc đó, những người có nhiều con lại liên tục lo lắng làm sao nuôi dạy chúng tốt nhất: “Có lẽ chồng/ vợ tôi không còn yêu tôi nữa và có thể rời bỏ tôi.” hay “Tôi tự hỏi liệu con cái có chăm sóc tôi khi tôi về già hay không?”. Một số bậc cha mẹ lo lắng không cần thiết về sự an toàn của con cái, về việc có đủ tiền để chi tiêu trong gia đình, về sự an toàn trong ngôi nhà của họ và sức khỏe của những người thân trong gia đình.

Ở nơi làm việc, họ có thể phải đối diện với những vấn đề trong công việc hay những khó khăn trong việc đưa ra quyết định. “Điều gì sẽ xảy ra nếu quyết định của tôi là sai lầm?”, “Tôi nên bán cổ phiếu và cổ phần của mình bây giờ hay không?”, “Nhân viên của tôi có đáng tin cậy trong vấn đề tiền bạc không hay họ sẽ lừa gạt công ty trong khi tôi vắng mặt?”. Một số người lo lắng về những thất bại có thể xảy ra, về việc không được thăng chức hay khi được tin cậy giao phó quá nhiều trách nhiệm. Một số khác lại lo lắng bởi suy nghĩ rằng các đồng nghiệp đang đố kỵ với mình.

CON NGƯỜI CHÚNG TA KHÔNG CHỈ LO LẮNG

Danh sách những con người lo lắng hàng ngày có thể dài vô tận. Nhưng lo lắng không phải vấn đề duy nhất của chúng ta. Nó còn một người anh em song sinh là sợ hãi. Cả hai trở thành đặc trưng cho sự tồn tại của con người. Chúng là những điều ẩn nấp trong các góc tối của tâm hồn. Giống như lo lắng, chúng ta cũng có nhiều nỗi sợ hãi: sợ vì không an toàn, sợ kẻ thù, sợ đói, sợ ốm, sợ mất đi tài sản và của cải, sợ tuổi già, sợ chết và thậm chí sợ kiếp sống tiếp theo.

Chúng ta không chỉ lo lắng và sợ hãi mỗi khi có điều gì đó sai lầm, mà đôi lúc chúng ta còn lo lắng ngay cả khi mọi sự đang diễn ra êm đẹp! Chúng ta gợi lên nhận thức mơ hồ về sự sợ hãi trong tâm rằng bỗng nhiên tai họa nào đó có thể ập đến và hạnh phúc mình đang tận hưởng có thể chuyển thành đau khổ. Một số người lấp đầy cuộc sống của mình bằng những nội sợ hãi và lo lắng vô lý. Theo nhà tâm lý học John Broadus Watson: “Sợ hãi là một trong ba phản ứng cảm xúc si mê. Hai cảm xúc còn lại là yêu thương và giận dữ.”

Con người ta, về bản năng đều mong muốn và có nhu cầu khao khát sự an toàn cho bản thân và những người họ yêu mến. Vấn đề nằm ở chỗ, cuộc sống này thay đổi không ngừng, do đó sẽ không bao giờ có một giải pháp vĩnh cửu cho mọi vấn đề. Khi một người nghĩ rằng họ đã giải quyết được một vấn đề cụ thể thì các điều kiện của hoàn cảnh tại thời điểm đó sẽ thay đổi và một loạt vấn đề khác lại nảy sinh, khiến họ bí rối tung và mất phương hướng y như trước. Họ trở nên lo lắng hệt như đứa trẻ xây lâu đài cát trên bờ biển và lo sợ mọi đợt sóng vỗ vào bờ.

Đôi khi, sự sợ hãi có thể khởi sinh đến mực độ cực đoan, con người ta có thể ám ảnh cả những đối tượng hoặc hoàn cảnh vốn dĩ vô hại, chẳng hạn như sợ bóng tối, sợ không gian kín, sợ không gian mở, sợ độ cao, sợ con vật, sợ ma, sợ trộm, sợ bùa ngải, hay những nỗi sợ hãi tưởng tượng bị tấn công hoặc bị giết chết bởi ai đó núp trong bóng tối.

Bất cứ ở đâu sự sợ hãi sinh khởi, nó chỉ sinh khởi ở người ngu, không sinh khởi ở người trí. – Đức Phật

NGUYÊN NHÂN CỦA LO LẮNG

Tại sao con người lại lo lắng?

Con người lo lắng bởi vì các khái niệm “tôi” và “của tôi”. Từ ý tưởng “cái tôi” này sinh ra niềm tin vào ý niệm sai lầm của mỗi người, sự cực đoan trong việc thỏa mãn các khao khát, ham muốn của thể xác. Sự lo lắng của việc không đáp ứng được nhu cầu và mong ước để có sự thỏa mãn đầy đủ mang đến lo lắng và bất an cho con người. Con người trở nên bất an khi sở hữu hay liên quan đến điều được xem là không ưa thích. Chính sự dính mắc vào cảm giác dễ chịu và ghét bỏ cảm giác khó chịu này làm gia tăng sự lo lắng.

Người khôn ngoan hiểu ra rằng, việc phải xa lìa các cảm giác dễ chịu hay những người mình yêu mến là điều không thể tránh khỏi. Điều này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, dù là khi mới bắt đầu, giai đoạn giữa hay giai đoạn cuối của cuộc đời.

Điều chắc chắn duy nhất trên thế giới hay thay đổi này là mọi thứ sẽ phải đi đến hồi kết của mình. Sự thực duy nhất là sự thay đổi.

Sự xa cách khỏi những gì chúng ta dính líu cũng mang lại đau khổ. Con người cảm thấy mất mát, chán nản, thối chí và tuyệt vọng khi ai đó hay điều gì đó đáng yêu bị mất đi bởi một lý do nào đó. Thế nhưng, trên thực tế thì đây là một tiến trình tự nhiên, một quy luật tự nhiên rằng không có gì là trường tổn, cuộc sống vẫn luôn luôn thay đổi. Con người trải nghiệm đau khổ bất cứ khi nào họ bị những người họ yêu mến từ chối. Thay vì rút ra bài học để giải quyết tình huống này bằng cách cho phép thời gian hàn gắn vết thương lòng, họ lại trở nên tê liệt với sự thất vọng, buồn bã, đau khổ, chán nản.

CÁI GIÁ CỦA LO LẮNG VÀ SỢ HÃI

Bác sĩ Alexis Carrel đã nói:

Khi ghen tị, thù hận và sợ hãi trở thành thói quen, chúng có thể tạo thành bệnh tật thực sự!

Quan điểm y học cho rằng các loại bệnh như: tiểu đường, huyết áp cao, loét dạ dày, bệnh ngoài da và hen suyễn là do sự tích lũy của lo lắng và băn khoăn, nếu không nói đó thực sự là nguyên nhân chính. Suy nghĩ có thể tạo ra các rối loạn chức năng giống như việc chúng ta cso xu hướng bị thu hút vào điều mình mong ước trong cuộc đời.

Các bác sĩ nhận thấy rằng, bệnh nhân có xu hướng lành bệnh phù hợp theo mong muốn riêng của họ hơn là những chẩn đoán được đưa ra. Những doanh nhân nào không biết cách giải quyết các tình huống căng thẳng và lo lắng thường chết sớm. Những người vẫn giữ được sự điềm tĩnh và bình an nội tâm, bất chấp tình trạng lộn xộn bên ngoài của đời sống trần tục, sẽ tránh được các rối loạn chức năng và thần kinh.

Theo quan điểm y học, khi điều trị hầu hết những rối loạn chức năng, cần chú ý cẩn thận tới trạng thái tinh thần của người bệnh. Các nhà tâm lý học đã nhận thấy lo lắng không những không giải quyết được vấn đề mà ngược lại, còn khiến bệnh nặng hơn và điều này tiếp tục gây ra sự phá hủy nghiêm trọng hơn về tinh thần cùng thể chất của người bệnh.

Thêm vào đó, một người lúc nào cũng lo lắng sẽ tạo ra bầu không khí không lành mạnh trong gia đình, nơi làm việc và xã hội nói chung. Thông qua các hành động bất hợp lý bắt nguồn từ sự lo lắng và bất an cá nhân, người đó sẽ phá vỡ sự bình an và hạnh phúc của những người xung quanh. Giống như lo lắng, sợ hãi cũng có thể gây ra sự tổn hại cho bản thân và những người khác.

Sự sợ hãi kinh niên khiến cho cho con người liên tục trong trạng thái căng thẳng tinh thần và phiền não. Sợ hãi ngày càng tiêu hủy dần đời sống và làm suy yếu tâm trí. Sợ hãi là một năng lực bi quan đầy uy lực làm u ám tương lai. Nếu ai đó đang nuôi dưỡng một loại sợ hãi nào, thì cách suy nghĩ của anh ta hoặc cô ta sẽ bị ảnh hưởng. Trạng thái tinh thần bất thiện này có thể làm xói mòn nhân cách và khiến cho người hay sợ hãi đó trở thành một con ma.

Nếu đã biết lo lắng và sợ hãi gây tổn hại rất lớn cho cuộc sống của bạn và những người xung quanh, vậy thì đến khi nào bạn sẽ lựa chọn sống tự nhủ bản thân rằng Sao Phải Lo Lắng!

Tôi không bị xúc động bởi cái chết của vợ mình! – Trang Tử

Trang Tử là một triết gia Trung Quốc. Khi vợ mất, ông ngồi bên ngoài đánh trống và hát. Bạn bè nhìn thấy điều này lấy làm lạ và hỏi vì sao ông không bị xúc động bởi cái chết của vợ. Trang Tử trả lời: “Thực ra, tôi chấp nhận số phận của bà ấy bởi vì giờ đây bà ấy đã thoát khỏi sự lo toan sinh kế đầy đau khổ. Bà ấy vừa bước sang một kiếp sống mới.”

*Bài viết được Edward tổng hợp và biên tập lại từ cuốn sách “Sao phải lo lắng” của hòa thượng K. Sri. Dhammananda, tiến sĩ triết học, tiến sĩ văn chương, một nhà sư nổi tiếng của thế kỷ 20.

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+