Sách tâm lý hay nên đọc: Hướng Nội (Tiến sĩ Susan Cain)

(Ad Harry là một người siêu hướng nội nên rất recommend quyển này cho các “đồng loại” của mình :3 )

Có ít nhất một phần ba trong số người quen của chúng ta có tính hướng nội. Họ là những người thích lắng nghe nhiều hơn lên tiếng; họ đổi mới và sáng tạo nhưng không thích tự đề cao bản thân; họ thích làm việc độc lập hơn làm việc theo nhóm. Chính những người hướng nội như Rosa Parks, Chopin, Dr. Seuss, Steve Wozniak đã mang đến nhiều đóng góp lớn lao cho xã hội.

Trong Hướng Nội, Susan Cain chỉ ra được rằng chúng ta đánh giá quá thấp những người hướng nội và rằng sai lầm này đã khiến chúng ta thiệt thòi đến mức nào. Bà giới thiệu cho chúng ta biết những người hướng nội thành đạt – từ một diễn giả hóm hỉnh, năng động phải tìm không gian tĩnh lặng để phục hồi năng lượng sau mỗi lần diễn thuyết, cho đến một nhân viên phá kỷ lục bán hàng biết thầm lặng khai phá sức mạnh của những câu hỏi. Bằng những lập luận mạnh mẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng cùng nhiều câu chuyện người thật việc thật sâu sắc, Hướng Nội có sức mạnh làm thay đổi vĩnh viễn cách chúng ta nhìn nhận về những người hướng nội cũng như cách họ nhìn nhận bản thân, một yếu tố quan trọng không kém.

Sách Hướng Nội của Susan Cain do TGM BOOKS phát hành. Trích đoạn sách Hướng Nội:

“Tôi đã tận mắt chứng kiến những người hướng nội gặp khó khăn thế nào trong việc nhận thức được tài năng của chính mình, và khi đã làm được thì họ thật sự trở nên mạnh mẽ ra sao. Trong hơn 10 năm, tôi đã đào tạo kỹ năng đàm phán cho nhiều người ở đủ mọi ngành nghề – luật sư tư vấn cho doanh nghiệp, sinh viên đại học, các nhà quản lý quỹ và những cặp vợ chồng. Tất nhiên là chúng tôi hướng dẫn những kiến thức căn bản: cách chuẩn bị một cuộc đàm phán, thời điểm thích hợp để đưa ra lời đề nghị đầu tiên, và cách xử lý khi phía đối tác bảo “chịu không chịu thì thôi”. Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng giúp khách hàng nhận ra tính cách vốn có của họ và cách phát huy tính cách này hiệu quả nhất.

Vị khách hàng đầu tiên là một phụ nữ trẻ tên Laura. Tuy làm luật sư ở Phố Wall, nhưng cô lại là một người trầm tính, hay mơ mộng, sợ bị người khác chú ý và không thích sự công kích. Không hiểu sao cô lại vượt qua được thử thách gắt gao của Trường Luật Harvard, nơi mà các giờ học đều diễn ra trong những giảng đường khổng lồ có thiết kế dạng bậc thang, và cũng là nơi khiến cô từng căng thẳng đến mức bị nôn mửa ngay trên đường đến lớp. Giờ khi bước ra môi trường thực tế, cô không dám chắc là mình có thể mạnh dạn đại diện cho thân chủ theo cách mà họ kỳ vọng hay không.

Trong 3 năm đầu, Laura chỉ là một luật sư tập sự nên cô chưa bao giờ kiểm nghiệm giả thuyết ấy. Nhưng một ngày nọ, vị luật sư “tiền bối” của cô đi nghỉ mát và giao cho cô tiếp quản một cuộc đàm phán quan trọng. Thân chủ là một nhà sản xuất ở Nam Mỹ sắp đến hạn trả nợ ngân hàng và muốn cô giúp họ thương lượng lại những điều khoản thỏa thuận cho vay; ở bàn đàm phán đối diện là nhóm nhân viên đại diện cho ngân hàng đang nắm giữ món nợ nguy hiểm này.

Nếu được chọn thì Laura đã chọn trốn dưới gầm bàn rồi, nhưng cô đã học được cách chống lại sự thôi thúc bồng bột như thế. Dù lo lắng nhưng cô vẫn ngồi vào chiếc ghế đại diện, hai bên là khách hàng của cô: một bên là tổng cố vấn pháp lý và bên kia là chuyên viên tài chính cao cấp. Những người này tình cờ lại là kiểu khách hàng Laura yêu mến: hòa nhã và nói năng nhỏ nhẹ, rất khác với kiểu người xem mình là “cái rốn của vũ trụ” mà công ty cô thường làm đại diện.

Trước đây, Laura từng đưa cố vấn này đi xem một trận đấu bóng chày của đội Yankees, và cùng cô chuyên viên đi chọn mua một chiếc túi xách cho em gái cô ấy. Nhưng giờ thì những buổi đi chơi thoải mái dễ chịu như thế này – đúng kiểu giao tiếp Laura ưa thích – dường như nằm ở một thế giới xa xôi khác. Hiện trước mặt cô là 9 chuyên viên đầu tư của ngân hàng mặc com-lê và đi giày đắt tiền, mặt mày cáu gắt, hộ tống họ có vị luật sư đại diện, người phụ nữ có chiếc cằm bạnh và phong thái sôi nổi. Cô ta rõ là không phải kiểu người hoài nghi năng lực bản thân, lập tức bắt đầu một bài trình bày ấn tượng về việc thân chủ của Laura sẽ may mắn ra sao nếu họ hiểu chuyện mà chấp nhận những điều khoản của ngân hàng. Như lời cô ta nói thì đó đã là một lời đề nghị hào phóng lắm rồi.

Mọi người chờ Laura phản ứng, nhưng cô không biết đáp lại thế nào. Thế nên cô chỉ ngồi im ở đó, và chớp mắt. Mọi ánh nhìn đổ dồn vào cô. Thân chủ cô cựa quậy liên hồi trên ghế. Trong đầu cô lại quẩn quanh những suy nghĩ cũ: Mình không thể đảm đương nổi việc này. Mình quá trầm lặng, quá khiêm tốn, quá nghĩ ngợi. Cô hình dung về mẫu người phù hợp hơn giúp cứu vãn tình thế: một người mạnh dạn, ăn nói lưu loát, sẵn sàng đập bàn thể hiện thái độ cương quyết. Hồi học cấp hai thì không giống như Laura, người này sẽ được những đứa bạn cùng lớp Bảy gọi là “cởi mở”, đó là lời khen thậm chí còn giá trị hơn cả từ “xinh đẹp” dành cho con gái, hay “tráng kiện” dành cho con trai. Laura đã tự hứa rằng cô chỉ cần vượt qua ngày hôm nay thôi, rồi ngày mai cô sẽ tìm một công việc khác.
Nhưng rồi cô nhớ đến những gì tôi luôn nhắc đi nhắc lại: cô là một người hướng nội, và vì thế mà cô có năng lực đàm phán đặc biệt – có thể cách thể hiện không rõ ràng song không hề kém cạnh. Chắc chắn cô đã chuẩn bị kỹ càng hơn bất kỳ ai. Cô trầm tính nhưng phong cách nói chuyện rất quyết đoán. Hiếm khi nào cô phát biểu thiếu suy nghĩ. Là một người điềm đạm, cô có thể đưa ra những luận điểm mạnh mẽ, thậm chí quyết liệt mà vẫn thể hiện mình là một người biết lý lẽ. Và cô thường đặt nhiều câu hỏi – rất nhiều – rồi thật sự lắng nghe câu trả lời, một kỹ năng mà dù bạn có tính cách gì thì nó cũng đóng vai trò cốt yếu để có được một cuộc đàm phán vững chắc.

Thế là cuối cùng, Laura bắt đầu vào việc một cách tự nhiên.
“Khoan đã nào. Những con số chị đưa ra căn cứ từ đâu vậy?”
“Nếu chúng ta cơ cấu khoản vay theo cách này thì mọi người nghĩ xem có được không?”
“Cách kia thì sao?”
“Còn cách khác không?”

Lúc đầu, cô còn ngập ngừng khi hỏi, nhưng càng về sau cô càng mạnh dạn đặt ra nhiều câu hỏi hơn và thể hiện rõ rằng cô đã chuẩn bị chu đáo và sẽ không dễ dàng nhượng bộ. Nhưng cô vẫn giữ đúng phong cách của mình, không lớn tiếng hay đánh mất sự nhã nhặn. Mỗi lần các chuyên viên ngân hàng đưa ra một lời tuyên bố có vẻ “chắc như đinh đóng cột”, Laura lại cố gắng nêu ý kiến mang tính xây dựng. “Các vị muốn nói rằng đó là cách duy nhất sao? Mọi người nghĩ sao nếu chúng ta chọn một cách tiếp cận khác?”

Cuối cùng, những chất vấn đơn giản của cô làm không khí căn phòng thay đổi, hệt như trong mấy quyển giáo trình dạy đàm phán. Các chuyên viên ngân hàng ngừng nói dông dài và thôi ra vẻ thị uy, những hành động khiến Laura cảm thấy mình kém cỏi một cách vô vọng, và hai bên bắt đầu trao đổi một cách đúng nghĩa.

Hai bên thảo luận nhiều hơn song vẫn không đạt được sự đồng thuận. Một trong số họ nổi nóng, ông ta ném phịch giấy tờ xuống bàn và giận dữ lao ra ngoài. Laura phớt lờ hành động này, chủ yếu là do cô chẳng biết làm gì khác. Về sau, có người đã khen cô rằng vào thời điểm then chốt đó, cô đã có một nước đi vô cùng khôn ngoan mà người ta gọi là “nhu thuật thương thuyết”; nhưng Laura biết mình chỉ làm theo bản tính của một người trầm lặng sống trong một thế giới nói không ngừng.

Rốt cuộc thì hai bên cũng thỏa thuận xong. Các chuyên viên ngân hàng rời khỏi tòa nhà, khách hàng của Laura thì lên đường đến sân bay, và Laura thì về nhà, cuộn mình đọc sách, cố quên đi những căng thẳng ngày hôm đó.

Nhưng ngay sáng hôm sau, vị luật sư đại diện phía ngân hàng, người phụ nữ mạnh mẽ và cứng cỏi, gọi đến để mời cô làm việc cho họ. “Tôi chưa từng thấy ai lại có thể cùng lúc vừa cương vừa nhu như cô,” cô ta bảo. Và hôm sau nữa, trưởng nhóm chuyên viên bên ngân hàng gọi cho Laura hỏi rằng liệu công ty luật của cô có thể đại diện cho công ty của ông trong tương lai không. “Chúng tôi cần một người giúp chúng tôi đạt được các thỏa thuận mà không bị cái tôi của họ xen vào,” ông nói.

Bằng cách trung thành với phong thái làm việc “lạt mềm buộc chặt”, Laura đã đem về cho công ty hợp đồng kinh doanh mới và một lời mời công việc cho chính cô. Việc lớn tiếng và đập bàn rõ là chẳng cần thiết.
Ngày nay, Laura hiểu rằng tính hướng nội là một phần quan trọng trong con người cô, và cô trân trọng bản tính trầm tư suy nghĩ của mình. Cô đã bớt dằn vặt mình vì tính trầm lặng và ít thể hiện. Laura biết rằng mình có thể tự đứng vững khi cần.” (Susan Cain)

Ad Harry

*Mua online tại: https://bit.ly/2md3RLy

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Đăng ký tham gia khóa học QUANTUM LEAP - BƯỚC ĐẠI NHẢY VỌT với ưu đãi 90%ĐĂNG KÝ NGAY
+