Cách đây 30 năm, Philip Brickman, nhà tâm lý xã hội học Đại học Northwestern đã thành lập một nhóm nghiên cứu nhằm điều tra mức độ hạnh phúc của những người trúng số. Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng mặc dù ban đầu những người trúng xổ số rất hạnh phúc vì món tiền khổng lồ họ nhận được, nhưng cảm giác hạnh phúc đó lại nhanh chóng tiêu tan.
Khi những người này xác định lại mức độ hạnh phúc của họ, rất nhiều hoạt động mà họ từng yêu thích (chẳng hạn đọc sách hoặc ngồi thưởng thức một bữa ăn ngon) ngày càng trở nên nhàm chán, đến mức trong vòng vài tháng những người trúng xổ số giàu có này nói rằng họ không hề cảm thấy hạnh phúc hơn trước khi trúng số độc đắc. Brickman gọi hiện tượng thích nghi này là “cối xay khoái lạc”; thuật ngữ này mô tả chính xác khuynh hướng rằng loài người sẽ cảm thấy thờ ơ với những điều mà ngày hôm qua chúng ta còn trân trọng.
Điều thú vị của những nghiên cứu về sự thích nghi khoái lạc là, dưới góc độ tiến hóa, chúng chứng minh rằng xu hướng “được voi đòi tiên” của chúng ta thực ra là một kết quả đã lường trước. Chẳng hạn, trong một nghiên cứu khác, Daniel Kahneman (nhà tâm lý xã hội học đoạt giải Nobel) và người đồng sự Jackie Snell đã xác nhận một điều mà hầu hết chúng ta đều cảm nhận được bằng trực giác – nếu bạn thết đãi mọi người một món quá nhiều lần, thì theo thời gian, họ sẽ không đánh giá cao món đó nữa. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng nếu một người ăn món kem yêu thích của họ liên tục trong vòng tám ngày, họ sẽ bớt thích nó. Một lần nữa, khi nói về trải nghiệm tiêu dùng, dường như chúng ta chuyển từ trạng thái vui mừng sang trạng thái lãnh đạm trong chớp mắt.
Khi Voltaire nói rằng “Hạnh phúc là ảo ảnh; chỉ có sự chịu đựng mới là chân thật”, có lẽ ông đang ám chỉ tính phù phiếm được nhắc đến trong nguyên lý khoái lạc của Freud.
Nguồn: Youngme Moon – TS trường ĐH Kinh doanh Harvard
[ ]