Thấu hiểu tính cách với Carl Jung, ngộ nhận sai lầm về hướng nội và hướng ngoại

Nếu không biết mình là người hướng nội hay hướng ngoại, bạn sẽ cảm thấy bị cô lập.

Hai thuật ngữ này được tạo ra vào những năm 1920 bởi nhà tâm lý trị liệu và phân tâm học người Thụy Sĩ Carl Jung. Từ đó chúng đã có chỗ đứng riêng rất nổi bật, nếu không muốn nói là bất diệt. Chúng là viên gạch nền tảng của Myers-Briggs và là một trong những đặc điểm của Big Five. Nói theo cách đơn giản nhất thì quan điểm của Jung là người hướng nội lấy năng lượng từ việc ở một mình, trong khi năng lượng của người hướng ngoại đến từ các mối quan hệ và môi trường xung quanh.

Nhưng chính người đàn ông đặt ra thứ mà sau này trở thành cốt lõi của phân loại tính cách đã thừa nhận rằng “Cuối cùng thì vẫn có nhóm thứ 3, và khó mà nói được động lực của nhóm này chủ yếu đến từ bên trong hay bên ngoài.” Trong Psychological Types, Jung viết rằng nhóm này – không phải hướng nội cũng chẳng hướng ngoại – là “có số lượng đông đảo nhất và bao gồm những con người bình thường khó phân biệt nhất.” Nói cách khác, Jung tin rằng người hướng nội và hướng ngoại chỉ là thiểu số.

Nhóm thứ ba bí ẩn nhưng phổ biến này là gì? Các nghiên cứu liên tục hướng về sự hiện diện của “ambivert”: những người có tính cách cân bằng và ổn định được tạo thành bởi những đặc điểm của cả người hướng nội và hướng ngoại.

Theo bài phỏng vấn mà tờ Wall Street Journal thực hiện với nhà tâm lý học Adam Grant của trường Wharton, nhóm ambivert chiếm khoảng từ ½ đến 2/3 dân số thế giới.

Đây là tin tốt, vì người ambivert có lợi thế trong cuộc sống và sự nghiệp. “Lợi thế ambivert” lý giải một cách khoa học về việc nhóm này kết hợp những ưu điểm của cả 2 phía như thế nào. Một trong những nghiên cứu về đề tài này cho thấy nhóm ambivert đạt được hiệu quả bán hàng cao hơn nhóm hướng nội và hướng ngoại – trong một số trường hợp còn cao hơn gấp đôi. Vì có thể lắng nghe cũng như khẳng định bản thân, ambivert là những người bán hàng, đồng nghiệp, chủ doanh nghiệp và nhà lãnh đạo lý tưởng.

TƯ DUY CỐ ĐỊNH CÓ THỂ LÀM BẠN NHẬN THỨC CỰC ĐOAN

Những người hướng nội và hướng ngoại “kinh điển” vẫn tồn tại, nhưng họ là những ngoại lệ, và điều đó có thể khá tệ. Hơn nữa, thứ mà nhà tâm lý học Carol Dweck gọi là “tư duy cố định” có thể tạo ra lối nhận thức cực đoan.

Qua hàng chục năm trời, những nghiên cứu của Dweck và nhiều nhóm khác đã phân biệt lối tư duy phát triển (Grow mindset) – tin rằng bạn có thể trau dồi phẩm chất và tính cách của mình bằng nỗ lực – và tư duy cố định (Fix mindset) – tin rằng bạn có trí tuệ và tài năng hữu hạn, cùng với một tính cách nhất định và phẩm chất bất biến.

Một nghiên cứu gần đây đã nhận định tư duy cố định là “bản ngã tự thuật”: bạn tin rằng con người bạn là như vậy; đơn giản đó chính là con người bạn. Đó là câu chuyện mà bạn tự kể với mình về bản thân. Ví dụ, nghiên cứu đó lý giải rằng “một người nhận thức bản thân là hướng nội có thể khó nhận ra hoặc nhớ được hành vi hướng ngoại của chính mình, hoặc họ có thể né tránh những tình huống giao tiếp xã hội có nguy cơ gây ra áp lực và đến sống trong một thế giới ngày càng biệt lập.”

Sau khi thực hiện vài bài kiểm tra tính cách ở đại học, tôi quyết định rằng mình là một người hướng nội. Tôi để ý thấy rằng càng nhìn nhận bản thân là hướng nội, thì tôi lại càng trở nên hướng nội hơn. Hồi 18 tuổi, tôi đã nghĩ mình là cây đinh của các bữa tiệc. Đến năm 25, tôi hầu như đã tự thuyết phục mình rằng tôi không có đủ năng lực tâm lý để thuyết trình. Xu hướng “bản ngã tự thuật” đi kèm với sự giảm sút về chất lượng cuộc sống, đặc biệt là khi bạn có những định nghĩa tiêu cực về bản thân. Tư duy cố định có liên quan đến sự giảm sút về hiệu quả làm việc, lòng tự trọng, óc sáng tạo, sự kiên trì và tự nhận thức.

Nhưng tệ hơn nữa là việc câu chuyện mà ta tự thuật về bản thân không hề đúng.

Sự khám phá ra nhóm ambivert là một phần trong một nghiên cứu rộng lớn hơn nói rằng loại tính cách lành mạnh có tính tùy biến theo hoàn cảnh; thậm chí có một vài chuyên gia còn nghĩ rằng tính cách chỉ là một quan niệm sai lầm. Bản chất chúng ta là mâu thuẫn. Chúng ta thay đổi nhiều hơn mình nghĩ, tùy vào hiện trạng đang diễn ra. Có thể chẳng có một “cái tôi” cố định và ổn định nào cả – dù là hướng nội hay hướng ngoại.

Nghiên cứu cho thấy chúng ta cảm nhận theo cách mình hành động (khi cười, ta cảm thấy vui vẻ) và hành động theo niềm tin của mình (nếu tin rằng mình là hướng nội thì ta sẽ hành động theo hướng đó). Đó là những phản ứng thích nghi mang tính tiến hóa sinh học. Vấn đề nảy sinh khi niềm tin của ta đặt vào những bài trắc nghiệm tính cách mà ta chỉ thực hiện một lần, chứ không phải vào thực tế diễn ra hàng ngày.

HƯỚNG NỘI VÀ HƯỚNG NGOẠI – CHÚNG TA CẦN CẢ HAI

Ta không cần hiểu bản thân nhiều như ta cần hiểu những tình huống mà mình đối mặt. Ta cần đặt ra câu hỏi:

“Trong cuộc họp này ta cần ngồi yên, lắng nghe và ghi chép như một người hướng nội, hay phải tự tin, quyết đoán và lôi cuốn như một người hướng ngoại?”

Hoặc là:

“Làm thế nào để kết hợp cả 2 phương án đó thật hiệu quả trong tình huống này?”

Nhóm ambivert nhận ra rằng việc xác định bản thân chỉ theo một đặc điểm là rất mệt mỏi. Hẳn là bạn cũng nghĩ thế: Hãy nhớ lại khi mà bạn có quá nhiều những thứ mà khuôn mẫu tính cách hướng nội hoặc hướng ngoại của bạn cần. Jung đã nói rằng một người 100% hướng nội hoặc 100% hướng ngoại sẽ là một “người điên”.

Hướng nội và hướng ngoại, chúng ta cần cả hai! Chúng ta là cả hai!

Dĩ nhiên là tính cách mỗi người mỗi khác. Chắc chắn chúng ta thích tìm hiểu về chuyện này. Nhưng những nhận định về hướng nội/hướng ngoại làm phân cực và giới hạn khả năng ta nhìn nhận cũng như điều chỉnh bản thân cho phù hợp với nhu cầu của tình hình trước mắt – hay thậm chỉ là những gì chúng ta cần ngay sau đó. Dần dần, chúng ta “o ép” bản thân cho vừa với phạm vi mà loại tính cách của ta có thể “ứng phó” được.

Chúng ta phản đối việc người khác dán nhãn cho mình, vậy thì tại sao ta lại tự dán nhãn bản thân?

Hy vọng rằng những nghiên cứu tiếp theo về ambivert và sự tùy biến của tính cách có thể giúp ta hiểu rõ bản chất của sự hướng nội và hướng ngoại: những niềm tin tự giới hạn bản thân.

*Nguồn: https://www.psychologytoday.com/blog/the-gen-y-guide/201701/the-introvertextravert-myth

*Bài dịch độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng

Dịch bởi Ad Gigi

 

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+