NHỮNG MỐI QUAN HỆ ĐỊNH HÌNH SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CON NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO?

Từ năm 1975 đến năm 2005, Alan Sroufe và các cộng sự ở Đại học Minnesota đã theo dõi 180 trẻ em và gia đình của chúng trong Nghiên cứu dài hạn về Nguy cơ và Thích ứng! (The Minnesota Longitudinal Study of Risk and Adaptation).

Các nhà nghiên cứu đã tìm những phụ nữ da trắng lần đầu làm mẹ, nghèo khó, có xuất thân khác nhau, nhận được những nguồn trợ cấp xã hội khác nhau để nuôi con. Nghiên cứu được bắt đầu ba tháng trước khi trẻ chào đời và theo dõi trẻ trong suốt 30 năm đó, quan sát, đo lường mọi khía cạnh chính trong cuộc sống của trẻ. Nghiên cứu này xem xét những câu hỏi căn bản như: Làm sao trẻ học cách vừa chú ý điều gì đó vừa điều chỉnh những kích thích bên trong mình (nghĩa là tránh bị quá kích động hoặc quá suy sụp) và tiếp tục kiểm soát sự bốc đồng của bản thân? Trẻ cần được hỗ trợ những gì và hỗ trợ vào lúc nào?

  

Sroufe và các đồng nghiệp nhận thấy rằng chất lượng chăm sóc và các yếu tố sinh học có mối liên hệ chặt chẽ. Chẳng có gì là bất biến. Tính cách của người mẹ, dị tật thần kinh bẩm sinh, chỉ số IQ của đứa trẻ, tính khí của trẻ – bao gồm cả mức độ hoạt động và phản ứng của trẻ khi bị căng thẳng – đều không thể dự đoán được trẻ có phát triển các vấn đề hành vi nghiêm trọng khi đến giai đoạn thanh thiếu niên hay không. Vấn đề chính là bản chất của mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái: cách cha mẹ cảm nhận về con mình và tương tác với con cái. Giống như những con khỉ của Suomi, sự kết hợp giữa những khỉ con dễ bị tổn thương và những con khỉ chăm sóc cứng rắn sẽ cho ra những khỉ con hay bám víu, cáu giận. Hành vi vô cảm, hay xô đẩy, xúc phạm của cha mẹ lúc trẻ sáu tháng tuổi có thể khiến trẻ hiếu động thái quá, gặp rắc rối trong việc tập trung khi đến tuổi mẫu giáo hoặc lớn hơn.

Tập trung vào nhiều khía cạnh của sự phát triển, đặc biệt là mối quan hệ với người chăm sóc, giáo viên và bạn đồng lứa, Sroufe và các cộng sự đã phát hiện ra rằng người chăm sóc không chỉ giúp trẻ quản lý được những cơn kích động của mình mà còn có thể điều chỉnh những cơn kích động ấy. Những đứa trẻ thường xuyên bị đẩy đến bờ vực kích động quá mức và vô tổ chức sẽ không phát triển được sự đồng điệu cần thiết của những hệ thống não ức chế và kích thích, và chúng dần nghĩ rằng nếu có chuyện gì đó khó chịu xảy ra, thể nào chúng cũng sẽ mất kiểm soát. Những đứa trẻ này thường rất dễ bị tổn thương, khi đến cuối giai đoạn niên thiếu, một nửa trong số chúng mắc các vấn đề về sức khỏe tinh thần có thể chẩn đoán được. Có những mô hình rất rõ ràng ở đây: Những đứa trẻ được chăm sóc phù hợp sẽ trở thành những đứa trẻ biết tự điều chỉnh tốt, những đứa trẻ được chăm sóc thất thường sẽ bị kích thích sinh lý kéo dài. Con cái của những bậc cha mẹ có tính khí khó đoán thường la hét để gây chú ý với người khác, thường cực kỳ thất vọng trước những thách thức nhỏ nhặt. Sự căng thẳng dai dẳng khiến trẻ lo âu kéo dài. Ngay cả khi vui chơi, khám phá thì trẻ cũng không ngừng tìm kiếm sự yên tâm, kết quả là trẻ lớn lên với nỗi lo lắng thường trực, không dám mạo hiểm điều gì.

Việc sớm bị cha mẹ bỏ bê hoặc bị cư xử khắc nghiệt dẫn đến việc trẻ có những hành vi gây rối ở trường, dễ gặp rắc rối với bạn bè, thiếu cảm thông với những người đang đau khổ”. Điều này đã tạo ra một chu kỳ luẩn quẩn đau lòng: Bị kích động kéo dài, cùng với việc thiếu vắng niềm an ủi từ cha mẹ làm cho trẻ trở nên quậy phá, chống đối và hay gây gổ. Những đứa trẻ quậy phá và hay gây gổ thường bị những người chăm sóc chúng và cả giáo viên, bạn bè ghét bỏ, từ chối và trừng phạt.

Sroufe cũng khám phá được khá nhiều về tính kiên cường: khả năng đứng dậy từ nghịch cảnh. Cho đến nay, yếu tố tiên đoán quan trọng nhất về khả năng con người đối phó với sự thất vọng không thể tránh khỏi trong cuộc đời chính là mức độ an toàn của mối quan hệ giữa trẻ với người chăm sóc chính của trẻ trong hai năm đầu đời.

Nguồn: Sách “Sang chấn tâm lý” 

Sưu tầm và biên soạn bởi đội ngũ Tâm Lý Học Ứng Dụng

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+