Những điều bạn không tìm thấy trên Google

Bữa nọ, tôi dùng cơm trưa với một người bạn. Phải nói là tôi chẳng lấy gì làm thích thú. Cứ chừng năm phút anh lại lôi cái điện thoại BlackBerry ra kiểm tra e-mail. Có lúc anh chỉ nhìn sơ một cái, nhưng cũng có khi anh xin phép ngồi soạn tin nhắn. Gửi xong, anh nhét điện thoại vào túi quần, như thể nếu để nó trước mặt anh sẽ không chịu nổi. Năm phút sau, anh lại lôi điện thoại ra.

Chuyện này làm tôi nhớ đến một khóa tâm lý học thực nghiệm tôi tham gia hồi còn ở trường đại học. Tôi đã huấn luyện chú chuột bạch biết rằng mỗi khi nó ấn thanh chắn trong lồng một cái, nó sẽ nhận được một viên thức ăn. Sau đó tôi nâng yêu cầu lên thành ấn thanh chắn hai lần, rồi ba lần, năm lần, mười lần. Ngay lập tức, con chuột mắc chứng nghiện ấn thanh chắn, chẳng màng gì đến sự đời hay bất kỳ ai chung quanh nữa.

Bạn thấy có giống ai không?

Đừng hiểu sai ý tôi. Sự ra đời của Internet chính là món quà trời cho. Không ai hiểu chuyện này rõ hơn những người làm công việc viết lách. Hai mươi năm trước, tôi viết báo cáo nghiên cứu cho một công ty môi giới chứng khoán quốc tế. Công việc này đòi hỏi tôi phải thực hiện rất nhiều cuộc gọi cho các ngân hàng đầu tư và công ty giao dịch để dụ dỗ, phỉnh phờ, nịnh bợ (ok, thật ra là van xin) các nhà phân tích cung cấp cho tôi những thông tin cần thiết. Khi có được những thông tin đó – thường là sau vài ngày – tôi lại phải tiếp tục gọi điện để cập nhật dữ liệu.

Sự ra đời của trang web đã thay đổi tất cả. Các nghiên cứu từng buộc ta phải ngồi hàng giờ liền trong thư viện hoặc mất nhiều ngày sàng lọc dữ liệu thì nay có thể hoàn tất trong vòng vài phút. Bạn có thể thu thập thông tin nằm rải rác hoặc ẩn giấu trên khắp thế giới gần như ngay lập tức. Ngày nay, viết về chủ đề tài chính cũng giống như bạn quay trở lại trường học và được thi đề mở vậy.

Chỉ có người thủ cựu mới không biết ơn tốc độ, hiệu quả, sự thuận tiện và tiết kiệm chi phí của Internet. Tuy vậy, chúng ta phải trả một cái giá đi kèm với nó. Hãy cùng xem qua một số ví dụ:

– Theo kết quả khảo sát quốc tế thực hiện năm 2008 trên 27.500 người trưởng thành trong độ tuổi từ 18 đến 55, con người dành 30% thời gian rảnh rỗi để lên mạng. Con số này chưa bao gồm thời gian gọi điện thoại di động và các thiết bị di động khác.

– Theo khảo sát mới đây của tổ chức Henry J. Kaiser Family, trung bình mỗi ngày trẻ em dành hơn 7,5 giờ đồng hồ để sử dụng các phương tiện truyền thông gồm ti-vi, Internet, trò chơi điện tử và các thiết bị di động. Trẻ em dính chặt vào các thiết bị điện tử hơn 53 giờ mỗi tuần, còn hơn cả thời gian đi làm của người lớn.

– Trẻ em nghiện nặng các thiết bị điện tử có khuynh hướng học kém hơn trẻ không nghiện. (Vậy mà không đến một nửa số trẻ em cho biết cha mẹ chúng đặt ra những quy định hoặc giới hạn việc sử dụng các thiết bị này.)

– Có đến 3/4 trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến 17 sở hữu điện thoại di động nhưng không dùng để nói chuyện nhiều. Một nửa thanh thiếu niên gửi hơn 50 tin nhắn mỗi ngày. Cứ 3 em thì có 1 em gửi hơn 100 tin nhắn mỗi ngày, vị chi là hơn 3.000 tin nhắn mỗi tháng. Có vẻ như không có chuyện gì cần phải trao đổi ngay.

– Đặc biệt đáng sợ là 34% những người sở hữu điện thoại cầm tay trong độ tuổi 16 đến 17 thừa nhận rằng thỉnh thoảng họ soạn tin nhắn khi đang lái xe. Một nửa trong số đó nói rằng họ từng ngồi trong xe mà tài xế vừa lái xe vừa nhắn tin. (Lời khuyên của tôi ư? Tập trung nhìn đường và tay luôn đặt đúng tư thế trên vô-lăng.)

Có thể bạn cho rằng khoảng thời gian ta dùng để nhắn tin và lướt web được bù lại bằng cách xem ti-vi ít đi. Không hề. Theo nghiên cứu của công ty Nielsen, khi lượng người sử dụng Internet ngày càng rộng rãi thì lượng người xem ti-vi vẫn duy trì như trước thậm chí còn cao hơn. Năm 2009, thời lượng chúng ta ngồi trước màn hình nhỏ – có sự đóng góp một phần của đầu máy video – được ghi nhận là 153 giờ mỗi tháng. (Chưa kể các chương trình ti-vi được xem trên mạng Internet). Nước Mỹ là quốc gia mắc chứng nghiện các phương tiện truyền thông điện tử.

Những người lạc quan cho rằng người ta lên mạng là để đọc thông tin. Được vậy thì tốt. Nhưng khổ nỗi các nghiên cứu cho thấy phần lớn thông tin ta đọc trên Internet đều khá nông cạn. Chủ yếu chúng ta đọc lướt, cuộn lên cuộn xuống, mở hết liên kết này đến liên kết khác.

Một số người cãi rằng các đường dẫn này giúp tiết kiệm thời gian và khiến việc học trở nên dễ dàng hơn. Nhưng vấn đề này vẫn chưa ngã ngũ. Các nhà tâm lý học cho rằng người đọc trên mạng bị các văn bản đa phương tiện làm cho phân tâm và kích động. Chúng ta không chú ý nhiều đến những gì mình đọc và vì thế cũng chẳng nhớ bao nhiêu.

Môi trường trực tuyến khiến ta ngày càng quen với kiểu đọc lướt, suy nghĩ phân tán và tiếp thu nông cạn. Càng đọc online nhiều, chúng ta càng thiếu kiên nhẫn với những lập luận dài, chuyên sâu và đa chiều – kiểu lập luận thường chỉ có trong sách giấy.

Sách – kể cả sách điện tử – đòi hỏi người đọc phải tĩnh tâm, tập trung cao để thẩm thấu hết ý tưởng trong đó và biến chúng thành kiến thức của mình.

Chú tâm đọc sách sẽ kích thích ta liên tưởng, hiểu biết sâu sắc và đôi khi giác ngộ một chân lý nào đó. Suy nghĩ của ta rộng hơn, lượng ngôn ngữ phát triển, nhận thức cũng sâu sắc hơn.

Kiểu đọc này cải thiện và nâng cao trải nghiệm của ta đối với thế giới chung quanh. Nó củng cố khả năng suy nghĩ trừu tượng và làm giàu cuộc sống đời thực của ta. Đọc và nghiền ngẫm đòi hỏi thời gian và sự tập trung, nó giúp trí óc được rèn luyện để trở nên sắc sảo hơn. Tuy nhiên, kết quả thăm dò cho thấy ngày nay người Mỹ dành chưa đến 20 phút mỗi ngày để đọc những thứ được in ra, bất kể là đọc gì.

Thay vào đó, chúng ta lên mạng. Ngay cả khi không có máy vi tính và các thiết bị di động – ngay cả khi đang trong kỳ nghỉ – hàng triệu người vẫn muốn kiểm tra e-mail, lướt web, hoặc tra Google. Họ gấp rút tìm mọi cách để kết nối Internet, như đám cháy cần dập lửa. Họ muốn có cảm giác gắn kết với thế giới.

Đối với nhiều người, cuộc cách mạng kỹ thuật số đã trao cho máy vi tính – máy tính bàn, máy tính xách tay và các thiết bị cầm tay – quyền kiểm soát. Con chip silicon trở thành bá chủ, không phải vì các phương tiện truyền thông không buông tha và vì chúng ta không thể rời xa nó.

Tôi chẳng khác gì các bạn. Tôi cũng làm việc online. Tôi dùng trình duyệt để đặt lịch các chuyến bay, đặt phòng khách sạn, thanh toán hóa đơn, lên lịch cuộc hẹn, theo dõi chứng khoán và xem tin tức. Nhưng tôi không ngại chuyện phải ngắt liên kết. Điện thoại di động của tôi thường xuyên tắt. Ngoại trừ những chuyến công tác, bình thường tôi bỏ máy tính xách tay ở nhà. Thỉnh thoảng mấy ngày tôi mới kiểm tra e-mail một lần, đặc biệt là vào cuối tuần. Đồng nghiệp nghĩ tôi là người cổ lỗ sĩ, nhưng tôi thấy vậy thật tuyệt.

Có hôm khi đang rảo bộ trong khuôn viên trường Đại học Virginia, tôi vô cùng thích thú với tiết trời khô lạnh và những chiếc lá đang chuyển vàng, cam rồi sang đỏ. Nhưng tôi tự hỏi liệu các bạn sinh viên của trường có nhận thấy điều đó hay không. Mắt dán chặt vào màn hình, tay dính trên bàn phím, họ mê mẩn khám phá những chân trời vô hình, hoàn toàn quên lãng mọi thứ đang diễn ra chung quanh.

Tôi biết một số người có công việc hoặc hoàn cảnh đặc biệt buộc phải kết nối mạng 24/7. Nhưng với hàng triệu người khác thì không cần như vậy. Chúng ta có vẻ càng ngày càng lo lắng mỗi khi không kết nối được Internet. Chúng ta sợ nếu không kiểm tra e-mail, không lướt net, không viết gì đó lên trang cá nhân thì bạn sẽ biến mất.

Những người bị ám ảnh bởi các thiết bị điện tử quên rằng họ có toàn quyền lựa chọn. Họ có thể dứt khỏi sự cám dỗ đó và tập trung vào sự vật / sự việc khác. Vậy bạn hãy làm một cuộc cách mạng quyết liệt đi. Tắt ti-vi. Tắt điện thoại. Và bước ra ngoài trời.

Các nghiên cứu tâm lý suốt 20 năm qua cho thấy nếu bạn đến những vùng thôn dã bình yên và gần gũi với thiên nhiên, bạn sẽ tập trung tốt hơn, nhớ lâu hơn và nhìn chung nâng cao khả năng nhận thức hơn.

Tại sao ư? Tôi không biết. Có lẽ vì như vậy là bình thường… hoặc thư giãn, cũng có thể trong gen con người đã quy định thế. Rõ ràng khi được kết nối lại với mọi người và vạn vật quanh ta, cảm giác thật là tuyệt!

Mách nhỏ nhé, bạn không thể tìm thấy điều này trên Google đâu. (Nếu bạn đang đọc sách giấy!)

*Trích sách: Trên Cả Giàu Có

Tác giả: Alexander Green – Dịch giả: Uông Xuân Vy – Trần Đăng Khoa

*Biên tập bởi Tâm Lý Học Ứng Dụng

Rosie

[ ]
Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+