Người Trẻ Và Những Sai Lầm Cơ Bản Trong Tình Yêu

Bạn đã từng có nhiều mối quan hệ đổ vỡ mà không biết mình đã làm gì sai? Bạn chưa từng yêu ai và lo sợ sự thiếu kinh nghiệm sẽ làm bạn chọn nhầm người? Muốn có một mối quan hệ tình cảm bền vững và tốt đẹp, bên cạnh phần tình cảm màu hồng đẹp đẽ, chúng ta rất cần dành chỗ cho lý trí để biết thu thập và phân tích những thông tin quan trọng có ảnh hưởng lớn tới sự sống còn lâu dài cho tình cảm của cả hai. Loạt bài viết về “Yêu Đúng” gồm nhiều phần được tôi tổng hợp từ cuốn sách Are You The One For Me? Của tác giả Barbabra De Angelis mong sẽ là kim chỉ nam giúp tất cả mọi người sáng suốt hơn trong việc định hướng tình cảm (và lý trí) của mình, để chọn được đối tượng phù hợp nhất với mình với mục tiêu có một mối quan hệ lâu dài và bền vững.

TẠI SAO CÁC MỐI QUAN HỆ LẠI ĐỔ VỠ?

Đổ vỡ thường rơi vào 1 trong hai lý do:

Đúng người nhưng sai cách: hai người không biết cách giao tiếp trong mối quan hệ, không biết tạo kết nối thực sự, không nói cho người kia biết mình muốn gì và giữ sự ấm ức cho riêng mình, bỏ bê, không giữ lửa cho mối quan hệ.

Sai người: phong cách sống của hai người không tương thích, bạn và người ấy không có chung những giá trị cốt lõi hay quan điểm sống, người ấy (hoặc chính bạn) có những nhược điểm “chí mạng” khiến một mối quan hệ lâu dài là điều không thể (rượu chè, cờ bạc, bạo hành v…v…), hai người không thể cho nhau cái người kia muốn.

Tôi thường được mọi người tin tưởng và gửi gắm những tâm sự, nhất là trong chuyện tình cảm, và sau đây là những lý do yêu thường thấy của họ: “Cô ấy trông rất xinh!”, “Bọn tôi quen nhau từ nhỏ, và ai cũng nói chúng tôi đẹp đôi. Thế là chúng tôi tiến tới mà chả suy nghĩ gì nhiều”, “Tôi rất tệ trong âm nhạc, nên khi nghe anh ấy đánh đàn, tim tôi lỡ nhịp luôn”, “Anh ấy khớp hoàn toàn với những tiêu chuẩn tôi đề ra”, “Cô ấy có những đặc điểm hoàn toàn trái ngược với những nhược điểm của người yêu cũ của tôi”.

Những lý do trên thoạt nghe tưởng như là những lý do đúng đắn để bắt đầu một mối quan hệ, nhưng tất cả chúng đều là CHƯA ĐỦ. Nếu bạn để ý, những lý do trên đều chỉ nhắc tới 1 trong hàng chục, thậm chí hàng trăm tính cách/thói quen khác của đối tượng mà chúng ta chưa biết hết, vậy mà chúng ta đã vội vàng nghĩ rằng Người đó chính là một nửa đích thực sao? Trước khi chúng ta đi sâu hơn vào việc tại sao chúng ta lại yêu những người mà chúng ta yêu, hãy cùng thử làm một bài kiểm tra đo IQ trong Tình Yêu (Love IQ) xem bạn có phải là một người vội vàng trong tình yêu không nhé.

*Lưu ý: Rất có thể bạn sẽ trả lời những câu hỏi này dựa trên những mộng tưởng về một tình yêu lý tưởng, hoặc dựa vào thái độ/cảm xúc hiện tại của bạn về tình yêu. Đừng làm như vậy. Hãy dựa vào tất cả những trải nghiệm trong suốt cuộc đời và trả lời thật thành thực một cách khách quan nhất có thể.

Với mỗi câu hỏi, bạn sẽ chọn 1 trong 4 câu trả lời:

  • Rất thường xuyên = 0 điểm
  • Thường xuyên = 4 điểm
  • Thi Thoảng = 8 điểm
  • Hiếm khi hoặc không bao giờ = 10 điểm

Sau đây là các câu hỏi:

  1. Nếu người ấy và tôi thực sự yêu nhau đủ nhiều, không có rắc rối hay sự khác biệt về tính cách nào có thể đe dọa mối quan hệ của chúng tôi.

  2. Khi tôi tìm được đúng người, tôi sẽ không bao giờ bị hấp dẫn bởi ai khác, bởi vì tôi sẽ quá bận rộn yêu người kia.

  3. Tôi có thể nhận ra ai là tình yêu đích thực của đời mình ngay trong lần gặp đầu tiên.

  4. Tình yêu đích thực sẽ luôn đầy ắp những điều thú vị và hạnh phúc.

  5. Nếu đây là tình yêu đích thực, tôi sẽ không là gì nếu không có người ấy bên cạnh.

  6. Nếu chuyện ân ái không thực sự như mong đợi thì đây không phải là tình yêu đích thực.

  7. Một nửa đích thực sẽ cho tôi tất cả những gì tôi cần và khỏa lấp được tất cả những khoảng trống trong cuộc đời tôi – tôi sẽ không cần ai khác nữa.

  8. Nếu tôi thực sự đang yêu, tôi sẽ cảm thấy vừa phấn khích vừa hồi hộp mỗi khi nhìn thấy người ấy.

  9. Nếu người ấy là một nửa đích thực, chúng tôi lúc nào cũng sẽ bắt được “sóng” của nhau, sẽ luôn biết người kia đang cảm thấy thế nào.

  10. Nếu đây là tình yêu đích thực, mọi thứ sẽ hòa hợp một cách tự nhiên, và chúng tôi sẽ không phải bỏ ra nhiều công sức để làm nó trở nên tốt đẹp.

Giờ thử cộng điểm của bạn lại xem nhé?

  • 80-100 điểm: Bạn có IQ Tình yêu rất cao. Bạn khá thực tế trong chuyện tình cảm và hiểu rằng Tình Yêu không phải là tất cả cho một mối quan hệ lâu dài – nó còn cần có sự giao tiếp, sự hòa hợp, và sự cố gắng từ cả hai phía. Hãy chú ý những câu hỏi bạn ghi được ít điểm để tránh những sai lầm sau này.
  • 60-79 điểm: IQ Tình yêu của bạn không tệ, nhưng còn có thể cải thiện hơn. Bạn vẫn còn để những mộng tưởng và lý tưởng trong tình yêu quyết định thái độ của bạn về một mối quan hệ. Hãy tập trung hơn vào cảm xúc của bạn hơn là hình ảnh về một tình yêu lý tưởng bạn đang vẽ nên. Đừng ngại những mâu thuẫn – tình yêu đích thực không có nghĩa là mọi thứ lúc nào cũng phải khớp nhau một cách hoàn hảo.
  • 40-59 điểm: Cảnh báo! Một con số khá nguy hiểm, nhưng có lẽ bạn đã nhận ra được điều này, bởi rất có thể khi bạn đạt số điểm này cũng là khi bạn đã từng bị tổn thương rất nhiều trong chuyện tình cảm. Lý do cho điều này là vì bạn đang không tập trung vào người ấy: bạn đang tập trung vào một “tình yêu ngôn tình”.
  • 0-39 điểm: KHẨN CẤP!!!! Với số điểm này, chắc chắn bạn sẽ bị tổn thương hết lần này tới lần khác. Bạn đang hoàn toàn rời bỏ hiện thực và sống trong mộng tưởng. Bạn từ chối thừa nhận những gì khiến cho thế giới ấy bớt “hoàn hảo”, từ đó luôn đổ lỗi cho người kia mỗi khi có mâu thuẫn xảy ra.

 5 HUYỄN HOẶC TỐI KỴ TRONG TÌNH YÊU

1. Tình yêu đích thực sẽ chiến thắng mọi thứ

Với huyễn hoặc này, bạn sẽ tránh đối mặt với những rắc rối nảy sinh trong mối quan hệ, hoặc sẽ giải quyết nó bằng cách “Thế này tức là mình yêu chưa đủ. Nếu mình yêu đủ nhiều thì rồi những rắc rối ấy cũng chỉ bé như hạt cát thôi”. Trường hợp khác, bạn có thể sẽ chọn ở lại trong một mối quan hệ không có tình yêu hay không êm đẹp với mong đợi: “Nếu mình yêu người ấy nhiều hơn thì người ấy sẽ thay đổi”. Hay, bạn sẽ tự trách bản thân mình khi mối quan hệ đổ vỡ, nghĩ rằng: “Nếu mình yêu người ấy nhiều hơn thì chuyện đã không ra thế này”. Hãy nhớ: Để một mối quan hệ tình cảm trở nên bền vững, ngoài tình yêu, nó còn cần sự hòa hợp và cam kết từ cả hai bên. Trên thực tế, có rất ít mối quan hệ đổ vỡ vì hai người không còn yêu nhau, mà vì ngay từ đầu hai người họ đã không hòa hợp.

2. Tôi có thể nhận ra ai là tình yêu đích thực của đời mình ngay trong lần gặp đầu tiên

Phim ảnh và các tiểu thuyết tình cảm luôn có những tình huống Yêu-ngay-từ-cái-nhìn-đầu-tiên. Trong cuộc sống bạn cũng mong tình huống tương tự sẽ xảy ra với mình (*Thông tin ngoài lề: đàn ông thường rơi vào tình huống này nhiều hơn phụ nữ, do đàn ông yêu bằng mắt). Hậu quả của huyễn hoặc này là bạn sẽ chỉ cảm nhận được sự kết nối hay hấp dẫn tức thời tại thời điểm đó và bỏ qua việc nhìn nhận tất cả những yếu tố còn lại- những yếu tố đáng nhẽ cần-phải-xét-tới – của một mối quan hệ. Có hai trường hợp khiến bạn “cảm nắng” ngay từ lần gặp đầu tiên: hấp dẫn về thể xác – người ấy có vẻ bề ngoài quá bắt mắt; và người ấy trùng khớp với khuôn mẫu lý tưởng của bạn: cô ấy có body thật hot, anh ấy làm bác sĩ, một tháng anh ấy kiếm được 30 triệu, cô ấy có xe Audi, anh ấy biết chơi đàn v…v… “Yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên”, “cảm nắng” chỉ mất một thời gian ngắn, thậm chí chỉ vài phút để nảy sinh, nhưng tình yêu thực sự cần rất nhiều thời gian mới có thể hình thành.

3. Có một và chỉ một tình yêu đích thực trên đời dành cho bạn

Bạn nghĩ rằng mình cần phải tìm được người đó, nếu không bạn sẽ mãi mãi không bao giờ được hạnh phúc. Từ đó bạn sẽ luôn so sánh người ấy với hình mẫu “người yêu hoàn hảo” của bạn và không biết trân trọng sự khác biệt của họ. Suy nghĩ ấy cũng sẽ khiến bạn khó có thể mở lòng với ai khác nếu mối quan hệ trước tan vỡ. Sự thực là: bạn có thể trải nghiệm tình yêu thực sự với nhiều hơn một người. Về mặt sinh hóa học, khi yêu cơ thể chúng ta sản sinh ra những hoocmon có lợi cho cơ thể, và vì thế trái tim con người được lập trình để có khả năng yêu vô hạn. Ngay cả khi bạn chọn bừa hai người bất kỳ, quẳng họ vào một hòn đảo hoang suốt phần đời còn lại của họ, rất có thể họ dần cũng sẽ yêu nhau. Mỗi tình yêu đích thực, mỗi mối quan hệ đều dạy cho chúng ta một điều gì đó. Liệu điều này có nghĩa rằng sự hòa hợp với người ấy không còn quan trọng nữa không? Không – công thức cho một mối quan hệ bền vững là bạn yêu người hòa hợp với bạn, và người kia cũng vậy. Liệu điều này có nghĩa rằng tôi có thể có tình yêu đích thực với nhiều người cùng-một-lúc không? Có, nhưng nhìn chung trường hợp này không xảy ra nhiều. Vấn đề duy nhất khiến việc này không trở nên công khai là vì đa số các nền văn hóa và chuẩn mực đạo đức không cho phép/công nhận điều này. Mặt khác, nhiều người tuyên bố rằng tôi thực sự yêu nhiều hơn 1 người thực ra là vì họ ngộ nhận tình cảm với người khác.

4. Người yêu lý tưởng sẽ giúp hoàn thiện tôi về mọi mặt

Có những điều mà bạn phải tự hoàn thiện lấy; có những điều bạn cần mà phải tìm ở nơi khác thay vì ở người ấy. Nếu bạn tin vào huyễn hoặc này, thay vì nhận ra những điều trên, bạn sẽ luôn đổ lỗi cho người bạn đời của mình khi mối quan hệ không diễn ra như bạn mong muốn. Yêu đúng người thì người đó có thể sẽ đáp ứng được rất nhiều nhu cầu của bạn, nhưng KHÔNG phải là TẤT CẢ. Điều quan trọng là bạn phải phân biệt được điều bạn THÍCH ở người ấy, và điều bạn CẦN ở người ấy.

5. Nếu tôi cảm thấy ham muốn tột cùng về thể xác với người ấy, chắc chắn đó phải là tình yêu.

Mô típ quen thuộc ở đây là: bạn thèm muốn người đó => làm tình với người đó => cảm thấy tội lỗi khi lên giường với người đó mà không có tình cảm => tỏ tình với người đó để hợp thức hóa ham muốn thể xác ấy. Hậu quả ở đây là bạn sẽ phải ở trong một mối quan hệ với một người bạn không hòa hợp. Hợp nhau khi trên giường là một trong những tiêu chí có lợi (chứ không phải bắt buộc) cho một mối quan hệ lâu dài, việc hợp nhau ngoài phòng ngủ còn quan trọng hơn rất nhiều.

TẠI SAO CHÚNG TA HAY LẶP LẠI SAI LẦM TRONG VIỆC CHỌN NGƯỜI?

Nếu bạn đã từng có nhiều mối tình trước đây, và kể cả ngay lúc này bạn đang là một cặp với ai đó, hãy làm thử bài tập sau: Hãy thử liệt kê những nhược điểm mà bạn thấy được ở từng người, kể cả người yêu hiện tại. Danh sách những nhược điểm của mỗi người có thể khác nhau, nhưng có khả năng rất cao là bạn sẽ thấy tất cả bọn họ đều có chung một nhược điểm nào đó. Tại sao lại như vậy? Tại sao chúng ta đã từng bị tổn thương bởi một kiểu người, quyết tâm không chọn kiểu người đó ở mối tình sau, để rồi lại yêu phải người ít nhiều có những nét tương tự người trước?

Đã có rất nhiều các nghiên cứu từ các nhà tâm lý học nổi tiếng chỉ ra rằng, trí tuệ tình yêu của chúng ta được lập trình ngay từ khi còn rất nhỏ. Việc lập trình này được hoàn thiện khoảng 80% khi chúng ta mới 8 tuổi. Tới 18 tuổi chúng ta đã được lập trình khoảng 95%. 5% thuộc về phần đời còn lại. “Lập trình” ở đây được hiểu là, ngay từ khi có nhận thức, chúng ta đã bắt đầu hình thành những giá trị và phẩm tính của một “người yêu lý tưởng”, và tới khi 8 tuổi, gần như chúng ta đã có bức tranh chính xác xem người ấy sẽ như thế nào. Nền tảng của việc lập trình dựa trên những trải nghiệm với bố mẹ của chúng ta. Hay nói cách khác, chúng ta có xu hướng chọn người yêu có nét tương đồng với bố mẹ của chúng ta, dù những nét đó là tốt hay xấu.

Có rất nhiều hướng giải thích cho hiện tượng tâm lý này. Nếu bạn nhận được sự chăm sóc ân cần, dịu dàng từ bố/mẹ trong suốt quá trình lớn lên, bạn sẽ cho rằng kiểu người như bố/mẹ sẽ đem lại một gia đình đầm ấm tương tự trong tương lai => từ đó sẽ có xu hướng chọn người có nét tương đồng trong tương lai. Ngược lại, nếu bạn có một mối quan hệ không được tốt đẹp, gần gũi với bố/mẹ (nghiện rượu, bạo lực, không giữ lời hứa v…v…), bạn cũng có xu hướng chọn kiểu người có những tật xấu tương tự, với mong muốn (trong vô thức) để bù đắp những thiệt thòi về mặt tình cảm, hoặc để hàn gắn, hay thậm chí để trả thù những gì bố/mẹ đã làm với mình trong quá khứ. Bên cạnh đó, chúng ta đều có chung một hiện tượng tâm lý gọi là “Về nhà” (Tên tiếng Anh: Going Home Syndrome). Chúng ta có xu hướng hướng về những gì quen thuộc, thân quen, dù ngôi nhà đó có chất chứa những kỉ niệm xấu đi chăng nữa.  (Bạn thử liệt kê những gì bạn không thích ở bố mẹ bạn; sau đó so sánh với danh sách những nhược điểm của người yêu (cũ) của bạn. Rất có thể bạn sẽ thấy có nhiều điểm tương đồng đấy).

Michelle, một người tham gia vào thực nghiệm này cho biết, mẹ của cô là một người hay khiển trách và coi thường cô. Chưa bao giờ cô làm mẹ cô hài lòng, ngay cả khi cô được thăng chức hay có tin gì đó tốt đẹp. Bố cô thường xuyên vắng nhà, và ngay cả khi ông ở nhà, ông cũng chỉ ở đó chứ không tham gia vào việc nuôi dạy cô. Khi lớn lên, Michelle vẫn vô thức có khao khát được công nhận bởi người khác, từ đó thường xuyên bị hấp dẫn bởi những anh chàng có thói quen “dìm hàng”, coi thường cô. Cô đang tạo dựng lại một mối quan hệ giống với mối quan hệ giữa cô và mẹ cô, với suy nghĩ rằng “Lần này mình sẽ làm anh ấy phải công nhận mình xinh đẹp/thông minh”.

Như vậy, khi các bạn hiểu được tại sao chúng ta đưa ra những sự lựa chọn trong chuyện tình cảm, chúng ta hoàn toàn có thể thoát ra vòng lặp luẩn quẩn đó. Bạn hãy viết ra những đặc điểm tiêu cực khi bạn nghĩ về định nghĩa “Nhà”, sau đó viết ra những từ đối ngược với chúng. Danh sách những từ đối nghịch đó sẽ chính là kim chỉ nam giúp bạn tìm ra hướng đi mới khi tìm một đối tượng thích hợp. Bên cạnh đó, hãy nhớ, Bạn sẽ nhận được điều mà bạn NGHĨ rằng bạn xứng đáng được nhận. Nếu bạn tin rằng bạn xứng đáng nhận được một người dịu dàng, ân cần, một người tốt, thì bạn sẽ vô hình chung lọc ra những đối tượng không phù hợp. Ngược lại, nếu bạn nghĩ rằng bạn không xứng đáng được yêu, hay “loại như mình may ra chỉ có mấy tay đầu đường xó chợ mới yêu”, thì những lựa chọn trong tình yêu của bạn chắc chắn sẽ rất tồi.

*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng 

– CTV Aiken –

 

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+