Có thể bạn không nhận ra, nhưng hầu hết tất cả chúng ta đều có xu hướng đối xử với người thân, hay nói rộng ra là những người yêu thương mình tuỳ tiện hơn so với những người không thân thiết. Ta thường cư xử nhẹ nhàng, lịch sự với người ngoài nhưng lại thiếu kiên nhẫn và hay cáu kỉnh với người thân của mình. Có một lần, đứa bạn thân của tôi đã nói rằng: “Tao không bao giờ bao giờ nặng lời với ai trừ mày, đủ hiểu độ yêu quý nhé”.
Về khía cạnh khoa học, có thể giải thích hiện tượng này là do trong xã hội có quá nhiều tình huống làm bạn tức giận nhưng không thể biểu lộ (nổi nóng với sếp, đồng nghiệp thì dễ dàng huỷ hoại mối quan hệ đó hay thậm chí ảnh hưởng đến công việc). Sự kiềm chế cảm xúc đó sẽ làm sự tức giận của bạn bị “tích tụ” hoặc “ức chế”, gây hậu quả lâu dài – sau này khi bạn gặp một chuyện không vừa mắt, bạn sẽ cảm thấy rất giận dữ và thể hiện nó ra mạnh mẽ hơn bình thường, đặc biệt là với người thân của mình. Bởi, bạn biết dù bạn có nặng lời, vô lễ hay nổi nóng vô cớ thì những mối quan hệ đó sẽ không rời bỏ bạn, gia đình của bạn sẽ luôn bao dung nhẫn nại.
Mối quan hệ càng khăng khít, ta lại càng có xu hướng trở nên suồng sã và ít chăm chút nó. Chính sự an toàn và chắc chắn của mối quan hệ là thứ làm chúng ta quên đi giới hạn và tự cho mình quyền được tự do hành động, nói năng và xúc phạm đối phương. Tuy nhiên, sức chịu đựng của mỗi người là có giới hạn. Nếu bạn vượt qua giới hạn đó, dù mối quan hệ có khăng khít đến đâu thì đổ vỡ là điều khó tránh khỏi. Vậy làm cách nào kiềm chế cơn giận của mình và giải phóng những cảm xúc tiêu cực đúng nơi, đúng chỗ?
1. Giải phóng sự tức giận thông qua viết lách.
Tay, chân, miệng và giọng nói là những phương tiện chính để đưa cảm xúc tiêu cực ra ngoài cơ thể. Vì vậy việc viết lách – hoạt động kết hợp giữa ngón tay và trí óc sẽ tạo điều kiện cho cảm xúc của bạn được giải toả rất dễ dàng, giảm tối đa hiện tượng sự nóng giận bị tích tụ và cần được “xả” lên người khác. Thêm vào đó, viết ra tất cả những gì bạn đang nghĩ là cách nhanh nhất để nhận ra thực sự điều gì đang diễn ra phía bên trong bạn.
2. Hét lên thật to (ở nơi vắng vẻ ít người).
Sự giận dữ được tích tụ trong ruột, ngực và xung quanh vòm họng của chúng ta. Vì vậy, nếu bạn không đủ kiên nhẫn hay không thích viết lách, hãy để cảm xúc thoát ra ngoài thông qua giọng nói. Bạn có thể hét vào gối, vào đệm hay tập thể thao, chơi những trò mạo hiểm và hét thật to.
3. Chia sẻ vấn đề của bạn với người khác.
Thay vì mong chờ người khác nhận ra vấn đề của bạn, hãy chủ động tìm đến người bạn tin tưởng và nói ra những khó khăn bạn đang gặp phải. Điều này không những thắt chặt mối quan hệ mà sự thông cảm và lắng nghe từ những người xung quanh còn làm sự bức bối hay tức giận của bạn dịu đi rất nhiều.
* Nếu người thân của bạn bỗng nhiên trở nên cáu kỉnh và khó chịu, có thể là do họ đang phải chịu tổn thương hoặc mang những nỗi niềm khó nói. Trở nên giận dữ chính là cách để họ phân tán bản thân ra khỏi những tổn thường mà mình đang chịu đựng. Vì vậy, cáu gắt đôi khi cũng là một tín hiệu cho thấy người đó cần được quan tâm hoặc được quan tâm chưa đủ.
CTV Quỳnh Hương