1. Neuroplasticity là gì?
Neuroplasticity (tính dẻo của não) là khả năng tự điều chỉnh của bộ não bằng cách hình thành các liên kết thần kinh mới trong suốt cuộc đời của một người. Tương tự như sự đàn hồi của dây thun, neuroplasticity giúp cho các tế bào thần kinh tự sắp xếp lại để bù đắp cho vùng não bị tổn thương hoặc các bệnh về suy giảm chức năng hệ thần kinh, hoặc đơn giản hơn là đáp ứng với sự thay đổi môi trường.
Ví dụ như khi một em bé hay ở nhà được bà chăm sóc, đến khi em bé đó đi học, người bà trở về quê, em bé ban đầu sẽ buồn, khóc, nhớ bà. Nhưng sau một thời gian, em bé tìm được niềm vui mới với cô giáo, bạn bè, trường lớp. Lúc này liên kết tế bào “chơi với bà” của em bé tạm thời được thay thế bằng liên kết “cô giáo dạy múa hát” và “chơi với bạn”.
Neuroplasticity đồng hành suốt đời người mỗi khi ta học điều mới, kể cả ở người già. Các nhà khoa học đã chụp hình ảnh não và thấy khi học một môn thể thao hoặc một nhạc cụ, một kỹ năng mới, một vùng não rộng sẽ được kích hoạt. Hình ảnh não chụp lại khi người đó thành thạo kĩ năng cho thấy vùng não kích hoạt khi thực hiện kĩ năng thu nhỏ lại, các tế bào tham gia được “chuyên môn hóa” trở nên tối ưu về kỹ năng này hơn. Kỹ năng mới học này cùng với các kỹ năng cũ sẽ chia nhau chiếm dụng nguồn tế bào và liên kết thần kinh, làm cho bộ não phân hóa chức năng tốt hơn.
2. Âm nhạc và sự ảnh hưởng đến quá trình phát triển não bộ
Các nghiên cứu gần đây cho thấy âm nhạc có tác động rất tốt đến sự phát triển hệ thần kinh. Các em bé được tiếp xúc với âm nhạc từ sớm phát triển hơn về giao tiếp, ngôn ngữ, bộ nhớ, các giác quan, cũng như tăng các liên kết thần kinh và chức năng phối hợp, thực thi của bộ não.
Một nghiên cứu năm 2012 chỉ ra người lớn tuổi có “bộ não ni lông” tốt hơn khi tập một nhạc cụ nào đó trong đời, kể cả khi họ không chơi nhạc nữa trong thời gian dài (hơn 40 năm). Các nhà nghiên cứu tại đại học Northwestern kiểm tra đáp ứng thần kinh (neural timing) ở một nhóm người lớn tuổi đã chơi nhạc khoảng 4 đến 14 năm khi còn trẻ. Những người này phản ứng nhanh hơn khi được nghe một giọng nói so với những ngời cùng độ tuổi mà không chơi nhạc cụ.
Khi già đi, não lão hóa làm giảm chức năng nghe. Người già thường nghe kém và chậm phản hồi lại hơn vì não không đáp ứng kịp với tốc độ nói bình thường, chỉ nghe được vài từ rời rạc, nên không đủ dữ liệu để phân tích ngữ nghĩa của câu nói. Các nhà nghiên cứu cho rằng nhờ chơi nhạc cụ mà chức năng nghe của các nơ ron tốt hơn, đàn hồi hơn, lâu bị lão hóa hơn.
Einstein cũng là một người chơi violon rất giỏi, ông đắm mình trong âm nhạc từ khi còn rất nhỏ nhờ có người mẹ là một tài năng âm nhạc. Ai cũng biết những cống hiến vĩ đại của ông, kể cả lúc đã về già, cho ngành vật lý. Cho đến bây giờ bộ não của ông vẫn được nghiên cứu tại bệnh viện Princeton. Và một nghiên cứu năm 2013 cho thấy bộ não thiên tài của ông được kết nối rất tốt, cả vùng não thiên về sáng tạo và tính toán.
Sự tương quan giữa tài năng của Einstein và âm nhạc, cùng với rất nhiều kết quả nghiên cứu khả quan về tác động của âm nhạc lên não bộ, đã mở cánh cửa hy vọng cho con người, có thể dùng âm nhạc để nâng quá trình học hỏi của mình lên một tầm cao mới, tối ưu hóa bộ não của loài người.
Tham khảo:
- The Brain That Changes Itself: Stories of Personal Triumph from the Frontiers of Brain Science, Norman Doidge.
- Older Adults Benefit from Music Training Early in Life: Biological Evidence for Long-Term Training-Driven Plasticity
- Well-connected hemispheres of Einstein’s brain may have sparked his brilliance
- 10 Ways Musical Training Boosts Brain Power
- https://en.wikipedia.org/wiki/Albert_Einstein
– Charlotte –
Chào Charlotte
Vậy người lớn có thể học nhạc để tăng cường khả năng của não bộ ko nhỉ?
Chào bạn,
Người lớn và thậm chí cả người lớn tuổi bắt đầu học một nhạc cụ mới sẽ cải thiện chức năng nhiều vùng khác nhau của não, đặc biệt là nếu người đó chưa học nhạc cụ nào bao giờ.