Mấy “căn bệnh” của giới trẻ

Nếu bạn không thích nghe những lời thẳng thắn nhưng hữu ích cho mình thì bài viết này có lẽ không dành cho bạn!

Khi nhắc đến giới trẻ chúng ta thường thấy những cụm từ như nhiệt huyết, khỏe mạnh, lăn xả, hết mình. Với mỗi người tuổi trẻ là lúc mà họ khỏe mạnh nhất về thể chất như người xưa từng nói “Tuổi 17 bẻ gẫy sừng trâu!” Thế nên, khi nói về “căn bệnh” của giới trẻ thì đó chỉ có thể là những “căn bệnh” về tinh thần, về thái độ, về tư tưởng, về suy nghĩ mà rất nhiều người trẻ một cách vô tình hoặc do môi trường tác động khiến họ mắc phải. Nếu không nhận ra kịp thời và quyết tâm thay đổi để một khi những “căn bệnh” này ăn sâu vào người, nó rất có thể sẽ là yếu tố phá hỏng việc phát triển sự nghiệp của mỗi người. Không những thế, nó còn khiến cho những người trẻ mắc kẹt và gặp khó khăn trong cuộc sống, khiến họ không thể nào đạt được những thành công viên mãn trong cuộc đời họ.

P.S Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân và chủ quan của tác giả, với mong muốn đóng góp tích cực cho các bạn trẻ tránh mắc phải mấy căn bệnh về tinh thần! Nếu bạn thấy không phù hợp, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn không đọc bài viết này. Coi như một người nói linh tinh về thế hệ trẻ.

1. BỆNH LƯỜI

Thành công không có chỗ cho sự lười biếng!

Bất kể bạn làm việc gì, cho dù bẩm sinh bạn có tố chất hay chưa có tố chất, sự chăm chỉ và nỗ lực hết mình là điều chắc chắn phải có được. Không có một ai thành công mà lại có thể lười biếng, nhờ người khác làm cho mình, chỉ tay năm ngón. Nhiều bạn trẻ thời đi học thì luôn chờ đợi sự bao bọc từ gia đình, thời sinh viên thì lười nhác trong các hoạt động ngoại khóa, làm việc nhóm thì đùn đẩy trách nhiệm, việc học hành thi cử thì không nghiêm túc, rèn luyện thể dục thể thao thì không chịu khó.

Hậu quả đó là thay vì trở thành một thế hệ nối tiếp đầy năng động và tràn đầy sức sống, họ ra đời bằng sự ù lì và chậm chạp. Bởi vì thời trẻ lười rèn luyện các hoạt động, các kỹ năng nên khi đi làm cái gì cũng không biết. Đứng thuyết trình thì run như cầy sấy, chém gió với đám bạn thì lên trời xuống biển nhưng diễn thuyết dự án để thuyết phục khách hàng thì lắp ba lắp bắp. Do thời trẻ lười vận động nên khi đi làm thể chất yếu đuối, làm việc hơi chút là mệt mỏi. Do bệnh lười ăn sâu vào máu nên khi đi làm cái gì cũng ngại, sếp giao việc thì ngại làm, tìm cách từ chối khéo hoặc làm cho qua loa. Sếp giao việc thì cái gì cũng em nghĩ rằng nó không quan trọng, nhưng thực ra nó lại vô cùng quan trọng.

Có một bạn trẻ nọ bước chân vào một doanh nghiệp thuộc tập đoàn đa quốc gia. Những ngày đi làm, bạn luôn luôn sẵn sàng làm mọi việc kể cả những việc lặt vặt. Không những vậy, bạn luôn luôn trong tâm thế làm thật tốt việc của mình và sẵn sàng nhận thêm những nhiệm vụ khác được sếp giao thêm. Thế rồi trải qua 12 năm, bạn gái ấy đã leo từ vị trí ban đầu là trợ lý giám đốc để trở thành giám đốc điều hành của doanh nghiệp. Nhưng điều quan trọng mà người phụ nữ ấy nhìn lại về chặng đường sự nghiệp của mình đó chính là, trong những lần được giao thêm nhiệm vụ, phần lớn có rất nhiều việc mà ban đầu mình không thích hoặc mình chưa có kinh nghiệm. Nhưng hơn hết là chị không bao giờ thoái thác bởi sự lười nhác của mình.

2. CÁI TÔI CAO, HAY DỖI

Nếu muốn thành công, hãy sẵn sàng đón nhận mọi phản hồi để bản thân tốt lên!

Công việc thì luôn luôn có áp lực, nhất là những môi trường càng chuyên nghiệp thì áp lực càng lớn. Do vậy khi làm việc, chắc chắn sự căng thẳng sẽ có. Một bạn trẻ mới đi làm, không cách gì bạn trẻ đó có đủ tài năng và đủ hoàn hảo ngay từ những ngày đầu. Mới đi làm, ai cũng sẽ thiếu sót những kinh nghiệm, cả những kỹ năng. Chính bởi vì chúng ta thiếu sót nên đó mới là cơ hội tuyệt vời mà chúng ta có thể chín chắn và trưởng thành lên nhờ công việc. Thế nhưng thực tế thì có rất nhiều bạn trẻ sợ sai, hay nói chính xác hơn là sợ người khác phát hiện và chỉ ra cái sai của mình. Từ đó dẫn đến việc, họ rất sợ hoặc không dám đối mặt với việc bị nhận xét, góp ý từ người khác. Một cách khác khéo léo hơn là họ sẽ lựa chọn làm những công việc dễ dàng, bởi lẽ làm việc dễ dàng thì tỉ lệ mắc sai sót sẽ ít hơn, từ đó sẽ dễ được khen hơn và ít bị nhận xét, góp ý hơn. Bản chất việc này là một căn bệnh trầm trọng xuất phát từ cái tôi cao và lòng tự trọng thấp. Những người như thế thực sự rất khó để đi được đường dài.

Thêm vào đó, có những bạn trẻ rất hay dỗi. Khi người khác góp ý sẽ có phản ứng theo kiểu “xù lông nhím” lên để phản kháng, hoặc một cách khác là thu mình lại không tiếp nhận ý kiến đóng góp từ người khác. Thậm chí có những lúc mình sai, gây ảnh hưởng đến người khác và ảnh hưởng đến cả tập thể nhưng bị người khác góp ý thì mình lại chuyển sang giận dỗi người đó. Hoặc có những người tiêu cực hơn, họ sẽ chờ cơ hội người khác làm sai để dìm hàng họ, nhằm chứng tỏ cho mọi người thấy rằng những người góp ý với họ cũng chẳng tốt đẹp hay giỏi giang gì. Người xưa từng nói “Đất lành chim đậu, đất dữ chim bay”. Những người mang căn bệnh như vậy một ngày nào đó sẽ không còn những người bạn, người đồng đội thực sự ở bên cạnh, nhất là những lúc khó khăn, gian khổ. Thay vào đó, nếu chỉ vây quanh những người nói lời màu hồng, ngon ngọt thì rất có thể những lúc khó khăn sẽ không có ai bên mình. Suy cho cùng, vẫn là lựa chọn có hệ quả của mỗi người.

Cho nên, một người trẻ nếu muốn thành công trong sự nghiệp thì một trong những điều quan trọng cần rèn luyện đó là phản ứng tích cực và chủ động đón nhận phản hồi từ người khác.

3. CẢM XÚC THẤT THƯỜNG

Đừng để cảm xúc cản trở sự nghiệp của bạn!

Có không ít bạn trẻ khi đi làm lại mắc một căn bệnh lạ đó là cảm xúc quá thất thường. Khi họ có cảm hứng, khi họ có hứng thú họ có thể tham gia, có thể cháy hết mình cho một việc. Thế nhưng đến khi họ bị mất tinh thần, khi mất hứng thì họ lại dễ dàng bỏ cuộc. Những người này nguồn sống đối với họ là cảm hứng. Có hứng thì làm, không có hứng thì không làm. Và điều này thì cực kỳ trái ngược với làm việc chuyên nghiệp.

Con người ta ai cũng có cảm xúc, đó là sự thật. Thế nhưng, người làm việc chuyên nghiệp không để cảm xúc lấn át đến lý trí và tính hiệu quả của công việc. Chẳng hạn, bạn đang làm việc bỗng bạn nghe một tin không tốt từ gia đình. Người có cảm xúc thất thường sẽ dễ để cảm xúc chi phối đến công việc và ảnh hưởng đến chất lượng công việc của mình. Ngược lại, người làm việc chuyên nghiệp hiểu rằng công việc là công việc, và mình không nên để cảm xúc ảnh hưởng đến chất lượng công việc của mình.

Khi đi làm, công việc khác rất nhiều với cuộc sống thời đi học. Có nhiều bạn trẻ khi đi làm, nhu cầu tâm sự và chia sẻ cảm xúc quá nhiều. Đối với họ, những lúc gặp khó khăn họ cần một người ở bên cạnh động viên, lắng nghe, tâm sự. Sự thật thì nhu cầu chia sẻ ai cũng có. Nhưng nếu một người chỉ suốt ngày tìm kiếm người khác hoặc cần người khác động viên, lắng nghe, tâm sự mà không tập trung vào chuyện đối mặt với khó khăn để vượt qua nó thì kết quả cũng không thể thay đổi. Gặp khó khăn cũng giống như việc một người rơi xuống một cái giếng. Một người phụ thuộc vào cảm xúc quá nhiều sẽ cần một người khác nhảy xuống dưới để tâm sự, sẻ chia. Thế nhưng việc đó không có ích gì, trong khi thứ người đó cần là lấy hết sức mình, cần một sợi dây để leo từ dưới đáy lên trên mặt đất. Sợi dây ấy chính là tập trung hành động, tập trung vào công việc và đừng để ảnh hưởng quá nhiều bởi cảm xúc cá nhân.

4. ẢO TƯỞNG SỨC MẠNH

Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu!

Ngày nay, có quá nhiều bạn mắc phải căn bệnh này. Họ đánh giá quá cao về năng lực bản thân và đòi hỏi xã hội phải đáp ứng nhiều hơn về nhu cầu của họ.  Rất nhiều bạn nghĩ rằng với năng lực của mình khi đi làm, mình phải xứng đáng đạt được vị trí cao hơn, xứng đáng vào một công ty lớn hơn, xứng đáng được lương cao hơn. Thay vì tập trung làm việc và hành động, và chứng minh bằng kết quả, họ lại chuyển sang than phiền, chê bai. Họ rất dễ dàng chê bai những điều người khác làm được là bình thường. Khi không có đủ sự quyết liệt và tinh thần cầu thị cao, những người này có thể vô tình bị mắc những thói quen xấu như đi nói xấu sếp, nói xấu công ty, chê bai đồng nghiệp, than phiền về mọi chế độ đãi ngộ.

Sự thật thì nếu một người có năng lực và đã thể hiện được bằng kết quả, tự khắc tổ chức sẽ công nhận và có những chế độ đãi ngộ tốt với người đó. Nhà tuyển dụng luôn luôn nói rằng họ thiếu người và không tìm được người phù hợp. Trước đây chúng ta từng nói rằng mình sống trong một xã hội “thừa thầy – thiếu thợ”. Thực tế ngày nay không phải như vậy, chúng ta sống trong một xã hội thừa bằng nhưng thiếu cả thầy và thợ giỏi. Bởi lẽ có quá nhiều bạn trẻ bị ảo tưởng vào năng lực của bản thân. Việc chất xám thì không có đủ khả năng, việc chân tay thì ngại không muốn làm. Cuối cùng, cái gì cũng làng nhàng, và từ đó lại đi chê bai, nói xấu.

HÃY CÔNG BẰNG VỚI THẾ HỆ TRẺ

Phần cuối bài viết này, chúng ta hãy dành thời gian để chia sẻ những khó khăn thực tế về mặt xã hội cũng như không quên công nhận những điểm mạnh của rất nhiều bạn trẻ bây giờ.

Thực tế là rất nhiều bạn trẻ bây giờ đang phải sống trong môi trường luôn bị áp lực phải thành công. Báo chí, mạng xã hội liên tục đăng tin những tấm gương thành công kể từ khi còn trẻ. Chúng ta không ở trong câu chuyện đó, chúng ta không nhìn những phần chìm của cả một câu chuyện, nhưng chúng ta lại có mạng xã hội để người ta có thể đọc những tin tức đó chỉ bằng một cú click chuột. Chính vì lẽ đó mà chưa bao giờ mỗi người trẻ phải đón nhận áp lực thành công, mà là áp lực thành công sớm nhiều như thế. Không những vậy, nhiều bạn trẻ còn phải sống trong sự kỳ vọng của gia đình, của xã hội dẫn đến rất nhiều áp lực vô hình đè nặng lên tâm hồn của họ. Đối với nhiều bạn, áp lực ấy làm cho bầu không khí thở trở nên ngột ngạt hơn bao giờ hết. Và đó là lý do mà vì sao tỉ lệ người trẻ bị trầm cảm ngày càng tăng cao.

Bên cạnh đó, cuộc sống vẫn còn rất nhiều những định kiến từ xã hội. Có một tác giả đã từng trải lòng rằng:

Văn hóa Mỹ thiên về khuyến khích, văn hóa Việt nặng về đả kích. Con em chúng ta làm trăm điều hay, nghìn điều tốt chúng ta không dám khen vì sợ nó kiêu căng, phách lối. Nhưng hễ nó làm sai một điều thì chúng ta đay nghiến nó mãi không thôi!

Dĩ nhiên, đó chỉ là một chia sẻ cá nhân của một người. Nhưng nó phần nào nói lên những định kiến cuộc sống, những khó khăn thực sự cản trở rất nhiều đè nặng lên thế hệ trẻ, từ đó dẫn đến việc họ không thực sự có một thuận lợi để thành công.

Công bằng mà nói, thế hệ trẻ ngày nay là một thế hệ trẻ giỏi công nghệ và ngoại ngữ. Rất nhiều bạn trẻ cực kỳ giỏi công nghệ, từ đó giúp họ tiếp cận với thế giới tốt hơn rất nhiều, tiết kiệm được thời gian hơn. Cũng rất nhiều bạn trẻ ngay từ khi còn đi học đã rất giỏi ngoại ngữ, thậm chí giỏi nhiều ngôn ngữ. Rất nhiều bạn trẻ nhờ tiếp cận với internet từ sớm mà khả năng tự học cực kỳ xuất sắc. Cũng có rất nhiều bạn trẻ, không hiểu vì lý do gì mà họ lại rất ham học, rất có năng lực, cũng rất khiêm tốn và đặc biệt là cực kỳ khao khát thành công. Những bạn trẻ này có thể nói là “tài không đợi tuổi”, họ thậm chí xuất sắc đến mức có thể tạo ra nhiều ảnh hưởng lớn và tích cực cho xã hội, và thậm chí còn là dẫn dắt người khác. Những người này tuy là số ít nhưng lại là người có thể có thành công rất cao, được gọi là nhóm “tinh hoa” ở trong xã hội. Lẽ dĩ nhiên, để đạt được những điều đó thì con đường đi của họ chưa bao giờ là dễ dàng.

Còn bạn, nếu bạn là một người trẻ, bạn sẽ có lựa chọn như thế nào?

*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng

Edward

Chia sẻ ý kiến của bạn:

One Response

  1. Sang 23/01/2019

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+