Ly Hôn, Ai Mới Là Người Tổn Thương Nhiều Nhất?

Trong xã hội hiện đại, ly hôn không còn là điều quá mới mẻ, xa lạ. Tôi còn nhớ vào khoảng đầu những năm 90, ai đó ly hôn là đề tài bàn tán xôn xao của mọi người trong thời gian khá dài và đối tượng bị chỉ trích phần nhiều tập trung vào người phụ nữ.  Ngày nay, phương tiện truyền thông hiện đại, tư duy và quan điểm của xã hội cũng thoáng hơn nhiều, hai người không hợp nhau, không muốn chung sống cùng nhau có thể đưa nhau ra tòa làm thủ tục ly hôn, chấm dứt một cuộc hôn nhân không hạnh phúc để bắt đầu một cuộc sống mới. Trái ngược trước kia, bây giờ người phụ nữ thường được bênh vực, cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ sau một lần đổ vỡ. Nhưng dường như đó mới chỉ là bề nổi của một tảng băng.

Điều làm tôi đau lòng là dường như không ai nhìn thấy nỗi đau đớn khủng khiếp của một đứa trẻ. Không hề có những cuộc nói chuyện nghiêm túc, không hề có những ca tư vấn tâm lý cho trẻ em trước và sau ly hôn của bố mẹ. Người lớn mặc nhiên nghĩ mình là người phải chịu tổn thương nhiều nhất, họ đánh vật với nỗi đau của mình và muốn chấm dứt tất cả càng nhanh càng tốt. Trẻ con là đối tượng bị động, chúng rất đau khổ nhưng chưa đủ khả năng để diễn đạt cho bố mẹ thấy điều đó, chúng chỉ có thể âm thầm chịu đựng hoặc phản kháng yếu ớt, chúng cảm thấy bất lực vì tiếng nói của mình quá nhỏ bé. Bố mẹ chúng nghĩ con cái mình thật thiệt thòi, sau này nhất định bù đắp cho con. Đáng tiếc, sau này là một khoảng thời gian quá xa, thứ mà bố mẹ muốn bù đắp chúng sẽ không cần đến nữa. Cái mà chúng cần bạn làm vào lúc bạn cần phải làm bạn lại không thực hiện, thứ mà bạn nghĩ là bạn làm là bù đắp, là tốt cho con nhiều khi lại không phải là thứ thật sự tốt cho chúng đó chỉ là mong muốn cá nhân của bản thân bạn thôi. Để tôi kể cho các bạn  nghe hai câu chuyện:

Câu chuyện thứ nhất:

Chị bạn tôi. Năm nay 31 tuổi với một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Bố mẹ chị ly hôn từ khi chị còn nhỏ. Từ bé mẹ chị luôn nói với chị bọn đàn ông không có gì tốt đẹp. Chị lớn lên với tư tưởng ấy in sâu vào tâm trí. Trải qua vài cuộc tình không thành công cuối cùng chị cũng lấy chồng. Thời gian đầu mọi chuyện khá tốt đẹp. Mẹ chị bảo “Ui giời, yêu nhau lắm cắn nhau đau. Cứ tình cảm anh anh em em rồi vài hôm là chán nhau ngay ấy mà.” Một thời gian sau, họ có một đứa con gái, chuyện cơm áo gạo tiền cộng với các thói hư tật xấu hai bên bộc lộ rõ ràng, tình cảm hai người nhạt dần đúng như dự đoán của mẹ chị. Chị tâm sự với mình: “ Đúng là không tin được bọn đàn ông em ạ, chị lúc nào cũng toàn tâm toàn ý cho gia đình, lo cho anh ấy từng li từng tí thế mà anh ấy vẫn không vừa lòng, biết thế chị chả lấy chồng cho xong”. Mình rất muốn nói với chị là “Chị ơi, đàn ông cần một người vợ chứ không cần thêm một người mẹ nữa” nhưng không biết phải diễn đạt thế nào vì chị thực sự tin rằng đó là kết quả tất yếu của một mối quan hệ. Nhìn gia đình người khác vui vẻ, hạnh phúc đôi khi chị thở dài nghĩ số phận mình không may mắn.

Câu chuyện thứ hai:

Bạn thân của em trai mình, một cô bé 17 tuổi, học trường chuyên, giỏi giang, xinh xắn và thích thả thính (giả vờ có tình cảm, yêu thích hay quan tâm một ai đó để cố tình thu hút đối tượng, làm đối tượng ảo tưởng về tình cảm của mình). Cô bé thả thính với nhiều đối tượng xung quanh không kể tuổi tác, giới tính. Lịch sử tình trường của cô bé lớp 11 dài tới vài trang. Ai đó nghĩ rằng đó là tâm lý bình thường của tuổi dậy thì nổi loạn đang muốn chứng tỏ bản thân. Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó. Gần đây nhất cô bé đó thả thính thành công và kết thúc một mối tình với một bạn gái lớp 12 với đủ các cung bậc cảm xúc. Bạn gái lớp 12 sau đó đau khổ đến mức có ý định tự tử và thi trượt đại học. Tương lai đang rộng mở trở lên vô cùng mờ mịt. Mình hỏi em trai: “Sao bạn em lại cư xử kì là như thế? Làm vậy có vẻ hơi nhẫn tâm thì phải.” Em mình trả lời: “Bố mẹ bạn ấy chia tay. Bạn ấy cảm thấy hụt hẫng mất mát nên luôn cần có người bên cạnh. Bạn ấy làm thế để đỡ cô đơn. Lúc nào cãi vã hoặc thấy chán bạn ấy chia tay hoặc lạnh lùng bỏ đi luôn. Như thế bạn ấy cảm thấy là người quyết định trong các mối quan hệ. Bạn bảo em là Tớ sẽ luôn là bỏ đi trước nên chả có gì phải quá đau khổ. Tớ thà làm tổn thương người khác chứ không cho phép người khác làm tổn thương mình.”

Qua hai câu chuyện này mình muốn nói với các bạn một điều, đáng lo nhất chính là tâm lý bất an thường xuyên xuất hiện trong các mối quan hệ của đứa trẻ sau khi bố mẹ ly hôn. Rất khó để đứa trẻ tự tin xây dựng một mối quan hệ lành mạnh, bền vững. Có thể có một trong hai xu hướng không mong muốn xảy ra:

  • Thứ nhất: Luôn cố gắng làm hài lòng đối phương, coi đối phương là tất cả. Thậm chí đánh mất bản thân mình để giữ gìn mối quan hệ. Khi nhu cầu sở hữu cao không được thỏa mãn quay sang dằn vặt, trách móc đối phương. Sau một thời gian tự bản thân hoặc khiến cả hai cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Mối quan hệ tình cảm dần đi vào bế tắc và đổ vỡ.
  • Thứ hai: Lập tức chạy trốn khỏi những mối quan hệ khi không có cảm giác an toàn. Tỏ ra lạnh lùng, tuyệt tình trong khi thực tế bản thân cảm thấy trống rỗng, tổn thương vì liên tục trải qua các mối quan hệ chớp nhoáng. Rất khó để gắn bó với một ai đó lâu dài.

NGÀY MAI CÓ PHẢI CON LÀ TRẺ MỒ CÔI

Hôm trước, tôi vừa đọc một bài báo “Lá thư con gái gửi bố mẹ trước ngày ly hôn: Ngày mai có phải con là trẻ mồ côi” trong đó có đoạn viết khiến tôi cảm thấy rất xúc động.

“Bố mẹ ơi,

Cô giáo con nói, những chuyện chúng ta không thể nói với nhau bằng lời thì nên dùng cách viết thư để có thể nói hết những gì mình muốn cho người khác nghe. Những ngày này, con có rất nhiều điều muốn nói với bố mẹ, nhưng bố cứ đi từ sáng đến đêm mới về. Con chỉ gặp bố trong mơ. Mẹ thì luôn buồn và khóc, con muốn lại gần nhưng con lại sợ. Nên, con đành viết thư.

Con nghe bà nội nói: “Trẻ con chả biết cái gì cả đâu.” Con muốn viết cho bố mẹ để nói với mọi người rằng, con biết tất cả mọi thứ.

Con biết ly hôn là gì. 

Ở lớp con có bạn Minh Tú, có cả bạn Anh Khang, bố mẹ các bạn ý đều ly hôn lâu rồi. Minh Tú bảo với con ly hôn là mình không còn được sống cùng bố hoặc cùng mẹ nữa. Con sẽ phải chọn một trong hai. Nếu ở cùng bố thì không bao giờ còn thấy mẹ, còn nếu chọn sống cùng mẹ thì sẽ chẳng bao giờ được bố ôm vào lòng nữa. 

Bạn bảo con nên suy nghĩ từ bây giờ xem yêu ai hơn để mà còn chọn. Nhưng con nghĩ mấy tháng vẫn không chọn được. Nếu đến ngày bố mẹ ly hôn con vẫn chọn không được thì con sẽ ra đi, con chẳng ở cùng ai cả để đỡ phải chọn. 

Còn Anh Khang thì nói với con, ly hôn tức là con sẽ trở thành trẻ mồ côi, là không có bố cũng chẳng có mẹ đâu. Bố Anh Khang sau khi ly hôn đã cưới một cô rất xinh rồi sinh cho bạn ý một em gái. Em ý gọi bố Anh Khang là bố, gọi cô kia là mẹ, thế là bạn ý mất bố. Rồi không lâu sau, mẹ Anh Khang cũng cưới một chú khác và sinh một em bé trai khác. Vậy là bạn ý mất luôn cả mẹ.”

Trong hoàn cảnh đó, trẻ con và người lớn đều đau khổ nhưng người lớn có thể đối diện và giải quyết bằng cách ly hôn còn trẻ con thì cứ loay hoay mãi với những ý nghĩ của mình mà không biết phải làm thế nào. Nhiều khi, chúng không thể chia sẻ với bố mẹ, người thân nên chỉ biết chia sẻ với bạn bè. Cùng lứa tuổi thì sẽ có những kinh nghiệm hoặc ý nghĩ ngây ngô như nhau, sự chia sẻ đó đôi khi sẽ đi lệch hướng thậm chí có những điều bạn không thể tưởng tượng hoặc kiểm soát được. Qua đó có thể thấy chuyện ly hôn của bố mẹ tưởng là chuyện của người lớn lại ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời của đứa trẻ, tận đến khi đứa trẻ trưởng thành nó cũng khó có thể thoát khỏi cái bóng của quá khứ. Khả năng xử lý khủng hoảng trong các mối quan hệ của đứa trẻ rất kém, kể cả các giai đoạn khủng hoảng bình thường của một mối quan hệ mà ai cũng trải qua như cãi vã, giận dỗi. Đứa trẻ sẽ tin tưởng rằng mọi chuyện sẽ có kết cục tiêu cực giống như mình dự đoán, tất cả cũng sẽ tan vỡ giống như cuộc hôn nhân của bố mẹ. Điều này đã ăn sâu vào tiềm thức trẻ.

NHU CẦU THÁP MASLOW

Chúng ta có thể lý giải tâm lý bất an của trẻ qua mô hình nhu cầu tháp Maslow.

Theo nhà tâm lý học Abraham Maslow, nhu cầu căn bản của con người chia ra làm 5 tầng. Hiểu đơn giản như sau:

  • Tầng 1: Nhu cầu sinh lý. Hít thở, ăn uống, ngủ, nghỉ ngơi, bài tiết, tình dục… đáp ứng nhu cầu sống cơ bản.
  • Tầng 2: Nhu cầu về an toàn: An toàn về tính mạng. thân thể, tài sản, sức khỏe…
  • Tầng 3: Nhu cầu về xã hội. Có các mối quan hệ tốt đẹp.
  • Tầng 4: Nhu cầu được quý trọng, kính mến, tin tưởng.
  • Tầng 5: Nhu cầu được công nhận và thể hiện mình.

Những nhu cầu ở phía dưới cần được thỏa mãn trước khi nghĩ đến những nhu cầu ở tầng cao hơn. Khi bố mẹ ly hôn, trẻ sẽ không được thỏa mãn tầng tháp thứ hai, nghĩa là cảm thấy không an toàn về mặt tình cảm nên sẽ khó tiến lên tầng thứ ba để xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, bền vững. Nhất là khi trẻ đang ở độ tuổi nhạy cảm, từ 1-3 tuổi, ở giai đoạn này tâm lý của trẻ vô cùng yêu thích sự trật tự. Mọi thứ xung quanh phải ở đúng vị trí của nó để trẻ mới cảm thấy yên tâm. Có thể bạn sẽ rất ngạc nhiên khi trẻ khóc ầm lên nếu bạn để đôi giày, đồ đạc của bé không đúng chỗ hay nhất quyết phải mang đồ chơi để vào chỗ nào đó quen thuộc mới thôi. Khi bố mẹ ly hôn, tự nhiên trẻ sẽ thấy khuyết mất vị trí của một trong hai người nên xuất hiện tâm lý hoang mang. Lâu không được gặp bố hoặc mẹ trẻ vô cùng mong ngóng, gặp được rồi trẻ cảm thấy rất vui mừng rồi đến lúc bố hoặc mẹ ra về trẻ sẽ cảm thấy vô cùng hụt hẫng. Dần dần rồi cũng quen nhưng những tâm lý phức tạp này không tốt cho sự phát triển của trẻ.

TRƯỚC KHI BẠN MUỐN KẾT THÚC HÃY NGHĨ LẠI LÝ DO LÚC BẠN BẮT ĐẦU?

Điều này nghe có vẻ rất hay, nhưng thực tế lại là một lời nói dối. Ban đầu, bạn muốn xây dựng một hình ảnh gia đình hạnh phúc sau đó thì mọi chuyện trượt dốc không phanh, không thể kiểm soát nổi (chồng bạn bản chất là kẻ trăng hoa, ngoại tình, cờ bạc, rượu chè, vũ phu hoặc vợ bạn chua ngoa, đanh đá, ngoại tình …) nghĩ lại lý do bạn thấy mọi thứ bắt đầu trở nên xa vời và nực cười. Khi các bạn không thể chịu nổi nhau, ly hôn là giải pháp cuối cùng và duy nhất thì hãy mạnh dạn kết thúc nó. Đừng nghĩ vì các con mình phải cố gắng duy trì một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Trẻ con rất thông minh chúng có thể nhìn thấy sự bất hạnh trong mắt các bạn. Bạn đã có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc chắc chắn không mong muốn con mình lớn lên sẽ lặp lại vết xe đổ của mình vậy thì hãy nghĩ xa hơn một chút trước khi chia tay nhau các bạn có thể thực hiện theo một vài gợi ý dưới đây để làm bước đệm tâm lý cho con mình giúp trẻ sẽ đỡ bị shock, giảm gánh nặng tâm lý sau này.

ĐỪNG ĐI VÀO VẾT XE ĐỔ

Thứ nhất: Đừng đột ngột ly hôn, hãy ly thân ít nhất một năm.

Trong một năm đó, hai người có thể bình tĩnh suy nghĩ lại về tình cảm thực sự của mình biết đâu lại nhận ra điểm tốt của đối phương và hai bên có cơ hội bắt đầu lại một lần nữa.

Nên cùng nhau chăm sóc con cái, cùng nhau dành thời gian cho con, để lại cho con những kỷ niệm tốt đẹp nhất. Trong khoảng thời gian này lên lặng lẽ suy nghĩ, tránh cãi vã gây tổn thương thêm cho nhau và ảnh hưởng đến tâm lý của đứa trẻ.

Thứ hai: Trước khi quyết định ly hôn hãy có một chuyện nói chuyện nghiêm túc với con.

Chỉ cần con bạn 6 tuổi trở lên, bạn đã nói chuyện được rồi. Có những trẻ nhạy cảm, già dặn trước tuổi bạn còn có thể nói chuyện với con sớm hơn. Hãy nói nghiêm túc, chân thành, rõ ràng với con về tình trạng hôn nhân của bố mẹ với lời lẽ diễn đạt đơn giản, dễ hiểu. Lúc này, bạn hãy coi con như người lớn đừng nghĩ con bạn là trẻ con không biết gì.

“Bố mẹ không còn yêu nhau nên không thể tiếp tục sống cùng nhau nữa. Bố mẹ đã cố gắng nhưng không thể tiếp tục được nên bố mẹ quyết định sẽ ly hôn. Bố mẹ thật sự xin lỗi con. Con phải nhớ một điều cho dù sau này thế nào đi chăng nữa bố mẹ vẫn luôn yêu con. Bố mẹ sẽ cố gắng làm những điều tốt nhất cho tương lai của con.”

Có những đứa trẻ sẽ chấp nhận và âm thầm chịu đựng, có những đứa trẻ sẽ không dễ dàng chấp nhận sự thật như vậy, chúng sẽ cố gắng tìm mọi cách để hàn gắn tình cảm của hai bạn. Chúng sẽ tham khảo những người chúng tin tưởng nhất (ông bà, bạn bẻ…) để đưa ra giải pháp cho các bạn. Các bạn hãy trân trọng những nỗ lực của con, vui vẻ làm theo điều chúng đề xuất. Nếu nó không hiệu quả đến mức làm hai bạn có thể thay đổi quyết định thì con bạn cũng cảm nhận được ít nhất hai bạn đã cố gắng thực sự. Điều đó có thể giúp đứa trẻ đỡ đau lòng.

Thứ ba: Để con được quyền lựa chọn ở với ai.

Thường thì con nên ở với mẹ nhưng cũng có những trường hợp con cái mong muốn ở với bố. Sau một thời gian con lại thay đổi và muốn ở với người kia. Hai bạn phải tôn trọng quyết định này của con và đồng ý nếu con muốn thay đổi lại. Đừng vì sỹ diện, tự ái cá nhân tranh giành nhau quyền nuôi con bằng được. Có những ông bố ra tòa nhất định phải giành được quyền nuôi con nhưng sau này lại không chăm sóc con đến nơi đến chốn hay giao con lại cho ông bà nội rất tội cho đứa trẻ. Tạo điều kiện cho con được ở với người có khả năng chăm sóc tốt hơn và trẻ thấy thoải mái khi ở với người đó.

Thứ tư: Hãy chia tay một cách có văn hóa, tuyệt đối không bôi nhọ, nói xấu đối phương.

Họ có thể không tốt với bạn nhưng họ vẫn sẽ yêu thương con cái mình. Đừng làm xấu hình ảnh bố/mẹ chúng trong mắt chúng. Đừng nói những câu gây tổn thương như:

– Lớn lên mày đừng có giống hệt thăng bố mày, suốt ngày chỉ rượu chè cờ bạc rồi tan cửa nát nhà.

– Con đanh đá vừa thôi, giống mẹ là bố cho ra ngoài đường biết chưa?

-…

 Chia tay và cố gắng giữ quan hệ bình thường hóa. Tuyệt đối đừng nói xấu bôi nhọ đối phương vì trách nhiệm với con cái vẫn là trách nhiệm chung. Nếu bạn nói đúng con bạn sẽ quay ra ghét bố/mẹ chúng thật còn nếu bạn nói sai con cái sẽ quay ra ghét bạn. Đừng dại dột làm điều đó.

Thứ năm: Không ngăn cản con gặp bố/mẹ chúng sau khi ly hôn.

Thật ra bạn nên tạo điều kiện cho con bạn gặp bố/mẹ chúng sau li hôn vì chúng có rất nhiều điều muốn chia sẻ. Không nên chia cắt tình mẫu tử/phụ tử thiêng liêng đó.

Thứ sáu: Bố mẹ hãy cố gắng tổ chức sinh nhật và chụp ảnh cùng con.

Hai bạn có bận đến mấy cũng nên dẹp tất cả sang một bên để tổ chức sinh nhật cho con.

Mỗi ngày sinh nhật với trẻ đều là một ngày đáng nhớ nên cho con cảm giác con được trân trọng vào ngày này. Sẽ không ai quên hay bỏ rơi con cả. Dù sao chúng ta vẫn là bố mẹ của con. Không chỉ ngày sinh nhật sau này vào tất cả những ngày trọng đại chúng ta cũng sẽ luôn ở bên con.

Trong bài viết này tôi đặc biệt muốn nhất mạnh tâm lý bất an về tình cảm của đứa trẻ khi bố mẹ ly hôn. Tất nhiên điều này không hoàn toàn đúng với tất cả mọi người, có những đứa trẻ bố mẹ ly hôn vẫn sống một cuộc sống bình thường, hạnh phúc như bao người khác. Nhưng chứng kiến những đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh đó, trong đó có cả những người thân của tôi bây giờ họ đã trưởng thành với những vết thương tâm lý không thể xóa bỏ, tôi thật sự không cam lòng. Khi viết bài viết này tôi hy vọng có ai đó đang ở trong tình trạng hôn nhân không hạnh phúc hay những người là nạn nhân của những cuộc hôn nhân không hạnh phúc của bố mẹ (thậm chí họ còn chưa biết hoặc không bao giờ biết họ là nạn nhân) hãy suy nghĩ về tương lai của những đứa trẻ. Đừng biến chúng thành những đứa trẻ đáng thương trước khi quá muộn vì mọi điều bạn làm hôm nay với con mình chính là những nét bút đầu tiên để vẽ lên một bức tranh về cuộc sống tình cảm của một người trưởng thành sau này. Hãy trân trọng điều đó!

*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng

CTV ĐỖ QUYÊN

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Đăng ký tham gia khóa học QUANTUM LEAP - BƯỚC ĐẠI NHẢY VỌT với ưu đãi 90%ĐĂNG KÝ NGAY
+