Để chấp nhận con người hiện tại của con, ta cần từ bỏ tất cả ý tưởng rằng chúng “phải” là người thế nào một sự từ bỏ gần giống với việc ngừng hoàn toàn hoạt động của tâm trí – và giao cảm thuần khiết với con, để làm sao có thể phản hồi ngay khi con cần.
Khi tâm trí ngừng tư duy phán xét, ta có cơ hội được tái sinh bên cạnh tâm hồn của con đang dần hé nụ. Để đạt được điều đó, chỉ cần ta dồn tâm trí vào cuộc phiêu lưu kỳ diệu của hành trình dạy con. Con sẽ là người dẫn đường cho ta. Vì vậy, trở thành cha mẹ là cơ hội lớn lao để thay đổi. Nếu chịu mở lòng, con cái sẽ là người thầy lớn của ta.
Để thấy rõ hơn, ta hãy xem xét trường hợp của Anthony và Tina, những người đã vật lộn với hội chứng chậm phát triển trí tuệ của con trong nhiều năm. Là những người thành đạt, họ không thể chấp nhận những hạn chế của con trên đường học vấn. Sự chậm chạp của cậu bé không chỉ giới hạn trong việc học, mà còn lan sang cả lĩnh vực giao tiếp xã hội và xử lý các tình huống trong cuộc sống. Trên thực tế, cậu bé hoàn toàn khác với những ảo tưởng mà bố mẹ đã kỳ vọng. Trong khi Anthony, bố của cậu bé là một ngôi sao tennis và rất yêu thích môn đạp xe, cậu bé lại căm ghét các hoạt động ngoài trời, sợ côn trùng và chỉ thích chơi điện tử hay đọc sách trong phòng riêng.
Tuyệt vọng với đứa con cá biệt, Anthony chê bai con mỗi ngày. Tina, mẹ của cậu bé, một luật sư cấp cao, luôn nghĩ rằng đàn ông phải mạnh mẽ và nam tính, nên càng ức chế với xu hướng của con. Để con “đàn ông hơn”, cô bắt con đi tập thể hình, ăn mặc sành điệu và nói chuyện với các bạn gái, cho dù điều này làm cậu bé sợ hãi.
Đỉnh cao của mâu thuẫn và căng thẳng là các bài tập về nhà và các kỳ thi. Sean không theo kịp nổi yêu cầu của giáo dục đại trà – một điều bố mẹ không thể chấp nhận. Mặc dù mỗi người tiếp cận con theo một cách riêng, cả hai đều hành hạ, chửi bới mắng mỏ, khinh miệt việc cậu bé không thể nắm vững những khái niệm toán cơ bản và cấm không cho cậu bé ăn nếu chưa học thuộc một định nghĩa. Khi nói chuyện với tôi, họ liên tục nhắc đi nhắc lại, “Con chúng tôi không bị thiểu năng trí tuệ. Không thể nào thằng bé lại thuộc về thế giới của những người cần giáo dục đặc biệt.”
Cãi vã thường xuyên xảy ra trong gia đình. Nếu không phải là giữa Sean và bố, thì là giữa Sean và mẹ. Anthony và Tina rơi vào đỉnh cao của tuyệt vọng trong việc dạy con, họ không thể hòa thuận với nhau nữa, dần dà quay sang chỉ trích nhau và không tránh khỏi rạn nứt. Tôi đã không ngạc nhiên khi nghe họ tuyên bố quyết định ly dị cũng như khi biết được lý do: “Chúng tôi chẳng hiểu cách cư xử của nó. Nó làm chúng tôi bất đồng. Chúng tôi không thể chịu nổi nó nữa. Nó làm chúng tôi phát điên.”
Khi Anthony và Tina nói với Sean rằng cậu bé là nguyên nhân ly thân của bố mẹ, họ kỳ vọng cậu bé sẽ thôi là một đứa con “hư” Với việc tìm thấy mục tiêu để đổ lỗi là con trai, họ nghĩ rằng nếu không có con, họ sẽ sống hạnh phúc bên nhau. Dù xem hành vi của con là sự xúc phạm sĩ diện bản thân, trên thực tế đó là biểu hiện sự thất bại của bố mẹ trong hôn nhân. Sean, về phần mình, trở nên quá quen với việc là thùng rác cảm xúc của bố mẹ nên cậu bé vẫn vô tư đóng vai ác quỷ.
Chỉ đến khi Anthony và Tina thừa nhận rằng tình cảnh của họ bắt nguồn từ việc không chấp nhận được con trai mình, họ mới bắt đầu thay đổi, một quá trình buộc họ phải đối diện với tâm lý lo ngại về sự khác biệt của Sean. Khi ý thức được những thói quen của mình, họ bắt đầu để ý hơn tới những lần họ trút sự vô thức lên đầu con, làm bé hành xử theo những thói quen vô thức đó và kết quả là gây thêm rắc rối cho cả nhà.
Khi Anthony và Tina nhận ra rằng họ đã dồn hết kỳ vọng của mình lên đầu con, hai người mới nhìn thẳng vào vấn đề then chốt: tình trạng mối quan hệ của họ. Sau nhiều tháng cố gắng hàn gắn rạn nứt giữa hai người, cuối cùng Sean đã được giải phóng khỏi gánh nặng mang vết thương của bố mẹ bên mình.
Mặc dù không nhất thiết phải liên tục khen ngợi một hành vi cụ thể nào đó, ta cần luôn luôn tâm niệm việc tôn trọng quyền được là chính mình của con. Khi chấp nhận con người của trẻ, ta có thể tiếp cận con một cách công bằng, có thể nuôi dạy con lớn lên mà không vướng vào thái độ phán xét. Ta phản hồi con với thái độ phù hợp, không còn bị lệ thuộc vào hoàn cảnh, cá tính của ta, chỉ với điều kiện duy nhất là chấp nhận hoàn toàn cá tính của con, chấp nhận con người mà con sẽ trở thành và những điều con dạy cho ta trong quá trình lớn lên đó.
* Trích sách “Làm cha mẹ tỉnh thức”