Tôi cũng muốn làm cái này, tôi cũng muốn làm điều kia, nhưng mà tôi bận lắm, hoặc tôi không có thời gian để làm. Nếu bạn không có đủ thời gian để làm một việc gì đó, nó đồng nghĩa với chuyện việc đó không đủ quan trọng với bạn đến mức bạn phải ưu tiên sắp xếp thời gian để làm, chứ không phải bởi vì bạn không có đủ thời gian. Con người ta, ai cũng như nhau cả, một ngày đều chỉ có 24h. Nếu hiện tại bạn ôm đồm quá nhiều việc, hoặc làm quá nhiều thứ không hiệu quả thì ngay cả khi một ngày có 48h, hay một ngày có 72h, có lẽ bạn cũng vẫn sẽ thấy rằng mình không có đủ thời gian.
Về mặt tâm lý, con người thường hành động dựa trên cảm xúc, làm những thứ lúc đó mình muốn làm, dù chưa chắc nó đã phải là có ích với mình. Và điều thứ hai, chúng ta hành động dựa trên những mô thức, tức thói quen mà chúng ta được lập trình. Cho nên có những ngày chúng ta cứ ngồi suy nghĩ vẩn vơ, một lúc sau hết ngày mà nhìn đi nhìn lại, mình chưa làm được gì cả. Ngược lại, có những người khi nói về quản lý thời gian, họ nhắc đến khái niệm “to do list”, tức liệt kê cả đống việc ra để làm. Nhưng rồi, họ lại căng thẳng và áp lực với đống công việc đó, và cuối cùng thì khó chịu khi không giải quyết hết được. “To do list” về mặt bản chất thì nó tốt, nhưng nếu liệt kê ra cả tá việc mà bạn lại không có đủ quỹ thời gian để giải quyết thì vô tình, nó lại trở lên không hiệu quả.
1. Chúng ta luôn lãng phí thời gian
Trong xã hội hiện đại, phần lớn thời gian con người ta dành cho Smart Phone, công nghệ. Việt Nam hiện nay có khoảng 35 triệu người dùng Facebook, và con số đó dĩ nhiên sẽ còn tăng chóng mặt trong thời gian tới. Những gì mà chúng ta có thể nhận được ở trên Facebook? Có những thông tin, chia sẻ là tích cực. Nhưng ngược lại, có rất nhiều thông tin, đơn thuần là xả cảm xúc: hội nọ, hội kia, đứa này than vãn, đứa kia kêu ca. Chưa kể nay đứa này đăng hình nọ, mai đứa kia post hình đi chơi kia. Vì đơn giản, Facebook là cá nhân cho nên người ta có quyền chia sẻ những thứ thuộc về mỗi người, điều đó không ai cấm được. Nhưng sự thật, Facebook là nơi mà có người ngày nào cũng vào. Vấn đề nằm ở chỗ, ngày nào cũng vào không có nghĩa là ngày nào cũng bắt buộc phải vào. Bên cạnh Facebook, sự thật là chúng ta còn lãng phí thời gian cho rất nhiều thứ khác. Ví dụ như coi các clip vô bổ trên Youtube, đọc các báo lá cải, hoặc đơn giản là ngồi suy nghĩ linh tinh không làm gì cả,..
Tuy nhiên, nhiều người sẽ nói rằng tôi không hề lãng phí thời gian, công việc của tôi rất bận. Có chăng, đôi lúc tôi phải thư giãn, phải vào Facebook, phải coi hài, coi youtube, phải nghỉ ngơi xíu cho nó bớt căng thẳng. Điều đó chỉ đúng một phần. Bởi vì cơ chế tâm lý của bộ não, đó là LƯỜI. Tức nó sẽ luôn muốn được nghỉ ngơi, được làm việc nhẹ nhàng. Về điều này: các con số không biết nói dối. Nếu muốn kiểm chứng xem bạn có lãng phí thời gian hay không, thì cách tốt nhất đó là hãy ghi chép lại thời gian. Bạn có thể chọn sẵn biểu mẫu cho hàng ngày, chẳng hạn như 1h-2h, 2h-3h, 3h-4h,… 20h-21h, 21h-22h,.. Và sau đó trong vòng 1 tuần, hãy ghi chú lại cách bạn dùng thời gian như nào. Sau 1 tuần nhìn lại, bạn sẽ kiểm chứng được rằng có những khoảng thời gian mình dùng, là lãng phí và không thực sự hữu ích như mình nghĩ. Chỉ cần áp dụng cách này và cuối mỗi ngày nhìn lại cách mình dùng thời gian, tự khắc bạn sẽ điều chỉnh để hợp lí hơn và tránh bị lãng phí.
Tất cả những hành vi, đều là kết quả của thói quen. Mà thói quen có xấu, thì cũng có tốt. Cho nên, điều đầu tiên để có đủ thời gian làm những việc giá trị, đó là bạn tập thói quen không lãng phí thời gian nữa. Hãy hình dung, nếu mỗi ngày bạn mất trung bình 2 tiếng vào Facebook, 3 tiếng vào Youtube xem vài chương trình giải trí, 1 tiếng vào đọc các trang tin tức mà đa phần toàn tin không liên quan đến công việc, học tập của mình. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu 1 tuần liền bạn không vào Facebook? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu 1 tuần liền bạn không coi các chương trình giải trí trên Youtube? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu 1 tuần liền bạn không còn vào đọc các tin tức vô bổ? Nếu điều đó xảy ra thì 1 tuần liền, mỗi ngày bạn sẽ đều trống được 6 tiếng. Và nếu điều đó trở thành thói quen của bạn, thì cả cuộc đời bạn tiết kiệm được thêm 20 năm. Chừng đó, liệu có phải là ít? Nếu bạn muốn học những điều quan trọng trên mạng xã hội, cũng được. Hãy lập riêng một tài khoản khác, chỉ để theo dõi các trang bạn cần phải học. Máy tính của bạn, hãy gỡ việc ghim các tab cho mục đích giải trí. Trong thời gian sinh hoạt của mình, hãy đánh dấu tất cả những việc vô bổ, lãng phí thời gian rồi dần dần thay thế nó. Khi mọi thứ được rèn luyện thành thói quen, thì đôi khi việc tập thể dục hay đọc sách cũng có thể được cài đặt là chương trình giải trí cho não bộ.
2. Ưu tiên việc quan trọng
Khi đã hoàn thành xong bước một, tức bạn không còn lãng phí thời gian nữa, hoặc hạn chế tối đa, thì bạn sẽ bước vào thế giới của những người luôn luôn có nhiều việc để làm. Và điều này cũng thường xảy ra với những bạn mới đi làm, lúc này có những khoảng thời gian bị bó hẹp, thời gian trống không còn nhiều, và bản thân thì cảm thấy có một đống việc cần phải làm. Lúc này, điều quan trọng hơn không phải là làm việc gì mình thích, mà điều quan trọng là việc gì tạo ra giá trị nhiều hơn, hay chính xác việc nào quan trọng hơn, việc nào cần ưu tiên nhiều hơn.
Có nhiều sách nói về quản lí thời gian, họ thường hay nhắc đến khái niệm phân chia công việc theo 4U, dựa trên mức độ khẩn cấp và quan trọng. Rồi khuyến khích chúng ta ưu tiên làm những việc quan trọng và ít khẩn cấp. Thực tế thì khi ứng dụng, bạn sẽ thấy rằng giả sử trong cùng một ô công việc là quan trọng và ít khẩn cấp thì mình nên làm gì? Hoặc cùng lúc phải giải quyết việc quan trọng và khẩn cấp, thì nên làm việc nào trước? Cho nên, việc phân loại đó sẽ giúp bạn ở góc nhìn tổng quan ban đầu. Còn khi thực thi, thì từ khóa đó là sự ưu tiên. Ưu tiên làm việc nào trước, việc nào quan trọng hơn. Và nếu như mỗi ngày, khi làm việc thì hãy đặt câu hỏi: Việc nào là việc bắt buộc phải làm trong ngày hôm nay? Hoặc câu hỏi tiếp theo đó là: việc nào là việc chắc chắn sẽ xảy ra? Việc chắc chắn sẽ xảy ra, thường là việc bạn nên ưu tiên giải quyết trước.
Thông thường tâm lý con người chúng ta hay trì hoãn, nhiều người gọi là “nước đến chân mới nhảy”. Nhưng khi sát thời hạn mới làm những việc đó, thường sẽ kèm theo là sự căng thẳng, hoặc áp lực. Mà thông thường, căng thẳng và áp lực thì sẽ không thể nào tạo ra hiệu quả cao nhất được. Cho nên, bí quyết nằm ở chỗ, những việc chắc chắn sẽ xảy ra, thì hãy ưu tiên làm nó càng sớm càng tốt.
3. Tìm một phương pháp hiệu quả
Đây chính là sự khác biệt cuối cùng. Giữa hai người, cùng một lượng thời gian và làm cùng một việc, thì ai có phương pháp hiệu quả hơn, người đó sẽ làm tốt hơn. Về mặt tâm lý, có một trở ngại tâm lý đó là sự ngại thay đổi. Nhưng kì thực, thì trong một việc gì đó, sẽ luôn có những cách làm hiệu quả và có những cách làm không hiệu quả.
Lấy một ví dụ, multitasking là một kiểu không hiệu quả. Tức là đang làm dở cái này, chưa hoàn thành nó lại chuyển sang làm cái khác. Và cuối cùng cứ thế cứ thế, mọi thứ đều bỏ dở. Về mặt khoa học, khi bạn đang tập trung một việc gì đó, nếu bạn chuyển sự chú ý sang một việc khác, lúc quay lại việc ban đầu bạn bị giảm mất sự tập trung hoàn toàn. Thành ra, giờ nào việc nấy, trong một thời điểm chỉ làm một việc cho đến khi nào hoàn thành nó, đấy lại là bí quyết đơn giản để giải quyết hiệu quả mọi việc. Điều đó cũng có nghĩa là khi bạn đang làm việc tập trung cho một việc gì đó, thì hãy để điện thoại ở chế độ yên lặng, hãy thoát khỏi các tài khoản facebook, email, để đảm bảo mình tập trung hoàn toàn. Hoặc làm việc, hãy dành ra những khoảng thời gian riêng cho những công việc riêng, ví dụ khoảng thời gian riêng để kiểm tra email, thời gian riêng để vào facebook chat chit, thời gian riêng để giải trí,.. Như thế, đó chính là sự hiệu quả.
Suy cho cùng, ai cũng có những mục tiêu, ai cũng muốn mình hạnh phúc, nhưng lựa chọn dùng thời gian như nào thì lại là tùy từng người. Và việc có đủ thời gian hay không, hay ưu tiên thời gian cho điều gì là sự ưu tiên của cá nhân mỗi người. Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong một xã hội mà nhiều khả năng trong vài chục năm tới, mối bận tâm không phải là chúng ta không có đủ thời gian, mà khi đó với sự phát triển của công nghệ, thì mối bận tâm của loài người lúc đó sẽ là chúng ta có quá nhiều thời gian nhàn rỗi, và sự sợ cô đơn. Thế nhưng, từ giờ cho đến khi xã hội kịp phát triển đến lúc đó, chắc chắn rằng thành công sẽ không có chỗ cho những kẻ lười biếng và không tận dụng trọn vẹn từng khoảnh khắc thời gian của mình.
*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng
– Edward –