Vì Sao Chúng Ta Lại Sợ Đứng Trước Đám Đông?

Bài viết này, Edward sẽ không bàn luận hoa mỹ về nhiều lý giải thông thường, hay việc trích ra một vài tấm gương diễn thuyết nổi tiếng, mà sẽ đi thẳng vào vấn đề vì sao chúng ta lại sợ đứng trước đám đông, cũng như đưa ra một vài giải pháp phân tích từ góc nhìn tâm lý để bạn chắc chắn vượt qua được nỗi sợ cho dù bạn là ai.

Không cần phải nói nhiều thì kỹ năng thuyết trình trước đám đông là một kỹ năng bắt buộc trong thế kỷ 21 mà bạn phải có. Bạn muốn xin học bổng, xin tài trợ, làm bài tập nhóm, tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, rồi thuyết trình về dự án, họp hành, hoạt động ngoại khóa hay chính khóa, lúc nào cũng tồn tại yêu cầu là bạn phải đứng nói trước đám đông. Dĩ nhiên, nói đến chuyện nói trước đám đông, chúng ta sẽ phân ra hai xu hướng: một là những người rất tự tin, được nhiều người mến mộ; và chiều hướng thứ hai, dĩ nhiên là ngược lại, luôn luôn sợ hãi nếu phải đứng trước đám đông.

VÌ SAO CHÚNG TA LẠI SỢ ĐỨNG TRƯỚC ĐÁM ĐÔNG?

Chắc bạn sẽ bất ngờ khi biết câu trả lời. Nếu bạn sợ đứng trước đám đông, thì không phải do bạn kém cỏi, nhút nhát, nói năng không lưu loát, hay những lý do nào xoay quanh bạn. Mà câu trả lời, theo nghiên cứu chỉ ra, đó là do DI TRUYỀN. Vì sao lại như vậy?

Thời xa xưa, cách đây hàng nghìn năm, tổ tiên của chúng ta khi ấy sinh sống bằng săn bắt, hái lượm. Và dĩ nhiên, ông cha ta cũng luôn phải đối mặt với nguy hiểm đến từ sự rình rập của những con thú săn mồi. Hơn nữa, thời xa xưa loài người sống theo bầy đàn, bộ tộc. Hàng ngày, họ luôn luôn đi cùng nhau, săn bắt cùng nhau, chiến đấu cùng nhau, sinh hoạt, ngủ nghỉ cùng nhau. Nguy hiểm luôn luôn rình rập xung quanh họ. Vì thế, họ luôn phải để ý những ánh mắt rình rập xung quanh báo hiệu sự nguy hiểm cho bản thân và bộ tộc của mình. Đó chính là ánh mắt của những con thú săn mồi, của kẻ thù, có thể đến từ bất kì đâu. Khi phát hiện ra những ánh mắt ấy, họ nhận ra mình đang bị mai phục và gặp nguy hiểm. Theo phản xạ, họ sẽ bỏ chạy nếu như quá nguy hiểm, và sẽ chiến đấu đến cùng nếu không còn đường lui. Như thế, về mặt tiềm thức ở bên trong con người, chúng ta luôn có một nỗi sợ, và sự cảnh giác, đề phòng với những ánh mắt xa lạ nhìn về mình.

Và bây giờ, hãy quay trở lại thế kỷ 21, và đặt mình vào trong bối cảnh một căn phòng lớn, có hàng chục, thậm chí hàng trăm ánh mắt xa lạ đứng nhìn bạn ở dưới, và bạn thì đứng một mình trên sân khấu. Dĩ nhiên, tiềm thức của loài người sẽ chẳng thể nào phân biệt được ánh mắt đang nhìn mình là ánh mắt của loài thú nguy hiểm ăn thịt người (như sư tử, hổ báo) hay đó là những ánh mắt dễ thương của những người bạn, đồng nghiệp. Sợ thì vẫn là sợ. Và đó là lý do vì sao đứng trước đám đông được xếp vào hàng một trong những nỗi sợ lớn nhất của loài người.

NGƯỜI HƯỚNG NỘI SỢ ĐỨNG TRƯỚC ĐÁM ĐÔNG HƠN NGƯỜI HƯỚNG NGOẠI

Edward là một người hướng nội điển hình. Không một người hướng nội điển hình nào lại không biết họ có một tài năng đặc biệt trời phú cho là khả năng giữ im lặng trong khoảng thời gian dài, hay việc không có nhu cầu nói trong khi đám đông đang hồ hởi bàn tán, nói chuyện. Và dĩ nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc rất nhiều người hướng nội sẽ cực kỳ sợ hãi khi phải đứng trước đám đông để nói chuyện. Thậm chí, ngay cả khi đó là chủ đề mà họ cực kỳ am hiểu, người hướng nội vẫn cứ tay chân lun run, tim đập thình thịch, kiến thức bỗng bay đi hết. Gương mặt cảm giác không còn một giọt máu. Trong việc đứng trước đám đông, người hướng ngoại có lợi thế hơn người hướng nội.

Lý do như sau: một trong những yếu tố quan trọng để phân biệt người hướng ngoại (Extroversion) và người hướng nội (Introversion)khả năng họ phản ứng với những tác nhân kích thích từ môi trường bên ngoài. Người hướng ngoại có khả năng chịu đựng kích thích tốt hơn người hướng ngoại. Đó là lý do vì sao người hướng ngoại, khi cần sạc pin, họ thích đến những nơi đông đúc, vui vẻ, náo nhiệt. Còn người hướng nội thích tìm những chỗ yên lặng, nhẹ nhàng, thư giãn. Người hướng ngoại ở đám đông, nhạc xập xình còn làm cho họ cảm thấy hưng phấn. Ngược lại, người hướng nội ở đám đông, hoặc tiếng ồn quá lớn có thể làm cho họ căng thẳng. Từ đó suy ra, việc phải đứng trước đám đông, trước sự chú ý của hàng chục, hàng trăm ánh mắt đổ dồn về phía một người – đó là sự kích thích không hề nhỏ. Nhất là đám đông càng nhiều, càng xa lạ thì sự kích thích ấy lại càng lớn. Đó là lí do vì sao người hướng ngoại có lợi thế hơn so với người hướng nội khi đứng trước đám đông.

VÌ SAO CHÚNG TA VẪN CỨ SỢ ĐỨNG TRƯỚC ĐÁM ĐÔNG?

Như đã nói ở trên, người hướng ngoại tuy có thể chịu được kích thích tốt hơn người hướng nội, nhưng không có nghĩa là họ chịu được kích thích mà họ chưa quen. Giống như một vận động viên khỏe mạnh có thể nâng mức tạ 120 kg, so với một vận động viên chỉ nâng được mức tạ 80 kg. Nhưng không có nghĩa là vận động viên ấy có thể nâng mức tạ 500 kg. Đứng trước đám đông không chỉ là sự kích thích tác động từ môi trường ngoài, mà nó còn là một áp lực rất lớn. Nó khiến bạn hồi hộp, lo lắng, căng thẳng.

Về mặt khoa học, thêm một lý do nữa giải thích vì sao bạn vẫn cứ sợ. Đó là vì khi bạn bị kích thích tác động, bạn hồi hộp, lo lắng thì não bộ sẽ tiết ra Andrenaline – là hóc môn sợ hãi, căng thẳng, tức giận và đưa cơ thể vào trạng thái chuẩn bị chiến đấu. Càng sợ thì bạn lại càng tiết ra Andrenaline nhiều hơn. Đó cũng là lý do mà nhiều người khi bước lên trước đám đông là không còn nhớ bất kì điều gì, nói lắp bắp, mồ hôi nhễ nhại, tim đập thình thịch, đầu óc hoảng loạn. Tiếc thay, có nhiều người đến cuối đời: SỢ VẪN CỨ SỢ.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ VƯỢT QUA NỖI SỢ ĐỨNG TRƯỚC ĐÁM ĐÔNG?

Bí quyết 1: Gia tăng khả năng thích nghi trước những kích thích từ bên ngoài

Như vậy, nếu bạn hiểu được lý do sâu xa ở trên thì chắc chắn bạn cũng sẽ biết phương pháp để vượt qua nỗi sợ đứng trước đám đông. Nếu bạn sợ đứng trước đám đông là vì bạn chưa thể chịu đựng được sự kích thích tác động từ phía môi trường. Vì thế, bạn cần phải học cách gia tăng khả năng chịu đựng được sự kích thích ấy. Việc này cũng giống như tập tạ. Nếu bạn chưa thể nào nâng ngay được mức tạ 120 kg thì bạn phải tập từ mức tạ thấp nhất có thể. Hãy bắt đầu nâng tạ ở mức 10 kg, sau đó nâng lên 20 kg, sau đó nâng lên 30 kg,… dần dần cứ thế bạn nâng dần lên.

Điều này có nghĩa là hãy bắt đầu từ việc đơn giản nhất. Đó là hãy đứng nói một mình. Khi đứng nói một mình mà bạn có thể nói trôi trảy, không bị vấp từ, không bị lo lắng thì coi như bạn có một khởi đầu thuận lợi. Sau đó hãy tiếp tục với nhóm nhỏ, và với những người quen của bạn. Bạn tập với nhóm nhỏ một vài người, nói những chủ đề bạn yêu thích. Sau đó, hãy nâng dần độ khó lên, đến một nhóm lớn hơn, tầm khoảng 10 – 15 người, có cả những người lạ bạn mới gặp lần đầu. Dần dần, bạn tiếp tục nâng độ khó lên, đứng nói trước nhóm đông hơn nữa… Cứ như thế cho đến một ngày nào đó, bạn sẽ có thể đứng nói trước cả trăm người.

Lý giải khoa học về mặt não bộ cho việc này còn có thêm một cơ sở nữa, đó chính là sức mạnh của liên kết nơ ron thần kinh. Khi bạn tập luyện càng nhiều, các liên kết được hình thành, bạn càng cảm thấy quen hơn. Một bài tập cho bạn thấy ngay sức mạnh của liên kết nơ ron thần kinh, đó là hãy ngồi xuống và ký tên 10 lần chữ ký của bạn, và hãy bấm giờ thời gian. Nhưng hãy làm hai lần, một lần bằng tay thuận, và một lần bằng tay không thuận. Dĩ nhiên, bạn sẽ thấy ký bằng tay thuận nhanh hơn. Đương nhiên, không phải ngay từ lúc sinh ra bạn đã ký tên bằng tay thuận nhanh hơn, lý do là bởi vì sau khi tập luyện nhiều lần, não bộ của bạn hình thành các liên kết nơ ron thần kinh. Chính vì vậy, hãy tăng cường tập luyện để giúp bản thân gia tăng khả năng thích nghi trước những kích thích từ bên ngoài.

Hãy nhớ: Bạn sẽ không bao giờ biết bơi nếu không chịu nhảy xuống hồ.

Tương tự: Bạn sẽ không bao giờ hết sợ đứng nói trước đám đông nếu không chịu tập luyện, càng nhiều lần càng tốt.

Bí quyết 2: Giảm thiểu tác nhân lo lắng (Adrenaline) trước và trong khi bạn thuyết trình.

Trước khi lên sân khấu, thuyết trình hay chia sẻ, việc bạn lo lắng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng dĩ nhiên, có hóc môn lo lắng thì cũng có cách để giảm thiểu nó. Vậy bí quyết là gì? Chắc bạn cũng thấy khá quen thuộc với một số gợi ý như hít thở sâu, tìm một chỗ tĩnh lặng để thư giãn, uống một vài ngụm nước nhỏ, suy nghĩ thoải mái, nhai kẹo cao su… Lý do không có gì khó hiểu. Việc hít thở sâu, hay uống nước, hay thư giãn giúp tăng cường oxy lên não. Khi oxy được tăng cường lên não thì gia tăng khả năng tập trung, tỉnh táo cho não bộ. Từ đó giúp giảm thiếu lo lắng.

Thứ hai, giảm thiếu các tác nhân có thể dẫn đến việc bạn lo lắng một cách không cần thiết. Chẳng hạn như bạn đi muộn. Hay bạn quên chưa chuẩn bị slide, clip, nội dung. Hoặc bạn mặc một bộ trang phục kỳ quặc quá, khiến mọi người bàn tán xôn xao. Hay việc cơ thể bạn có mùi khó chịu. Từ khóa ở đây là “Chuẩn bị”.

Hãy nhớ: Không chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại.

Cho nên, bạn hãy chuẩn bị thật kỹ lưỡng từ nội dung đến hình thức, giờ giấc,… và cả những điều nhỏ nhặt nhất nhé.

Ngoài ra, cũng có thể một số bạn thấy lo lắng khi trong lúc mình đang nói chuyện hay thuyết trình, không khí có vẻ căng thẳng. Hoặc bạn kể chuyện dí dỏm mà thấy bên dưới khán giả không cười. Hay mọi người cứ mải mê nhìn điện thoại, hay làm việc riêng… Những yếu tố này cũng giúp bạn gia tăng sự lo lắng. Một mẹo nhỏ cho bạn đó là đừng bận tâm vào một vài “phần tử” đó. Hãy tập trung nhìn vào một số người khiến bạn được nạp năng lượng. Phụ nữ thường thể hiện cảm xúc nhanh hơn đàn ông. Cho nên, hãy thường xuyên nhìn vào ánh mắt các bạn nữ dễ thương hơn là những người đàn ông luôn lạnh lùng.

Bên cạnh đó: Người ta sẽ trông hấp dẫn hơn khi họ nói về những điều họ đang thực sự thích thú.

Hãy cứ tự nhiên và yêu thích điều bạn đang nói. Tất cả những cách đó đều có thể quy chung về một phương pháp là giảm bớt sự lo lắng.

KẾT LUẬN

Dĩ nhiên, với việc hiểu nguyên nhân sâu xa điều gì làm cho bạn sợ đứng trước đám đông thì chắc chắn là các bạn sẽ tự biết cách tìm ra các nguyên lý để khắc phục nó. Chỉ cần xoay quanh các nguyên lý đó thôi là các bạn cũng có thể tự tin đứng trước đám đông, và trở thành một người đầy mến mộ trong mắt người khác. Bài này phân tích ở góc độ tâm lý, cho nên Edward đưa ra hai góc nhìn tâm lý đơn giản cho các bạn áp dụng, chứ không đào sâu về kĩ năng chuyên sâu chẳng hạn như: ngôn ngữ cơ thể, kĩ thuật tạo khoảng lặng trong thuyết trình, nghệ thuật kể chuyện (story telling), nghệ thuật hài hước, nghệ thuật nói chuyện thuyết phục (ứng dụng NLP), cấu trúc chặt trong xây dựng bài nói… Tuy nhiên, những bạn nào muốn tìm hiểu chuyên sâu có thể nghiên cứu dựa trên những từ khóa đó.

Chúc các bạn sớm “bơi” qua được “hồ nước nỗi sợ” mang tên “đứng nói trước đám đông”.

*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng

Edward

 

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+