Làm thế nào để thay đổi CHÍNH MÌNH và NGƯỜI KHÁC? (Ứng dụng NLP vào tâm lý học)

VÌ SAO NLP LẠI TÁC ĐỘNG ĐẾN HÀNH VI CON NGƯỜI?

Không khó để tìm ra khái niệm của NLP là viết tắt của cụm từ Neuro Linguistic Programming, hay còn gọi là ngôn ngữ lập trình tư duy. Nhưng vì sao NLP lại tác động, hay lại là nguyên nhân dẫn đến hành vi của con người? Lý do rất đơn giản, đó là hàng ngày chúng ta tiếp nhận các thông tin gọi là các hiện tượng khách quan thông qua các giác quan (thính giác, thị giác, vị giác, xúc giác, khứu giác, và cả trực giác). Qua đó hệ thống thần kinh của mỗi người trải nghiệm thế giới và từ đó chúng ta tư duy và giao tiếp. Tuy nhiên, cùng là một sự vật, sự việc, hiện tượng nhưng cách mỗi người nhìn nhận, xử lí, tiếp nhận lại khác nhau bởi vì chúng ta có một thứ gọi là màng lọc xử lí thông tin nội tại. Sau khi thông tin trải qua màng lọc xử lí thông tin nội tại, nó sẽ được thể hiện dưới dạng Thể hiện nội tại (Internal Representation), từ đó kết hợp với Trạng thái cơ thể (Physiology) tạo nên Trạng thái (State) và cuối cùng kết quả chúng ta nhìn thấy bên ngoài đó chính là HÀNH VI (Behaviour).

SAI LẦM THƯỜNG GẶP KHI THAY ĐỔI CHÍNH MÌNH VÀ NGƯỜI KHÁC?

Thông thường, chúng ta cứ nghĩ rằng để thay đổi một người thì mình bắt họ thay đổi hành vi nào đó. Ví dụ bố mẹ thấy con dậy muộn, muốn thay đổi con bằng cách nói rằng con không được dậy muộn, hành vi dậy muộn là không được. Nhưng rồi con vẫn dậy muộn. Có người muốn bạn mình bỏ thuốc lá, nói rằng hành vi hút thuốc lá là có hại cho sức khỏe. Nhưng rồi người ấy vẫn hút thuốc lá. Đi làm có người đồng nghiệp, thấy thường cư xử thô lỗ, cục cằn với mọi người. Ai ai cũng khó chịu với hành vi cư xử thô lỗ, cục cằn ấy. Nhưng rồi người đó vẫn thô lỗ, cục cằn… Và còn nhiều tình huống khác trong cuộc sống đời thường. Như vậy, hóa ra một sai lầm tâm lí thường thấy là chúng ta lại tập trung vào thứ nhìn thấy ở bên ngoài, hay còn gọi là phần nổi của tảng băng, đó là hành vi, mà chưa thấy phần chìm, hay phần ở bên trong, hay phần gốc rễ của vấn đề.

Trong ngôn ngữ tin học, có hai khái niệm là Input và Output, Output là những thứ ở bên ngoài, là đầu ra, giống như hành vi vậy. Chẳng hạn một người đánh một văn bản, khi in ra người đó thấy lỗi chính tả sai chi chít. Người ấy bực quá mới dùng bút xóa để sửa lại tờ giấy in ấy, xong rồi người đó lại ấn nút in tiếp, bản in ra lại sai lỗi chính tả. Ví dụ này, dĩ nhiên một đứa trẻ cũng biết được rằng, thật khờ dại khi cứ đi tẩy xóa tờ giấy, để thay đổi kết quả tờ giấy thì phải sửa lại văn bản ở bên trong máy tính. Nhưng đó lại là điều mà vô tình con người ta làm với nhau. Chúng ta không hài lòng, chúng ta khó chịu, chúng ta bất mãn với những hành động của một ai đó. Đôi khi chúng ta khiển trách, lên án một thứ bên ngoài, mà lẽ ra, để giải quyết tận gốc rễ vấn đề, thì chúng ta phải hiểu được là điều gì dẫn đến việc một người thực hiện một hành vi?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ THAY ĐỔI CHÍNH MÌNH VÀ NGƯỜI KHÁC? (ỨNG DỤNG NLP VÀO TÂM LÍ HỌC)

Đã làm về tâm lý, thì có một sự thật hiển nhiên là chúng ta có rất nhiều công cụ tâm lý. Cho nên, một điều gì đó có thể đúng khi nhìn ở công cụ tâm lý này và có thể khác đi nếu nhìn ở công cụ tâm lý khác. Thành ra điều đó không quá quan trọng, mà quan trọng là chúng ta ứng dụng được như nào vào cuộc sống. Ở góc nhìn của NLP, thì một trong những yếu tố quan trọng và gốc rễ của hành vi con người, xuất phát từ việc phải thay đổi được Thể hiện nội tại (Internal Representation) khi thông tin xử lí qua màng lọc. Có nhiều yếu tố dẫn đến việc màng lọc mỗi người khác nhau (tức cách xử lí thông tin khác nhau), nhưng một trong những màng lọc quan trọng nhất đó là các Siêu chương trình (Meta Programs): tức các mô thức trong ngôn ngữ và tư duy của mỗi người. Và bài này sẽ phân tích chi tiết khái niệm Meta Programs để chúng ta hiểu được rằng, đây mới là cốt lõi của vấn đề.

META PROGRAMS ẢNH HƯỞNG NHƯ NÀO ĐẾN HÀNH VI CON NGƯỜI?

Não bộ con người giống như một máy tính. Meta Programs chính là các phần mềm cài đặt cho máy tính ấy. Cho nên, phần mềm như nào thì dẫn đến máy chạy như vậy. Một đứa trẻ, khi nó mới sinh ra, giống như cái máy tính, chưa được cài đặt phần mềm gì cả. Nhưng chính gia đình, bạn bè, và môi trường, các thông tin nó tiếp nhận, cách đứa bé ấy chứng kiến mọi người hành xử, mọi người tương tác, mọi người giao tiếp với nhau dẫn đến việc nó hình thành các Meta Programs như vậy. Đó là lí do vì sao người ta hay nói, trẻ con phần lớn nó học bằng cách bắt chước. Cho nên, nó sẽ học hết tất cả mọi thứ, từ cái tốt đến cái xấu. Khi lớn lên, chúng ta có một điều gì tốt trong tính cách là vì não bộ chúng ta được lập trình các chương trình tốt. Chúng ta tồn đọng những thói quen xấu là vì não bộ chúng ta được lập trình các chương trình xấu.

Một người nghiện hút thuốc, có thể là do não bộ anh ta được lập trình một chương trình về việc hút thuốc, chẳng hạn như mỗi lần có chuyện gì buồn hoặc cần phải suy nghĩ thì làm một điếu. Bản chất việc hút thuốc cũng chính là hít vào và thở ra, khi hít thở liên tục thì đầu óc thư giãn hơn, làm cho người đó cảm giác giải quyết vấn đề thông suốt hơn. Từ đó bộ não được lập trình chương trình là cứ có chuyện cần suy nghĩ là hút thuốc. Dẫn đến việc nghiện hút thuốc. Một người chồng vũ phu hay đánh vợ là do não bộ anh ta được lập trình chương trình khi xảy ra xung đột, không bình tĩnh ngồi nói chuyện giải quyết vấn đề mà phải xử lí bằng to tiếng, bằng chân tay. Từ đó dẫn đến việc cứ bất đồng quan điểm là lại đụng chân đụng tay. Một đứa trẻ lười học, có thể là khi gặp một bài khó, nó nản quá, không vượt qua được, thành ra nó bỏ cuộc. Nhưng rồi riết thành thói quen, nó được lập trình chương trình rằng gặp bài khó thì bỏ, dẫn đến việc người lớn cứ mắng hoài mà nó vẫn lười học. Một người nói dối người khác, người kia chấp nhận hành vi nói dối đó, dẫn đến việc người nói dối ấy được lập trình chương trình, nói dối thì không sao cả, dần dần riết thành thói xấu khó bỏ.

Đó là cách mà não bộ chúng ta hoạt động, tất cả đều dựa trên việc được lập trình Meta Programs. Nhưng khổ một nỗi là con người, về mặt tâm lý những cảm xúc tiêu cực, thông tin tiêu cực, có sức lan tỏa và thu hút não bộ gấp 15 lần so với cảm xúc tích cực, thông tin tích cực. Vì thế mà những gì chúng ta thường được lập trình đó lại vô tình phần lớn là những thứ tiêu cực. Hàng sáng thức dậy, điều chúng ta suy nghĩ là gì, cũng là do lập trình. Những thông tin chúng ta đọc, những gì chúng ta phản ứng, những gì người khác thể hiện ra thường nguyên nhân là do được lập trình bởi Meta Programs.

Hãy cùng lấy những ví dụ lớn hơn để hiểu sức mạnh của Meta Programs

Quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) là quần đảo diễn ra tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Từ thời phong kiến, quần đảo này là ranh giới giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở thời điểm đó. Dưới thời Duy tân Minh Trị, chính phủ Nhật Bản đã mong muốn quyền kiểm soát quần đảo. Tuy nhiên bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản lo ngại nếu Nhật Bản tiến hành dựng lên cột mốc chủ quyền trên quần đảo sẽ làm cho đế chế nhà Thanh nổi giận và chiến tranh có thể xảy ra. Trong chiến tranh Thanh – Nhật năm 1895, sau khi nhà Thanh thất bại trong cuộc chiến tranh Trung – Nhật lần thứ nhất, triều đình của Từ Hi Thái hậu buộc phải nhượng lại cho Nhật Bản các quần đảo lân cận này. Tuy nhiên, sau khi Nhật Bản thất bại trong chiến tranh thế giới II, Nhật Bản lại phải kí hiệp ước, và vô hiệu hóa các điều ước trước kia. Và kể từ đó đến nay, sự tranh chấp vẫn cứ liên tục diễn ra. Nhưng vấn đề chính lại không nằm ở việc tranh chấp như nào, mà hãy để ý đến tình tiết sau: Trong thời gian diễn ra tranh chấp, có một phóng sự truyền hình đưa tin Trung Quốc đưa chương trình tập trận giả cho các em nhỏ từ thời mẫu giáo. Các em nhỏ được tham gia chương trình đánh trận giả, được mặc trang phục lính, được vào các mô hình quần đảo, và chi tiết đáng chú ý: mục tiêu của các em là giữ lấy đảo Điếu Ngư về phe mình. Nếu nhìn từ góc nhìn Meta Programs, có thể thấy ngay từ khi còn là những đứa trẻ, các em nhỏ Trung Quốc đã được người lớn lập trình rằng đảo Điếu Ngư là của Trung Quốc, và nhiệm vụ của các em là phải giữ lấy nó. Và chắc hẳn, Nhật Bản cũng không dễ dàng từ bỏ quần đảo ấy. Cho nên, nhiều khả năng ngay cả thế hệ sau này cũng sẽ tiếp tục tranh chấp.

Tương tự đó, một sự kiện khác đó chính là tầm này 3 năm trước, Trung Quốc đưa dàn khoan HD 981 vào khu vực biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa. Thời điểm đó là vào khoảng tháng 5, gần lễ tết thiếu nhi 01-06. Nếu nhớ lại, chúng ta có thể thấy đó là thời điểm mà các ca sĩ, nghệ sĩ đâu đâu cũng hát về biển cả. Edward cũng từng thắc mắc, ủa sao 01-06 Tết thiếu nhi lại không thấy nhạc thiếu nhi mấy mà toàn thấy những lời ca tựa như “Đây Hoàng Sa, kia Trường Sa, quần đảo đứng hiên ngang thiên hùng ca ngời sáng”. Nếu nhìn ở góc độ Meta Programs thì hàng triệu triệu em nhỏ Việt Nam được lập trình những thông điệp yêu nước ấy. Như vậy không phải là sức mạnh quá tốt sao. Cho nên, người ta mới nói các ca sĩ nghệ sĩ cũng yêu nước là như vậy.

Hóa ra Meta Programs ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ đến một người, mà còn là những người xung quanh chúng ta, và rộng hơn còn là rất rất nhiều người khác. Cho nên, một trong những cách bền vững để thay đổi tận gốc là phải thay đổi các siêu chương trình (Meta Programs) – tức cách mình lập trình cho bộ não của bản thân mình và cả người khác. Nhưng mọi thứ, để bắt đầu thì trước hết hãy xác định xem bạn đang được lập trình bởi chương trình nào, chương trình nào là tốt, chương trình nào là xấu? Khi xác định được chương trình nào là xấu và đang cản trở mình, có nghĩa là bạn đã đi được 50% con đường để thay đổi chính mình và người khác.

P.S Nội dung NLP dài và khó, còn tiếp.

*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng

– Edward –

*Bạn có thể nghe Audio bài viết qua giọng đọc của Ad Pearly: https://tamly.blog/audio-so-6-lam-the-nao-de-thay-doi-chinh-minh-va-nguoi-khac-ung-dung-nlp-vao-tam-ly-hoc/

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+