Làm thế nào để ràng buộc nhau trong đời? Yêu thương nhưng không sở hữu

[ ]

Mẹ mình yêu các con trai lắm. Dù biết rằng các con nhiều khi còn quan tâm vợ hơn quan tâm mẹ. Nhưng mẹ không vì thế mà ghen ghét các con dâu. Mẹ yêu thương các con dâu như con ruột của mình. Đó là yêu thương nhưng không sở hữu.

Mình yêu trẻ con lắm. Nhưng lúc trước mình sợ có con. Mình luôn quan niệm một điều, có con không phải để cho mình hay ông bà vui, có con là lựa chọn yêu thương và hy sinh vì một con người vô điều kiện. Công việc của mình thì quá bận rộn, mình sợ mình không thể là người cha tốt như mình mong muốn. Mình thà không có một đứa con, còn hơn là tạo ra một con người chỉ để có (sở hữu).

Khi mình có con rồi, có bạn nhân viên trong công ty hỏi mình: “Anh đã có định hướng gì cho Mía chưa?”. Mình trả lời rằng: “Nhiệm vụ của cha mẹ không phải định hướng cho con, mà là giúp con trang bị đủ kiến thức và kỹ năng để tự định hướng cuộc đời mình. Anh sẽ mang hết khả năng về tài chính lẫn kiến thức của mình ra nuôi dạy Mía. Anh cũng có mong muốn Mía trở thành một doanh nhân giống anh, nhưng sau này Mía muốn làm bất cứ nghề gì chân chính anh đều ủng hộ.” Con không phải là vật sở hữu của mình. Cuộc đời con càng không phải sở hữu của mình. Đó là yêu thương nhưng không sở hữu.

Cũng giống như ba mẹ, Mía rất yêu con vật (đặt biệt là các bạn cún). Mía đi đâu chơi mà thấy bạn cún thì mặc dù chỉ mới 18 tháng vẫn đòi người lớn cho đến gần xem, thậm chí nếu được thì thể hiện tình cảm (vuốt, ôm). Mình biết con thích cún như vậy cũng muốn nhận nuôi một bạn cún dễ thương làm bạn với con. Nhưng rốt cuộc mình vẫn quyết định là không. Vật nuôi là một người bạn, nếu đã nuôi thì phải có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc chứ không phải là một món đồ chơi. Cho nên, nếu không chăm sóc được, thì tốt nhất đừng nuôi dù yêu đến mức nào. Đó là yêu thương nhưng không sở hữu.

Vợ mình có anh bạn cũ ở Mỹ rất ngưỡng mộ. Sinh nhật vợ mình bạn ấy mang hoa đến tận dưới nhà tặng dù biết mình cũng có ở nhà. Có người hỏi mình ghen không. Mình trả lời thật lòng cũng hơi không thoải mái một tí, nhưng người khác ngưỡng mộ vợ mình thì không cấm được, lại càng không nên bắt vợ không được nhận sự ngưỡng mộ của người khác. Đó là yêu thương nhưng không sở hữu.

Vợ mình cũng giao thiệp rộng, cũng hay hẹn hò với bạn bè. Mình bảo vợ: “Em đi bất kỳ đâu không cần phải xin phép anh. Em chỉ cần báo anh một tiếng để anh biết là được. Ngay cả đi chơi với bạn bè mấy ngày cũng được.” Có người hỏi mình không sợ mất vợ à. Mình trả lời: “Không ai có thể mất những thứ mình không sở hữu.” Mình không sở hữu vợ mình, làm sao mất được. Đó là yêu thương nhưng không sở hữu.

Vợ mình muốn làm đẹp (giảm cân, tắm trắng). Mình bảo vợ: “Nếu em làm đẹp vì anh hay vì giữ chồng thì đừng làm. Anh lúc nào cũng thấy em xinh rồi. Còn nếu em làm đẹp vì điều đó làm em vui thì em cứ làm. Tiền bạc không cần phải nghĩ.” Đó là yêu thương nhưng không sở hữu.

Có bạn nhân viên trong công ty hỏi mình: “Anh ơi cuối tuần em rảnh, em sang làm thêm bên công ty ABC (vốn là đối thủ cạnh tranh của công ty mình) có được không anh?”. Dù việc này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến công ty mình, nhưng vì thương bạn ấy mình vẫn trả lời: “Thời gian là của em. Ngoài giờ làm việc của công ty, em muốn làm gì để có thêm thu nhập anh cũng ủng hộ. Miễn đừng vô tình mang tài sản trí tuệ của công ty đưa cho người ta là được.” Đó là yêu thương nhưng không sở hữu.

Công ty mình có nhiều khóa học. Khách hàng muốn học hết và thấm hết phải đăng ký gói Lifetime VIP (học đi học lại cả đời). Cho nên, ngay trong chính công ty vẫn không thiếu cái cho nhân viên học. Chưa kể sách công ty xuất bản toàn là sách chất lượng. Nhưng mình vẫn khuyến khích nhân viên mình đi học thêm, đọc thêm ở những nơi khác vì mình tin vào tự do tư duy và thông tin đa chiều. Tư duy của người khác là của họ, mình chia sẻ kiến thức chứ không muốn sở hữu tư duy của người khác. Đó là yêu thương nhưng không sở hữu.

Công ty mình có khóa học Con Đường Khởi Nghiệp. Nhân viên nào muốn học đều được học, thậm chí còn được cho nghỉ phép để đi học. Có người hỏi rằng: “Anh không sợ học xong nhân viên bỏ việc ra mở công ty riêng à.” Mình bảo: “Nếu vậy mình sẽ giúp họ khởi nghiệp và xin góp tí vốn nếu họ đồng ý.” Sự nghiệp của một người là do người đó sở hữu. Giúp họ dựng nghiệp lớn nghĩa là giúp mình. Ngày trước có mấy người bạn làm dưới mình. Sau mình ủng hộ họ tách ra làm riêng, nhưng mình vẫn có cổ phần với họ. Ban đầu họ khó khăn thiếu thốn, nói một tiếng là mình hỗ trợ luôn 20 triệu. Bây giờ họ thành công, mình thu lại được số tiền kha khá. Đó là yêu thương nhưng không sở hữu.

Tóm lại:

Hãy yêu thương chân thành nhất có thể, còn cái gì đã thật sự thuộc về bạn thì luôn thuộc về bạn, cái gì không thuộc về bạn thì dù thế nào đi nữa vẫn không thuộc về bạn.

*Sưu tầm và biên tập bởi Tâm lý học ứng dụng

*Nguồn: https://www.facebook.com/trandangkhoa.tgm

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+