Làm thế nào để phê bình trẻ đúng cách?

Nói đến việc phê bình trẻ, tôi đã ấp ủ và suy nghĩ rất lâu cũng nghiên cứu rất nhiều tài liệu. Đây là đề tài tôi quan tâm và tìm hiểu kỹ lưỡng bởi vì ngay cả việc phê bình và chỉ ra lỗi sai cho một người trưởng thành đã khó nữa là việc phê bình một đứa trẻ với ý thức còn mơ hồ và nhận thức non nớt. Các bạn đã bao giờ nghe nói dến “Thế hệ dâu tây”? Đó là thế hệ những người trẻ giống như quả dâu tây, được chăm sóc cẩn thận, phát triển trong những điều kiện tốt nhất, trông vẻ bề ngoài rất đẹp, lung linh nhưng lại rất dễ bầm dập, quỵ ngã vì một chút sức ép, áp lực của cuộc sống.

Nếu bạn không nghiêm túc phê bình con hoặc luôn bao bọc, khen ngợi, cho rằng con mình tài giỏi, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho con thì sau này con bạn có thể sẽ rất hiếu thắng nhưng dễ bị tổn thương, dễ phiền não, mất niềm tin, làm gì cũng dễ thất bại, nhụt chí cuối cùng lại phải quay về với vòng tay che chở êm ái của bố mẹ. Nếu bạn phê bình con bạn cũng phải biết con mình thuộc nhóm tính cách nào bởi vì tính cách của mỗi đứa trẻ khác nhau hoàn toàn, không đứa nào giống đứa nào cho nên không phải đứa nào bạn cũng phê bình, mắng mỏ giống nhau được. Cùng một cách dạy dỗ nhưng kết quả khác nhau là như vậy.

  • Nếu con bạn thuộc nhóm trẻ có tinh thần ổn đinh, tính tình xuề xòa: bạn có thể nghiêm khắc, thẳng thắn phê bình con.
  • Nếu con bạn là đứa trẻ có tính cách nhạy cảm, hay để ý hay bướng bỉnh, ương ngạnh: cần phải cẩn thận khi phê bình con.

Việc phê bình trẻ có vẻ như là một việc rất nhỏ vì nó xảy ra hàng ngày, hàng giờ ở nhà, ở lớp nhưng thực tế lại không hề nhỏ chút nào bởi vì nó xảy ra thường xuyên như vậy nên bố mẹ hay thầy cô không hiểu tâm lý trẻ, làm sai phương pháp sẽ làm trẻ ấm ức, lâu dần tích tụ lại sẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ sau này. Vậy làm sao để chúng ta có thể phê bình trẻ để chúng vui vẻ, thoái mái tiếp nhận mà không bị gây ra  phản ứng ngược? Sau đây, tôi xin mạn phép đưa ra vài gợi ý nhỏ, hy vọng sẽ giúp ích được phần nào cho quý vị trong quá trình nuôi dạy con.

Purchase this image at https://www.stocksy.com/1251551

I. Trước khi phê bình hãy cho trẻ giải thích

Cho trẻ ít nhất một phút để giải thích động cơ hành động của mình. Bất kể lời giải thích đó đúng hay sai, nói thật hay nói dối. Con bạn đánh  nhau đôi khi đâu phải chúng hiếu chiến mà nguyên nhân sâu xa là chúng muốn bảo vệ bạn bè mình, con bạn mè nheo quấy khóc ở chỗ đông người do chúng bị đau bụng chẳng hạn. Nhiều khi con bạn không hiểu nổi mình sai ở chỗ nào, tự nhiên bị bố mẹ mắng liền tủi thân khóc rất to. Hãy cho con bạn quyền được giải thích, biện hộ về hành động của mình để tránh mắng oan cho con và sau đó bạn có nổi trận lôi đình cũng chưa muộn.

II. Cần biết việc gì nên phê bình, việc gì không

Tôi thấy rất kỳ lạ là nhiều giáo viên mầm non phê bình trẻ vì trẻ đái dầm hay ị đùn. Thật ra đó một quá trình bài tiết tự nhiên bình thường của trẻ em vì các em còn quá nhỏ chưa kiểm soát được hệ bài tiết của mình. Sau này, lớn lên hiện tượng này sẽ giảm dần rồi mất hẳn. Chẳng có lý do gì để phê bình trẻ. Hơn nữa, khi trẻ bị phê bình trước lớp bị các bạn lêu lêu, chê cười cảm giác xấu hổ càng khiến thần kinh căng thẳng trẻ lại càng không kiểm soát được hành vi của mình càng dễ đái dầm, ị đùn. Tác động tâm lý này khá là không tốt. Có những trẻ vẫn bị ám ảnh tâm lý đến khi trưởng thành. Trong ký ức của Giáo sư Ngô Bảo Châu, ông ngoại giáo sư có nói một câu như thế này: “Đái dầm không phải là khuyết điểm vì không có ai cố tình đái dầm cả.” làm tôi đọc xong cứ suy nghĩ. Nếu những giáo viên tiểu học đọc được câu nói này thì tốt biết bao.

Một ví dụ khác về con của bạn tôi. Bé 3 tuổi rất ngoan, mỗi tội suốt ngày cắm mặt xuống đất xem mấy con linh tinh. Có hôm vừa tắm xong lại bò xuống đất xem mấy con kiến tha thức ăn, chui xuống gầm giường tìm con gián, đỉnh điểm là có lần nhà sửa cống bé còn thò cả cổ xuống xem bên dưới có con gì bé tí không đến nỗi suýt rơi xuống cống bẩn. Bạn nói và mắng cho bao nhiêu lần mà con không nghe. Bạn tôi không thể hiểu nổi con mình đang nghĩ gì, không biết con có bị làm sao không nữa. Tôi giải thích với bạn là con bạn hoàn toàn bình thường. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Montessori, con bạn đang ở trong giai đoạn nhạy cảm với các chi tiết nhỏ. Bạn hãy để con thoải mái quan sát xung quanh đừng ngăn cản bé chỉ cần giữ con an toàn là được. Biết đâu sau này con bạn thành thiên tài trong lĩnh vực sinh vật học thì sao? Bạn cười xòa và từ đó không ngăn cản con nữa.

Theo tôi  nếu hành động của trẻ:

  • Không nguy hiểm đến tính mạng
  • Không ảnh hưởng đến đạo đức
  • Không làm phiền những người xung quanh

Thì bạn đừng nên phê bình con. Hãy để con được tự do hoạt động thoải mái trong phạm vi của mình.

III. Phê bình con cần nhắc đi nhắc lại nhiều lần

Nghe có vẻ kỳ quặc nhưng đúng là như thế. Não trẻ em còn ít nếp nhăn do những nơ-ron thần kinh chưa liên kết chặt chẽ với nhau nên mới có hiện tượng nói trước quên sau. Bạn cần nhắc đi nhắc lại nhiều lần một vấn đề trẻ mới nhớ được. Nhắc đi nhắc lại nhiều lần chứ không phải cằn nhằn, nhai đi nhai lại các bạn hãy nhớ và phân biệt rõ điều này. Lời phê bình góp ý của bố mẹ cần thật lòng mang tính xây dựng, không chỉ trích ác ý, giọng điệu bình thản, nhẹ nhàng không nên nhấn mạnh quá đối với những lỗi thông thường.

Con gái chúng tôi khoảng 16, 17 tháng tuổi rất tò mò nhìn thấy cái gì cũng hỏi “Cái gì đây?”. Biết rồi hay chưa biết cũng hỏi như vậy. Vợ chồng tôi liền nói với con: “Con phải hỏi là Bố ơi, mẹ ơi, cái gì đây con nhé. Nói trống không là không ngoan đâu”. Mỗi ngày hai vợ chồng tôi kiên trì nhắc con như thế không dưới 3 lần. Bây giờ con gái chúng tôi 26 tháng tuổi đã biết nói một câu hoàn chỉnh cũng không còn hiện tượng nói trống không nữa. Bạn tính đơn giản xem có đến 1000 lần không. Cho nên nếu bạn chưa nhắc con 100 lần 1 lỗi thì chưa chắc đã phải là nhiều đâu.

IV. Khen trước, chê sau

Làm như thế con bạn sẽ tiếp thu sự phê bình của bạn hơn rất nhiều. Ví dụ: Bạn muốn nhắc con nhớ phải mời mọi người trước khi ăn sau bữa ăn bạn chỉ cần nói với con thế này: “Bon hôm nay ngoan quá, ăn xong còn biết tự động dọn bát đũa. Trước khi ăn mà con nhớ mời mọi người nữa thì càng đáng khen hơn. Ngày mai, Bon nhớ mời mọi người trước khi ăn con nhé!”

Con bạn sẽ không hề phụng phịu mà ngoan ngoãn vâng lời ngay cho mà xem.

Bạn đừng nghĩ trẻ con thường ương bướng khó bảo thật ra tâm lý của trẻ con là luôn khao khát làm hài lòng người lớn cho nên khi bạn khen bé việc gì bé sẽ càng cố gắng chứng tỏ bản thân có khả năng làm việc đó để nhận được niềm vui trên khuôn mặt bạn. Đây là một đặc điểm bạn có thể nắm bắt và vận dụng trong quá trình giáo dục con.

V. Không phê bình con trong bữa ăn, không phê bình con trước mặt đông người

Các cụ ngày xưa đã nói: Trời đánh tránh miếng ăn.

Ăn uống là phải vui vẻ thoải mái không nên mang những chuyện không vui ra để nói trong bữa ăn, kỵ nhất là những việc khiển trách mắng mỏ. Tôi thấy nhiều gia đình, cả nhà vừa dọn mâm cơm ra là bố mẹ cũng dọn sẵn một bộ mặt hằm hằm chỉ đợi con ngồi vào bàn là cao giọng dạy dỗ. Sau một thôi một hồi đứa con vừa cầm bát cơm lên là đặt bát cơm xuống lặng lẽ đi lên phòng chẳng thiết ăn uống nữa. Bạn không thể dạy con được khi dạ dày đứa trẻ trống rỗng còn đầu óc được lấp đầy bởi những lời mắng mỏ. Chắc chắn đứa trẻ sẽ không tiêu hóa nổi những lời giáo huấn của bố mẹ cho dù chúng có hay ho hoa mỹ đến mấy đi chăng nữa. Cho nên bạn hãy nhớ tuyệt đối đừng phê bình con trong bữa ăn, có chuyện gì cũng bình tĩnh đợi con ăn xong rồi hãy nói lúc đó mọi chuyện sẽ dễ giải quyết hơn nhiều.

Mặt khác, bạn cũng đừng phê bình con trước mặt đông người, đừng tranh thủ sức mạnh của đám đông để uy hiếp, dạy dỗ con  mình, đừng nghĩ làm như vậy con sẽ xấu hổ mà không dám tái phạm. Điều đó chỉ làm con bạn tổn thương mà thôi. Khi bạn chê con mình hư lắm, láo lắm, không dạy bảo được… trước mặt bạn bè, hàng xóm, họ hàng của đứa trẻ với hy vọng là con mình tốt lên thì bạn đã phạm một sai lầm lớn. Đừng ngạc nhiên nếu sau đó con bạn sẽ khép mình lại và xa lánh bố mẹ vì chúng nghĩ là bạn đang hạ thấp chúng, bêu rếu chúng. Nhất là với tuổi dậy thì ẩm ương thì càng khó để hàn gắn tình cảm. Muốn dạy dỗ phê bình con thì hãy mang về nhà dạy đừng dạy con ngoài đường, sự sĩ diện của đứa trẻ lớn hơn tưởng tượng của bạn nhiều.

Thêm nữa, bạn cũng đừng nên so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Không lấy con nhà người ta làm gương cho con mình đơn giản vì chưa chắc bạn đã tốt bằng bố mẹ những đứa trẻ đó. Có một câu chuyện vui nôm na như thế này:

Bố: Con xem bằng tuổi con, con nhà người ta đỗ bao nhiêu trường đại học, thi đâu thắng đó làm bố mẹ mát mày mát mặt.

Con: Bố ơi, bằng tuổi bố Bill Gate đã là tỷ phú đô la rồi sao bây giờ bố vẫn là công chức nhà nước quèn thế ạ.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng cho nên đừng phê bình con bằng cách lấy một đứa trẻ khác ra làm gương bạn nhé!

VI. Phê bình con xong nói sang chuyện khác ngay

Khi muốn phê bình con đừng nói vòng vo, hãy đi thẳng vào vấn đề chính luôn:

  • Mẹ thấy con vất đồ chơi bừa bãi quá, lát con chơi xong 2 mẹ con mình cùng dọn dẹp nhé
  • Hôm nay cô giáo gọi cho bố bảo con đánh nhau với bạn A. Đánh nhau là không tốt rồi. Có chuyện gì kể với bố rồi 2 bố con mình nghĩ cách xem nên làm thế nào.
  • Con đi học muộn lần thứ 3 rồi để bố mẹ cũng muộn làm theo. Tối nay con để đồng hồ báo thức để mai đi học đúng giờ đừng để ảnh hưởng đến bố mẹ.

Sau đó nói lảng sang chuyện khác ngay, “Kế hoạch cuối tuần này của nhà mình có thay đổi gì không nhỉ?”

Đây gọi là kỹ thuật Chuyển hướng tâm lý giúp đứa trẻ ghi nhớ và tiếp nhận lời phê bình của bố mẹ một cách thoải mái. Không tin bạn làm thử xem.

Tiến sĩ Montessori đã nói rằng: “Là bậc cha mẹ nếu yêu thương những đứa trẻ của mình các bạn nên tỏ ra vui mừng vì những thành tích của trẻ chứ không nên chỉ nhìn thấy những khuyết điểm của con. Để giáo dục được trẻ chúng ta phải giáo dục được chính mình.” Đôi khi phụ huynh chúng ta sai lầm vì dạy dỗ đứa trẻ không đúng cách chứ không phải không dạy dỗ đứa trẻ. Muốn dạy con đúng cách chúng ta phải tự dạy dỗ, giáo dục bản thân mình: kiềm chế sự nóng giận, bình tĩnh lắng nghe con, chỉ ra điểm sai của con và cách khắc phục. Bạn nghiêm khắc với con là rất tốt nhưng còn tốt hơn rất nhiều nếu bạn nghiêm khắc mà vẫn tâm lý, khoan dung. Bạn vừa phê bình con vừa kín đáo gửi đến con mình thông điệp rằng: “Bố mẹ phê bình, mắng mỏ con không phải để bêu riếu hay làm con xấu hổ, bố mẹ muốn chỉ ra điểm yếu của con để giúp con khắc phục hoàn thiện bản thân và tránh được những sai lầm không đáng có trong tương lai.” Bài viết hơi dài tôi chỉ xin tóm tắt trong 4 câu thơ của nhà thơ Lương Ngân:

                                                                        Mẹ chỉ ra lỗi

                                                                        Cùng bé sửa sai

                                                                        Thì thầm bí mật

                                                                        Chẳng kể cùng ai

Hy vọng bài viết này có chút bổ ích với quá trình giáo dục con của các bạn. Thân ái!

CTV ĐỖ QUYÊN

[ ]
Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+