Điều gì khiến bọn trẻ khăng khăng về một điều gì đó? Điều gì cho trẻ nghị lực để luôn học hành chăm chỉ, đạt điểm cao và sau cùng là thành công trong cuộc sống?
Một yếu tố góp phần rất lớn đó là việc có “tư duy phát triển”. Có thể bạn từng nghe về nó trước đây, nhưng nhiều người không hiểu đúng về nó như họ nghĩ. Để đảm bảo cả bạn và tôi đều hiểu đúng, tôi đã gọi cho Carol Dweck. Bà là người đã đưa ra khái niệm tư duy phát triển. Carol là giáo sư tại Đại học Stanford và tác giả quyển Mindset: The New Psychology of Success. Rất nhiều người đang phạm phải nhiều sai lầm khi nói về chủ đề này. Carol cho biết:
Ngay khi tư duy phát triển trở thành một điều ai cũng ao ước có được, nhiều người bắt đầu bảo rằng họ có tư duy này. Nếu họ có đầu óc cởi mở và linh hoạt, thì họ nói rằng mình có một tư duy phát triển. Nếu họ tử tế với người khác, họ bảo họ có tư duy phát triển. Tư duy phát triển không phải là một thứ bạn nói bạn có thì bạn sẽ có, nó là một chặng đường gian nan mà bạn phải chinh phục qua một thời gian dài.
Vậy hãy cùng tìm hiểu xem tư duy phát triển thật sự là gì, mọi người đang hiểu lầm điều gì, và làm sao tất cả chúng ta có thể dùng nó để làm gia tăng nghị lực và thành công trong cuộc sống của bản thân và của con cái mình…
“Tư duy phát triển” thực chất là gì?
Một tư duy “cố định” trong đó những phẩm chất cơ bản của bạn (như trí thông minh) là bất biến. Bạn sở hữu đúng những gì bạn có. Một tư duy “phát triển” là niềm tin rằng những khả năng của bạn có thể được cải thiện bằng sự nỗ lực. Và điều này có nghĩa là bạn có thể trở nên giỏi giang hơn và sự chăm chỉ sẽ mang lại thành quả. Carol cho biết:
Khi con người mang tư duy cố định, họ tin rằng những phẩm chất cơ bản, tài năng, khả năng, trí thông minh của họ chỉ là những đặc tính cố định, các khả năng đó của họ nằm ở một mức độ nhất định và chỉ đến thế. Khi mang tư duy này, họ thường lo ngại về mức khả năng mình có được. “Nếu làm thế thì trông mình sẽ khôn ngoan chứ? Mình sẽ tỏ ra lanh lợi chứ? Mọi người sẽ nghĩ mình có tài hay không nhỉ?” Khi mang tư duy phát triển, ta xem tài năng và khả năng là những thứ có thể phát triển được qua quá trình rèn luyện chăm chỉ, bằng những phương pháp tốt, hoặc qua sự giúp đỡ và góp ý từ người khác. Ta xông xáo tham gia công việc hơn, chấp nhận thử thách và thích ứng với khó khăn vì ta không xem mọi thứ là sự phản ánh hết khả năng của mình.
Khi con người có tư duy cố định và không làm tốt ngay từ đầu một việc gì đó, họ sẽ từ bỏ. Nếu bạn không tin mình thật sự có thể cải thiện bản thân thì bạn cố gắng để làm gì nữa?
Trích từ quyển Mindset: The New Psychology of Success:
Các học sinh có tư duy cố định chỉ tỏ ra hứng thú khi trẻ làm tốt ngay từ đầu. Những học sinh thấy khó khăn thì sẽ nhanh chóng mất hứng thú. Nếu một vấn đề không chứng minh được trẻ thông minh thì trẻ sẽ không thể thích thú nó.
Nhưng khi bạn có tư duy phát triển, những điều tuyệt vời có thể xảy ra. Carol nói rằng:
Khi con người mang tư duy phát triển, họ sẵn sàng đón nhận những việc khó khăn hơn. Họ được thúc đẩy bởi những sai lầm hoặc trở ngại thay vì nản lòng. Họ tìm kiếm sai lầm, phân tích nó, sửa chữa nó. Họ được truyền cảm hứng bởi những người giỏi hơn họ, thay vì cảm thấy bị đe dọa và nhụt chí. Trong nhiều nghiên cứu của mình chúng tôi thấy rằng họ đạt được nhiều thành quả hơn về lâu dài.
Trong nghiên cứu của Carol, khi bọn trẻ được khuyến khích đi theo lối tư duy phát triển, trẻ thể hiện mình có nghị lực hơn và đạt điểm số cao hơn:
Trong Nghiên Cứu 1 với 373 học sinh lớp 7, quan niệm trí thông minh là có thể điều chỉnh được (thuyết gia tăng) dự báo một quỹ đạo đi lên đối với điểm số trong 2 năm ở cấp hai, trong khi đó quan niệm trí thông minh là cố định (thuyết thực thể) dự báo một quỹ đạo nằm ngang.
Không những thế, việc hướng trẻ ra khỏi lối tư duy cố định cũng giúp trẻ bớt hung hăng hơn và trở nên tử tế hơn:
So với các nhóm kiểm soát kỹ năng ứng phó và không áp dụng liệu pháp, thì nhóm thuyết gia tăng ít gây hấn hơn và hành xử tích cực hơn hẳn sau 1 tháng được can thiệp và biểu lộ ít vấn đề về cư xử hơn sau 3 tháng.
Vậy thì tư duy phát triển nhất định là có lợi ích. Nhưng hạn chế của nó là gì?
Chỉ vì bạn có thể có một tư duy phát triển không có nghĩa là con bạn cũng sẽ có tư duy đó. Bạn cần ý thức khích lệ khả năng này ở con. Carol cho rằng:
Một trong số những điều thú vị nhất mà chúng tôi hiện đang khám phá ra là giữa tư duy của cha mẹ và của con cái không có mối liên quan mạnh mẽ nào. Nhiều cha mẹ có thể mang một tư duy phát triển nhưng con cái họ thì không. Họ cần phải thật sự chú tâm vào quá trình phát triển, các phương pháp, sự nỗ lực, cách sử dụng các nguồn lực của trẻ và liên kết nó với sự cải thiện thay vì chú trọng đến khả năng hay chỉ là kết quả của trẻ. Vậy thì làm cách nào để bạn giúp con thấm nhuần quan niệm này – và không phạm các sai lầm mà nhiều người mắc phải khi nói đến tư duy phát triển? Sau đây là 6 lời khuyên hữu ích từ Carol:
1. Đừng ca tụng khả năng hay trí thông minh
Khi bạn khen ngợi khả năng của con, bạn đang khích lệ một lối tư duy cố định. Trẻ có một phẩm chất và sẽ không muốn “mất” nó, nên trẻ sẽ dè dặt hơn và dễ từ bỏ hơn. Carol cho biết:
Nhiều kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc chú trọng đến khả năng của trẻ, thậm chí khen ngợi khả năng của trẻ, có thể khiến trẻ cảm thấy, “Khả năng của con là cố định và cha/mẹ tự hào về con vì điều đó” và trẻ có thể sẽ ngừng đón nhận thử thách hoặc có thể sẽ xem lỗi lầm là điều nghiêm trọng.
Nghiên cứu của Carol cho thấy việc tán dương trí thông minh thay vì nỗ lực của một đứa trẻ sẽ làm giảm đi nghị lực, khiến bọn trẻ ít vui vẻ với thành quả của mình hơn và không thể hiện tốt nhất có thể:
… 6 nghiên cứu đã chứng minh rằng việc khen ngợi trí thông minh gây ra nhiều hậu quả tiêu cực đối với động lực đạt thành tựu của học sinh hơn việc khen ngợi sự nỗ lực. Các học sinh lớp 5 được khen ngợi trí thông minh được nhận thấy là quan tâm nhiều đến các mục tiêu hiệu quả liên quan đến mục tiêu học tập hơn các đứa trẻ được khen ngợi sự nỗ lực. Sau thất bại, các em cũng thể hiện mình ít gắn bó với nhiệm vụ hơn, ít thích thú với thành quả hơn, khả năng đóng góp thấp hơn và có hiệu quả thực hiện nhiệm vụ kém hơn so với những đứa trẻ được khen ngợi sự nỗ lực.
Bạn nên khen ngợi điều gì? Sự nỗ lực, các phương pháp và những lựa chọn của trẻ. Điều đó giúp trẻ hiểu rằng việc cố gắng là cách để cải thiện bản thân, và mọi thứ không hoàn toàn bị quyết định bởi các phẩm chất bẩm sinh mình “có hoặc không có”.
Trích từ quyển Mindset: The New Psychology of Success:
Hãy nhớ rằng việc khen ngợi trí thông minh hay tài năng của trẻ, dù rất hấp dẫn, sẽ truyền đi thông điệp khích lệ tư duy cố định. Nó khiến sự tự tin và động lực của trẻ càng yếu đi. Thay vào đó, hãy cố gắng chú trọng đến các quá trình của trẻ – những phương pháp, sự nỗ lực hoặc lựa chọn của trẻ. Hãy tập khen ngợi quá trình khi bạn tương tác với trẻ.
Vậy là bạn sẽ khen ngợi sự nỗ lực chứ không phải khả năng. Thật tuyệt. Nhưng đâu là những sai lầm về tư duy phát triển mà ta cần phải xử lý đây?
2. Đừng bỏ qua kết quả, hãy liên kết nó với nỗ lực
Nhiều người nghĩ việc khen ngợi sự nỗ lực có nghĩa là bạn cần bỏ qua kết quả – điều mà đứa trẻ đạt được. Sai rồi. Bạn có thể khen ngợi thành công của một đứa trẻ, nhưng hãy liên kết nó với công sức trẻ đã bỏ ra chứ không phải tài năng thiên phú. Carol cho biết:
Hiện nay rất nhiều bậc cha mẹ diễn giải rằng điều này có nghĩa là luôn ca ngợi nỗ lực chứ không phải thành quả. Đó là sự đơn giản hóa quá mức, bởi yếu tố quan trọng không chỉ có nỗ lực, mà còn có phương pháp và việc sử dụng nguồn lực. Ý tưởng không phải là “hãy bỏ qua kết quả,” mà là “hãy gắn nó với kết quả.” Đôi khi các cha mẹ sẽ nói rằng, “Tôi luôn muốn vui sướng khi con tôi thành công hay thành thạo một việc gì khó nhưng tôi biết mình không nên thế,” và dĩ nhiên là bạn nên vui sướng. Nhưng hãy liên kết nó với quá trình, rằng điều mà đứa trẻ cần học được chính là một quá trình tốt sẽ mang lại sự tiến bộ.
Nhưng nếu trẻ không thành công khi cố thử một việc gì thì sao? Ta không nên bỏ qua chuyện này, thật ra nó rất quan trọng…
3. Phản ứng tích cực trước thất bại
Một sai lầm khác mọi người mắc phải khi cố khích lệ tư duy phát triển là họ nghĩ mình phải che đậy hoặc phớt lờ khi đứa trẻ thất bại. Lại sai nữa. Đây là thời khắc quan trọng để trẻ học hỏi.
Việc cho trẻ thấy rằng bạn không cần phải luôn hoàn hảo, rằng thất bại là cách để bạn học hỏi và sự cải thiện là rất giá trị. Carol cho biết:
Một điều khác mà chúng tôi khám phá được trong nghiên cứu của mình là việc các cha mẹ phản ứng ra sao trước những lỗi lầm, sai phạm và thất bại của trẻ là cực kỳ quan trọng. Nhiều phụ huynh có thể mang tư duy phát triển nhưng họ có thể lo rằng nếu con họ trải qua thất bại, trẻ sẽ bị tổn thương hoặc mất tự tin và vì thế họ có khuynh hướng che đậy hoặc có hơi lo âu, và trẻ sẽ nhận ra được điều đó. Chúng tôi phát hiện ra chính những cha mẹ thật sự phản ứng tích cực trước sai lầm của trẻ mới cho trẻ hiểu rằng các sai lầm đó là cơ hội để trẻ học hỏi ra sao. Sau đó đứa trẻ thấy rằng những trở ngại là một phần của quá trình học hỏi và bạn có thể tận dụng nó. Thất bại không phải điều nên gây ra lo âu hay khiến bạn cảm thấy kém cỏi.
Rất nhiều người làm tốt việc khen ngợi sự nỗ lực, nhưng vẫn chưa thật sự khích lệ được tư duy phát triển. Tại sao vậy? Vì chỉ nói, “Hãy cố gắng hơn nữa” là chưa đủ…
4. Đừng chỉ nói “Hãy cố gắng hơn.” Hãy giúp trẻ đặt mục tiêu.
Sự nỗ lực là điều bạn muốn khen ngợi, nhưng việc khuyến khích sự lặp lại phương pháp một cách mù quáng sẽ không dạy cho trẻ góc nhìn đúng đắn. Bạn cần nhấn mạnh việc học hỏi, cải thiện, thử các phương pháp cụ thể và đặt ra mục tiêu. Carol nói:
Xem tư duy phát triển là sự chú trọng đến nỗ lực và chỉ cổ vũ trẻ cố gắng hơn sẽ không bao giờ mang lại hiệu quả. Cách này giống như càm ràm hơn là hướng dẫn, nên việc cổ vũ trẻ cố gắng hơn không phải là có tư duy phát triển. Nó không dạy cho trẻ các phương pháp và hiểu rằng não của trẻ sinh ra những liên kết thần kinh mới khi trẻ làm một việc khó và theo đuổi việc đó… Nhìn chung, các mục tiêu cần mang tính thử thách nhưng khả thi, và cần có các bước giúp trẻ có thể thấy rằng tình hình đang có tiến triển. Việc nhìn thấy bản thân đang tiến đến mục tiêu sẽ mang lại cho trẻ cảm giác hài lòng. Sau đó khi trẻ đạt đến mục tiêu, cha mẹ có thể đánh giá lại những gì trẻ đã làm, quá trình trẻ học hỏi.
Việc này có thể nghe như tư duy tổng thể của bạn là một công tắc: nó hoặc là cố định, hoặc là phát triển. Không phải đâu. Bạn có thể có các tư duy khác nhau ở những lĩnh vực khác nhau. Và đó là điều ta cần phải giải quyết…
5. Huấn luyện tư duy phát triển trong mọi lĩnh vực của cuộc sống
Trẻ em có thể mang một tư duy phát triển khi chơi thể thao (“Mình có thể học cách ném bóng tốt hơn nếu chịu luyện tập”) nhưng khi đi học thì không (“Mình chẳng giỏi toán chút nào.”)
Trẻ em cần biết rằng mình có thể trở nên giỏi hơn ở hầu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống nếu mình chịu khó. Carol cho biết:
Cần ghi nhớ việc nếu một huấn luyện viên dạy tư duy phát triển trong lĩnh vực thể thao, tư duy đó có thể chỉ được áp dụng trong lĩnh vực này. Kiểu tư duy này có thể gắn chặt với một tình huống nhất định. Ta thấy nhiều vận động viên vô cùng kiên trì, dám mạo hiểm, luôn hướng đến việc học hỏi trong thể thao, nhưng lại không như thế trong lĩnh vực học thuật và ngược lại. Nếu ta muốn quá trình huấn luyện tư duy phát triển của mình đạt hiệu quả tối đa, ta nên gắn nó với những thứ khác.
Đâu là cách cụ thể để truyền đạt tốt tất cả những điều này đến trẻ một cách thường xuyên để trẻ áp dụng nó?
6. Trò chuyện với trẻ về những nỗ lực xây dựng tư duy phát triển của riêng bạn
Việc cho trẻ biết bản thân bạn đã đối mặt với các thử thách và vượt qua nó bằng sự nỗ lực (chứ không phải bằng tài năng hay trí thông minh bẩm sinh) là cách hay để thảo luận chủ đề này một cách tự nhiên. (Và nó cũng đảm bảo bản thân bạn đang dùng đến tư duy phát triển thường xuyên.) Carol cho rằng:
Mỗi ngày ta nên tự hỏi “Hôm nay mình muốn học hỏi điều gì?” và “Hôm nay mình muốn truyền dạy điều gì?”, hoặc “Mình muốn giúp đỡ người khác điều gì?” Việc này sẽ giúp ta luôn ở trong trạng thái học hỏi. Tất cả chúng ta đều bận rộn, đều gánh vác rất nhiều trách nhiệm và phải luôn ưu tiên ghi nhớ quan niệm học hỏi. Sau đó, trong bữa ăn, các cha mẹ có thể nói về những vất vả họ đang đối mặt, những sai lầm họ đã phạm phải và đã học hỏi từ đó, và việc này có thể trở thành một phần của cuộc trò chuyện trong bữa ăn.
Và khi bạn kể cho con nghe bất kỳ câu chuyện nào, hãy nghĩ về thông điệp cơ bản mà nó đang truyền tải: tư duy phát triển hay cố định?
Trích từ quyển Mindset: The New Psychology of Success:
Mỗi một từ ngữ và hành động của cha mẹ đối với trẻ đều truyền đi một thông điệp. Ngày mai, hãy lắng nghe điều bạn nói với con và nhận ra những thông điệp bạn đang gửi đi. Đó có phải là những thông điệp nói rằng: “Con có những phẩm chất cố định và cha/mẹ đang phán xét những phẩm chất đó?” Hay đó là các thông điệp “Con đang phát triển và cha/mẹ quan tâm đến sự phát triển của con?”
Được rồi, ta đã học được rất nhiều từ Carol. Hãy tóm tắt lại tất cả và tìm ra cách đơn giản nhất để truyền đạt tính hữu ích của một tư duy phát triển…
Tóm tắt
Dưới đây là những lời khuyên của Carol trong việc khích lệ tư duy phát triển:
- Đừng ca tụng khả năng hay trí thông minh: Việc này cổ vũ cho lối tư duy cố định. Hãy khen ngợi sự nỗ lực, quá trình và những lựa chọn.
- Đừng bỏ qua kết quả, hãy liên kết nó với nỗ lực: Bạn có thể hạnh phúc khi con mình thành công, nhưng hãy gắn nó với sự nỗ lực.
- Phản ứng tích cực trước thất bại: Trẻ cần biết rằng thất bại không xấu mà là một công cụ giúp ta cải thiện bản thân.
- Đừng chỉ nói “Hãy cố gắng hơn.” Hãy giúp trẻ đặt mục tiêu: Sự lặp lại cách làm một cách mù quáng không mang lại hiệu quả. Hãy giúp trẻ suy nghĩ phương pháp.
- Huấn luyện tư duy phát triển trong mọi lĩnh vực cuộc sống: Không có lĩnh vực nào trẻ không thể cải thiện bằng sự nỗ lực.
- Trò chuyện với trẻ về những nỗ lực xây dựng tư duy phát triển của bạn: Hãy tự mình luyện tập và chia sẻ kết quả của bạn.
Carol không phải bỗng dưng đưa ra khái niệm tư duy phát triển. Cô lớn lên trong một môi trường có tư duy cố định khắt khe.
Vào lớp 6, lớp cô được xếp chỗ ngồi dựa trên chỉ số IQ. Các đặc quyền lớp học chỉ được trao cho những đứa trẻ có chỉ số cao nhất. Điều này khiến cô cảm thấy mình không thể mạo hiểm hay thử những điều mới vì cô có thể mất đi vị thế của mình. Nhưng qua nghiên cứu, cô khám phá ra một cách nhìn về thế giới hoàn toàn mới. Cách nhìn giúp cuộc sống có ý nghĩa và thú vị hơn nhiều. Carol cho biết:
Những đứa trẻ trong các nghiên cứu của tôi sẽ nói những điều như, “Cháu thích thử thách” khi tôi đưa ra cho các em những vấn đề các em không thể giải đáp. Điều đó làm tôi nghĩ, “Ồ, các em thật sự thích thất bại. Làm sao lại có thể như thế? Có phải đó là điều mình cũng có thể học tập không?” Theo thời gian, qua nghiên cứu của mình, tôi đón nhận ngày càng nhiều thử thách. Một vài thử thách có kết quả tốt đẹp, số khác không được như thế, nhưng tôi thấy cuộc sống mình rộng lớn, phong phú và ý nghĩa hơn nhiều khi tôi chấp nhận những thử thách này, trái với quỹ đạo mà tôi lẽ ra đã thuộc về, nơi tôi phải thể hiện 60.000 lần rằng mình thông minh và rồi nhìn lại và nghĩ “Nó có ích cho điều gì?”
Khi con người mang tư duy cố định, cuộc sống có hai màu đen trắng. Bạn có tài hoặc không. Bạn không nắm quyền kiểm soát và mọi thứ không thể trở nên tốt đẹp hơn. Bạn bế tắc. Nhưng khi ta mang lối tư duy phát triển, ta có được quyền kiểm soát. Cuộc sống và thế giới của ta có thể trở nên tốt đẹp hơn nếu ta cố gắng. Và bằng sự nỗ lực, ta có thể trở nên giỏi giang hơn mỗi ngày. Đó là cuộc sống mà tất cả chúng ta đều muốn làm chủ. Như Carol đã nói trong quyển sách của mình: “Trở thành thì tốt hơn là chỉ tồn tại.”
Nguồn: ubrand.cool