Làm sao để đọc được 200 cuốn sách mỗi năm?

[ga_dichthuat]

Thời nay, không còn ai phủ nhận tầm quan trọng của việc đọc sách. Có quá nhiều bài viết, buổi chia sẻ về việc các tỷ phú, triệu phú, doanh nhân thành công hàng đầu đều khuyên về thói quen đọc sách. Thế hệ trẻ bây giờ cũng ý thức điều đó mạnh lắm, bằng chứng là hễ cứ có bài nào mà chia sẻ list các quyển sách hay, các bài viết hay là họ share ầm ầm, share ầm ầm, … nhưng họ đọc được bao nhiêu trong số đó, hay việc share chỉ để thỏa mãn cảm giác yên tâm rằng mình đang lưu trữ những tài liệu quan trọng, và tự nhủ “để khi nào rảnh thì đọc”.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐỌC ĐƯỢC 200 QUYỂN SÁCH MỖI NĂM?

Sự thật là người Việt chúng ta đọc trung bình 0,8 quyển sách mỗi năm. Còn con số 200 quyển sách? Gấp 250 lần. Liệu có phải bỏ gấp 250 lần thời gian đang có để vượt qua mức trung bình đó trong khi mỗi ngày cũng chỉ có 24 giờ. Phải chăng đó là một điều không tưởng?

Tốc độ đọc trung bình của chúng ta vào khoảng 200 – 400 từ /phút. Khi bạn đọc tốt thì mức 400 từ/ phút là mức trung bình của bạn. Và giả sử một quyển sách phát triển bản thân là khoảng 50,000 từ. Bây giờ, chúng ta sẽ cùng thực hiện một vài phép tính toán như sau:

  • 200 quyển sách x 50,000 từ = 10,000,000 từ
  • 10,000,000 từ/ 400 từ = 25,000 phút
  • 25,000 phút/ 60 = 417 giờ.

Có nghĩa là để đọc được 200 quyển sách mỗi năm, bạn cần bỏ ra khoảng 417 giờ, tức khoảng 8h mỗi tuần hay 1,14 giờ mỗi ngày – tức khoảng 70 phút.

CÓ THẬT LÀ CHÚNG TA KHÔNG CÓ ĐỦ THỜI GIAN ĐỂ ĐỌC?

Nhưng mà bận lắm. Nhưng mà không có thời gian đâu. Sáng thì phải đi sớm. Tối lại về muộn… Hết lí do về thời gian, sẽ lại đến lí do về bản thân: nhưng mà đọc buổi sáng thì buồn ngủ lắm, còn đọc buổi trưa thì đau đầu lắm. Dĩ nhiên, điều đó không sai. Chỉ đơn giản trong cuộc sống này, nếu chúng ta muốn thì chúng ta sẽ tìm được cách. Còn một khi không muốn, chúng ta sẽ có lý do để ngụy biện cho việc mình không làm được. Nếu chúng ta không có đủ 417 giờ mỗi năm để đọc sách, vậy những khoảng thời gian sau thì sẽ như thế nào nếu …

Khi đi làm, trung bình chúng ta làm việc 8h/ngày, 5 ngày/tuần tức 40 giờ mỗi tuần, tức khoảng 2080 giờ mỗi năm. Và dưới đây là một vài nghiên cứu về cách con người ta sử dụng thời gian, tại Mỹ là như sau: trung bình mỗi năm người Mỹ tiêu tốn: 608 giờ cho mạng xã hội và 1642 giờ cho TV, tức tổng là 2250 giờ. Đó là Mỹ, vậy còn Việt Nam? Theo thống kê, (từ 2015, 2016), người Việt dùng internet trung bình 5,2 giờ mỗi ngày, tức 1898 giờ/ năm. Còn về mạng xã hội? Chúng ta có khoảng 35 triệu người dùng Facebook (>1/3 dân số Việt Nam), đứng thứ 22 thế giới về tỉ lệ người dùng mạng xã hội. (Các con số thống kê này thay đổi theo thời gian, tuy nhiên nó nói lên phần nào về việc người Việt Nam sử dụng thời gian cho internet và mạng xã hội). Như vậy thời gian dùng mạng xã hội, lướt web, xem ti vi cũng ngang ngửa và lớn hơn thời gian chúng ta làm việc một năm.

NHỮNG GÌ GIỚI TRẺ THƯỜNG ĐỌC TRÊN MẠNG?

Dĩ nhiên, không thể phủ nhận luôn có những làn sóng share những bài viết hay, những thông tin hữu ích trên mạng xã hội, trên trang cá nhân. Bên cạnh đó, thì thực trạng vẫn là thực trạng, ở trên mạng, người ta thường hay đọc báo lá cải, tin tức tiêu cực: cướp – hiếp – giết, sao nọ sao kia,… Ở đây, không chỉ là thói quen. Nhìn từ góc độ tâm lý, khoa học chỉ ra sự thật rằng con người ta dễ tiếp nhận thông tin tiêu cực gấp nhiều lần so với thông tin tích cực. Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến tình dục, giới tính cũng khiến bộ não chú ý hơn nhiều so với thông tin thông thường. Đó là mặt tâm lý. Ngoài ra, thì cảm xúc và tâm trạng có tính lây lan và dễ lan truyền. Đó là lí do vì sao những stt trên mạng xã hội chia sẻ cảm xúc dễ lan tỏa và ám ảnh, cũng như phim tình cảm dễ chạm đến trái tim các bạn trẻ. Tuy nhiên, tất cả những điều đó cũng không thể phủ nhận trước sự thật rằng phần lớn thời gian trong các con số: 2250 giờ hay 1898 giờ, mỗi năm, chúng ta dành phần lớn cho những thông tin không hữu ích, thậm chí vô bổ trong khi chúng ta vẫn không có đủ 417 giờ để ĐỌC.

NHỮNG LÝ DO KHÁCH QUAN

1. Môi trường

“Mức độ hạnh phúc và thành công của bạn là kết quả trung bình của 5 người mà bạn dành thời gian nhiều nhất cho họ”

Vậy nên, nếu xung quanh bạn là những người không bao giờ đọc sách, suốt ngày đọc tin lá cải, thì rõ ràng rất khó để bạn đọc thứ gì đó tử tế. Con người về tâm lý – sẽ thường có tâm lý là bắt chước và hành xử phần nào đó giống với những người ta hay gặp và hay tiếp xúc. Tâm lý này khá giống với tâm lý làm gương của trẻ nhỏ. Tức trẻ nhỏ sẽ bắt chước những gì nó thấy người lớn làm. Và khi lớn lên, tâm lý chúng ta vẫn như thế. Liệu bạn có thể đọc sách khi mà bạn đang ở trong một quán bar? Liệu bạn có thể thay đổi quan điểm những người vốn dĩ cả chục năm không bao giờ đọc sách để thuyết phục rằng bạn ở bên cạnh đọc sách là việc rất tốt? Bạn đúng. Nhưng về mặt tâm lý, họ không nghĩ bạn đúng. Vậy nên, thay đổi môi trường hoặc lựa chọn môi trường để đọc là điều kiện tiên quyết. Thay vì thay đổi ai đó, hãy thay đổi chính mình – mà điều đầu tiên là chọn môi trường hỗ trợ bạn.

2. Thể chất

Liệu bạn có thể đọc nếu tối đã uống đầy rượu bia hoặc dùng chất kích thích? Liệu bạn có thể đọc sách khi mà bạn luôn trong tình trạng thiếu ngủ? Sống lành mạnh chưa bao giờ là quá trễ để mỗi người trẻ bắt đầu rèn luyện ngay từ bây giờ. Bên cạnh đó, người trẻ hiện đại không chỉ là đẹp về trí tuệ, tâm hồn mà còn là cao to tầm vóc, khỏe cả thể chất. Thể chất càng tốt thì tinh thần lại càng mạnh mẽ. Một thân thể yếu nhòm sẽ là một bất lợi, ngay cả khi rất ham đọc.

3. Phù hợp tác giả

Tác giả nổi tiếng, không có nghĩa là cuốn sách ấy mình có thể đọc được dễ dàng. Đôi khi là phong cách. Trong tâm lý ứng dụng, người ta gọi là cặp tính cách tự nhiên. Tức có những người tự nhiên, khi sinh ra vốn dĩ đã hợp nhau. Trong văn phong, cũng như thế. Sẽ có những người mình hợp, sách của họ có khi đọc một đêm là xong. Vậy thì đừng cứng nhắc, hãy cứ thử. Nếu chưa tìm được tác giả phù hợp với mình, lại thử tiếp. Việc này cũng giống như chọn người yêu vậy. Đâu phải tìm cái là được ngay đâu. Cuộc sống có nhiều lựa chọn, hãy chọn cho mình tác giả truyền cảm hứng tốt nhất.

4. Chưa luyện được thành thói quen

Thói quen – đó vẫn là nền tảng để bạn bắt đầu. Nếu chưa có, phải đi từ những bước nhỏ. Giống như một ngôi nhà lớn, phải xây từ từng viên gạch nhỏ. Về mặt tâm lý, bộ não có chức năng đó là tiết kiệm năng lượng. Tức nó sẽ luôn chọn việc dễ dàng cho nó. Mà khi đọc, là phải động não, phải suy ngẫm, tức việc tiêu tốn năng lượng. Chưa quen mà ngay lập tức bạn đọc nhiều, nó phản ứng lại, vì thế mà được vài hôm thấy chán. Vậy, ứng dụng tâm lý đó, hãy khởi nguồn bằng thói quen nhỏ, nhưng quan trọng là duy trì ngày nào cũng đọc. Không đọc cả quyển thì đọc từng chương, không đọc được một chương thì đọc một vài trang, không được nữa thì đọc một vài đoạn, không được nữa thì cầm quyển sách lên ngắm nghía rồi suy ngẫm. Miễn sao ngày nào cũng phải ĐỌC.

MỘT VÀI GỢI Ý

1. Đọc bằng nhiều nguồn

Thời gian hàng ngày, chúng ta có nhiều thời gian chết: lúc trong thang máy, lúc chờ đợi,… và có cả thời gian rảnh. Vậy thì hãy chuẩn bị nhiều nguồn phương tiện đọc: đó là sách giấy (luôn để trong balo, túi xách); đó là ebook trong máy tính bảng, smart phone; đó là audio books để sẵn trong máy nghe nhạc, smart phone,.. tùy từng thời điểm thì dùng những phương tiện phù hợp nhất. Ví dụ trên xe bus chật chội mà bỏ sách giấy ra trông kì kì, lúc đó thì nên đeo tai nghe, vừa đứng vừa nghe audio books. Cũng giống như ra trận, càng nhiều vũ khí ra trận càng nhiều lợi thế.

2. Nếu dùng Facebook

Hãy lập một Facebook riêng, và follow những tác giả, những trang hay, tích cực, và đặt đó làm facebook mặc định. Facebook này, có thể không cần bạn bè, hoặc chỉ vài đứa bạn thân. Còn đâu, facebook đang dùng, mà trên newfeed tạp nham nhiều thứ thông tin, vẫn cứ dùng, dùng để cập nhật thông tin, để nắm bắt tình hình. Nhưng giảm thiểu thời gian dùng facebook đó lại. Đặt ra các quy ước: ví dụ chỉ dùng facebook đó sau 12h trưa, còn sáng dậy là phải dùng facebook xịn, input những thứ tích cực, đọc những thứ tích cực.

3. Khuyến khích đọc Tiếng Anh

Thời buổi giờ, người trẻ Việt mình còn yếu ngoại ngữ nhiều lắm. Cho nên, nếu được ráng follow nhiều trang Tiếng Anh hay, chất, mình đọc nhiều cho quen. Nhiều báo người ta dịch về, post nham nhảm trên facebook, nhưng dịch theo kiểu định hướng – theo ý chủ quan của tác giả, nhiều khi còn nhằm mục đích câu view, câu like. Đọc Tiếng Anh nhiều, để mình học được nhiều cái giỏi từ nước ngoài, để mình tăng năng suất cho người trẻ của mình. Để mai này mình ngẩng cao đầu.

4. Đọc tóm tắt hoặc review cũng tốt

Càng ngày sách càng nhiều, nên uy tín là một thứ quan trọng. Chúng ta có thể dành thời gian đọc một cách chắt lọc. Vì thế có thể đọc những dòng sách mà có nhiều người review, xem lướt qua, hoặc đọc dòng bản sách tóm tắt. Nó là nguyên lý 80-20, tóm tắt là giữ ý cốt lõi. Đọc xong nếu thấy hay có thể tìm bản đầy đủ, còn không cũng chẳng mất gì. Dòng sách này người ta gọi là Q-Book (Quick Book), đọc tiết kiệm thời gian mà vẫn đọc được nhiều kiến thức.

5. Có sổ tay

Sổ tay để ghi ý tưởng, để viết điều hay mình tâm đắc được. Khi viết ra, về mặt tâm lý, bộ não sẽ nhớ những gì viết ra giấy gấp nhiều lần những gì mình chỉ đọc. Lý do là bởi vì hàng ngày bộ não có quá nhiều suy nghĩ. Ra ngoài hàng, đầu tư một quyển sổ đẹp đẹp, đầy cảm hứng. Càng ngày sổ càng dày hơn, tri thức mình càng đầy hơn, con người mình càng lớn hơn.

Đầu năm mới, bảo nhau chăm học, chăm đọc. Vì một tương lai tốt đẹp không xa.

*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng

– Edward –

Chia sẻ ý kiến của bạn:

2 Comments

  1. HữU Nhân 08/02/2017
  2. Điền Khắc Kim 01/07/2020

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+