Làm thế nào để tạo ra sự thân thiết trong các mối quan hệ?

[ ]

Sự Thân Thiết Trong Các Mối Quan Hệ

Trở nên thân thiết với người khác là một trong những trải nghiệm xúc động nhất của con người: Nó vừa là nền tảng của cảm giác an toàn, vừa là tấm hộ chiếu giúp mở rộng bản thân. Nếu đó là một mối quan hệ tình cảm lãng mạn – và sự thân thiết là kết tinh của tình bạn sâu đậm, cũng như của tình yêu vững bền – thì nó còn mang đến một ít khao khát nữa. Mặc dù 2 chữ “thân thiết” thường được dùng để ám chỉ tình dục, nhưng bất kỳ ai có bạn bè thân thiết đều biết rằng sự hấp dẫn về thể xác không phải là điều thiết yếu để tạo thành mối liên kết đích thực giữa 2 con người. Sự thân thiết là điều mà ta chia sẻ với một người thật sự “hiểu” mình.

Vốn mong muốn sự phản hồi, tính thân thiết giúp mở ra một kênh chia sẻ những khoảnh khắc không thể kiềm nén – giải phóng ta khỏi sự đè nặng của căng thẳng hoặc nỗi thất vọng, hân hoan những khi niềm vui và chiến thắng ngập tràn trong tim ta. Phản đề của sự thân thiết – sự cô lập xã hội – có ảnh hưởng tồi tệ đến ta. Từ lâu khoa học đã chứng minh rằng thiếu các mối quan hệ thân thiết cũng là một yếu tố đe dọa đến tính mạng chẳng kém gì việc hút thuốc lá. Vòng tròn quan hệ xã hội càng rộng thì chúng ta càng có khả năng tránh được chứng béo phì, cao huyết áp và những tình trạng sức khỏe tồi tệ khác. Bản chất và chiều sâu của mối dây liên kết giữa chúng ta đối với người khác cũng rất quan trọng: Mức độ hỗ trợ mà ta cảm thấy mình nhận được từ gia đình, bạn bè và một nửa yêu thương của mình sẽ giúp ta chống lại những hiểm họa về sức khỏe.

Purchase this image at https://www.stocksy.com/987234

Chúng ta có thể nhìn thấy những dấu hiệu nho nhỏ về việc tìm kiếm sự thân thiết ở khắp nơi, từ những bản mô tả cá nhân trên các trang hẹn hò trực tuyến, cho đến sự bùng nổ của các công cụ thể hiện lòng thành trên mạng xã hội cho ra đời một loạt những biểu tượng cảm xúc khác nhau. Tuy rằng những phương tiện đó có thể tạm thời xoa dịu nỗi khao khát được kết nối mà đa số con người đều có, nhưng sự gần gũi thật sự có vẻ khó tìm được trong thế giới mà những tin nhắn trao đổi và lời xin lỗi vì quá bận rộn đến mức không thể ở bên nhau đang dần thay thế những tương tác trong thời gian thực và tại không gian thực.

Sự gần gũi là món ăn “chậm” cho cảm xúc của chúng ta, một bữa ăn đầy yêu thương được nấu tỉ mỉ tại nhà, giữa thế giới của những cửa hàng thức ăn nhanh. Một trong những yếu tố cơ bản nhất của sự thân thiết là ta cần dành thời gian để đạt được điều đó. Quá trình mở lòng với người khác và khám phá bản thân đều đòi hỏi sự kiên trì cũng như lòng can đảm, và tốc độ không-vội-vã là điều thiết yếu để tạo dựng lòng tin.

Tình bạn cũng có chỗ cho sự thân thiết hệt như mối quan hệ tình cảm lãng mạn. Đó là lý do người ta thường bắt đầu như những người bạn rồi mới trở thành người yêu, cũng như tại sao những người yêu nhau thường tìm kiếm bạn bè để trút bầu tâm sự khi yêu thương tan dần. Một chú rể mới cưới đã nói với phóng viên của tờ New York Times rằng việc bắt đầu bằng tình bạn với cô dâu của mình đã cho phép anh “trò chuyện thoải mái hơn là nếu tôi phải tiếp cận cô ấy theo kiểu theo đuổi người yêu.”

Thường thì chúng ta kỳ vọng rằng người yêu sẽ thân thiết với ta hơn người bạn, cả về mặt tinh thần lẫn thể xác, nhưng sự thân thiết đều hiện diện trong cả 2 kiểu quan hệ này qua việc chia sẻ những bí mật, những cái chạm đầy quan tâm, những khoảnh khắc của nụ cười và nước mắt, cũng như những khoảng lặng đầy thấu hiểu. Vấn đề không chỉ là cách 2 người hành xử với nhau, mà còn ở cách họ khiến đối phương cảm nhận: gắn kết và thấu hiểu. Sự gần gũi là điều mà chúng ta tìm kiếm khi căng thẳng hoặc lúc ốm đau và cần được an ủi, nhưng đó cũng là lý do ta trân trọng việc được ở bên cạnh những người yêu thương trong những thời điểm dễ dàng hơn. Theo lời của nhà tâm lý học Harry Reis của Đại học Rochester, một chuyên gia về bản chất của sự thân thiết và những quá trình đằng sau nó, thì sự thân thiết là “điều mà đa số mọi người đều muốn có được trong đời sống xã hội của mình – đó là điều mà người ta hằng tìm kiếm.”

Phải làm thế nào để thật sự gần gũi với một con người khác, dù là trong tình yêu hay tình bạn? Và phải làm thế nào để suy trì sự thân thiết qua những chặng đường dài gian nan của đời người?

Sự thân thiết bắt đầu khi một người chia sẻ một điều mang ý nghĩa cảm xúc với một người khác. Trọng tâm của vấn đề là độ rủi ro. Người nói đang đánh liều tin tưởng vào cảm nhận rằng người nghe là đáng tín nhiệm – nhưng luôn có khả năng rằng thông điệp đầy ý nghĩa đó sẽ bị bỏ lỡ, phớt lờ hoặc không được đáp lại. Như vậy, bước đầu tiên của con đường tạo dựng sự thân thiết thường là một bước đi nguy hiểm. Thuyết thâm nhập xã hội chuyên định nghĩa các quá trình của mối quan hệ đã khẳng định rằng dù trong tình bạn hay tình yêu thì việc xây dựng sự thân thiết đều đòi hỏi ta phải tham gia khám phá. Ta liều lĩnh tiến lên với những thông tin bâng quơ để đánh giá phản ứng của đối phương. Một sự phản ứng tích cực sẽ khuyến khích ta bộc lộ bản thân nhiều hơn, mang đến nhiều xúc cảm đặc biệt hơn.

Các nhà nghiên cứu ví quá trình này như việc lột củ hành: gỡ bỏ từng lớp vỏ của bản thân và trao đi sự quan tâm cũng như hỗ trợ khi đối tượng thân thiết của mình cũng làm tương tự. Khi sự trao đổi này tiếp diễn, 2 người sẽ thay đổi qua lại giữa vị trí người thổ lộ và người lắng nghe, họ gầy dựng lòng tin, tình yêu thương, và đến một lúc nào đó, họ sẽ được xem là một cặp đôi.

Quá trình này mang lại cảm giác khó khăn về mặt tinh thần, vì ta đang dần dần cởi bỏ lớp phòng ngự mà mình đã duy trì từ thuở thiếu thời hoặc từ hồi mới lớn, khi ta học được cách che giấu những góc cạnh có thể khiến xã hội từ chối mình. Bạn không thể thật sự nghiêm túc trong tình yêu hoặc gọi ai đó là người bạn tâm giao cho đến khi bạn sẵn sàng nói cho người đó biết về những khoảnh khắc đen tối nhất trong cuộc đời mình. Mỗi bước tiến đến sự thân thiết thật sự là một cuộc cá cược. Thông tin mà bạn thổ lộ có thể bị sử dụng để làm bạn tổn thương.

Thế nhưng bạn đang đặt cược vào một thành quả ngọt ngào. Giáo sư tâm lý học James Cordova của Đại học Clark nói rằng, bên cạnh sự hồi hộp mà quá trình thổ lộ bản thân mang đến, “nếu đối phương phản ứng tích cực thì ta còn cảm nhận được một sự nhẹ nhõm hân hoan.” Lắng nghe với trái tim rộng mở và phản hồi với sự dịu dàng chứng tỏ rằng bạn xứng đáng với niềm tin mà người khác đặt nơi bạn.

Tìm Kiếm Sự Thân Thiết: Trò Chơi Hẹn Hò

Hẹn hò không khác gì một quá trình từ từ thổ lộ bản thân của cả 2 bên – đây mới là phần quan trọng, và ta có thể cảm nhận những rủi ro của việc thổ lộ bản thân đặc biệt chính xác trong suốt quá trình hẹn hò. Thiết lập sự thân thiết trong tình bạn thường diễn ra theo kiểu “chập chờn” đứt quãng chứ không theo bất kỳ quy tắc nào, trong khi việc hẹn hò thì ngổn ngang với những kỳ vọng và rối tung bởi các vấn đề về nhân dạng, sự cam kết cũng như thời gian: Mình muốn đạt được gì từ mối quan hệ này? Chúng mình là một cặp đôi như thế nào? Chúng mình có tương lai với nhau không?

Theo lời của giáo sư tâm lý học Steen Halling của Đại học Seattle – cũng là tác giả của Intimacy, Transcendence, and Psychology – thì nếu bạn thử chia sẻ một điều riêng tư nào đó và chuyện này không mang lại kết quả tốt đẹp gì, có thể bạn sẽ cảm nhận được cú chích đau nhói của sự phán xét. Chúng ta rất dễ có bước đi lạc nhịp trên con đường xây dựng sự thân thiết: Đối phương dò xét những bí mật sâu kín của bạn quá sớm, hoặc chia sẻ quá nhiều bí mật của bản thân. Vì vội vã tìm hiểu bạn, đối phương không thể thật sự hiểu bạn. Halling giải thích, “Bạn bị đặt ở vị trí người nhận sau cùng trong một kế hoạch và trở thành một trong những “dự án” của đối phương. Điều đó khiến bạn nghĩ rằng, ‘Mình có tiếng nói nào trong chuyện này không?’” Nguyện ý xây dựng sự thân thiết rất khác với việc cố ý xây dựng nó nhằm có được mối quan hệ.

Không phải ai tham gia hẹn hò cũng tìm kiếm sự thân thiết. Quan điểm truyền thống về tình yêu nhấn mạnh sự tin tưởng, chân thành, gắn kết và những dấu chỉ khác khác của sự gần gũi. Tuy nhiên, giáo sư tâm lý học Catherine Sanderson của Đại học Amherst đã phát hiện rằng người ta có thể hẹn hò vì nhiều lý do: để xoa dịu cảm giác cô lập xã hội, để tìm vui, hoặc để xây dựng lòng tự trọng cho riêng mình. Họ có thể ưu tiên những mục tiêu khác, ví dụ như sự nghiệp chẳng hạn, lên trên một mối quan hệ gần gũi, mà điều này đòi hỏi sự đầu tư về thời gian. Những mục tiêu phục vụ cho lợi ích của bản thân không có gì là sai trái, và người theo đuổi những mục tiêu đó không nhất thiết là người “có vấn đề nghiêm trọng về sự thân thiết” – ngay cả khi chúng xung đột với mục tiêu của bản thân bạn. Tốt hơn hết là bạn hãy tìm kiếm một mối quan hệ tập trung vào sự thân thiết ở một đối tượng khác.

Cũng có những người có vẻ không có khả năng gần gũi với người khác và liên tục bỏ qua những cơ hội xây dựng sự thân thiết. Họ có thể đã có kiểu gắn bó dè dặt trong quãng đời trước đó với những đối tượng đã từ chối họ, hoặc thờ ơ với nhu cầu của họ. Một nghiên cứu do nhà tâm lý học Phillip Shaver đã cho thấy những nguy cơ tiềm ẩn về việc xây dựng sự thân thiết là đặc biệt đáng sợ đối với kiểu người này; quá trình đó khơi dậy nỗi sợ bị chối bỏ, trừng phạt và mất tự chủ nơi họ. Theo lời của nhà tâm lý học Debra Mashek tại Đại học Harvey Mudd, hiện tượng trốn tránh sự thân thiết “bắt nguồn từ những khó khăn trong suốt một giai đoạn dài, cũng như từ nhu cầu bảo vệ bản thân. Đó là một phản ứng mang tính thích nghi.”

Ngay cả khi 2 người mở lòng để thiết lập sự thân thiết thì việc thể hiện sự chủ tâm quá rõ ràng có thể phản tác dụng. Halling nói, đó là khi một buổi hẹn hò kinh điển – đi ăn tối cùng nhau – trở nên kỳ cục. Kiểu hẹn hò này mang theo sức ép của việc chia sẻ thông tin và xét nét những phản ứng từ lời nói và cử chỉ của nhau; trong khi một hành động ít khoa trương hơn, như đi dạo hoặc cùng nhau làm chuyện gì đó vui vẻ chẳng hạn, có thể giải tỏa sự ngượng ngập mà vẫn tạo cơ hội để 2 người kết nối với nhau.

Hẹn hò trực tuyến có vẻ giúp người ta tránh được sự kỳ cục của việc gặp gỡ trực tiếp. Trao đổi trực tuyến cho phép – thậm chí là khuyến khích – 2 đối tượng tiềm năng có những thổ lộ thân mật. Tuy nhiên, theo Paul W. Eastwick đến từ Phòng Nghiên Cứu Sự Lôi Cuốn và Các Mối Quan Hệ tại Đại học California, quá trình nhắn tin qua lại kéo dài có thể làm mất đi sự hào hứng của việc tương tác mà không gợi ý về kiểu quan hệ mà 2 người sẽ có. Nhắn tin trong thời gian quá dài sẽ khiến các kỳ vọng lên cao quá mức thực tế. Ông nói, “Một khi cuộc gặp gỡ trực tiếp diễn ra, những kỳ vọng này có thể sẽ sụp đổ, mà chuyện này có thể khá khó chịu.” Không gian ảo không nào thể hiện được toàn bộ con người, “một phức hợp đầy nhiệt tình” – như một trang hẹn hò trực tuyết đã mô tả.

*Bài dịch độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng

Ad Gigi

*Nguồn: The Radical Thrill of Intimacy https://www.psychologytoday.com/articles/201701/the-radical-thrill-intimacy

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+