[ ]
Bạn muốn biết cách khiến người khác thích mình à? Việc này dễ hơn bạn nghĩ đấy.
Sau đây là 6 mẹo nhỏ nữa dựa trên các nghiên cứu khoa học:
1) Khuyến khích người khác nói về bản thân họ
Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng việc nói về bản thân – dù là trong cuộc trò chuyện cá nhân hay thông qua các trang mạng xã hội như Facebook và Twitter – giúp khơi gợi cảm giác thích thú trong não bộ giống như thức ăn hoặc tiền bạc.
“Việc giải bày cũng mang lại nhiều lợi ích khác,” nhà khoa học thần kinh Diana Tamir thuộc Đại học Harvard, người tiến hành các thí nghiệm cùng đồng nghiệp Jason Mitchell, cho biết. Những khám phá của họ được công bố trong Báo cáo của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ. Tamir nhận định, “Nhiều người thậm chí còn sẵn sàng bỏ tiền ra để nói về bản thân.”
2) Đưa ra phản hồi và đặt câu hỏi
Nếu bạn sử dụng câu hỏi để hướng đối phương chú ý đến những sai sót trong quá trình tư duy và cho tự họ tìm ra giải pháp, thì họ sẽ bớt e ngại hơn và có nhiều khả năng hoàn thành kế hoạch hơn.
Bạn không phải là người đi tìm vấn đề; chính họ mới là người đi tìm những lỗ hổng trong quá trình tư duy của chính họ. Bạn muốn đối phương sau khi đã suy ngẫm sâu hơn thì tự tìm ra những giả định hoặc quyết định bất hợp lý… Càng giúp được mọi người khám phá những hiểu biết của riêng họ thì bạn càng dễ giúp họ làm việc hiệu quả hơn, ngay cả khi ai đó mất bình tĩnh trong một dự án quan trọng. Giúp người khác nhận thức rõ bản chất vấn đề đồng nghĩa với việc bỏ đi “góp ý mang tính xây dựng” và thay bằng “tạo điều kiện cho sự thay đổi tích cực”.
3) Tìm lời khuyên
Giáo sư Jeffrey Pfeffer thuộc Đại học Standford, chuyên gia thuyết phục Robert Cialdini và nhiều người khác đều xem việc tìm lời khuyên như một công cụ cực kỳ hiệu quả giúp ảnh hưởng và tạo thiện cảm với mọi người.
Giáo sư Adam Grant thuộc Trường Wharton phân tích tính khoa học đằng sau khám phá này trong quyển sách tuyệt vời mang tên Give and Take: A Revolutionary Approach to Success như sau:
Nghiên cứu mới cho thấy việc tìm lời khuyên là một chiến lược hiệu quả đáng kinh ngạc giúp chúng ta tạo ảnh hưởng khi thiếu quyền lực. Trong một thí nghiệm, nhà nghiên cứu Katie Liljenquist cho mọi người thương lượng một cuộc mua bán tài sản thương mại khả thi. Khi những người bán tập trung vào mục tiêu bán được giá cao nhất có thể thì chỉ có 8% số người thỏa thuận thành công. Nhưng khi người bán hỏi ý kiến người mua về cách đáp ứng các mục tiêu của họ thì có tới 42% số người thỏa thuận thành công. Việc tìm lời khuyên khuyến khích sự hợp tác và chia sẻ thông tin tốt hơn, biến một cuộc thương lượng có nguy cơ gây tranh cãi thành một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên. Các nghiên cứu cũng chứng minh rằng trong ngành sản xuất, dịch vụ tài chính, bảo hiểm và dược phẩm thì tìm lời khuyên là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất giúp tác động đến đồng nghiệp, cấp trên và cấp dưới.
4) Kỹ thuật Hai Câu Hỏi
Hãy đặt câu hỏi tích cực liên quan đến cuộc sống của đối phương. Chỉ sau khi họ trả lời thì bạn mới nên hỏi cảm nhận của họ về cuộc sống nói chung.
Nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng phương pháp này dựa trên nghiên cứu của Daniel Kahneman, nhà tâm lý học từng đạt giải Nobel.
Câu trả lời tích cực ở câu hỏi đầu sẽ giúp họ thấy lạc quan hơn về cuộc sống nói chung khi bạn hỏi câu thứ hai.
Xu hướng tương tự cũng diễn ra khi các nhà nghiên cứu hỏi sinh viên về mối quan hệ giữa họ với cha mẹ hoặc vấn đề tài chính ngay trước khi hỏi về hạnh phúc nói chung. Trong cả hai trường hợp, phần lớn các báo cáo về hạnh phúc thể hiện sự hài lòng ở một lĩnh vực nhất định. Bất kỳ câu hỏi quan trọng liên quan đến cảm xúc nào làm biến đổi tâm trạng của một người thì cũng sẽ có tác dụng tương đương.
5) Lặp lại 3 từ cuối
Trước đây tôi đã đăng một bài viết về khả năng phi thường của việc lắng nghe chủ động và cách nhà đàm phán giải cứu con tin dùng nó để xây dựng mối quan hệ.
Đâu là cách nhanh chóng để không cần tập luyện mà vẫn biết lắng nghe chủ động?
Tác giả Leil Lowndes, chuyên gia về kỹ năng xã hội khuyên chúng ta áp dụng phép lặp đơn giản.
… chỉ cần lặp lại 2 hoặc 3 từ cuối của đối phương bằng một giọng vừa đồng tình vừa dò hỏi, tức là bạn ném trả quả bóng đối thoại về phía đối phương.
Hành động này thể hiện bạn đang lắng nghe, quan tâm và cho đối phương kể tiếp câu chuyện của họ.
Phép lặp này đòi hỏi bạn phải hiểu biết chút ít về nó, song hiệu quả nó mang lại rất đáng kinh ngạc.
6) Nói chuyện phiếm – một cách tích cực
Việc đưa ra lời khen giúp đối phương có cái nhìn tích cực về bạn. Việc phàn nàn khiến bạn có thể phải tiếp xúc với những đặc điểm tiêu cực mà mình không thích.
Khi bạn bàn tán về một người khác, người nghe sẽ vô thức liên kết các đặc điểm mà bạn đang mô tả với con người bạn và cuối cùng họ “chuyển” những đặc điểm này sang bạn. Vì vậy, hãy nói những điều tích cực và tử tế về bạn bè đồng nghiệp và người khác sẽ xem bạn là người tử tế. Ngược lại, nếu liên tục phàn nàn về sai lầm của người khác thì mọi người sẽ vô thức gắn đặc điểm tiêu cực và sự thiếu năng lực này với chính bạn.
Tác giả: Eric Barker
Nguồn dịch: UBand.cool