Làm Thế Nào Để Lãnh Đạo Người Khác Hiệu Quả?

Trong thời đại hiện nay, kỹ năng lãnh đạo ngày càng trở thành một kỹ năng quan trọng nếu bạn muốn có được thành công trong sự nghiệp. Trên thực tế, có rất ít những người có tài lãnh đạo bẩm sinh. Hầu hết các nhà lãnh đạo đều phải chịu trách nhiệm cho việc tự rèn luyện bản thân mình để trở nên có tầm ảnh hưởng và lãnh đạo người khác một cách hiệu quả. Cho dù bạn học từ những kinh nghiệm của người đi trước, của những nhà lãnh đạo nổi tiếng hay học từ những trải nghiệm của chính bản thân mình thì trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả là do sự luyện tập và nỗ lực mà thành, không phải đơn thuần do kiến thức mà bạn biết. Dưới đây là một số phương pháp giúp bạn có thể rèn luyện, cải thiện khả năng lãnh đạo của mình để làm việc hiệu quả với những người xung quanh và đạt được những thành tựu trong công việc:

1. Bắt đầu với sự tán dương và công nhận chân thành: Chúng ta thường làm việc một cách đối phó khi tiếp nhận những lời chỉ trích hoặc khi có một người lãnh đạo, cấp trên độc đoán. Vì vậy, nếu bạn đang ở vị trí lãnh đạo và muốn người khác làm việc với sự nhiệt tình và hăng say, hãy tích cực khen ngợi và công nhận những cố gắng nỗ lực của họ.

2. Đề cập tới những lỗi sai của người khác một cách gián tiếp: Không ai trong chúng ta mong muốn mắc phải sai lầm, đặc biệt là khi sai lầm đó được nhắc tới trước mặt rất nhiều người. Khiển trách và quát mắng chỉ khiến cho người mắc lỗi cảm thấy bị bẽ mặt và ảnh hưởng tới danh dự, chứ không có tác dụng khiến họ muốn nhận lỗi và sửa sai. Thay vào đó, bạn hãy chỉ cho họ thấy những lỗi sai một cách tinh tế và gián tiếp, đồng thời cho họ thấy việc sửa sai là điều bình thường và không có gì cần phải lo lắng, họ sẽ ngầm biết ơn bạn và vui vẻ cải thiện lỗi sai của mình. Hơn nữa, khi tâm lý sợ sai không còn, những nhân viên cấp dưới sẽ sẵn sàng dấn thân vào những cơ hội mới, phát triển năng lực sáng tạo, đổi mới và sự say mê trong công việc.

3. Nhận lỗi của bản thân trước khi chỉ trích người khác: Thông thường, chúng ta không muốn gánh tất cả mọi trách nhiệm trên vai hay nhận mọi lỗi sai về phần mình, đặc biệt là trong rất nhiều trường hợp người lãnh đạo, cấp trên có xu hướng đổ mọi lỗi lầm lên đầu nhân viên, cấp dưới. Do vậy khi có chuyện nào đó nằm ngoài dự tính xảy ra, việc nhận một phần trách nhiệm của nhà lãnh đạo có thể giúp lấy được thiện cảm từ những người đồng nghiệp và cấp dưới, từ đó có được cho mình nhiều sự tôn trọng và tín nhiệm hơn.

4. Hãy đặt câu hỏi thay vì đưa ra chỉ thị trực tiếp: Con người là những cá thể độc lập và không ai trong chúng ta hứng thú với việc làm theo chỉ thị hay sự áp đặt của người khác. Nếu bạn gợi ý và đưa cho cấp dưới những sự lựa chọn, họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn, sự tự tin và độc lập trong công việc của họ theo đó cũng tăng lên đi kèm với tinh thần chủ động và hiệu quả khi làm việc.

5. Luôn chú ý giữ thể diện cho cấp dưới: Không có điều gì hủy hoại phẩm giá, lòng tự trọng của một người hơn việc xúc phạm đến danh dự và niềm tự hào của người đó. Nếu bạn không chê trách cấp dưới trước mặt những đồng nghiệp, nhân viên khác mà khéo léo xử lý những vấn đề của họ ở nơi riêng tư, họ sẽ có thêm động lực và sự tự tin trong công việc để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.

6. Khen ngợi cấp dưới với bất kỳ sự tiến bộ nào dù là nhỏ nhất: Con người luôn yêu thích việc nhận được lời khen và sự ngưỡng mộ từ người khác, đây là một nhu cầu tâm lý cơ bản theo tháp nhu cầu của Maslow. Người nào đó đã từng nói: “Khả năng của một người sẽ héo mòn dưới những chỉ trích nhưng sẽ nở rộ bởi những lời khen ngợi từ người xung quanh.” Chính vì thế, nếu bạn thực sự mong muốn nhân viên, đồng nghiệp cấp dưới cải thiện công việc của mình, cách hiệu quả để giúp họ chính là động viên họ trước mỗi sự tiến bộ mà họ làm được.

7. Công nhận mỗi nhân viên cấp dưới với một ưu điểm của riêng họ: Nếu chúng ta đưa cho người khác một danh hiệu tích cực của riêng mình, ví dụ như: trung thực, chăm chỉ, sáng tạo, trách nhiệm…, họ sẽ có xu hướng cố gắng làm việc và bảo vệ danh hiệu đó để chứng tỏ rằng mình xứng đáng. Việc này sẽ giúp gia tăng sự tự tin và lòng tự trọng của mỗi người, từ đó giúp họ hoàn thành công việc xuất sắc hơn.

8. Khiến cho người khác cảm thấy vui vẻ khi làm một việc mà bạn gợi ý: Nếu bạn mong muốn trở thành một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng và lãnh đạo người khác hiệu quả, bạn phải học cách để khiến cho mong muốn, khao khát, mục đích chung của cả đội nhóm, tổ chức mình lãnh đạo thỏa mãn những mong muốn, khao khát, mục đích cá nhân của mỗi thành viên trong đội nhóm đó.

*Biên tập bởi Tâm Lý Học Ứng Dụng

– Ad Milcah –

[ ]
Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+