[Tham Vấn Tâm Lý] Làm Gì Khi Luôn Nghi Ngờ Bản Thân?

[Hỏi] Mình có rất nhiều vấn đề.

Thứ nhất, từ khi lên đại học đến giờ, mình không có 1 đứa bạn thân chí cốt nào cả, kiểu người mà có thể làm chỗ dựa cho mình, tâm sự bất kì cái gì. Mình không biết tại sao. Trước khi mình học đại học mình có, mặc dù thế nhưng lúc nào mình cảm thấy bản thân cô độc, không ai mình có thể tin tưởng. Như thế mình bị vấn đề gì không?

Thứ hai, mình rất hay lo lắng, nhất là năm cấp 2, 3 khi mỗi buổi tối đi ngủ mình lo sợ nhiều lắm, mình sợ trộm cắp vào nhà, rồi nhiều điều kinh khủng xảy ra với gia đình mình, khiến mình luôn mất ngủ, rất khó ngủ. Bây giờ lên đại học, mình không còn như vậy nhưng mỗi lần về quê ngủ mình lại lo sợ như vậy. Mình bị làm sao và có cách nào giúp mình vượt qua?

Thứ ba, mình cảm thấy mình là người không tin bản thân và những người khác. Khi trong 1 buổi họp hay câu chuyện gì đấy, mình nghe thấy nội dung người nói truyền tải rồi nhưng lúc nào cũng hỏi lại rất nhiều người cho chắc, đôi khi bị mọi người nói là không tập trung nghe à. Tại vì mình không tin tưởng vào bản thân nghe có đúng không, sợ làm sai gì đó. Xin hỏi mình mắc bệnh gì không?

Thứ tư, có bao giờ có 1 tình yêu đẹp lãng mạn và 1 công việc, sự nghiệp thành công cho người con gái?

Thứ năm, mình rất hay yêu, quý, thích mọi thứ xung quanh, luôn nỗ lực hết mình làm việc gì đó. Nhưng đôi lúc mình thấy cái gì nó cũng buồn nôn, và tởm. Mình có bị làm sao không?

Cảm ơn các thành viên trong ban admin lắng nghe, rất mong nhận được sự trả lời, tư vấn từ các vị chuyên gia. Mình cảm ơn. Chúc các thành viên trong page một năm mới mọi điều tốt lành, vui vẻ và thành công trong năm 2017!!! (Mo Phạm)

[Đáp]

Chào Mo Phạm,

Cảm ơn bạn đã gửi những chia sẻ của mình đến Tâm Lý Học Ứng Dụng.

Qua chia sẻ của bạn, Milcah thấy rằng bạn đang có rất nhiều băn khoăn, khúc mắc về bản thân mình, từ viêc cảm thấy mình cô độc”, “lo sợ đủ thứ”, cho đến việc “không tin tưởng bản thân và người khác”, “cảm thấy buồn nôn, và tởm”. Trong 5 câu hỏi của bạn thì đã có tới 4 câu hỏi thể hiện sự nghi ngờ về bản thân như “bị làm sao không”, “bị vấn đề gì không”, “mắc bệnh gì không”, “làm sao để vượt qua”. Vậy nếu nhận định đúng thì vấn đề thực sự ở đây là bạn gặp khó khăn trong việc tin tưởng bản thân, và những câu hỏi của bạn ở trên chỉ là hệ lụy của điều này.

Niềm tin đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống và sự phát triển của mỗi người. Khi sự tự tin được xây dựng từ bên trong thì bạn sẽ dễ dàng trao đi niềm tin cho những người xung quanh và ngược lại họ cũng sẽ có thêm niềm tin ở bạn. Còn khi bạn tự ti về bản thân, bạn khó tin tưởng người khác hơn, điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ mà còn cản trở sự phát triển của chính bạn (về tinh thần, thái độ, thể chất, cơ hội học hỏi, giao lưu, khả năng thấu hiểu và diễn đạt).

Vậy nếu liên hệ với các câu hỏi bên trên, bạn sẽ thấy:

  • Thứ nhất, nếu bạn không tin tưởng chính mình, làm sao bạn có thể tin tưởng người khác? Điều này lý giải vì sao bạn luôn cảm thấy cô độc dù thời gian trước khi học đại học đã từng có bạn thân.
  • Thứ hai, nếu bạn không tin tưởng chính mình, bạn sẽ có xu hướng suy nghĩ những điều tiêu cực xảy đến với mình và lo lắng vì không nghĩ mình có khả năng đương đầu với những tình huống đó.
  • Thứ ba, nếu bạn không tin tưởng chính mình, bạn cũng rất sợ mình làm sai, sợ mình thất bại. Mặc dù không phủ nhận rằng nỗi sợ thất bại, sợ sai là một nỗi sợ hoàn toàn tự nhiên và bất kỳ người nào, lúc này hay lúc khác, đều có thể gặp phải. Tuy nhiên nếu để nỗi sợ đó lấn át đến mức ám ảnh hay gây ảnh hưởng đến cuộc sống của mình thì lại là điều bạn cần lưu ý để cải thiện.
  • Thứ tư, nếu bạn không tin tưởng chính mình, bạn sẽ nghi ngờ việc bạn có thể đạt được những thành tựu nhất định trong cuộc sống như “tình yêu lãng mạn” hay “sự nghiệp thành đạt cho một người con gái”.
  • Thứ năm, với câu hỏi này Milcah sẽ để bạn tự liên hệ, vì những thông tin bạn cung cấp chưa rõ ràng để Milcah có thể nhận định rõ vấn đề bạn đang gặp.

Có thể thấy rằng bạn đang gặp một vấn đề mà nhiều người ở ngoài kia cũng hay gặp, đó là luôn luôn nghi ngờ bản thân mình. Sự nghi ngờ bản thân của bạn có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, đa phần là từ một hoặc một vài sự kiện mà bạn đã trải qua trong quá khứ. Để cải thiện tình trạng của mình, bạn cần tự nhận thức được sự thiếu tự tin ấy đến từ đâu bằng một số câu hỏi sau:

  • Mình bắt đầu nghi ngờ bản thân/người khác từ khi nào?
  • Điều gì/ sự kiện nào trong quá khứ đã khiến cho mình khó tin tưởng bản thân/người khác?
  • Những suy nghĩ, hành động, thái độ nào thể hiện rằng mình đang không tin tưởng bản thân/người khác?

Một khi đã nhận thức được nguyên nhân dẫn tới sự thiếu tin tưởng, cũng như nhận thức được trong trường hợp, hoàn cảnh nào mình có những hành động, suy nghĩ thiếu tin tưởng, bạn sẽ biết cách tự điều chỉnh nó bằng việc luyện tập niềm tin cùa chính mình.

Như vậy, với từng câu hỏi của bạn Milcah và Edward sẽ có gợi ý như sau:

  • Thứ nhất: Làm thế nào để có bạn thân?

Lựa chọn mạnh dạn mở lòng với mọi người xung quanh và cuối cùng người phù hợp với bạn, để bạn có thể tin tưởng chia sẻ mọi điều sẽ xuất hiện. Theo “luật hấp dẫn” thì những gì giống nhau sẽ thu hút nhau. Tuy nhiên cũng phải xét tới yếu tố khách quan, đại học là môi trường học tập mở, và đặc điểm của việc học tín chỉ sẽ khiến bạn khó kết thân với một ai đó bởi mỗi người có lộ trình học tập riêng.

Trong trường hợp này, bạn cũng đừng nên kỳ vọng mình phải có 1 người bạn thân ở đại học mà hãy để mọi thứ thuận theo tự nhiên. Bên cạnh đó bạn vẫn còn những người bạn thân trước đây để chia sẻ, trò chuyện, xây dựng lòng tin. Với những điều khó nói bạn hoàn toàn có thể tập thói quen viết nhật ký cũng sẽ rất tốt để bạn nhìn nhận lại bản thân và rèn luyện sự tin tưởng cho mình.

  • Thứ hai: Làm thế nào để hết lo lắng?

Luyện tập viết về những nỗi sợ của mình. Bạn hãy viết hết tất cả những gì bạn lo lắng, và mọi tác nhân khiến bạn cảm thấy mình không thể đạt được bất cứ thứ gì, sau đó đọc lại chúng và tự hỏi bao nhiêu trong số đó là những điều có lý, và bao nhiêu là sản phẩm của suy nghĩ tiêu cực. Phần lớn là suy nghĩ những điều tiêu cực, những nỗi sợ thực tế hiếm khi xảy ra.

Bên cạnh đó, có rất nhiều liệu pháp giúp bạn hết lo lắng, chẳng hạn như hít thở sâu, dành thời gian đi dạo 15 – 30 phút vào buổi tối. Thực hành thiền định trước khi đi ngủ khoảng 10 – 30 phút, hay tập Yoga. Tất cả những phương pháp liên quan đến hơi thở đều giúp bạn giải quyết sự lo lắng.

  • Thứ ba: Làm thế nào để tập trung tốt hơn?

Có những người có tính cách kĩ tính, vì thế thường hỏi lại mọi người cho chắc ăn. Cho nên, bạn cần luyện tập việc chuẩn bị từ trước. Khi chuẩn bị tốt hơn, nắm rõ các thông tin cơ bản thì trong các buổi họp, bạn nắm vững thông tin hơn, từ đó cũng sẽ ít bị hỏi lại hơn và ít bị mọi người nói là mất tập trung.

  • Thứ tư: Con gái liệu có hạnh phúc và thành công?

Câu trả lời là “TÙY“. Nếu bạn đủ tin tưởng bản thân và không ngừng cố gắng, nỗ lực, kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình thì bạn hoàn toàn có khả năng đạt được tất cả những gì bạn mong muốn trong cuộc sống! Và ngược lại, nếu bạn luôn nghi ngờ bản thân mình thì không bao giờ bạn đạt được những điều mình mong ước.

Cuối cùng, các ad biết rằng bạn đang gặp trở ngại về tâm lý. Bạn nên bình tĩnh, thoải mái, yêu thương bản thân mình nhiều hơn. Bạn có thể tìm thử cuốn sách “Đừng Để Trầm Cảm Tấn Công Bạn” và “Quẳng Gánh Lo Âu Đi Mà Vui Sống” để đọc. Đây là hai quyển sách rất hay giúp bạn bớt lo lắng, nghi ngờ bản thân, và học cách lạc quan, nỗ lực tiến lên từng bước một.

Chúc bạn sớm tìm được cho mình sự tự tin và tận hưởng nhiều niềm vui trong cuộc sống nhé!

Thân mến,

**********

*Tham vấn tâm lý độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng

– Ad Milcah + Edward –

*Nếu bạn có bất kì vấn đề tâm lý nào cần hỗ trợ, hãy chia sẻ với chúng tôi tại đây: https://airtable.com/shr6Rm3y4do6mfjGb 

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+