Chúng ta đều biết bộ nhớ của con người vốn không ổn định, những câu chuyện của chúng ta luôn thay đổi và được liên tục cập nhật, biên soạn lại. Khi anh chị em của tôi và tôi nói về những kỷ niệm thời thơ ấu của mình, chúng tôi luôn cảm giác rằng dường như mỗi người đã lớn lên trong các gia đình khác nhau vì nhiều kỷ niệm của chúng tôi không trùng khớp với nhau. Những hồi tưởng cá nhân thường không phản ánh chính xác thực tế đã xảy ra mà chỉ là những câu chuyện ta kể để truyền đạt trải nghiệm cá nhân của mình.
Năng lực phi thường của tâm trí con người để viết lại ký ức được minh họa trong Nghiên cứu về sự phát triển ở người trưởng thành (Grant Study of Adult Development), những người thực hiện nghiên cứu đã theo dõi một cách có hệ thống về sức khỏe tâm lý và thể chất của hơn 200 nam sinh viên năm hai trường Harvard từ năm 1939-1944 đến hiện tại. Tất nhiên những người đề ra nghiên cứu này không thể lường trước được là hầu hết những đối tượng tham gia nghiên cứu sẽ tham gia chiến đấu trong Thế chiến thứ hai, nhưng bây giờ chúng ta có thể theo dõi sự tiến triển của những ký ức thời chiến của họ. Những người tham gia nghiên cứu được phỏng vấn chi tiết hai lần về các trải nghiệm chiến tranh của họ, lần đầu vào những năm 1945-1946, lần thứ hai vào năm 1989-1990.
Trong lần phỏng vấn thứ hai, tức 45 năm sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, ký ức khốc liệt của chiến tranh đã dần phai nhạt theo thời gian trong tâm trí của phần lớn những người đàn ông này, nhưng riêng những người đã bị sang chấn và sau đó phát triển PTSD thì những câu chuyện chiến tranh họ kể vẫn nguyên vẹn sau 45 năm.
Ta đặc biệt ghi nhớ một sự kiện nào đó và ký ức của ta về nó chính xác đến mức nào phần lớn đều phụ thuộc vào ý nghĩa cá nhân và cảm xúc của ta về sự kiện đó ra sao. Yếu tố then chốt là mức độ kích thích của chúng ta. Tất cả chúng ta đều có những kỷ niệm liên quan đến những con người, bài hát, mùi vị và địa điểm đặc biệt lưu lại trong tâm trí ta một thời gian dài. Nhiều người Mỹ có những kỷ niệm chính xác về nơi họ đã ở và những gì họ đã thấy vào ngày thứ Ba 11/9/2001 khi tòa tháp đôi bị tấn công, nhưng chỉ một phần nhỏ trong số họ là nhớ được cụ thể bất cứ điều gì xảy ra trong ngày 10/9.
Ta thường sẽ quên hết những trải nghiệm quen thuộc, thường nhật. Vào những ngày như mọi ngày, ta thường không có gì nhiều để kể. Tâm trí chúng ta hoạt động theo các sơ đồ hoặc bản đồ. Những sự cố nằm ngoài các khuôn mẫu đã được thiết lập thường thu hút sự chú ý của chúng ta. Nếu chúng ta được tăng lương hoặc bạn bè cho chúng ta biết một số tin tức thú vị nào đó, ta sẽ nhớ về thời điểm ấy, ít nhất là trong một khoảng thời gian. Chúng ta thường nhớ “dai” nhất những lời xúc phạm, lăng mạ mình: Adrenaline mà chúng ta tiết ra để tự vệ trước các mối đe dọa tiềm ẩn đã giúp ta khắc ghi những sự cố đó vào tâm trí mình. Dù ta có thể không còn nhớ rõ lời xúc phạm ấy nhưng ta vẫn sẽ ghét “tác giả” của lời xúc phạm ấy suốt một thời gian dài.
Khi chứng kiến điều gì đó đáng sợ, ví dụ một đứa trẻ hoặc một người bạn của ta bị thương trong một vụ tai nạn, ta sẽ nhớ rất lâu, nhớ rất rõ sự việc ấy. Như James McGaugh và các đồng nghiệp đã chỉ ra rằng ta càng tiết ra nhiều adrenaline thì bộ nhớ của ta sẽ càng chính xác. Nhưng điều đó chỉ đúng khi đến một điểm nhất định. Khi ta phải đối mặt với nỗi khiếp sợ, đặc biệt là khiếp sợ “cú sốc không thể tránh khỏi”, thì hệ thống này trở nên quá tải và tan vỡ.
Tất nhiên, chúng ta không thể theo dõi những gì xảy ra trong lần sang chấn, nhưng chúng ta có thể kích hoạt lại sang chấn trong phòng thí nghiệm. Khi các dấu hiệu về ký ức của âm thanh, hình ảnh và cảm giác ban đầu được tái kích hoạt, thùy trán sẽ tắt, kể cả vùng não cần thiết để diễn đạt cảm xúc thành lời nói, khu vực tạo ra cảm giác về vị trí của chúng ta trong thời gian, vùng đồi thị, nơi kết hợp các dữ liệu thô của những cảm giác cũng tắt.
Tại thời điểm này, bộ não cảm xúc, nơi không được kiểm soát có ý thức và không thể giao tiếp bằng lời, sẽ nắm quyền chi phối. Bộ não cảm xúc (vùng limbic và thân não) thể hiện sự kích hoạt của nó thông qua những thay đổi trong kích thích cảm xúc, sinh lý cơ thể và hoạt động cơ bắp. Trong điều kiện bình thường, hai hệ thống bộ nhớ này – lý trí và cảm xúc – hợp tác với nhau để tạo ra một phản ứng tích hợp. Nhưng sự kích thích mạnh mẽ không chỉ làm thay đổi sự cân bằng giữa chúng, mà còn ngắt kết nối các vùng não khác cần thiết cho việc lưu trữ và hợp nhất thông tin đầu vào, ví dụ vùng hồi hải mã và vùng đồi thị. Kết quả là những dấu ấn của những trải nghiệm sang chấn không được tổ chức thành câu chuyện liền mạch hợp lý, mà trở thành những dấu vết cảm xúc và cảm giác rời rạc: hình ảnh, âm thanh và cảm giác thể chất.
Nguồn: Sách “Sang chấn tâm lý”
Sưu tầm và biên soạn bởi đội ngũ Tâm Lý Học Ứng Dụng