Kỷ luật với bản thân, cái giá của thành công

Khi còn trẻ, Tiến sĩ Covey được hướng theo nghề kinh doanh khách sạn của gia đình, song đó không phải là con đường dành cho ông. Ông muốn góp phần tạo ra sự khác biệt – trở thành một người thầy, cống hiến cuộc đời mình cho công cuộc khai phá tiềm năng con người. “Mỗi một con người đều quý giá, được ban tặng khả năng và tiềm năng to lớn, gần như vô tận,” ông viết.

Vì vậy mà ông theo học cao học tại Harvard, trở thành giảng viên đại học, và rồi mở rộng tầm ảnh hưởng của mình với vai trò tư vấn cho các nhà lãnh đạo trong kinh doanh và chính phủ. Thông qua việc xuất bản quyển The 7 Habbits of Hightly Effective People (7 Thói Quen Của Người Thành Đạt) năm 1989, vốn được nhiều người xem là quyển sách có tầm ảnh hưởng nhất thời đại chúng ta, Tiến sĩ Covey đã – và vẫn tiếp tục – tác động đến toàn thế giới. Quyển sách “Tinh Hoa Thành Công” cùng nhiều quyển khác của ông hiện diện trong các gia đình và thư viện văn phòng khắp mọi nơi, theo đúng nghĩa đen.

Mặc dù Tiến sĩ Covey đã qua đời, nhưng ông đã để lại cho chúng ta nhiều điều hữu ích từ những bài học bất hủ rằng chân lý là chân lý và hiển nhiên, rằng bạn không thể sống mà không có nguyên tắc và mong đợi cuộc sống thích ứng với bạn, và rằng cuộc đời bạn là một đặc ân mà bạn có thể lãng phí vào những thứ tầm thường hoặc dồn sức cho điều vĩ đại. Một trong những bí quyết được coi là tinh hoa của những người thành công đến từ việc rèn luyện thói quen kỷ luật bản thân.

MUỐN ĐẠT THÀNH CÔNG, BẠN CẦN KỶ LUẬT BẢN THÂN ĐỂ VƯỢT QUA GIỚI HẠN CỦA CHÍNH MÌNH

Ngày nọ, trong phòng tập, tôi đang tập cùng một người bạn có bằng tiến sĩ ngành sinh lý học vận động. Anh đang tập trung rèn luyện thể lực. Anh bảo tôi để ý anh trong lúc anh tập một số động tác nằm đẩy tạ và bảo tôi sẽ có lúc anh nhờ tôi lấy tạ giúp. “Nhưng nhớ đừng làm cho đến khi mình bảo nhé,” anh dặn kỹ.

Thế là tôi quan sát và chuẩn bị sẵn sàng lấy cục tạ. Cục tạ nâng lên rồi hạ xuống, lên rồi xuống. Và tôi có thể thấy là việc này càng lúc càng khó khăn hơn. Nhưng anh vẫn tiếp tục tập. Anh bắt đầu đẩy tạ và tôi nghĩ, “Làm sao mà đẩy nổi.” Nhưng anh vẫn đẩy được. Rồi anh từ từ hạ nó xuống và bắt đầu nâng trở lại. Lên xuống, lên xuống.

Khi nhìn gương mặt anh đang căng ra vì gắng sức, các mạch máu nổi rõ qua làn da, tôi nghĩ, “Cục tạ sắp rớt xuống ngực cậu ấy rồi. Có lẽ mình nên nhấc nó lên. Có lẽ cậu ấy đã mất kiểm soát và không biết mình đang làm gì nữa.” Nhưng anh ấy hạ nó xuống an toàn, rồi bắt đầu đẩy nó lên trở lại. Không thể tin nổi.

Cuối cùng, lúc anh bảo tôi lấy cục tạ, tôi nói, “Tại sao cậu gắng sức lâu đến vậy?”

“Hầu như tất cả lợi ích của việc vận động đều nằm ở phút cuối cùng, Stephen à,” anh đáp. “Mình đang cố gắng rèn thể lực. Và cho đến khi các sợi cơ rã ra và các sợi thần kinh tiếp nhận cơn đau, thì thể lực mình mới tăng lên. Sau đó, các sợi cơ sẽ tự hồi phục, và trong vòng bốn mươi tám tiếng đồng hồ, nó sẽ mạnh hơn.”

Giờ đây, cùng nguyên tắc ấy áp dụng vào các cơ bắp cảm xúc, như lòng kiên nhẫn. Khi bạn tập tính kiên nhẫn vượt qua giới hạn trước đó, sợi cảm xúc vỡ ra, tự hồi phục sau đó, và lần sau, sợi cảm xúc ấy mạnh mẽ hơn.

7 ĐÚC KẾT VỀ  KỶ LUẬT BẢN THÂN CỦA STEPHEN R. COVEY

1. Sáng nào cũng vậy, tôi đều nỗ lực chiến thắng cái tôi gọi là “thắng lợi cá nhân.” Tôi vừa đạp xe vừa tập thể dục trong phòng vừa đọc Kinh Thánh ít nhất ba mươi phút. Sau đó, tôi bơi hùng hục trong mười lăm phút, rồi tập yoga ở chỗ nước cạn của hồ bơi trong mười lăm phút. Tiếp đó, tôi cầu nguyện bằng tinh thần lắng nghe, chủ yếu lắng nghe lương tâm trong lúc hình dung những việc còn lại trong ngày, bao gồm những việc quan trọng trong nghề và các mối quan hệ then chốt với những người tôi yêu quý, cộng sự và khách hàng. Tôi cảm thấy mình đang sống theo những nguyên tắc đúng đắn và đạt được những mục tiêu giá trị.

2. Hãy lắng nghe lương tâm về những điều mà bạn biết mình nên làm, rồi bắt đầu từ việc nhỏ trước – đưa ra lời hứa và giữ lời. Rồi tiếp tục đưa ra lời hứa lớn hơn và giữ lời hứa đó. Cuối cùng, bạn sẽ phát hiện ra rằng ý thức danh dự lớn hơn tâm trạng, và điều đó sẽ cho bạn sự tự tin và hứng khởi để tiếp tục chuyển sang những khía cạnh khác mà bạn cảm thấy mình cần cải thiện hoặc hỗ trợ.

3. Hầu hết mọi người đánh đồng kỷ luật với mất tự do. Thực tế ngược lại, chỉ người có kỷ luật mới thực sự tự do. Người vô kỷ luật là nô lệ của tâm trạng, sự ham muốn và những xúc cảm mãnh liệt.

4. Hầu hết mọi người nói lỗi lầm của họ là thiếu tính kỷ luật. Ngẫm nghĩ sâu hơn, tôi tin rằng đó không phải là vấn đề. Vấn đề cơ bản là họ không “ươm” những điều ưu tiên vào trái tim lẫn trí óc của mình.

5. Lên kế hoạch hàng tuần giúp cân bằng tốt hơn là lên kế hoạch hàng ngày. Hầu hết mọi người đều tính theo tuần. Dường như có một sự công nhận ngầm lâu đời rằng tuần lễ là đơn vị hoàn chỉnh duy nhất của thời gian. Kinh doanh, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác của xã hội đều hoạt động trong khuôn khổ tuần lễ. Hãy lên kế hoạch làm việc theo những ngày nhất định và những ngày khác để dành cho thư giãn hoặc lấy cảm hứng.

6. Thắng lợi cá nhân đi trước thắng lợi công khai. Tự chủ và kỷ luật bản thân là nền tảng tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với người khác.

7. Hãy tuyên chiến với khuynh hướng trì hoãn, vô kỷ luật, khuynh hướng yếu kém. Hãy thực hiện điều đó âm thầm – và tôi nói cho bạn biết, bạn sẽ “vã mồ hôi” cho mà xem; đó không phải là việc dễ dàng – đó là việc khó khăn nhất – nhưng hãy dành thời gian thực hiện nó và chứng kiến sự thẩm thấu và sức mạnh bước vào cuộc sống của bạn.

SỰ KHỞI ĐẦU – GIAI ĐOẠN KHÓ NHẤT TRÊN CON ĐƯỜNG KỶ LUẬT BẢN THÂN

Nhiều năm trước, chúng ta đều sững sờ trước những chuyến du hành lên mặt trăng. Những từ thậm xưng như “kỳ diệu” và “lạ thường” cũng không đủ để mô tả những ngày quan trọng ấy.

Những chuyến đi đến “thiên đường” đó ngốn nhiều sức lực và năng lượng nhất ở đâu? Đi bốn trăm ngàn kí-lô-mét đến mặt trăng ư? Quay trở lại trái đất ư? Quay quanh mặt trăng ư? Hay rời khỏi mặt trăng?

Không, không phải ở những lúc đó – thậm chí cũng không phải tất cả những lúc đó cộng lại với nhau. Mà chính là lúc rời khỏi trái đất. Năng lượng tiêu hao nhiều hơn trong vài phút đầu tiên rời khỏi bệ phóng, trong vài kí-lô-mét đầu của hành trình hơn là tám trăm ngàn kí-lô-mét trong vài ngày tiếp theo. Thói quen cũng có một lực hấp dẫn cực lớn kéo ta lại.

Phá vỡ những khuynh hướng cố hữu thấm sâu từ gốc rễ, như thói quen trì hoãn, sự thiếu kiên nhẫn, thói hay xoi mói, hay lối sống xa hoa, ích kỷ đòi hỏi rất nhiều ý chí và thay đổi trong cuộc sống của chúng ta. Quan trọng hơn hết, bạn phải đủ quyết tâm để vượt qua được giai đoạn đầu tiên – đoạn khó nhất trên con đường kỷ luật bản thân.

*Trích sách Tinh Hoa Thành Công – Tác giả: Stephen R. Covey

*Image: SCOOPWHOOP

*Biên tập bởi Tâm Lý Học Ứng Dụng

Rosie

Chia sẻ ý kiến của bạn:

2 Comments

  1. Hoang Thien 15/02/2019
  2. Viện 16/02/2019

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+